CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY BẮC

 

         1. Vấn đề lợi ích của người dân

       Ở các điểm, khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, người dân bản địa là chủ nhân của tài nguyên trong vùng. Cảnh quan bản làng, các di sản văn hóa và tự nhiên làm nên tài nguyên du lịch đều do người dân làm chủ nhân. Tuy nhiên, nhiều điểm, khu du lịch, người dân được hưởng lợi không nhiều. Cụ thể, điểm du lịch Cát Cát xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai mỗi năm thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ VNĐ (riêng dịch vụ bán vé), nhưng toàn bộ người dân ở bản lại không được hưởng lợi. Ở nhiều điểm du lịch cộng đồng khác, các doanh nghiệp cũng thu từ 2/3 đến 3/4 tổng doanh thu, người dân chỉ được một phần kinh phí chi trả tiền nghỉ, dịch vụ ăn uống, bán hàng thủ công. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra cho nhà nước là cần nghiên cứu xây dựng cơ chế lợi ích hài hòa, người dân phải được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

         2. Vấn đề đầu tư các điểm, khu du lịch sinh thái, văn hóa ở Tây Bắc

         Tây Bắc là vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng vào loại cao nhất nước. Muốn phát triển du lịch đòi hỏi phải xây dựng hệ thống chính sách đầu tư phù hợp với đặc điểm vùng Tây Bắc:

         Đầu tư cho các hộ gia đình để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Người dân ở các vùng có tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa mang tính chất cộng đồng rất khó khăn không có điều kiện tự đầu tư xây dựng các phòng nghỉ. Bình quân mỗi hộ gia đình muốn xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng phải đầu tư từ 50 đến 100 triệu, số kinh phí như vậy quá lớn với thu nhập của người dân vùng cao. Người dân không có tài sản thế chấp nên khó có điều kiện vay vốn ưu đãi của ngân hàng. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi cho vay thông thoáng, phù hợp với điều kiện của người dân vùng cao là yêu cầu cấp bách.

         Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Trong kế hoạch 2016 - 2020, mỗi tỉnh ở Tây Bắc cần lựa chọn một số điểm, khu du lịch sinh thái, văn hóa tiến hành lồng ghép chương trình đầu tư với xây dựng nông thôn mới. Nhưng sự đầu tư này cần phải nghiên cứu khoa học, có sự tư vấn của các nhà nghiên cứu du lịch, tránh tình trạng bê tông hóa, ngói hóa… dẫn đến đô thị hóa cả các điểm, khu du lịch gây tác hại nghiêm trọng cho nguồn tài nguyên trong vùng.

         Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp đầu tư cho việc quảng bá xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù, đào tạo nguồn nhân lực... Trước kia, chính quyền các địa phương chủ yếu xin tài trợ từ nhiều tổ chức phi chính phủ hoặc tự bỏ ngân sách địa phương đầu tư cho lĩnh vực này, dẫn đến tình trạng chỉ cung cấp cho người dân vốn mà không chú trọng hướng dẫn cho họ cách làm. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp ỷ lại vào nhà nước. Kết quả một số mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia được hình thành, nhưng khi hết kinh phí dự án thì cũng tan rã. Vì vậy, trong giai đoạn tới cần xây dựng cơ chế phối hợp công tư trong đầu tư, phân rõ nguồn lực đầu tư của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Những khâu nào doanh nghiệp và người dân đầu tư được thì nhà nước không đầu tư.

         Ngành du lịch muốn phát triển được cần phải có nguồn quỹ riêng nhằm phục vụ các hoạt động du lịch. Nguồn thu của quỹ lấy từ nguồn thu của những điểm, tuyến, khu du lịch thông qua lệ phí hoặc từ thuế,... Kinh nghiệm ở Sa Pa (Lào Cai) cho thấy, toàn bộ kinh phí thu từ du lịch được UBND tỉnh giao cho UBND huyện quản lý với nguyên tắc chi là tái đầu tư cho du lịch. Nhờ có nguồn thu này Sa Pa phát triển được một số cơ sở hạ tầng du lịch. Ở các khu du lịch sinh thái, văn hóa cần để lại nguồn thu cho cơ sở xây dựng quỹ phát triển du lịch. Mục tiêu chi của quỹ phát triển du lịch bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cần tập trung chi cho các phần mềm về du lịch cộng đồng như bảo vệ môi trường, tập huấn, đào tạo, xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc thù...

         3. Vấn đề thuế

        Kinh doanh du lịch không có khả năng thu lãi nhanh, tập trung được nguồn kinh phí có lãi như các ngành kinh tế khác. Nhưng phần lãi nhất của phát triển du lịch ở Tây Bắc là chuyển dịch được cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sinh kế cho người dân, giải quyết công ăn việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo. Hoạt động du lịch đem lại thu nhập cho người dân kinh doanh dịch vụ nghỉ, hướng dẫn viên, xe ôm, các dịch vụ giao thông hiện đại khác... Vì vậy, hiệu quả của du lịch tác động mạnh đến chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống của người dân. Từ quan điểm về phát triển du lịch, cần có một hệ thống các giải pháp về đổi mới cơ chế chính sách thuế:

        Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: cần có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu đối với những dự án đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái; cần có cơ chế chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động dịch vụ phục vụ khách quốc tế như sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng xuất khẩu, đồ lưu niệm; chuyển ưu đãi thuế theo hướng ưu đãi sau đầu tư sang hướng ưu đãi trực tiếp cho nhà đầu tư du lịch.

        Đối với thuế nhập khẩu, xuất khẩu: đối với các khu du lịch sinh thái có quy mô lớn như Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Sa Pa, Hồ Ba Bể... khi xây dựng khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phải nhập khẩu trang thiết bị thì cần miễn thuế nhập khẩu lần đầu đối với mọi hàng hóa; có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện về thủ tục để khách du lịch quốc tế được mua bán, gửi hàng mang về nước thuận lợi, xem xét miễn thuế, khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng lưu niệm tại chỗ (1).

                            Hà Nội, 19-11-2015

         _______________

         1. Bài viết này là sản phẩm của đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái theo hướng phát triển bền vững vùng Tây Bắc, mã số KHCN-TB, 09X/13-18, Đề tài được tài trợ bởi Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, ĐHQGHN.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : TÔ NGỌC THANH

;