CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN VÀ LỢI ÍCH KINH TẾ CỦA NÔNG DÂN

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNHHĐH) nông nghiệp, nông thôn là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện xã hội nông thôn, có ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ đời sống người nông dân. Với tư cách là chủ nhân kinh tế nông thôn, dưới tác động trực tiếp của CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn, đời sống kinh tế nói chung, lợi ích kinh tế người nông dân nói riêng đang biến đổi từng ngày theo hai hướng tích cực và tiêu cực.

1. Tác động tích cực của CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đến lợi ích kinh tế người nông dân

CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đã tạo dựng được kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn hiện đại, làm cho đời sống người dân có bước phát triển toàn diện. Kết cấu hạ tầng nông thôn bao gồm hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt, trường học, trạm y tế, hệ thống thông tin liên lạc, thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch và các cơ sở công nghệ, dịch vụ kinh tế - xã hội khác. Sau hơn 30 năm đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã thay đổi một cách căn bản, đó chính là thành tựu quan trọng nhất của CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, là nhân tố quyết định sự phát triển toàn diện đời sống của người dân nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần. CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn với việc phát triển một cách căn bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã tạo ra một bước phát triển đột phá và vững chắc đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.

CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đã làm thay đổi căn bản người nông dân Việt Nam, thay đổi cách tổ chức đời sống nông dân, xã hội nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Trước hết là sự thay đổi về nghề nghiệp, thu nhập và đời sống người nông dân; cùng với đó, do có điều kiện và cơ hội giao lưu, hội nhập quốc tế, người nông dân được tiếp nhận những giá trị văn minh hiện đại trong cách nghĩ, lối sống mới. Do sự thay đổi trong lối sống, nếp nghĩ, tác phong của mỗi cá nhân, sự tiếp nhận những giá trị văn minh mới nên cách tổ chức đời sống xã hội nông thôn bên cạnh kế thừa và phát huy giá trị truyền thống, nhiều giá trị văn minh, hiện đại cũng hiện diện trong đời sống hiện nay.

CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn là con đường nhanh nhất để người nông dân tiếp cận với các nguồn lực phát triển, khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ giống cây trồng và vật nuôi, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, bảo quản, vận chuyển, tích trữ… làm cho sản xuất nông nghiệp từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc trực tiếp vào các yếu tố tự nhiên. Do quản lý được toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch nên người nông dân đang dần kiểm soát được năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, vốn là vấn đề nan giải nhất mà người nông dân phải đối mặt xưa nay. Vì không có vốn mà đất đai không được khai thác tối ưu, tiềm năng sáng tạo của người nông dân không được phát huy, ngành nghề truyền thống bị mai một. Thì giờ đây, CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đã mở ra khả năng tối ưu nhất để người nông dân được tiếp cận với các nguồn lực về vốn dưới nhiều loại hình khác nhau như: ngân hàng, tín dụng, các dự án, quỹ đầu tư… trực tiếp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp. Trong điều kiện CNHHĐH, hệ thống ngân hàng, tín dụng, các quỹ đầu tư… phát triển phong phú, đa dạng. Hệ thống này không chỉ của Việt Nam mà còn có sự tham gia của quốc tế. Chính việc sử dụng các nguồn vốn này trong sản suất kinh doanh, thực hiện các hợp đồng kinh tế mà lợi ích kinh tế của người nông dân được nâng cao.

Thu nhập của người nông dân được cải thiện, đời sống được nâng cao, công tác xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội được quan tâm. CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các ngành nghề. Cùng với việc tạo ra nhiều ngành nghề mới đa dạng, hiện đại thì các ngành nghề truyền thống với những sản phẩm có giá trị cao cũng phục hồi và phát huy, đã tạo ra nhiều việc làm thu hút đông đảo lao động tại chỗ, bao gồm cả lao động đã được đào tạo và chưa đào tạo, làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

2. Tác động tiêu cực của CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đến lợi ích kinh tế người nông dân

Đất đai bị thu hồi nhiều làm cho người nông dân không có đủ đất canh tác, không có việc làm tại chỗ, đã đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ đối với lợi ích kinh tế của người dân. Quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn thời gian qua cho thấy, việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, công trình công cộng, phục vụ lợi ích quốc gia đi liền với việc thu hồi đất. Đất nông nghiệp và đất ở của người dân ở nông thôn, nhất là vùng đồng bằng ngày càng bị thu hẹp, thậm chí, có nơi người nông dân phải di dời đến nơi ở mới thay đổi toàn bộ đời sống, tập quán và không có đất canh tác.

