Đồng Tháp: Phát huy vai trò Tổ Nhân dân tự quản xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Mô hình Tổ Nhân dân tự quản là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; là nơi tạo dựng lòng tin của dân đối với Đảng, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, thực sự đã trở thành những nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân.

 

Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) là "sản phẩm dùng chung" cho các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn dân cư, để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến người dân thông qua sinh hoạt định kỳ và chuyên đề. Đây cũng là nơi người dân trao đổi, thảo luận, bàn bạc các công việc chung của cộng đồng, như: đoàn kết phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, khuyến học, khuyến tài, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... ở địa bàn dân cư.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy các cấp, MTTQ, Công an, Hội Khuyến học… Đồng Tháp đã củng cố và duy trì được 12.423 Tổ NDTQ (với 440.351 hộ thành viên; Tổ có quy mô đông nhất 127 hộ, ít nhất là 06 hộ). Qua đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các địa phương, hiện nay có 10.918 Tổ hoạt động ổn định, chiếm tỷ lệ 87,9%; có 1.505 Tổ hoạt động còn khó khăn, chiếm tỷ lệ 12,1%.

MTTQ các cấp duy trì công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời định hướng nâng cao chất lượng hoạt động Tổ NDTQ; quan tâm tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên; đơn giản hóa các mẫu biểu, quy chế hoạt động và nội dung cam kết của cộng đồng theo định kỳ để có hướng dẫn thống nhất chung. Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp soạn thảo, in ấn phát hành Sổ tay tự quản; triển khai, hướng dẫn đến các Tổ NDTQ về phương thức, cách làm, kỹ năng tiếp nhận thông tin, nhận diện sự việc, chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm, để chuyển tải nội dung sát hợp với quyền, lợi ích, nghĩa vụ của công dân; phương pháp theo dõi hoạt động, ghi chép, cập nhật, nắm bắt tình hình về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, quy định, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trên cơ sở biên soạn của MTTQ, chắc lọc từng nội dung, vấn đề ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng vẫn bảo đảm đủ thông tin cần thiết để chuyển tải đến các thành viên trong Tổ một cách nhanh nhất theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Ủy ban MTTQ Việt Nam  các cấp trong tỉnh thể hiện vai trò nòng cốt trong việc phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, có sự phân công nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm thúc đẩy mô hình hoạt động hiệu quả hơn, dấy lên phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ ở cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống văn hóa, dân trí, xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh, người dân tin tưởng, thấy được lợi ích thiết thân tích cực hưởng ứng, tự giác, chủ động tham gia; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc đoàn kết gắn bó, chia sẻ, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Có thể kể đến một số nội dung mà Ban Quản lý Tổ đã tổ chức triển khai được trong thời gian vừa qua như lịch xuống giống; vận động thành viên Tổ chuyển đổi giống lúa chất lượng cao; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm, giới thiệu việc làm; mô hình sản xuất tăng thu nhập; xây dựng gia đình văn hóa; đăng ký thực hiện mô hình cộng đồng an toàn vệ sinh thực phẩm; vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới toàn diện; treo cờ nhân các ngày lễ, Tết; tuyên truyền các thông tin về bảo vệ môi trường, về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội; vận động khuyến học; công tác phòng, chống dịch COVID -19; các vấn đề người dân quan tâm trên địa bàn...

Với phương châm hoạt động "lấy sức dân, lo cho dân" xuất phát từ tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả, đổi mới nội dung sinh hoạt. Điển hình như câu lạc bộ "Cà phê Tự quản" (huyện Cao Lãnh), mô hình "Ly trà đầu câu chuyện" (ở phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự); mô hình "Quỹ tiết kiệm mùa xuân", "Tổ tiết kiệm trả tiền nền nhà trả chậm", "Tổ tiết kiệm mùa xuân" (huyện Tam Nông); mô hình "Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ̣" (thành phố Sa Đéc), cùng nhiều mô hình thiết thực khác. Qua đó, thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt, phát huy vai trò làm chủ, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, phát huy vai trò tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự với phương châm "Tự quản, tự phòng, tự hòa giải"; phòng, chống học sinh, sinh viên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; cùng bàn bạc liên kết, hợp tác trong sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống; tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hoá tại địa bàn dân cư.

