ĐÁM CƯỚI CỦA NGƯỜI CƠ TU

 

Người Cơ tu ở Đà Nẵng thường tập trung ở xã Hòa Phú và Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang. Để hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đám cưới của người Cơ tu đã bỏ đi những tập tục rườm rà nhưng vẫn giữ lại những nét đẹp văn hóa vùng miền, đồng thời cũng tiếp thu cái mới, làm cho cuộc sống của cộng đồng dân cư vừa mang bản sắc riêng, vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Ngày xưa, không phải người con trai Cơ tu nào lớn lên cũng cưới được vợ. Có trường hợp trong làng có người con gái đẹp nhưng phải cưới cụ già đã lưng còng, răng rụng. Vì không có tiền để làm đám cưới nên có người phải ở giá suốt đời. Lễ vật để cưới vợ phải có khiên, ché... mỗi thứ một đôi. Ngoài ra, nhà trai phải lo đủ trâu, bò, heo, nếp, rượu để thiết đãi hai họ và cả làng trong 2- 3 ngày. Nếu nhà trai không đủ điều kiện tổ chức đám cưới theo yêu cầu của bên nhà gái, thì sẽ có cuộc thương thảo giữa hai bên gia đình, cùng với sự tham gia của hội đồng già làng nhằm thống nhất và cho cưới tạm. Những lễ vật thiếu có thể xin khất lại, sau này khi vợ chồng làm ăn khá giả sẽ tổ chức cưới lần hai (pr'đắh) với đầy đủ nghi lễ.

Trước đây, nếu chấm thấy trong làng có người con gái nào đẹp người, đẹp nết và muốn sau này là con dâu nhà mình, thì cha mẹ khuyên con trai thỉnh thoảng mang gạo, muối, thịt rừng, mật ong... sang nuôi vợ chưa cưới. Vào ngày tết, người con trai đem gà, rượu, trà, thuốc, quần áo mới sang biếu. Cứ nuôi như vậy cho đến khi vợ khoảng 13-14 tuổi thì tổ chức cưới, nên việc lấy vợ rất tốn công và tốn tiền của.

 Hiện nay, trong việc cưới xin, người Cơ tu không còn coi chuyện trăm năm của con cái (nhất là nhà gái) như một cuộc mua bán hàng hóa, cũng không còn chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mà trai gái tự tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân.

Tại một đám cưới của người Cơ tu ở vùng thấp (Cơ tu đ’riu), buổi tối trước ngày đám cưới, đoàn nhà trai gồm già làng, bà con, cô bác đến nhà gái với một số lễ vật như rượu, trầu cau, thịt để thăm và mời nhà gái sáng mai đến dự đám cưới. Đêm đó, nhà gái cúng tổ tiên và hai bên gia đình trao đổi nội dung ngày cưới hôm sau. Khi trao đổi, hai bên thường hát lý (lối hát cổ của người Cơ tu trong các lễ hội). Sáng hôm sau, đoàn nhà gái ăn mặc tươm tất đến nhà trai và mang theo gạo, nếp, gà, cá... để biếu nhà trai. Trước khi bước vào cổng, nhà gái đem một đĩa trầu cau ra mời. Do quan niệm nước trong trắng, đá bền vững nên mỗi người bên nhà gái đều phải nhúng ngón tay vào chén nước lạnh, trong chén có một viên đá trắng, nhằm mục đích tăng tình đoàn kết giữa hai bên gia đình.

Trong nhà, hai dãy chiếu được trải ra để đón tiếp nhà gái, dãy chiếu ở giữa nhà - trước bàn thờ ông bà dành cho nam, dãy chiếu còn lại dành cho nữ. Sau đó, nhà gái bày rượu, trầu cau, trà, thuốc ra để thưa chuyện theo nghi lễ. Một lát sau, người nhà trai bưng vào một rổ thịt heo nạc đã luộc chín (patró), chia cho mỗi người một miếng. Gà, xôi, cá cũng được dọn lên và kèm theo một cái thau đồng cổ (thau không). Hai bên gia đình vừa ăn uống, vừa nói chuyện và hát lý. Khi hai bên gia đình đã thống nhất, cha cô dâu và chú rể đứng trước bàn thờ ông bà, cùng cắn vào miệng thau (pan hâm tay) trước sự chứng kiến của hai họ và dân làng, thể hiện đồng lòng, một dạ, không thay đổi, hai vợ chồng không bỏ nhau. Hoa, hương đèn, chuối, gà và một cặp cá suối (cá niêng) đã nướng chín, được cắm chúc đầu trên hai chiếc đũa, dâng lên bàn thờ. Hai bên gia đình (khoảng 10 người) đến lạy và khấn vái tổ tiên. Sau khi cúng lễ, nhà gái đã buộc sẵn hai con heo nằm bên hè nhà. Đại diện nhà trai thọc huyết một con và hứng lấy tiết trao cho cha của cô dâu. Cha cô dâu lấy ngón tay chấm vào chén tiết và quệt lên trán những người có mặt trong nhà, gọi là đhơơi xơnơ. Kể từ đó, đôi trai gái được công nhận chính thức là vợ chồng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 343, tháng 1-2013

Tác giả : Hòa Vang

;