Đồng Tháp: Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo dựng hình ảnh địa phương

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp, tham gia tích cực của các ngành thành viên, sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, chung sức xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương.

Hơn 1.000 người ở thành phố Cao Lãnh tham gia chương trình đi bộ gây quỹ lan tỏa yêu thương giúp đỡ người khó khăn

Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (phong trào) được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép tuyên truyền nhân các ngày lễ kỷ niệm, sinh hoạt của các chi, tổ hội, các mô hình quản trị ở địa phương; việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh chú trọng triển khai có hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở, gia đình, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương; thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”; đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương giai đoạn 2021 - 2025; phát huy quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện Quy ước khóm, ấp (hiện 698/698 khóm, ấp trên toàn tỉnh đều có Quy ước khóm, ấp được phê duyệt), xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, không có tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng “Văn phòng xanh”, khu - cụm dân cư xanh - sạch - đẹp.

Toàn tỉnh hiện có 1 thư viện cấp tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 143 phòng đọc sách xã, phường, thị trấn, 122 tủ sách khuyến học, 31 điểm Bưu điện - Văn hóa xã, 2 thư viện tư nhân (Thư viện Container tư nhân tại huyện Tháp Mười, Thư viện Ba Tấn ở thành phố Sa Đéc); 113/115 xã có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng đạt chuẩn và 2/115 xã đang xây dựng; có 486/589 khóm, ấp có Nhà văn hóa đạt chuẩn, 20 Nhà văn hóa liên ấp, 2 sử dụng đình làng, 1 sử dụng chung miếu, 79 sử dụng chung hội trường Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã; di sản văn hoá truyền thống có nhiều giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đang được gìn giữ, bảo tồn và từng bước khai thác, phát huy giá trị phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tháp Mười

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục phát triển và thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập để nâng cao sức khỏe thể chất; nhiều phong trào, cuộc vận động, cuộc thi, hội thi về học tập, lao động sáng tạo được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh phát động, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025”; phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp…

Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến tiếp tục được duy trì và phát huy. Điển hình tiêu biểu như mô hình “Hướng thiện vì cuộc sống ngày mai” chung tay đảm bảo an ninh trật tự, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; mô hình “Móc khóa an ninh”, “Tin nhắn an ninh” trên điện thoại di động của Công an; “Hủ gạo nhân ái gắn với tủ đồ vì người nghèo”, “Mỗi Chi hội giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” của Công đoàn; mô hình “Điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi”, “Tuyến đường thanh niên chuyển đổi số” của Đoàn Thanh niên; “Công dân không viết”, “Cụm tuyến dân cư xanh - an toàn”, “Biến bãi rác thành vườn hoa”, “Góc học tập”, “Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập” của Hội Khuyến học (Phối hợp Hội Khuyến học Tỉnh vận động tài trợ trao tặng 48 Tủ sách khuyến học tại các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã, trường học, hội quán, không gian đọc sách trên địa bàn tỉnh. Trang bị 204 đầu sách/5.862 bản sách, trị giá 480 triệu đồng, góp phần tích cực vào đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân tại các địa phương)... và nhiều mô hình trong phát triển kinh tế xã hội cũng được duy trì và phát huy như: mô hình “Ứng dụng phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng bằng thiết bị bay không người lái” của Phòng Nông nghiệp”; mô hình “Hội quán”...

Công tác khuyến học khuyến tài

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục được triển khai nhân rộng trong địa bàn dân cư và nhận được sự quan tâm hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Cuối năm 2024, toàn tỉnh có 426.314/407.421 gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 95,57% (tăng 0,73% so với năm 2023). Hội thi Gia đình tiêu biểu được tổ chức ở cấp huyện và cấp tỉnh với nhiều hoạt động mới, thu hút người xem, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiêu biểu giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau tạo ra phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu ở các ngành, các cấp; việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện theo nếp sống văn minh; các hoạt động diễn ra đúng pháp luật, đảm bảo tính trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng của văn hóa phương Nam và con người Đồng Tháp; phong trào xây dựng “khóm, ấp văn hóa” phát triển rộng khắp, số khóm, ấp đạt chuẩn ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng. Năm 2024, toàn tỉnh có 697/698 khóm, ấp được công nhận “khóm, ấp văn hóa”, đạt tỷ lệ 99,86% tăng 0,38% so với năm 2023.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn đăng cai và tham gia tổ chức “Ngày hội gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ, lần thứ V, năm 2024” đạt được nhiều kết quả nổi bật (Đoàn Đồng Tháp đoạt 2 giải Nhất, 3 giải Nhì và xuất sắc đoạt giải Nhất toàn đoàn);

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn kết chặt chẽ với phong trào, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, quỹ “Vì người nghèo”, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển du lịch... cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ở các khu dân cư, với nhiều hình thức, mô hình thích hợp; động viên được các nguồn lực trong nhân dân cùng với sự đầu tư, định hướng của Nhà nước, thông qua các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các chương trình quốc gia giải quyết việc làm; chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, giảm nghèo bền vững; bảo vệ cảnh quang môi trường, khuyến học, khuyến tài; duy trì các mô hình tự quản (mô hình Tổ Nhân dân tự quản có 12.319 Tổ với 441.170 hộ thành viên; 153 Hội quán với 7.883 thành viên; 21 Tổ Tự quản đường biên mốc quốc giới và an ninh trật khu vực biên giới với 395 thành viên; 61 Không gian đại đoàn kết, với 970 thành viên); huy động các nguồn lực trong cộng đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các chương trình, mục tiêu Quốc gia do Nhà nước đề ra. Ngoài ra, đã vận động sự đóng góp của nhân dân sửa chữa lộ giao thông nông thôn, xây nhà tình nghĩa, xây mới và sửa chữa cầu, hiến đất làm đường, xây dựng hàng rào, cột cờ…; nhiều thiết chế văn hóa được địa phương quan tâm đầu tư, nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, hoạt động lễ hội đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Định kỳ (ngày 18/11 hằng năm, kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hướng dẫn các khóm, ấp tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đồng thời biểu dương, khen thưởng hộ gia đình tiêu biểu (mỗi năm trung bình tổ chức hơn 700 cuộc thu hút gần 60.000 lượt người tham dự) cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng dân cư.

Ban Chỉ đạo phong trào, Ban Công tác, Ban Vận động các cấp chỉ đạo, tổ chức kết hợp phong trào với các phong trào thi đua khác gắn với các nhiệm vụ, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ mang lại hiệu quả cao như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tham gia; mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tiếp tục được duy trì và phát triển; số vụ bạo lực gia đình được kéo giảm góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa nhất là ở vùng nông thôn, biên giới.

Kết quả khả quan trên xuất phát từ công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua hệ thống thông tin đại chúng, thiết chế văn hóa; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế; thông qua phong trào, nhiều mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến được triển khai nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Các cấp uỷ, chính quyền tích cực quan tâm chỉ đạo sâu sát, căn cứ các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh đề ra chỉ tiêu, giải pháp phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đời sống văn hóa ở khóm, ấp đã được nâng lên đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, đóng góp tích cực vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo dựng hình ảnh địa phương, phát triển du lịch... kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội nhằm thúc đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các xã, phường, thị trấn.

Bài và ảnh: TRẦN THĂNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

;