Đôi nét về văn hóa làng xã và sự ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ cơ sở

Làng xã là đơn vị tổ chức hành chính trong xã hội truyền thống Việt Nam. Trải qua ngàn năm lịch sử, cùng với sự phát triển của dân tộc, làng xã vẫn là những thành lũy kiên cố và văn hóa làng xã cũng trở thành một trụ cột trong di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong xã hội hiện nay, văn hóa làng xã vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt và đời sống văn hóa của nhân dân ở nông thôn (đây là bộ phận chiếm số đông trong phân bố cơ cấu dân cư tại Việt Nam). Bên cạnh những tác động tích cực đến văn hóa - xã hội, văn hóa làng xã cũng có những bất cập trong việc phát triển xã hội Việt Nam trong thời đại mới. Trong bài viết này, tác giả hướng đến tìm hiểu khái quát về văn hóa làng xã và sự ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ cơ sở - một trong những vấn đề nổi bật của xã hội Việt Nam hiện nay.

Lễ hội Phù Đổng - Ảnh: Phạm Công Thắng

1. Làng xã và văn hóa làng xã

Làng xã truyền thống Việt Nam

Theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, 1995), “làng là khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến”.

Đặc điểm của làng xã cổ truyền là tính cộng đồng và tính tự trị, tự quản. Việc tổ chức nông thôn đồng thời theo nhiều nguyên tắc khác nhau tạo nên tính cộng đồng làng xã. Tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau, mỗi người đều hướng tới những người khác. Tính cộng đồng nhấn mạnh vào sự đồng nhất (sự giống nhau). Do đồng nhất (cùng hội cùng thuyền, cùng cảnh ngộ) nên người Việt Nam luôn sẵn sàng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh chị em trong nhà... Sự đồng nhất cũng chính là ngọn nguồn của nếp sống dân chủ - bình đẳng, bộc lộ trong các nguyên tắc tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú, theo nghề nghiệp (phường/hội), theo giáp. Hàng xóm láng giềng sống với nhau cơ bản hòa thuận, xưng hô như họ hàng, đáng tuổi gì gọi tuổi ấy… trên tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ hỗ trợ nhau những khi cần thiết.

Tính tự trị của làng xã lại dựa trên sự khác biệt. Sự khác biệt - cơ sở của tính tự trị, tạo nên tinh thần tự lập cộng đồng, cũng tạo nên nếp sống tự cấp tự túc, mỗi làng xã như một pháo đài kiên cố bất khả xâm phạm. Tính tự trị là một đặc điểm lớn của làng xã Việt Nam truyền thống, đó là “tự điều chỉnh - tự điều khiển của làng xã trong quá trình vận động của kinh tế, xã hội. Tự điều chỉnh, tự điều khiển là ít chịu sự can thiệp trực tiếp của các cấp chính quyền bên trên, là sự vận hành đa tuyến của xã hội dân sự” (1). Trong bất kể bối cảnh nào, bộ máy quản lý làng xã vẫn do nhân dân bầu ra để thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, tổ chức quản lý làng xã trở thành một kết cấu nhị nguyên kết hợp giữa quyền tự trị của làng xã với chính quyền nhà nước. Như thế mới có câu “phép vua thua lệ làng”. Nói một cách khác, chính quyền nhà nước phong kiến trung ương không thể khống chế hoặc phạm vi kiểm soát khó có thể chạm đến “thành lũy” làng về mặt quản lý hành chính hoặc về sự phát triển văn hóa. Do đó, mới tạo ra “văn hóa dân gian”, “văn học dân gian” so với “văn hóa quan phương”, “văn học quan phương”.

Ngay cả trong việc sở hữu đất đai, chia ruộng trong xã hội phong kiến xưa, làng xã cũng có tính tự trị nhất định: “làng xã thật sự là đơn vị sở hữu và điều tiết, phân phối nguồn tài sản lớn nhất của cộng đồng là ruộng đất công trên cơ sở phép nước lệ làng, còn nhà nước chỉ nắm ruộng đất xã thôn trên danh nghĩa với mục đích chính là thu thuế” (2).

Cơ cấu tổ chức làng xã xưa đơn giản nhưng chặt chẽ, hệ thống tổ chức gồm: Hội đồng hương chính và Lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn, nếu vị chức sắc nào thực hiện trách nhiệm kém cỏi hay có sai phạm, dân làng sẽ bầu người khác thay thế. Hương ước nhiều làng quy định, khi họp Hội đồng ở đình làng, dân làng có quyền đến dự, ai có điều gì thắc mắc có quyền chất vấn. Hương ước là bộ luật của làng xã thể hiện tính tự trị của làng xã đối với nhà nước phong kiến, là cương lĩnh tinh thần của mọi thành viên trong làng xã. Hương ước có thể thay đổi tùy theo sự thay đổi của làng xã, của nhà nước. Như thế, Nhà nước muốn can thiệp vào làng phải tôn trọng quyền tự trị nhất định của làng, hương ước làng, xã muốn được Nhà nước công nhận thì phải lồng thêm các quy định của Nhà nước vào trong đó. Vì thế, “hương ước là hiện thân của sự dung hòa quyền lợi giữa Nhà nước và làng xã” (3).

