Điện ảnh Nhật Bản giữa đại dịch COVID-19

Những rạp chiếu phim độc lập tại Nhật Bản, nơi vốn dành cho dòng phim thực nghiệm (experimental film) và phim nghệ thuật (art house) chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Đứng giữa bối cảnh đó, một số làn sóng cứu lấy các rạp chiếu này được người dân ủng hộ, minh chứng cho mối quan hệ cộng sinh không thể tách rời giữa nhà làm phim và công chúng (1).

Chúng ta cùng xem xét những đổi thay khởi sinh từ đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến ngành công nghiệp điện ảnh xứ Phù Tang, trong đó bao hàm cả nền văn hóa điện ảnh độc lập của xứ này, trong cùng một diễn cảnh tương tự đang xảy ra ở Đông Nam Á. Vai trò của điện ảnh trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại là gì? Và liệu nó có thể tiến xa hơn trong tương lai?

Cái nhìn mới về nền điện ảnh độc lập của Nhật Bản

Từ khi mới xuất hiện bộ phim độc lập đầu tiên vào những năm 1920, nền điện ảnh độc lập của Nhật Bản đã có bối cảnh khác hẳn so với những nơi khác. Hãng phim lớn nhất thời bấy giờ, Nikkatsu, đã phát triển một hệ thống quyền lực buộc việc sản xuất phim nằm dưới sự chỉ huy của tập đoàn. Điều này dẫn đến việc nhiều đạo diễn và cả diễn viên tỏ ra khó chịu. Từ đó, điện ảnh Nhật Bản dần hình thành hệ thống phim độc lập nhằm phản đối chuỗi sản xuất vô tận của hãng phim Nikkatsu và mong đi tìm cá tính nghệ thuật trong từng tác phẩm của mình. Cho đến ngày hôm nay, hơn 75% các bộ phim được sản xuất đều là phim độc lập mặc cho sự bành trướng của các hãng phim lớn (2).

 Một trong những nhà đạo diễn nổi bật nhất của dòng phim độc lập Nhật Bản có thể kể đến là Akira Kurosawa. Bộ phim Rashomon (tạm dịch: La Sinh Môn) của ông, sản xuất vào năm 1950, đã gây tiếng vang lớn tại các liên hoan phim quốc tế và thắng vô số giải thưởng danh giá như giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1951. Đồng thời, bộ phim là dấu mốc giúp điện ảnh Nhật Bản được nhìn nhận theo cách hoàn toàn khác trong mắt bè bạn quốc tế. Với mảng phim hoạt hình, vào năm 1984, khi chuyển thể xuất sắc đứa con của mình, Nausicaa of the Valley of the Winds (tạm dịch: Nàng công chúa ở Thung lũng gió), Hayao đã chính thức thành lập Studio Ghibli vào năm 1984 cùng với Isao Takahata, người bạn và cũng là cộng sự của ông. Hãng phim được sáng lập nhằm sản xuất những bộ phim hoạt hình chất lượng cao hơn là dòng phim truyền hình hay OVA (hoạt hình bản gốc) mà thời đó, hầu hết các hãng phim hoạt hình trong nước đang làm. Để rồi, thành công nối tiếp thành công không chỉ về tính nghệ thuật và cả sức hút phòng vé đã là minh chứng rõ ràng nhất cho tầm nhìn đại tài này (3). Trong thời điểm hiện tại, nền điện ảnh độc lập tại Nhật vẫn mang nhiều hy vọng khởi sắc với những luồng nhân lực đầy tiềm năng mới. Bộ phim độc lập 100 Yen Love (tạm dịch: Tình yêu 100 Yên) của đạo diễn đã thắng giải tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (nguyên văn: Toronto International Film Festival) hay tác phẩm Like Father Like Son (tạm dịch: Cha nào con nấy) đã làm hài lòng giới phê bình tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2013 (4).

