Đối thoại đạo đức tâm linh trong Mahabharata - nét đặc thù của văn hóa Ấn Độ

Khác với những sử thi anh hùng thuần khiết của phương Tây như Iliad và Odyssey, sử thi phương Đông Mahabharata là một sử thi tôn giáo đạo đức. Đọng lại trong từng đối thoại của sử thi này là những trầm tích văn hóa đạo đức tâm linh của người Ấn Độ.

“Đối thoại là lời nói của con người hướng vào nhau trong quá trình giao tiếp” (1). Đối với một tác phẩm tự sự, lời nói của nhân vật là phương tiện nghệ thuật cơ bản tạo sức sống và thành công cho tác phẩm. Trong Mahabharata, đối thoại vừa được xây dựng theo công thức truyền thống, vừa là một cấu trúc phức tạp với những nét đặc thù của văn hóa Ấn Độ. Sự kiện nòng cốt trong Mahabharata là chiến tranh huynh đệ tương tàn được đặt trong liên kết với nhiều lớp sự kiện khác. Đây là cuộc chiến tranh bảo vệ đạo lý Dharma, khởi phát từ những xung đột xã hội không thể dung hòa giữa tinh thần hòa hợp hòa bình vốn là truyền thống văn hóa đạo đức, là khát vọng muôn đời của người Ấn, với sự đố kỵ hận thù, phi đạo lý gắn với thể chế nhà nước chiếm hữu nô lệ đang hình thành.

Dưới nguồn ánh sáng đạo đức tâm linh, Mahabharata xây dựng người anh hùng Yudhisthira thành nhân vật trung tâm của sử thi với tần số đối thoại cao nhất trong tác phẩm: 74 lần, trong đó có 65 cuộc đối thoại với các nhân vật và 9 lần đối thoại với chính mình. Qua đối thoại, ta thấy Mahabharata đặt Yudhisthira vào giao điểm của các mối quan hệ với rất nhiều tầng lớp: vương công, võ sĩ, đạo sĩ, thần linh... Mahabharata cũng giống các sử thi khác ở chỗ nguồn gốc xuất thân của các nhân vật đều gắn với thần linh. Mối quan hệ đó được thể hiện qua đối thoại ngang hàng với các vị thần. Nếu trong sử thi của Homer, thần linh thường can thiệp một cách trực tiếp vào ngôn ngữ của nhân vật thì Mahabharata lại dành cho thần linh một vị trí khách quan hơn. Tính chủ động và chân thực trong ngôn từ giao tiếp khiến người anh hùng trong Mahabharata gần gũi hơn với đời thường. Mahabharata chú trọng tới trách nhiệm đạo đức của nhân vật đối với mỗi hành động của mình. Chính sự xuất hiện của đông đảo đạo sĩ trong thành phần tham gia đối thoại đã đem vào thế giới sử thi một cảm quan vừa tương phản vừa bổ sung cho quan điểm đánh giá cuộc sống của đẳng cấp chiến binh. Đó là quan điểm của đẳng cấp Brahmin mà Yudhisthira, là hiện thân trọn vẹn nhất. Yudhisthira kiên trì với chủ trương hòa hợp hòa bình, cội rễ của văn hóa phương Đông, của tinh thần Ấn Độ. “Dưới ảnh hưởng của triết lý tôn giáo đạo đức, sử thi Ấn Độ đã xây dựng nên những mẫu mực đặc thù của người dũng sĩ anh hùng nhẫn nhục, thiên về trạng thái bất động, xuất phát từ những ý niệm đạo đức” (2).

