ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ NGHỆ THUẬT (P2)

 

Nổi bật trong biển thần thoại thuở ấy là các chuyện về thần Zeus, chúa tể của các thần và của loài người. Là vị chúa tể toàn năng, đức độ và trí tuệ siêu việt không thần nào bì kịp, Zeus có nhiều mối tình không chỉ với các thần mà cả với lê dân. Đáng lạ, những mối tình với dân đen này lại lừng lẫy hơn cả. Có thể kể, chẳng hạn mối tình đồng tính của Zeus với chàng trai Ganymède, con út của Tros, một trong những vị khởi xướng ý đồ và dựng nên thành Troie huyền thoại, nức tiếng khắp trên trời, trên đất và dưới biển là đẹp trai nhất trần gian lúc bấy giờ. Zeus mê chàng như điếu đổ, bèn thương lượng với cha chàng, cho mình nộp một đôi ngựa thần để được lấy cậu bé. Người cha bằng lòng, Zeus bèn biến thành một con đại bàng, sà xuống cánh đồng Troie, quắp lấy Ganymède, đem về đỉnh núi Olympe, ân ái với cậu. Sau đó, thần hóa phép cho cậu bất tử, trong vai người hầu rượu các thần, để được gần gụi cậu mãi mãi. Một chuyện ly kỳ khác liên quan đến Zeus là mối tình giữa hoàng tử Pélops và nam thần biển Poséidon. Pélops là con của vua Tantale, một con của Zeus - xin lưu ý, thời cổ Hy La, thần thánh và người trần sống chung trong muôn mối giao hòa thân thiện. Tantale được các thần ưu ái, đã lạm dụng điều đó, ăn cắp rượu và thức ăn của họ. Để chuộc lỗi, Tantale lấy con mình, Pélops, làm vật hiến sinh. Các thần không ủng hộ. Zeus bèn trừng phạt Tantale, đầy xuống địa ngục, rồi tìm cách lấy lại sinh mạng cho Pélops. Với tài năng và sự tận tụy của các thần, Zeus tái sinh Pélops thành một đấng nam nhi tuấn tú hơn người. Thần biển Poséidon vừa nhìn thấy chàng, đã say đắm tức khắc. Thần mời chàng lên một chiếc xe toàn ngựa vàng kéo, đưa chàng lên núi Olympe, và từ đấy kết tóc xe tơ với chàng. Noi gương Zeus, thần Poséidon cũng làm cho chàng trường sinh bất tử, để vĩnh cửu hóa mối tình cùng giới của họ. Chuyện tình cùng giới giữa Achille và Patrocle, na ná chuyện đồng tính luyến ái trong Anh hùng ca Gilgamestre, minh chứng thêm cho lý tưởng thẩm mỹ cổ đại, hay của muôn đời. Đó là sự hiền minh vậy.