Hiện nay, có khoảng 150 rạp chiếu phim độc lập (minishiata/rạp chiếu mini) trên toàn nước Nhật. Những rạp phim này có sứ mệnh là nơi để những nhà làm phim trẻ thăng hoa tài năng và đồng thời đem lại những trải nghiệm xem phim đa dạng hơn cho khán giả. Chất lượng phim được chiếu tại đây đã gây ấn tượng mạnh với những đạo diễn quốc tế khi họ đến thăm xứ sở hoa anh đào.

Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản vào khoảng giữa tháng 1-2020. Ngày 26-2 cùng năm, Chính phủ Nhật đã kêu gọi cho hoãn hoặc hủy bỏ các sự kiện có quy mô lớn và ngay sau đó, vào 25-3, chính quyền Thủ đô Tokyo đã yêu cầu người dân không ra đường trong dịp cuối tuần. Đến ngày 7-4, thông cáo về tình trạng khẩn cấp của đại dịch này đã được ban bố đến 7 quận, trong đó bao gồm cả Tokyo và Osaka. Hơn một tuần sau đó, tin này chính thức trải dài trên khắp nước Nhật. Việc giãn cách xã hội trên toàn quốc đã đẩy các rạp chiếu phim đến tình trạng đóng cửa liên tục trong nhiều tháng.

Cũng từ thời điểm ấy, việc hỗ trợ của chính phủ đối với các dự án nghệ thuật bản địa đã bị chững lại. Dẫu vậy, cảm nhận được một cuộc khủng hoảng sắp xảy đến đã khiến các nhà làm phim bắt đầu đưa ra nhiều sáng kiến riêng để khắc phục tình trạng này.

Chiến dịch Cứu lấy Điện ảnh (nguyên văn: Save the Cinema) tại xứ hoa anh đào do các đạo diễn dẫn đầu đã diễn ra vào ngày 6-4-2020, một ngày trước khi việc giãn cách xã hội bắt đầu. Chỉ trong 9 ngày, chiến dịch đã thu thập được hơn 66 nghìn chữ ký cho bản kiến nghị gửi chính phủ nước này về việc hỗ trợ các rạp chiếu phim nhỏ trên toàn quốc.

Một tuần sau đó, vào ngày 13, hai đạo diễn Koji Fukada và Ryusuke Hamaguchi đã thành lập quỹ Viện trợ Rạp chiếu độc lập (Mini-Theater Aid). 330 triệu Yên (tương đương 70 tỷ đồng Việt Nam) đã được quyên góp cho chiến dịch gây quỹ này, gấp 3 lần mục tiêu được đề ra ban đầu. Toàn bộ số tiền này được chia đều để hỗ trợ các rạp chiếu phim độc lập khắp đất nước.

Hãy thử tưởng tượng nếu điện ảnh biến mất, nó sẽ còn lấy đi thứ gì nữa? Trong một tuyên bố kêu gọi ủng hộ chiến dịch Viện trợ Rạp chiếu độc lập, đạo diễn đồng thời cũng là nhà sáng lập quỹ Koji Fukuda đã tuyên bố: tính đa dạng của điện ảnh, hay chính là diễn ngôn cho những sắc thái khác biệt của xã hội, phụ thuộc trực tiếp vào sự tồn tại của các rạp chiếu phim độc lập. Từ đó, ông Koji đã nhấn mạnh ý nghĩa xã hội quan trọng của những rạp chiếu phim độc lập, nơi con người trao đổi và tiếp nhận những hệ giá trị và tư tưởng khác nhau.

Trong bài luận Ly khai rạp chiếu phim (nguyên văn: Leaving The Movie Theater), nhà phê bình và triết học người Pháp Roland Barthes (1915-1980) đã đặt ra một giả định để khảo nghiệm tính vật lý của trải nghiệm điện ảnh. Ông đã mô tả tính “vỗ về” của một chuỗi các trải nghiệm vật lý trong việc đi xem phim: bị thu hút bởi điện ảnh, đi đến rạp chiếu phim, hòa mình vào bóng tối, hay thậm chí là ngủ gật, cuối cùng là rời khỏi rạp và nhanh chóng về nhà, cố gắng dứt ra khỏi bộ phim vừa xem.