Hằng năm, Tổ NDTQ phát huy tốt vai trò tự chủ, tự quản, nắm chắc địa bàn dân cư và tổ chức bình xét Gia đình văn hóa bảo đảm thực chất, khách quan tạo được lòng tin của người dân, góp phần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tích cực tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" (XDNTMĐTVM), công tác an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, công tác khuyến học khuyến tài... Qua đó, Tổ NDTQ ngày càng khẳng định thêm vai trò, vị trí quan trọng trong việc tham gia quản trị cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu trên một số lĩnh vực: trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuối năm 2021, Đồng Tháp có 350.178 Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,31%; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có 519/522  Ấp văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 99,43%; 100/101 Khóm văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 99,01%; 101/104 Xã văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 97,12%; 21/21 Phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 100%... Về an ninh trật tự, các thành viên tham gia 49 lượt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; cung cấp 2.158 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, ngăn chặn nhất là tình hình an ninh trật tự; tham gia hòa giải 1.205 vụ, trong đó, hòa giải thành 1.012 vụ, đạt 84,32%... Về các hoạt động an sinh xã hội, đã vận động trên 72 tỷ đồng hỗ trợ hơn 20,5 tỷ đồng đến 30.615 lượt gia đình chính sách, đối tượng người có công với cách mạng cùng nhau vượt qua đại dịch COVID -19; hỗ trợ trao suất 150.800 suất quà, trị giá trên 50,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó; đã tiếp nhận 3.052 suất, tổng trị giá 2,076 tỷ đồng; vận động xây dựng, sửa chữa 52 cây cầu bê tông, hoàn thiện xây mới, sửa chữa trên 70 km đường giao thông nông thôn, 55 km đường "Thắp sáng đường quê"; xây dựng, sửa chữa 974 căn nhà đại đoàn kết, nhà nhân ái, nhà tình thương; tặng 32.500 phần quà, nhu yếu phẩm cho gia đình chính sách, nghèo, cận nghèo; tặng 5.200 suất học bổng, 730 xe đạp cho học sinh nghèo, khám bệnh cấp thuốc miễn phí 15.200 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá trên 70 tỷ. Về công tác khuyến học, khuyến tài có 356.902 gia đình học tập, tỷ lệ 85%; có 770 dòng họ học tập, tỷ lệ 71,23%; 679 cộng đồng học tập, tỷ lệ 97,28%; 923 đơn vị học tập, tỷ lệ 96,25%; vận động nuôi khoảng 22.660 con heo đất, ở hộ gia đình nuôi được 43.446 con với tổng số tiền thu được gần 26 tỷ đồng...

Đặc biệt, thông qua hoạt động Tổ NDTQ, đã hình thành nên phương thức họat động mới rất hiệu quả ở cộng đồng dân cư, đó là hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”. Toàn tỉnh hiện có trên 8.500 Tổ NDTQ (đạt tỷ lệ trên 68%), tham gia thực hiện các hoạt động "Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng" duy trì hoạt động thường xuyên hằng tuần, hằng tháng thu hút hơn 200.000 lượt người dân và cán bộ, đảng viên cư trú ở địa phương tham gia. Đây là kênh tuyên truyền phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện, tự quản, tự chủ của các hộ dân trong bảo vệ môi trường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, XDNTMĐTVM và tạo môi trường ổn định, an toàn về an ninh trật tự trên địa bàn; tích cực thi đua lao động, sản xuất khơi dậy tiềm năng và khả năng tự chủ của nhân dân trước các yêu cầu của xã hội đặt ra; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh, ngày càng nhiều Tổ NDTQ thực hiện hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” và thu hút đông đảo người dân ở khu dân cư tham gia. Đồng thời, cũng thông qua các buổi sinh hoạt, người dân tích cực đóng góp, đề xuất, kiến nghị đối với một số nội dung có liên quan đến chủ trương của Đảng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh, trật tự tại tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Từ những hoạt động sinh động trên, nhằm kịp thời ghi nhận đóng góp của những tổ chức, cá nhân điển hình, năng động, sáng tạo trong hoạt động Tổ NDTQ và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, UBND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tặng hàng trăm Bằng khen, Giấy khen cho Ban quản lý và thành viên Tổ NDTQ đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, XDNTMĐTVM, đóng góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Hiệu ứng mang lại từ hoạt động mô hình Tổ NDTQ được thể hiện rõ nét: Đây là tổ chức tự nguyện của nhân dân, là nơi “sát dân, sát việc” nhất trong hệ thống chính trị hiện nay; nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân; tính tự chủ, tự quản trong cộng đồng dân cư. Hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ NDTQ đã tác động tích cực đến việc xây dựng tình làng nghĩa xóm, mọi người ứng xử thân thiện, hòa nhã, quan tâm gắn bó giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau kinh nghiệm làm ăn, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, góp sức cùng chính quyền giữ gìn, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh ngay tại khu dân cư. Thời gian qua, hoạt động của các Tổ NDTQ cho thấy rằng, việc triển khai mô hình này ở cộng đồng dân cư đã phát huy được những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, nhất là vận động bà con tham gia góp sức vì cuộc sống bình yên và nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Đây còn là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đồng thời, tập hợp quần chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất để phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, qua đó, phong trào thi đua yêu nước được phát động đến từng hộ gia đình, người dân hiểu rõ tầm quan trọng và hưởng ứng tích cực hơn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; quyền dân chủ của công dân được phát huy và thể hiện rõ nét thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy trách nhiệm công dân trong đóng góp xây dựng chính quyền, nắm bắt kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội, kể cả việc hiến kế cho Đảng, chính quyền nghiên cứu vận dụng đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội; đã phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa các ngành, công tác quản lý địa bàn chặt chẽ hơn, việc sản xuất, chăm lo đời sống, xóa đói giảm nghèo được phát triển mạnh hơn, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; là chỗ dựa vững chắc cho việc nâng cao chất lượng cuộc vận động TDĐKXDNTMĐTVM; là nơi tạo dựng lòng tin của dân đối với Đảng, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Xác định rõ nhiệm vụ, các Tổ NDTQ đã sáng tạo trong vận động, tập hợp nhân dân là thành viên của Tổ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời lắng nghe, chuyển tải nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy Đảng, chính quyền. Tổ NDTQ thực sự đã trở thành những nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân.

 

TRẦN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;