Làng xã cổ truyền Việt Nam có những thiết chế chặt chẽ, những quy định bảo đảm “dân chủ làng xã” và cố kết cộng đồng rất cao. Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, do dân làng đóng góp và soạn thảo, trong đó có đầy đủ những quy định về cơ cấu tổ chức, về bầu bán, bãi miễn chức vị, phân bổ thuế má, chia ruộng đất, nội quy tuần phòng, lễ nghi, tín ngưỡng, tang ma, tương trợ người nghèo, khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt các loại vi phạm… Hương ước đảm bảo tính chất dân chủ và tính cố kết cộng đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng làng. Thông thường, mỗi năm hương ước lại được đọc lại một lần tại đình làng, để nhắc nhở mọi thành viên trong làng thực hiện cho đúng với những điều đã đề ra.

Văn hóa làng xã

Mỗi làng quê Việt Nam đều có định dạng về địa vực, các kết cấu tiêu biểu, dân cư, cách thức sinh sống và tổ chức quản lý làng... Trên cơ sở những thiết chế văn hóa làng xã cơ bản như vậy, một khuôn khổ văn hóa làng xã được hình thành với những nét đặc trưng cơ bản về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, về hệ giá trị, về lối sống và phương thức sống chung, về sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật... Văn hóa làng xã là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một cộng đồng người dân sống trong một không gian địa lý làng xã xác định, ổn định, làm nên một xã hội chứa đựng cả văn học, nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin (4).

Như thế, văn hóa làng xã không tách rời khỏi các đặc trưng của làng xã. Văn hóa làng xã hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các di sản vật thể (đình, chùa, đền, miếu, các công trình kiến trúc…) và các giá trị văn hóa phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, hệ giá trị, lối sống, lối tư duy, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật...). Trong bài viết, tác giả chủ yếu đề cập đến khía cạnh văn hóa làng xã như là cốt cách về lối sống, nếp sống, nếp nghĩ, quy tắc ứng xử… của cộng đồng cư dân. Nói cách khác, văn hóa làng xã ở đây được hiểu hẹp lại là những chuẩn mực giá trị quy định hành vi, lối sống được hình thành, được cộng đồng làng xã thừa nhận và tuân thủ từ đời này qua đời khác (những quy định hoặc hệ giá trị bất thành văn và quy định thành văn như hương ước) đã trở thành khuôn khổ cho lối suy nghĩ, tư duy của dân làng.

Theo cách hiểu như trên, văn hóa làng xã được hình thành từ chính “khuôn vật chất” là làng xã, do đó, văn hóa làng xã cũng mang những đặc trưng từ tính cộng đồng và tính tự trị của làng xã.

Tính trội (tính tích cực), văn hóa làng xã biểu hiện rõ nét ở các đặc điểm như: tinh thần đoàn kết tương trợ, tinh thần tập thể hòa đồng, nếp sống dân chủ bình đẳng, tinh thần tự lập, tính cần cù, nếp sống tự cấp tự túc.

Tính hạn chế trong văn hóa làng xã cũng xuất phát từ đời sống cộng đồng và tự trị của làng xã: do tính cộng đồng cao mà ý thức về con người cá nhân bị thủ tiêu; con người trở nên ỷ lại vào tập thể; cùng với sự ỷ lại là tư tưởng cầu an (an phận thủ thường) và cả nể không muốn mất lòng, không dám phê bình, không cầu tiến; bên cạnh đó là thói cào bằng, đố kỵ, không muốn cho ai hơn mình. Mặt khác, cũng chính do nhấn mạnh vào tính tự trị, mà người Việt Nam có thói xấu là tính tư hữu ích kỷ; cùng với đó là tính bè phái, địa phương cục bộ, làng nào biết làng ấy, chỉ lo vun vén cho địa phương mình; bên cạnh đó, phải kể đến sự gia trưởng - tôn ti, tạo nên tâm lý quyền huynh thế phụ, áp đặt ý muốn của mình cho người khác, tạo nên quan niệm thứ bậc không thuyết phục: “sống lâu lên lão làng”.

Những đặc trưng của văn hóa làng xã đã hình thành tư duy ứng xử nước đôi: vừa có tinh thần đoàn kết tương trợ lại vừa có tính tư hữu, ích kỷ và thói cào bằng, vừa có tính tập thể hòa đồng lại vừa có tính bè phái, địa phương… Tùy lúc, tùy nơi mà mặt tốt hoặc mặt xấu sẽ được phát huy: Khi đứng trước những khó khăn lớn, những nguy cơ đe dọa sự sống còn của cả cộng đồng, thì cái nổi lên sẽ là tinh thần đoàn kết và tính tập thể; nhưng khi nguy cơ ấy qua đi rồi, thì thói tư hữu và tính bè phái địa phương có thể lại nổi lên.