Chính những trải nghiệm vật lý đầy độc đáo đó sẽ biến mất cùng với rạp chiếu phim độc lập. Phim ảnh đã được chiếu hàng ngàn lần ở hàng ngàn địa điểm khác nhau, tuy vậy chúng vẫn mang đến cho người xem những trải nghiệm giác quan mới mẻ mỗi khi ta đặt chân vào bóng tối của rạp chiếu phim.

Ánh sáng trong phòng tối

Mỗi một trải nghiệm cá nhân của những người xem phim, mà hầu hết đều khởi sinh trong lòng bóng tối nơi rạp chiếu, nay đã tạo ra một làn sóng đồng cảm và đoàn kết giữa những người yêu điện ảnh. Tại Philippines chẳng hạn, một chiến dịch trực tuyến đã được phát động để hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh trong thời cuộc của đại dịch mà từ đó ta đã được chứng kiến vô số đạo diễn và người nổi tiếng chia sẻ những kỷ niệm khó quên về những buổi đi xem phim.

Tương tự, chiến dịch Viện trợ Rạp chiếu độc lập tại xứ Phù Tang cũng kêu gọi hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh của nước này và đã thu thập được vô số video từ nhiều diễn viên và nhà làm phim nói về những trải nghiệm điện ảnh cá nhân của họ. Nữ diễn viên Ai Hashimoto cho hay, với riêng cô, trải nghiệm đến rạp chiếu phim, được chìm đắm trong bóng tối giống hệt một liều thuốc chữa lành cho tâm hồn. Cô đồng thời mô tả rạp chiếu phim như “chốn nương náu cuối cùng với những kẻ không thể tìm thấy niềm an ủi trong những thứ ngoài đời như thức ăn, thuốc men hay thậm chí là chính nhân tính”. Cực chẳng đã, thứ sức mạnh diệu kỳ của trí tưởng tượng của những kẻ lầm đường lạc lối lại thường bị bỏ qua ngay giữa thời loạn lạc như này, thời mà những hy vọng, những cảm giác nương tựa cần được lên hàng đầu.

Còn với đạo diễn Yuki Yamato, bà nhớ lại “ngay cả trong màn đêm đen tối của rạp chiếu phim, bạn vẫn có thể cảm nhận sức nóng của tình người”. Chắc hẳn, ta sẽ cảm nhận được không khí lạc lõng, bảng lảng giữa người với người trong rạp, dường như tất cả đều bị thứ bóng tối giả lập xâm chiếm. Tuy nhiên, chính những cảm giác dây chuyền này lại ẩn chứa thứ sức mạnh để tạo ra các đối thoại. Đối thoại khởi sinh trong phòng tối từ khi chúng ta tiếp nhận, xử lý và tiêu hóa những khái niệm mới lạ của một bộ phim, đặc biệt là những bộ phim độc lập.

Những khuôn mặt khác của điện ảnh

Các mạng lưới tình nguyện viên mới thành lập đã nhanh chóng hỗ trợ các rạp chiếu phim trên toàn Nhật Bản trong lúc các rạp này đang tìm những lối mới để đi giữa thời dịch bệnh. Hiển nhiên, giải pháp đầu tiên được nghĩ đến là: chiếu phim trên các nền tảng trực tuyến.

Trong đó, sáng kiến Rạp chiếu tạm thời (Temporary Cinema) của đạo diễn phim tài liệu Kazuhiro Soda được đặc biệt quan tâm. Theo ông, đây sẽ là một ngôi nhà mới cho những rạp chiếu phim độc lập trên nền tảng trực tuyến, nơi hàng ngàn khán giả có thể trực tiếp ủng hộ các rạp phim thông qua những buổi chiếu theo yêu cầu và số tiền thu được sẽ được chia đều giữa nhà phân phối phim và rạp chiếu. Trang web này đã được xây dựng để phục vụ cho việc quảng bá cũng như chiếu một bộ phim mới của đạo diễn Kazuhiro Soda trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng và từ đó, đã được phát triển thành một nền tảng giúp các nhà làm phim khác có thể sử dụng để chiếu tác phẩm của họ.

