Dân dã gỏi gà ghém chuối

Ở nông thôn, hầu như nhà nào cũng trồng vài bụi chuối. Chúng mọc khắp nơi, làm cho không gian vườn nhà trở nên xanh mướt. Chuối rất gần gũi với đời sống của những người dân làng quê thật thà, chân chất. Từ cây chuối, có thể chế biến được nhiều món ăn dân dã hấp dẫn. Lá dùng gói bánh, nướng thực phẩm. Hoa làm gỏi, chiên giòn. Quả làm bánh, chè, ăn thô. Đặc biệt là thân cây chuối, ở phần gốc non có thể làm ghém gỏi gà rất ngon.

Ghém theo Từ điển tiếng Việt là các loại rau, quả ăn sống, dùng trong bữa ăn hằng ngày. Hiểu ôm na, ghém chuối là cách gọi lõi chuối non bên trong thân khi đã xắt thành sợi dùng để ăn (cũng có thể là chuối xanh, hoa chuối đực). Ghém chuối có thể ăn sống, xào mỡ, làm gỏi ăn không hoặc ăn với thịt gà, thịt vịt và lòng... nhưng trộn với gỏi gà là ngon nhất. Bởi vị mềm dẻo, thơm ngon của thịt gà thả vườn hòa quyện với vị giòn, ngọt và chát của lõi gốc chuối non ăn rất đã.

Cách làm món này cũng khá đơn giản và nhanh. Gà khi đã luộc chín, cho vào thau đá lạnh ngay để thịt và da gà giòn. Về phần làm gỏi ghém thì cần có cây chuối non, tách bỏ các bẹ bên ngoài, chỉ lấy phần lõi trắng non bên trong. Sau đó, chẻ bắp chuối theo nhiều kiểu tùy thích, hình que hoặc khoanh tròn rồi cho vào thau. Trộn bắp chuối với hỗn hợp gia vị gồm bột nêm, chanh, đường, muối... Không nên dùng nước mắm để nêm gỏi vì sẽ làm thau gỏi ra nhiều nước, lại có mùi không hấp dẫn. Xắt nhỏ rau răm, giã nhuyễn đậu phộng (lạc) rang cho vào hỗn hợp để tăng thêm hương vị. Để gỏi chừng 10 phút cho thấm đều. Lúc dùng mới xé thịt gà thành sợi cho vào đĩa gỏi (hoặc để riêng, ăn kèm).

Vị chát nhẹ và ngọt nhạt của bắp chuối, cay nồng của rau răm, cùng với vị ngọt đậm của gà (nhất là gà thả vườn) làm nên món gỏi gà ghém chuối ngon đến lạ kỳ.  Món này dùng với cháo hoặc cơm, có chén (đĩa) muối ớt nữa là đúng vị.

Tác giả: Đặng Trung Thành

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

 

;