Văn học bác học về đồng tính hiện diện từ thời Hy La cổ với những tên tuổi lẫy lừng cho tới bây giờ. Ovide, Homère, Virgile… ít nhiều đều đề cập đến các thần thoại kể trên. Có những thần thoại được các văn tài hậu thế, như Johann Wolgang von Goethe (1749-1832), đại thi hào Đức, hay Constantin Cavafy (1863-1933), thi sĩ lớn Hy Lạp, lấy lại theo những cảm nhận mới mẻ. Mảng này chỉ là một bộ phận rất nhỏ của văn chương đồng tính, nền văn chương đúng nghĩa hơn tất cả, nếu coi văn chương là phát ngôn của quảng đại dân thường. Nhìn tổng thể, bốn loại nhân vật đặc trưng nhất của văn học đồng tính phản ánh những vấn đề cốt lõi cũa xã hội chúng ta. Thứ nhất, kiểu nhân vật trụy lạc, gây ấn tượng mạnh nhất có lẽ trong Satyricon của văn sĩ Hy Lạp cổ Petrone (20-40 sau CN), bộ truyện hiện không còn nguyên vẹn, nhưng được không ít bậc thày văn chương hôm nay hâm mộ. Đây hẳn là kiệt tác văn xuôi đầu tiên của nhân loại, những người dân thường được miêu tả vô cùng sinh động, như những nạn nhân của thời bạo chúa Neron, một trong những khốn khổ của họ là tệ nạn giới chủ tìm nơi họ khoái cảm đồng tính bằng bất kỳ giá nào. Thú vui xác thịt là trên hết, đặc biệt trong quan hệ cùng giới, cứ thế tồn tại xuyên suốt lịch sử. Thứ hai, nhân vật quỷ dữ, ví như Vautrin trong Tấn trò đời của Balzac (1799-1850), mà đồng tính đầy mưu mô chỉ là một khía cạnh của bản chất gian manh của gã. Các nhân vật của cây bút Pháp khác, Jean Genet (1910-1986) dùng tình yêu cùng giới để tăng cường sự chống đối đã công khai của họ đối với các chuẩn mực mà xã hội muốn áp đặt cho họ. Nhân vật đồng tính ma quỷ thực chất là những nhà nổi loạn, có khả năng rung chuyển cả xã hội. Thứ ba, nhân vật nạn nhân, thì hoặc biết mình khác người, nhưng không dám thú nhận và âm thầm đau khổ - chẳng hạn nhân vật chính của Chết ở Venise của văn hào Đức Thomas Mann (1875-1955) - hoặc bị xã hội ngược đãi, nhưng có thể chống lại hay không chống lại - ví dụ, Maurice của nhà văn Anh EM. Forster ( 1879-1970), trong tiểu thuyết cùng tên mà đồng tính là chủ đề chính. Thứ tư là nhân vật đúng mực. Những người này coi tình yêu cùng giới của họ là chính đáng và bình thường. Họ có trách nhiệm với nó, không khoe khoang, cũng không phủ nhận. Có thể nghĩ tới một số nhân vật của triết gia Hy Lạp vĩ đại Platon (428-347), hay Zénon trong Công trình không chính danh, một tiểu thuyết hàng đầu của thế kỷ trước, của nữ văn hào Pháp Marguerite Yourcenar (1903-1987).