Những nỗ lực tương tự cũng đang được thực thi trên khắp Đông Nam Á. The Projector, rạp chiếu phim nghệ thuật duy nhất của Singapore và cũng chính là địa điểm tổ chức của Liên hoan phim Nhật Bản, là rạp chiếu đầu tiên ở khu vực này nổ phát súng bằng việc giới thiệu những dịch vụ trực tuyến của họ. Cửa hàng trực tuyến của rạp này cũng phát động một phong trào cho phép mọi người tặng vé cho những ai không có khả năng chi trả do hệ lụy của đại dịch COVID-19. Theo đó, chương trình này không chỉ ủng hộ các rạp chiếu phim đơn lẻ mà còn khuyến khích những người yêu điện ảnh giúp đỡ lẫn nhau. Nó đã nhắc nhở ta về vai trò xã hội trọng yếu của những rạp chiếu độc lập. Trong mối quan hệ hai chiều, rạp chiếu phim tôn trọng khán giả của họ, đồng thời cũng thiết lập một môi trường an toàn và mang tính giáo dục cao với người xem.

Tại Thái Lan, những rạp chiếu phim ngoài trời đang dần lấy lại được vị thế trước đó của mình bởi nó dễ dàng thực hiện giãn cách xã hội đồng thời cho phép khán giả thưởng thức phim ngay từ trong chính ô tô của họ.

Trong khi đó tại đất nước mặt trời mọc, nhóm sản xuất Do it Theater đã gây quỹ thành công cho rạp chiếu phim ngoài trời của họ và cho những rạp chiếu phim lớn đang thực hiện kế hoạch chiếu bóng ngoài trời tương tự. Ta có thể thấy, một thời gian dài sau thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1960 TK XX, tại ngoại ô Mỹ, những rạp chiếu phim ngoài trời đang từng bước trở lại và hòa chung vào hoàn cảnh “bình thường mới”.

Một kỷ nguyên mới của trực tuyến

Ngày nay, nhu cầu sử dụng các dịch vụ phát sóng trực tuyến đang tăng lên một cách chóng mặt, trở thành mối đe dọa tiềm ẩn với sự tồn tại của nền điện ảnh truyền thống. Theo một cuộc khảo sát do Công ty Limelight Networks tại Nhật Bản thực hiện, người dân nước này đã dành trung bình gần 4 tiếng/ngày cho việc xem các video trực tuyến trong tháng 5- 2020, con số gấp gần 6 lần so với tháng 12-2019. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những nền tảng phát sóng trực tuyến như Netflix đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong đời sống thường nhật giữa hoàn cảnh dịch bệnh. Tương tự như vậy, thời gian xem phim trực tuyến trung bình tại 9 quốc gia khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể.

Các loại hình dịch vụ chiếu phim trực tuyến này đã đưa các bộ phim đến tận tay người đăng ký. Nhưng theo như bài luận của Barthes, chính sự tiện lợi này là nhân tố cướp đi khoảng cách sân khấu vốn có trong các rạp chiếu phim và đồng thời cho phép người xem có thể điều chỉnh trải nghiệm xem phim một lần của các rạp truyền thống.

Các nền tảng như YouTube hay Tiktok đã tạo nên những thế hệ khán giả mà chỉ có thể dành mấy phút để tập trung vào màn hình. Trong một thời đại như vậy, bản chất của điện ảnh thay đổi là một điều tất yếu, và từ đó, một làn sóng mới của phê bình phim sẽ khởi sinh và nhiều loại trong số đó hẳn sẽ nằm ngoài giới hạn của các rạp chiếu phim.

Phim “từ xa” vượt lên hoàn cảnh

Sản xuất phim, đặc biệt theo cách truyền thống, đang phải đối mặt với những thử thách thật sự trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Kể từ tháng 3-2020, hầu hết các chương trình truyền hình và phim điện ảnh đã phải dừng vô thời hạn trên khắp nước Nhật để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Dưới những điều kiện ngặt nghèo như vậy, một vài bộ phim “từ xa” đã được quay bằng các ứng dụng trò chuyện trực tuyến như Zoom mà không hề cần làm việc tại các trường quay.