2. Dân chủ cơ sở

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu dân chủ một cách dễ hiểu: Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người còn nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” (5). Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (6).

Xuất phát từ thực trạng yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở và mất dân chủ ở cơ sở diễn ra nghiêm trọng ở không ít nơi, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây nên tình trạng mất an ninh và trật tự xã hội ở một số địa phương, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18-6-1997, Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo thực hiện theo quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (7).

Đặc biệt trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Số 34/2007/PL-UBTVQH11) ngày 20-4-2007 sửa đổi bổ sung với 6 chương quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đặc biệt có nhiều quy định rõ ràng về việc thực hiện dân chủ cấp làng xã. “Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ tr­ ương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư­ phù hợp với quy định của pháp luật” (8). Hình thức là bầu biểu quyết dân chủ thông qua toàn bộ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Những nội dung dân được bàn và quyết định bao gồm: Hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (9).

Quy định cụ thể trong Hiến pháp và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã cho thấy quyền làm chủ của nhân dân từ cơ sở. Và thực sự, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đã phối hợp với các cơ quan Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia xây dựng các quy chế, quy định ở xã, quy ước, hương ước ở thôn, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do hội đồng nhân dân cấp xã bầu...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở còn những hạn chế, yếu kém như: một số địa phương việc thực hiện dân chủ cơ sở còn còn mang tính hình thức, đối phó, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin; việc giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Có lúc, có nơi còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều nơi còn bất cập. Vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo…

3. Ảnh hưởng của văn hóa làng xã với thực hiện dân chủ cơ sở

Ảnh hưởng tích cực

Đặc trưng tích cực trong văn hóa làng xã: như tinh thần đoàn kết tương trợ, tinh thần tập thể hòa đồng, nếp sống dân chủ bình đẳng, tinh thần tự lập, tính cần cù, nếp sống tự cấp tự túc đã ảnh hưởng lớn đối với việc thực hành dân chủ cơ sở ở cấp thôn, xã như tạo nên sự đồng thuận, đồng tình, đoàn kết của nhân dân làng xã trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Các chức vụ của thôn/ làng đều do dân của thôn tự bình bầu, hoạt động thủy lợi, xây dựng cầu cống… đều có sự tham gia ý kiến và sự giám sát của chính người dân. Ngoài ra, cũng cần phải nói đến giá trị hương ước (quy định, nếp sống làng xã được văn bản hóa) đối với việc thực thi dân chủ cơ sở là không thể phủ nhận. Hương ước, về một khía cạnh nhất định là một trong những cầu nối chuyển tiếp trong việc thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường.

Theo thống kê, “tính đến tháng 5-2016, trong số 125.083 thôn, làng được rà soát, có 109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%), có 6.694 bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và 3.260 bản hương ước, quy ước đang được xây dựng. Có thể thấy, hương ước, quy ước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình” (10).

Vai trò hương ước với phong trào xây dựng đời sống văn hóa còn gắn với việc phát huy truyền thống của các dòng họ; tôn vinh các dòng họ có nghề thủ công truyền thống; các dòng họ khuyến học... Trong phát triển kinh tế, hương ước còn có những quy định nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả, đúng mục đích; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng quy định của pháp luật...; khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng... Trong xây dựng thôn, làng văn hóa, có những quy định: không vi phạm trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng đường, hè phố; không đổ chất phế thải, rác ra đường, sông, ao, hồ; các gia đình gom và đổ rác thải đúng nơi quy định, dùng thùng đốt vàng mã để đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ, xây dựng mô hình “tổ dân phố không rác”,…

Việc triển khai thực hiện hương ước ở các thôn, làng, ấp, bản gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình về xây dựng làng văn hóa, phát triển sản xuất như: Gia đình nông dân văn hóa; Cựu chiến binh gương mẫu; Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo; Ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền; Gia đình văn hóa - sức khỏe… Người dân ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vai trò tự quản của cộng đồng tham gia vào việc xây dựng, thực hiện hương ước ngày càng được phát huy. Trải qua quá trình triển khai và thực hiện, có thể khẳng định: Hương ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ hủ tục; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Ảnh hưởng tiêu cực

Những tiêu cực của cơ chế thị trường khiến người nông dân lao vào cuộc tranh đoạt, dẫn đến những mặt trái của văn hóa làng xã nâng lên ở mức độ trầm trọng, dẫn đến hiện tượng lấn chiếm đất công, tranh chấp đất đai, lôi kéo bè phái, tranh chấp từ đường… Bên cạnh đó, trong công cuộc đổi mới hiện nay, những nếp cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp của làng xã truyền thống như co cụm, khép kín “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”, hay tư tưởng coi thường pháp luật kiểu “Phép vua thua lệ làng”… điều này đã ngăn cản không nhỏ đến việc thực hiện dân chủ cơ sở, thúc đẩy phát huy quyền làm chủ của nhân dân và gây khó khăn khi đưa chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước đến làng xã.