Vai trò của văn học đồng tính cũng bộc lộ dứt khoát và rõ ràng hơn so với nhiều mảng văn chương khác. Thứ nhất, nó gây cười, tiếng cười vui sống và tiếng cười xót xa của cay đắng cõi đời. Đáng kinh ngạc, nhà hài kịch La Mã Plaute (251-184 trước CN) vẫn vô địch về chất hài nhân văn và thâm thúy. Cốt truyện, tình huống và nhân vật kịch của ông được mọi thời đại ngưỡng mộ. Đồng tính luyến ái đã nâng tầm toàn diện các sáng tác của ông, bộ ký ức chân thực cho muôn đời sau của dân thường thực chất là nô lệ, thời ấy. Nhân vật Charlus trong Đi tìm thời gian đã mất của văn hào Pháp Marcel Proust (1871-1922) thường hóa thành lố bịch, cái lố bịch phơi bày bi kịch của đời y. Tiếng cười này bật lên không phải, như trong kịch Molière, từ những cảnh huống đáng cười, mà từ những uẩn khúc tâm hồn thầm kín, mà chính y không tự nhận biết, vì chưa đạt tới nhận chân rằng trong cõi thế chúng ta, các thần thánh và hệ tư tưởng đang mất thiêng dần và sụp đổ, giá trị lớn nhất là trí tuệ sáng tạo. Thứ hai, nó cuốn hút và gây trăn trở lương tri của nhân loại. Vautrin, một trong những nhân vật hớp hồn nhất của văn thương thế giới, trong Tấn trò đời của Balzac, cực kỳ xảo quyệt, dường như vì muốn mang lại hạnh phúc đầy đủ cho bạn tình cùng giới, mà dần dà thỏa hiệp và phục vụ thể chế man rợ mình từng kiên quyết chống lại. Dorian Gray trong Chân dung Dorian Gray của Oscar Wilde lại không thể vì tình yêu cùng giới mà xao lãng sự tôn thờ nghệ thuật, một trụ cột của xã hội. Mâu thuẫn giữa tình yêu và nghệ thuật lớn đến độ, Dorian Gray đã tự sát. Thứ ba, văn học đồng tính kích thích thương tâm và đồng cảm của xã hội. Hiệu ứng nạn nhân bộc lộ đặc biệt mãnh liệt qua truyện tranh, thể loại vốn dễ gần gũi với bạn đọc. Truyện tranh Nhật Bản, nhất là dòng yaoi, đang được vô cùng yêu thích, không chỉ ở xứ sở hoa anh đào. Do các nữ tác giả khởi xướng, dòng truyện tranh này phát lộ nhiều đau thương của đồng tính phái yếu, lay động hàng triệu trái tim khắp mọi chân trời góc bể về quyền được sống và được yêu theo mách bảo của trái tim bé bỏng... Thứ tư, đòi các quyền chính đáng cho tình yêu cùng giới, các quyền mà mọi người yêu khác giới nghiễm nhiên được hưởng với sự bảo vệ của pháp luật. Thơ ca tỏ rõ phù hợp nhất với sứ mệnh này, sứ mệnh được khẳng định hết sức mạnh mẽ trong nửa cuối TK XX. Tiêu biểu là tập Lá cỏ của thi hào Mỹ Walt Whitman (1819-1892), bài ca của lòng tin vào bản thân, của sự đường hoàng sống theo ý mình, trong đó, đồng tính luyến ái được vui thỏa điềm nhiên và trân trọng. Với ông, sự thống nhất trong bình đẳng giữa thể xác và tâm hồn, giữa con đực và con cái tạo nên thể chủ động của con người. Một điểm nữa khiến ông được suy tôn là nhà thơ Mỹ vĩ đại nhất và độc đáo nhất, ấy là ông tin rằng trong tương lai, vai trò của thi sĩ là áp đảo.

Đồng tính luyến ái trong điện ảnh

Đồng tính luyến ái nhịp bước cùng điện ảnh gần như ngay từ buổi đầu của nghệ thuật này. Nó thật sự nở rộ từ khi cuộc cách mạng phong tục bùng nổ trên toàn thế giới, tức từ những năm 60 thế kỷ trước. Ba trào lưu được cho là chủ đạo của điện ảnh đồng tính, thật đáng ngạc nhiên, đều cao quý và thấm đẫm nhân văn. Trào lưu thứ nhất: đồng tính là niềm vui thăng hoa hết cỡ. Bộ phim Điều cấm kỵ, 1999, của đạo diễn Nhật Bản Nagisa Oshima, sinh năm 1932, có thể được coi là một đại diện cho cách nhìn nhận không e dè đối với sức sống kỳ diệu mà tình yêu cùng giới mang lại. Trào lưu thứ hai: đồng tính là cái đẹp, là thẩm mỹ. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của, chẳng hạn Persona, 1966, của bậc thày người Thụy Điển Ingmar Bergman, sinh năm 1918, là một minh chứng hùng hồn. Trào lưu thứ ba: đồng tính là nhân bản và phải được bảo vệ cũng như tôn trọng, như một mạch sống thiết yếu của xã hội. Trào lưu này thực tế thường bao hàm hai trào lưu trên. Sự thực, đây là đấu tranh cho quyền được tồn tại công khai, đĩnh đạc và mãn nguyện của đồng tính luyến ái. Nhiệm vụ này, điện ảnh thực hiện vang dội hơn và hiệu quả hơn văn học. Đơn giản vì nghệ thuật thứ bảy đến với công chúng rộng rãi hơn nhiều, trực diện và nhanh chóng hơn nhiều. Từ khi đổ xô ồ ạt vào phim ảnh, đồng tính luyến ái đã sinh thành khá nhiều tác phẩm giá trị. Cuộc hôn phối giữa điện ảnh và văn chương trong mảng tình yêu vẫn bị nghi kỵ này cũng tỏ ra mỹ mãn đáng khâm phục. Thành tự gần đây nhất là Cuộc đời Adele của Abdellatif Kechiche, CH Pháp, Cành cọ vàng 2013, chuyển thể từ truyện tranh của Julie Maroch, Màu lơ là một màu nóng. Song điện ảnh đồng tính đã đạt được bước ngoặt lớn lao năm 2005, với Bí mật núi Brokeback của Ang Lee, tức Lý An.