Sức mạnh của Yudhisthira là sức mạnh của trí tuệ siêu phàm, sự công bằng và đạo đức trong sáng chứ không phải của thể lực hay tài năng chiến binh. Trí tuệ ấy giúp Yudhisthira hiểu được tận cùng cốt lõi của đạo lý: “Tôi chỉ là một trong nhiều vị vua cai trị đất nước một cách tốt đẹp, công bằng và sống sung sướng, không tham vọng... Do đó, tôi từ bỏ ý muốn làm hoàng đế, mà thực tế tước vị đó, chẳng hấp dẫn chút nào” (3). Một đấng quân vương sẵn sàng từ chối ngai vàng để đem lại hòa bình cho nhân thế, quả thật đã làm nghiêng hứng thú ngợi ca của Mahabharata vào địa hạt đạo lý cao cả. Cả Bhisma cao cường cũng đã rất vĩ đại khi từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng để đem lại hạnh phúc cho vua cha, bình yên cho đất nước. Chính vì sự tương đồng ấy mà Mahabharata đã xây dựng một đối thoại lớn ở màn hậu chiến, để Bhisma khuyên răn Yudhisthira về phép trị nước an dân như truyền lại ngọn đuốc thắp sáng nguồn năng lượng Dharma vĩnh hằng trong văn hóa Ấn Độ. Suốt mười ba năm lưu lạc trong rừng sâu núi thẳm, trong cuộc hành hương đi tìm chân lý, Yudhisthira cố kiềm chế cơn nóng giận của các em bằng sự nhẫn nhục của mình: “Lòng trung thành với lời hứa lớn hơn quyền thế hoặc sự giàu sang, bằng bất cứ giá nào cũng cần phải giữ vững nó hơn giữ gìn vương quốc” (4). Lập trường kiên định tuyệt đối của Yudhisthira với lẽ Dharma mà mình đã chọn chính là phẩm chất anh hùng của Yudhisthira - anh hùng được đảm bảo bằng giá trị đạo đức. Để làm nổi bật điều này, Mahabharata đã kiến tạo một cuộc thử thách bất thường cho các anh hùng thử sức. Trước mắt họ là kẻ thù vô hình bí ẩn. Tình huống thử thách là môtíp quen thuộc cho các sử thi, nhưng Mahabharata đã chứa đựng trong hình thức cũ ấy một nội dung rất mới để ký thác một bài học giáo lý đạo đức thâm sâu. Kiệt sức bởi cơn khát giày vò, các anh hùng cương trực ngạo mạn quen nghênh diện với những thách thức của sức mạnh vũ lực đã bị đánh gục bởi sự nôn nóng, vội vàng. Bhisma rồi Sahadeva, Nakula và cả Arjuna tài năng thần thánh đều không kìm chế nổi cơn nóng giận nhất thời, thả mình theo bản năng và phải trả giá đắt bằng chính sinh mạng của mình. Người anh hùng bước lên võ đài thi đấu lần này chính là Yudhisthira. Hàng loạt câu hỏi dồn dập đổ ập xuống nhưng Yudhisthira vững vàng, tự tin vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc. Những câu hỏi và lời hồi đáp ấy chứa đựng tri thức thâm thúy, chứa đựng hạt nhân cốt lõi trong tinh thần văn hóa Ấn Độ: “Chỉ bằng sự giao kết với những người sáng suốt nhất mà y có được sự sáng suốt” (5). “Lòng can đảm là cứu tinh của con người khi nguy khốn... Hạnh phúc là kết quả của hành vi đạo đức...”. Đáp lại câu hỏi: “Cái gì khiến con người thực sự là người Brahmin? Dòng dõi, đạo đức hay học vấn? Trả lời dứt khoát” - Yudhisthira đã không chút ngập ngừng: “Dòng dõi và học vấn không làm người ta thành Brahmin được. Chỉ có đạo đức. Một người dù có học vấn đến mấy nhưng y sẽ không trở thành một người Brahmin được, nếu y là nô lệ của những thói xấu” (6).Đạo lý Dharma là cái mộc duy nhất của con người…, nếu để Dharma bị tiêu tan thì con người sẽ bị suy đồi” (7). Cái cách Yudhisthira trả lời đầy dứt khoát, tự tin cho thấy nhân vật quả đã thấu triệt đạo lý, từ một Yudhisthira nhẫn nhục chịu đựng đã trở thành một bậc quân vương đầy sức mạnh. Một minh quân mang vẻ đẹp trí tuệ, mang khát vọng muôn đời của người Hindu, tìm đến thiên lương trong sáng như là điểm tựa vững chãi cho sự sống trên Trái đất. Xây dựng Yudhisthira qua đối thoại, Mahabharata cho thấy sự biến chuyển trong quan niệm anh hùng mang bản sắc của văn hóa Ấn Độ. Yudhisthira cứu được mình, cứu được các em và cứu nhân loại trước tai họa thảm khốc nhờ đạo đức. Chiến trường Kurukshetra vừa là thánh địa biểu dương sức mạnh hùng cường của những chiến binh lẫm liệt, vừa là một sân khấu vĩ đại của bi tráng và hào hùng. Đó là nơi đạo đức bị tha hóa, ánh sáng và bóng tối đang đấu tranh quyết liệt. Đối thoại đã cho thấy chiến công hiển hách của những chiến binh cũng có ý nghĩa lớn lao như nỗi đau khổ vĩ đại vò xé tâm hồn. Ngôn ngữ đối thoại không còn là phương tiện biểu đạt hành động của nhân vật chức năng, mà thực sự đã bước đầu khắc họa tính cách con người với những xúc cảm đời thường, những buồn đau nhân thế. Một Yudhisthira khóc than đến xé lòng, xé ruột tác động sâu sắc vào tâm hồn bạn đọc, không chỉ vì thương xót cái chết tàn khốc của chàng thiếu niên Abhimanyu xuất chúng mà vì sự suy đồi đạo lý của những chiến binh ngạo nghễ vốn rất coi trọng danh dự.

