Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử”

“Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử” là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện, diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) và phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 28-2-2023.

Chương trình nghệ thuật do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chỉ đạo nội dung; Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo thực hiện; NSƯT Quỳnh Trang - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật; Kịch bản và Tổng đạo diễn do NSND Trần Bình đảm nhiệm. 

Maket sân khấu chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử”

Chia sẻ về nội dung của chương trình nghệ thuật, Tổng đạo diễn, NSND Trần Bình cho biết, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử” gồm ba chương: Chương I với chủ đề "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Chương này sẽ tái hiện lại lịch sử ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Vào thời điểm trước năm 1943, tình hình thế giới, Đông Dương cũng như trong nước rất căng thẳng, ngột ngạt. Việt Nam trở thành thuộc địa của cả Pháp và Nhật. Phát xít Nhật, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố Đảng Cộng sản. Nhiều cán bộ của Đảng bị bắt giam, hàng loạt trại giam được xây dựng. Chúng tàn phá thôn làng, cướp bóc lúa gạo, bắt nông dân nhổ lúa trồng đay. Giai cấp công nhân bị bóc lột, tước đoạt, đời sống nhân dân lâm vào cảnh bần cùng. Giai cấp tiểu tư sản bị đẩy vào con đường bi quan, bế tắc; tri thức, viên chức thất nghiệp. Mâu thuẫn giai cấp giữa công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức dân tộc với thực dân Pháp, phát xít Nhật trở nên gay gắt. Độc lập dân tộc và tự do dân chủ trở thành nhu cầu số một của mỗi người dân Việt Nam.

Để chống lại văn hóa phản động của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc… tháng 2-1943, tại Đông Anh, Phúc Yên, (nay là Hà Nội), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Đề cương xác định Văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa) với ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.

Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Khán giả sẽ được thưởng thức các ca khúc: Cờ Việt Minh, liên khúc Ngọn đuốc soi đường, Bình minh, Lá cờ Đảng, Đoàn Lữ nhạc. Trong đó, liên khúc Ngọn đuốc soi đường (nhạc: Đức Trịnh, lời: NSND Trần Bình) là ca khúc sáng tác mới, góp phần khẳng định tầm quan trọng của nền văn hóa nước nhà.

Chương II với tên gọi “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”.

Nội dung của chương này đề cập đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với các phương châm: “Văn hóa hóa Kháng chiến", "Kháng chiến hóa Văn hóa”, “Xây dựng đời sống mới”. Văn hóa Việt Nam đã trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ từ 1943-1975 đã góp phần phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam, vừa thực hiện nhiệm vụ kiến quốc, vừa kháng chiến, huy động được các binh chủng, lực lượng làm công tác văn hóa, toàn dân tham gia vào cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối.

 Các ca khúc hào sảng đi cùng năm tháng sẽ được trình bày: Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh, Người Hà Nội, Trường ca Sông Lô, Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên, Câu hò bên bến Hiền Lương, Bước chân trên giải Trường Sơn, Tiến về Sài Gòn, Đất nước trọn niềm vui...

Chương III với tiêu đề “…Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Các tác phẩm nghệ thuật trong chương này tập trung nhấn mạnh và khẳng định, Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã trải qua 80 năm, nhưng  ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó có nhiều thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối, chính sách về văn hóa của Đảng…

Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ được phát lại trên màn hình sân khấu của chương trình, như lời khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Chương trình nghệ thuật sẽ kết thúc bằng những tiết mục được dàn dựng công phu: liên khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam; Bay qua biển Đông; Xuân và tuổi trẻ; Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Việt Nam ơi, ta bước tiếp.

NSND Trần Bình cho biết: "Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc, tôi đã đặt hàng các nhạc sĩ viết một số tác phẩm mới. Về cách thức thực hiện, cùng với việc dàn dựng kịch bản, lựa chọn ca khúc, dàn dựng âm nhạc… chương trình sẽ có sự kết hợp với điện ảnh, múa và các hình thức nghệ thuật khác để truyền tải được nội dung là dấu ấn và sức lan tỏa của bản Đề cương, Nghị quyết của Đảng về văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, để chương trình hấp dẫn thì các tiết mục phải đảm bảo về nội dung, các ca sĩ khi thể hiện sẽ nhập tâm vào ca khúc, điều đó giúp cho tác phẩm đi vào lòng người, chinh phục trái tim của khán giả”.

Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ trẻ tên tuổi: Trọng Tấn, Tùng Dương, Viết Danh, Xuân Hảo, Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, Thu An, Thu Hằng... nhóm Phương Nam, nhóm Thời gian và vũ đoàn Mây.

Là ca sĩ xuất hiện trên sân khấu với hai ca khúc, ca sĩ Viết Danh chia sẻ về cảm nhận khi tham gia chương trình: “Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với tôi là một chương trình đặc biệt và có nhiều ý nghĩa. Trong chương trình, tôi may mắn được thể hiện hai ca khúc, trong đó có một bài về Bác Hồ. Đứng trên sân khấu lớn, được hát về Bác, đối với tôi là một niềm tự hào. Ca khúc Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh được nhạc sĩ Lưu Bách Thụ viết từ năm 1945, trong chương trình này sẽ được làm mới về âm nhạc nên cách hát của tôi cũng sẽ đổi mới để tạo hiệu ứng tốt nhất nhằm mang đến cảm xúc đối với người nghe…”.

Quán quân Sao Mai 2015 dòng nhạc dân gian - Nguyễn Thu Hằng, cũng sẽ góp mặt trong chương trình với tác phẩm Người Hà Nội. Thu Hằng chia sẻ: Đây là một vinh dự lớn của tôi khi được góp mặt trong một chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt này. Chương trình kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam là dịp để những người làm công tác văn hóa nói chung, các thế hệ nghệ sĩ trên khắp cả nước trong đó có các thầy cô và Thu Hằng nói riêng, thấm nhuần được ý nghĩa lịch sử và nhận thức được những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong thời gian 80 năm vừa qua.

Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi là bài hát ca ngợi về Hà Nội - Thủ đô yêu dấu, cũng là nơi Thu Hằng sinh ra và lớn lên. Ca khúc Người Hà Nội với 77 năm ngân vang, đã góp phần tạo thêm sức mạnh và ý chí quyết chiến quyết thắng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong xây dựng hòa bình của dân tộc ta. Người Hà Nội là một ca khúc khó, đòi hỏi ca sĩ trình bày phải có trình độ thanh nhạc tốt, bởi vậy Thu Hằng hy vọng rằng, bằng cảm xúc, giai điệu và tâm hồn của người con xứ Tràng An, Thu Hằng sẽ thể hiện tốt được sự hào sảng mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã gửi gắm về Hà Nội mến yêu.

Cùng với Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện chương trình, còn có sự phối hợp của các đơn vị: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Học viện Múa Việt Nam; Đoàn Trống hội Bộ Công an; Đoàn Nghi lễ của Bộ Quốc phòng; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Chương trình nghệ thuật Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử sẽ là một trong những điểm nhấn thiết thực kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với hình thức nghệ thuật phong phú, sinh động, chắc chắn sẽ cuốn hút người xem, giúp công chúng hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị lịch sử của Đề cương về văn hóa Việt Nam, lan tỏa hơn nữa những quan điểm, định hướng của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

NGỌC BÍCH

ĐỌC NHIỀU

  •  Nguyễn Trãi và những vấn đề của bi kịch lịch sử

    Nguyễn Trãi và những vấn đề của bi kịch lịch sử

  • Ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm giải trí cho người cao tuổi trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam

    Ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm giải trí cho người cao tuổi trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam

  • Bài viết mới

    Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Gia Bình (Bắc Ninh)

  • “Trở về trong giấc mơ” - những trang thư có lửa

    “Trở về trong giấc mơ” - những trang thư có lửa

  • Những xu hướng phát triển du lịch mới: Cơ hội và thách thức cho việc làm du lịch Việt Nam giai đoạn 2025-2030

    Những xu hướng phát triển du lịch mới: Cơ hội và thách thức cho việc làm du lịch Việt Nam giai đoạn 2025-2030

  • ;