Năm 1999, khi công bố truyện ngắn Bí mật núi Brokeback, nữ văn sĩ Mỹ Annie Proulx đã 64 tuổi. Truyện ngắn với một thông điệp nhân văn sâu thẳm đã khiến Ang Lee bật khóc nức nở. Ông dành hết tâm huyết và sức lực đưa bằng được câu chuyện đồng tính lên màn bạc. Phim liên tiếp dành nhiều giải thưởng, như Sư tử vàng, Quả cầu vàng, Oscar, với doanh thu không thua kém những phim ăn khách nhất bấy giờ. Nó đã được khẳng định là một thành công bền vững của nghệ thuật thứ bảy. Chuyện phim giản dị, nhưng chân thực hiếm thấy. Hai chàng trai nghèo khổ cùng được thuê lên núi Brokeback chăn cừu. Bao tâm tư dồn nén, phong cảnh quá hữu tình, nhu cầu yêu thương chưa được giải tỏa, hai người bất ngờ làm tình với nhau và phát hiện những xúc cảm thánh thiện kỳ lạ. Hết mùa chăn cừu, họ chia tay và đều cố gắng sống đúng thói đời: lấy vợ, sinh con, ổn định công việc. Bốn năm sau, ngẫu nhiên gặp lại, họ không cưỡng nổi mối tình bí ẩn. Họ thường nói dối vợ con, thỉnh thoảng lại lên núi Brokeback để được yêu thương và gần gũi hết mình. Một người rủ bạn tình bỏ trốn để được sống như vợ chồng, song người kia nhất định không chịu. Chuyện vụng trộm kéo dài gần 20 năm. Đến khi một người tạ thế, người ở lại thấy mình chỉ còn là cái xác thực vật vô nghĩa. Cho đến nay, khán giả khi xem lại phim, vẫn giật mình về một sự thật quái gở, ấy là con người mọi nơi mọi thời thường không dám là chính mình, để mặc cho cái vòng kim cô ước lệ xã hội hành hạ. Trong Bí mật núi Brokeback, sức mạnh ghê gớm của tình yêu đích thực phải khuất phục ước lệ xã hội, bất chấp tính phản khoa học và vô nhân đạo của những ước lệ ấy. Đằng sau đồng tính luyến ái, từ đó cô đúc thật thuyết phục về tình yêu đúng nghĩa của con người, về bản chất của hạnh phúc thực sự mà con người khao khát, bộ phim đề cập có lẽ không thể thâm trầm hơn về thân phận những kẻ nghèo hèn, những lớp người dưới đáy của xã hội. Nó tố cáo sự lì lợm của một xã hội bảo thủ, không chịu thay đổi, để mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân lao động, vốn đông đảo nhất trong tất cả các cộng đồng. Nó cho thấy bản lĩnh của một nghệ sĩ vì số đông. Sinh năm 1954 ở Đài Loan, Lý An sang học và định cư tại Mỹ. Ông không quên nhiều truyền thống tốt đẹp của đất mẹ, và dùng chúng trong các phim của mình. Với Bí mật núi Brokeback, ông không chạy theo thời thượng, đưa những cảnh ái ân trần trụi vào, để câu khách. Ông chủ trương nói ít hiểu nhiều. Chất tâm tình gây ra biết bao cộng hưởng nhân bản dồn dập trong tâm trí khán giả…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Triệu Thanh Đàm

;