Thu hồi đất và đền bù bằng tiền mặt, không đào tạo nghề và giải quyết việc làm, để mặc người nông dân tự xoay xở. Với người nông dân, việc có một số tiền mặt được đền bù lớn và không biết cách lập kế hoạch chi tiêu sinh lợi. Trong hoàn cảnh đó, họ sẽ đứng trước những cám dỗ, chỉ một thời gian ngắn số tiền đền bù được chi tiêu hết và họ trở nên trắng tay, không có việc làm, không nguồn thu nhập, không kế sinh nhai ngay chính trên mảnh đất quê cha đất tổ của mình.

Quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang đẩy nhanh quá trình phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội nông thôn. Do đất đai ngày càng bị thu hẹp, nền kinh tế phát triển tự phát, chất lượng lao động thấp, công tác đào tạo nghề không được quan tâm, kinh tế hộ gia đình thiếu vốn, yếu kém, manh mún, tình trạng thiếu việc làm phổ biến, sự phân hóa mạnh mẽ về thu nhập… tạo ra một bức tranh hỗn độn nhiều mảng tối, tương phản về phân hóa xã hội giữa các nhóm và các tầng lớp xã hội nông thôn. Sự phân hóa đó được biểu hiện ở mức sống, thói quen sinh hoạt và quan hệ cộng đồng… cho thấy ở nông thôn Việt Nam hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về mặt xã hội, đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục.

Sự phát triển của kinh tế nông thôn một cách tự phát, bị dẫn dắt bởi thị trường tự do trong quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn đang tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của người nông dân. Ở nông thôn, hiện có một số mô hình kinh tế như: kinh tế hộ gia đình truyền thống, trang trại, nghề thủ công truyền thống, dịch vụ, thương nghiệp… nhưng nhìn tổng thể, vẫn là nền kinh tế tự phát, không có quy hoạch đồng bộ, thiếu sự nhất quán trong việc áp dụng các chính sách, công tác quy hoạch và quản lý yếu kém cùng với sự tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường nên nhiều mô hình kinh tế tồn tại một cách manh mún, kém hiệu quả, không phát huy được thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Sự phát triển của các mô hình kinh tế nông thôn hiện nay, hầu như thiếu tính chắc chắn, ổn định và bền vững, rất dễ phá sản trước sự tác động của thị trường. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi kinh tế của người nông dân trong quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn.

Sự thiếu đồng bộ, bất cập, không phù hợp của hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay đang để lại những hậu quả nặng nề cho đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn bằng các chủ trương, nghị quyết, hệ thống chính sách kinh tế - xã hội… đã làm cho đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hệ thống chính sách kinh tế vẫn còn thiếu đồng bộ, tầm nhìn ngắn hạn, nhiều bất cập; thậm chí, nhiều chính sách lạc hậu, xa lạ không phù hợp với thực tiễn nông thôn Việt Nam. Hệ thống chính sách thực hiện, phát triển CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay chưa thực sự đảm bảo lợi ích kinh tế của người dân nông thôn nói chung và người nông dân nói riêng.

Như vậy, trong khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt, đời sống của mọi tầng lớp nhân dân được cải thiện nhờ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, thì người nông dân là những người được hưởng lợi ít nhất từ những thành quả đó. Những hạn chế và yếu kém trong việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã làm cho lợi ích kinh tế của người nông dân nước ta thời gian qua chưa được đảm bảo, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải sớm được khắc phục. Giải quyết hiệu quả vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cơ sở quan trọng đảm bảo thực hiện lợi ích kinh tế của người nông dân Việt Nam hiện nay.