Năm 2017, bộ phim Quay trối chết (tạm dịch từ tên tiếng Anh: One Cut of the Dead) của đạo diễn Shinichiro Ueda đã nhận được phản ứng tích cực từ giới phê bình tại các liên hoan phim quốc tế và gần đây, phim được dựng phần ngoại truyện theo cách quay từ xa như đã nói trên.

Đạo diễn Hiroshi Takahashi là người được biết đến với bộ phim Vòng tròn oan nghiệt (nguyên văn: Ringu), bộ phim kinh dị nổi tiếng của xứ này đã khơi dậy làn sóng phim kinh dị của Nhật (J-horror) vào cuối thập niên 90 TK XX. Vào tháng 8-2020, ông đã phát hành một bộ phim sản xuất “từ xa” From Beyond (tạm dịch: Từ đằng xa) trên nền tảng YouTube. Trong phim, ba nhân vật, mỗi người xuất hiện trên một màn hình máy tính riêng biệt, đối mặt với nhau trong bóng tối bao trùm. Bộ phim đã mô tả công việc làm phim trực tuyến của ba nhân vật này. Một lời thoại trong bộ phim được lấy từ chính tác phẩm nổi tiếng Hamlet của Shakespeare: “Thời tàn đã đến”. Khi nghe đến câu thoại này, người xem không thể không để ý rằng các yếu tố chính trong phim vô cùng rời rạc và thiếu nhất quán. Các màn hình phản chiếu qua nhau, âm thanh đứt đoạn và chất lượng hình ảnh tệ do đường truyền không ổn định, những diễn viên vừa thể hiện vai diễn của mình vừa bộc lộ chính con người mình. Một thứ vô hình kỳ dị đang ngày càng tiến gần. Ngay cả bị ngăn cách bởi màn hình, khán giả vẫn cảm nhận được nỗi sợ theo từng hành động của nhân vật.

Trong From Beyond, một nhân vật đã hỏi người khác rằng: “Liệu chúng ta sẽ làm được gì với một phim quay từ xa?”. Ngay chính khoảnh khắc này, việc giãn cách xã hội vẫn đang là một phần không thể thiếu của cuộc sống thì việc cố gắng quay một bộ phim, ngay cả trong điều kiện “từ xa” như vậy, cũng đã là một cố gắng vượt bậc và là giải pháp tối ưu cho hoàn cảnh hiện tại.

________________

1. Dịch từ bài viết của Norihiko Nakamura, How COVID-19 is impacting Japanese Cinema in 2020 (Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng ra sao đến nền điện ảnh Nhật Bản trong năm 2020), nguồn: Japanese Film Festival Plus, jff.jpf.go.jp.

2. Roland Domenig, A brief history of independent cinema in Japan and the role of the Art Theatre Guild (tạm dịch: Khái lược lịch sử về điện ảnh độc lập ở Nhật Bản và vai trò của hội nhóm các rạp chiếu nghệ thuật), trong hội thảo chuyên đề về những thay đổi của điện ảnh Nhật Bản giai đoạn thập niên 1960 và đầu những năm 1970, TK XX (nguyên văn: Against the Grain: Changes in Japanese Cinema of the 1960s and early 1970s) do Nhóm hợp tác nghiên cứu Áo và Nhật Bản về Khoa học xã hội, Nhân văn và Nghệ thuật (The Austria - Japan Study Group for Humanities, Social Sciences and Art - AAJ) phối hợp tổ chức, Viên, thủ đô Áo, tháng 10 - 2003.

3. Roslyn McDonald, Studio Ghibli Feature Films and Japanese Artistic Tradition (tạm dịch: Các bộ phim của hãng phim Ghibli và nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản), 2004, nguồn: nausicaa.net.

4. Nguồn tham khảo: Anisha Jhaveri, After Kurosawa: Why the Japanese independent film industry is hopeful for the future (tạm dịch: Hậu Kurosawa: Những lý do tại sao nền điện ảnh độc lập Nhật Bản đáng được kỳ vọng trong tương lai), Indie Wire, 2015, indiewire.com.

Tác giả: Bùi Trà My (dịch)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

;