Sau chiến tranh, một Yudhisthira khắc khoải đi tìm sự giải thoát được khắc họa qua đối thoại. Chiến tranh kết thúc không phải bằng khúc khải hoàn ca của người chiến thắng, mà bằng tiếng khóc bi thương nhấn chìm nhân loại trong bể sầu đau. Người chiến thắng không hề mừng vui với chiến thắng, tự buộc mình là tội phạm chiến tranh: “Tâu hoàng hậu, gã Yudhisthira tàn nhẫn đã giết con cái Người, đang đứng trước Người. Người hãy nguyền rủa tôi, vì tôi đã phạm tội tày đình. Tôi chẳng thiết gì đến cuộc đời và đất nước nữa” (8). Chính lời tự buộc tội này đã nâng tầm vóc người anh hùng lên vĩ đại, bởi “chiến thắng ngàn quân không bằng chiến thắng bản thân mình”(Kinh Pháp cú). Yudhisthira xưng tội trước thần linh bằng những lời từ sâu thẳm tâm can: “Tâu lạy Bhagavan, quả thật là đất nước đã về tay con. Nhưng anh em thân thích của con đã đi rồi. Chúng con đã mất các con cái thân yêu. Chiến thắng này con xem như một thất bại lớn...” (9). Những dòng đối thoại mang dáng dấp độc thoại này, ý nghĩa sự sống được nhấn mạnh, khiến người đọc phải suy ngẫm và chiêm nghiệm. Yudhisthira nhân danh đạo lý, lấy quan hệ huyết thống làm hạt nhân, vượt lên mọi đối cực của hận thù tham vọng, chiến thắng bản năng bằng nguồn nội lực phi thường.

Anh em Pandava thực thi bổn phận trần thế đúng lẽ Dharma, nhưng trong chiến thắng họ không tìm thấy niềm hạnh phúc, yên vui, thư thái. Trong cuộc hành hương lên Cõi Trời, người anh hùng dần nguôi quên khổ đau oán hận, trút bỏ mọi ràng buộc trần thế, đạt độ siêu thoát thanh tịnh. Nhưng khi cõi tục lụy đã lùi xa, người anh hùng tưởng đã rũ sạch bụi trần mà vẫn chưa mở được cánh Cửa Trời. Thần Công lý vẫn còn thử thách con trai mình hết lần này đến lượt khác. Và nơi chốn thanh tao, yên tĩnh ấy, vẫn là một Yudhisthira đạo cao đức trọng: “Tôi không muốn ở trên Cõi Trời bởi vì đối với tôi, ở đấy mà xa các anh em, thì có gì là hay, là tốt? Chỗ nào họ đang ở, thì đấy là cõi cực lạc của tôi, chứ không phải nơi đây” (10). Mahabharata đã để Yudhisthira phát ngôn một triết lý nhân sinh cao cả đề cao đạo đức trong sáng dựa trên mối quan hệ huyết thống vững bền. Thế là Yudhisthira đã đi đến tận cùng những khổ lụy của đời người, đã hiểu nguồn cơn chu trình sinh tử, hiểu bản chất cuộc sống và hiểu con đường giải thoát khỏi mọi vòng sinh tử là hòa hợp khoan dung, là yêu thương tha thứ. Đó chính là lẽ Dharma cội nguồn của tinh thần Ấn Độ, là triết lý vĩ đại ngàn đời vẫy gọi con người chiến thắng bản năng, khắc phục những cám dỗ phàm trần vươn tới tuyệt đích tâm linh cao cả.

Hòa hợp hòa bình là khát vọng vĩnh hằng, là điệp khúc ngân vang trong suốt Mahabharata, khiến tác phẩm trở thành một cuộc đối thoại lớn nối phương Đông với phương Tây, nối quá khứ với hiện tại và với cả tương lai. Đối thoại trong Mahabharata vừa là thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thể loại sử thi, vừa là những phá cách độc đáo phản ánh đặc thù của văn hóa Ấn Độ.

Tài liệu tham khảo

1. G.N. Pospelov chủ biên, Dẫn luận nghiên cứu văn học (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà dịch), tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1985.

2. E.M. Mêlêtinxki, Lý luận văn học (tiếng Nga), Nxb Khoa học Mátxcơva, 1964.

3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Cao Huy Đỉnh, Phạm Thủy Ba dịch, Mahabharata, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979.

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Thu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;