3. Vấn đề đặt ra đối với lợi ích kinh tế người nông dân và một số giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế người nông dân trong điều kiện đẩy mạnh CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn

Một số vấn đề đặt ra đối với lợi ích người nông dân do tác động của CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn

Chưa nhận thức đúng về thực chất vấn đề nông dân và nông thôn khi thực hiện CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn, do đó lợi ích kinh tế chính đáng của người nông dân chưa được quan tâm. Nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố của xã hội cổ truyền. Khi thực hiện CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn, những quan hệ cổ truyền sẽ bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống không còn phù hợp sẽ bị đào thải, những giá trị hiện đại sẽ xuất đã đặt xã hội nông thôn trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Vấn đề đặt ra là cần có sự nhận thức đúng vấn đề để có thể hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược cho sự phát triển nông thôn một cách bền vững và lâu dài.

Chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò đặc biệt của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh CNHHĐH. Trước hết, để có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách đúng đắn và lâu dài, cần phải bắt đầu từ chính nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Từ nhận thức này ta sẽ thấy được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước trước mắt và lâu dài.

Chưa nhận thức đúng vai trò của CNHHĐH đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, do đó, chưa xây dựng được hệ thống chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn vì lợi ích của người nông dân. CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ta bước đột phá làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng thị trường tiên tiến, hiện đại, với một nền nông nghiệp mở là một bộ phận của nền nông nghiệp thế giới.

Cần khảo sát, nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quá trình CNHHĐH nhằm khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh để bảo đảm nâng cao lợi ích kinh tế cho người nông dân. Hệ thống chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chưa hợp lý. Vì vậy khi thực hiện CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn cần rà soát văn bản chính sách, nghiên cứu thực tế, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện tạo ra hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, phù hợp. Hệ thống chính sách này phải thực sự hướng tới phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, xanh sạch, bền vững, xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống người nông dân giàu có. Nghĩa là lợi ích kinh tế của người nông dân được đảm bảo tối đa.

Có chính sách ưu tiên, đầu tư đặc biệt toàn diện để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đúng chương trình, kế hoạch, tiêu chí và mục tiêu đã đề ra. Xây dựng nông thôn mới trong điều kiện đẩy mạnh CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn là quá trình tổng thể cùng bổ sung cho nhau, đưa đến hiệu quả xã hội là làm thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Đây là hai quá trình nhưng thực chất chỉ hướng đến một mục tiêu là phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nông nghiệp, xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân Việt Nam.

Một số giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế người nông dân trong quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn

Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, bảo đảm lợi ích kinh tế tối đa cho người nông dân trong quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn.

Điều chỉnh, hoàn thiện chính sách thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng hướng tới bảo đảm tốt nhất lợi ích kinh tế của người nông dân. Hiện nay, chính sách này được giao cho các địa phương tự ban hành và về cơ bản vì lợi ích của nhà đầu tư. Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cần được tiếp cận từ phía người nông dân, nông thôn và hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa của xã hội nông thôn.

Trong quá trình CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn, người nông dân đứng trước nhiều thách thức và rủi ro, vì vậy, cần có chính sách ưu đãi phù hợp, đào tạo nghề, tạo việc làm, đầu tư vốn, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa nguồn thu nhập đối với người nông dân.

CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn không tránh khỏi sự phát triển không đều giữa các nhóm xã hội, sự phân hóa giàu nghèo… do đó, để mang lại lợi ích chung cho xã hội nông thôn, nhà nước cần có sự quan tâm, kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách trực tiếp hướng tới điều chỉnh, hạn chế, khắc phục sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, vệ sinh môi trường.

Xây dựng nông thôn mới được coi là giải pháp trước mắt và lâu dài đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình CNHHĐH. Vì vậy, cần đầu tư, thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng thành công nông thôn mới không chỉ mở ra một giai đoạn phát triển mới của nông thôn nước ta mà cơ bản hơn nó tạo ra những tiền đề căn bản để tiến hành CNHHĐH nông nghiệp, nông thôn một cách lâu dài.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018

Tác giả : KHUẤT THỊ VANG

;