Ngoài ra, cũng phải kể đến việc “vẫn còn tồn tại một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương chính sách của Nhà nước, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán; thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc xây dựng hương ước, quy ước nhiều nơi còn hình thức, phong trào; công tác phối hợp, phân công trách nhiệm chưa rõ. Những hạn chế đó làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư” (11). Như thế, bên cạnh giá trị tích cực quý báu đối với văn hóa - xã hội và việc thực hiện dân chủ cơ sở thì một số hương ước nếu có những quy định phi lý sẽ gây cản trở rất lớn đến văn hóa làng xã nói chung và nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân cũng như bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân.

Nói một cách khác, trong bối cảnh xã hội hiện nay, làng xã, thôn, bản được sử dụng như một cánh tay nối dài để truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, “Nhà nước cần sớm nghiên cứu đề ra quy ước thích hợp về chức năng và vai trò cấp thôn, bản, ấp phù hợp với tình hình từng vùng” (12). Xu hướng này rất tốt trong việc đảm bảo các chủ trương, chính sách, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một nguy cơ lạm dụng quyền lực nhà nước, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của người dân. Vì thế, khi thực hiện mở rộng quyền lực nhà nước về làng xã, thôn, bản cần hết sức chú ý đến việc gây ra sự ỷ lại, quan liêu của chính quyền cấp xã và sự lạm dụng quyền lực nhà nước ở cấp làng xã, thôn bản.

Kết luận

Nhìn lại tiến trình lịch sử của dân tộc ta, không chỉ mấy ngàn năm vừa qua mà còn cả trong tương lai, làng xã Việt Nam luôn giữ một vị trí quan trọng trong sự phát triển đất nước và văn hóa làng xã cũng là trụ cột văn hóa dân tộc. Để phát huy hết những giá trị của văn hóa làng xã và hạn chế những mặt tiêu cực của nó đến việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở nhằm đảm bảo vừa thực hiện tính tự quản của nhân dân, vừa có sự quản lý của Nhà nước là một vấn đề có tính chiến lược lâu dài không thể làm trong ngày một ngày hai. Nhà nước cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh việc phát huy các phong tục tập quán, các nếp sống tốt đẹp của làng xã phù hợp với bối cảnh thời đại mới và thực hiện rà soát, xem xét công nhận các hương ước hợp lý để tăng cường thêm một công cụ hữu ích trong việc thực hiện dân chủ cơ sở ở làng xã. Trong việc xây dựng, phục dựng, bổ sung, sửa đổi hương ước và rà soát công nhận hương ước cần chú ý đến nội dung hương ước đảm bảo các yếu tố: phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục tập quán, không vi phạm quyền con người, quyền bình đẳng; đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư lập hương ước; bảo đảm giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp và bổ sung hệ giá trị mới phù hợp; không có hình thức phạt vạ vật chất. Ngoài ra, để phát huy hết vai trò của văn hóa làng xã đến việc thực hiện dân chủ cơ sở cũng cần chú trọng đến việc đào tạo cán bộ thôn xã, bản nắm vững quan điểm chỉ đạo của Trung ương, phát huy vai trò là người đứng đầu ở cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền trong tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ cơ sở; nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên để thúc đẩy việc thực hiện dân chủ cơ sở đạt kết quả tốt.

__________________

1. Phan Đại Doãn, Một số vấn đề văn hóa làng xã Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.87.

2. Bùi Thị Tân, Tình hình ruộng đất và phương thức sử dụng ruộng đất công ở làng Châu Hoan (huyện Hải Lăng - Quảng Trị), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6, 1994, tr.35

3. Bùi Xuân Đính, Pháp luật Việt Nam thời phong kiến - Những suy ngẫm, Nxb Pháp luật, Hà Nội, 2002, tr.291.

4. Tư tưởng làng xã ở Việt Nam, tapchikhxh.vass.gov.vn, 13-9-2018.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 232.

6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.168.

7. Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

8. Điều 10, Mục 1, Chương 3 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Số 34/2007/PL-UBTVQH11).

9. Xem thêm: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Số 34/2007/PL-UBTVQH11).

10, 11. Hương ước, quy ước phải phản ánh được ý chí của đa số cộng đồng dân cư, pbgdpl.moj.gov.vn.

12. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VII, 1993.

NGUYỄN THỊ HẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;