Cải tổ mạnh mẽ hoạt động bảo tàng ở Việt Nam

     Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bảo tàng gắn với phát triển du lịch do Bộ VHTTDL ban hành cuối năm 2018 (1) đã nhận được sự chú ý, quan tâm của dư luận. Nội dung đề án đề cập đến nhiều vấn đề của hoạt động bảo tàng, cần được thực hiện triệt để và quyết liệt, tiến tới để mỗi một đơn vị bảo tàng thành một địa chỉ văn hóa đương đại sống động, đồng hành cùng đời sống xã hội.

 

     Thực trạng hoạt động bảo tàng - một khái quát

     Hiện nay, có 10/23 bảo tàng thuộc Bộ Quốc phòng nằm trên địa bàn thủ đô Hà Nội và rất đa dạng về thể loại (2). Từ bảo tàng ở tầm vĩ mô như Viện bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đến bảo tàng chuyên biệt như Bảo tàng Chiến thắng B52 hay chuyên ngành như Bảo tàng Thông tin liên lạc, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng có một hệ thống gồm 5 bảo tàng thiên nhiên và 3 trong số đó nằm trên địa bàn Hà Nội: Bảo tàng Thiên nhiên, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Tài nguyên rừng Bộ Công an. Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã triển khai bảo tàng của ngành.

      Ý niệm về một địa chỉ bảo tàng cũng đã có trong ít nhất ba trường đại học lớn ở Hà Nội: Bảo tàng Nhân học Đại học quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Sinh vật của Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà Bảo tàng của Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

     Thực tế cho thấy, ở Hà Nội nói riêng, hệ thống bảo tàng hết sức quy mô, lớn về số lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. “Thực sự các bảo tàng đã phát huy tác dụng giáo dục sâu sắc đối với toàn dân đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh và quân đội” (3).

     Rất nhiều lý do ra đời xoay quanh trục quan điểm: ghi nhớ lịch sử, bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị di sản, cùng những mục đích cao đẹp như cung cấp thông tin cho nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ khắc sâu công ơn người đi trước... đã trở thành nền tảng của mạng lưới bảo tàng trên khắp đất nước ta. Đề án năm 2018 đưa ra một con số thống kê, trên địa bàn cả nước hiện có 126 bảo tàng công lập.

     Nhưng sau thành tựu đó là gì? Chúng ta có biết gìn giữ, phát huy giá trị của từng cơ sở bảo tàng ấy để nó xứng đáng với danh vị bảo tàng hay không mới là điều đáng bàn...

     Theo ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, từ lâu nay, nhiều bảo tàng cấp tỉnh không/ chưa thể phát huy hiệu quả hoạt động vì đơn giản, đến tòa nhà bảo tàng của họ còn chưa có, như Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, chưa kể đến các vấn đề chính như đường hướng hoạt động. Ngược lại, có những bảo tàng địa phương có nhà trưng bày to đẹp, hiện đại nhưng nội dung trưng bày bên trong lại không thực sự tương ứng với chất lượng tòa nhà, với tiêu chuẩn của một bảo tàng đúng nghĩa. Một minh chứng điển hình là sự lãng phí ở Bảo tàng Hà Nội, hàng ngàn tỷ đồng xây dựng tòa nhà và thiết kế khuôn viên xung quanh nhưng vừa xây xong đã xuống cấp. Đến nay, 9 năm sau khi khánh thành, bảo tàng này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công tác trưng bày nội dung và tiếp tục phải thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện.

     Cần động lực cải tổ mạnh mẽ

     Đầu tư cho nguồn lực con người

     Vấn đề được cho là cốt lõi quan trọng trong hoạt động của mọi thực thể chính là đảm bảo nguồn lực con người. Hoạt động bảo tàng không phải một ngoại lệ. Bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, thừa nhận: “Một trong những khó khăn lớn nhất của bảo tàng chúng tôi hiện nay chính là nguồn lực con người. Số lượng người làm việc thì không thiếu nhưng để có được một đội ngũ cùng nhau chuyên tâm, say mê, có tinh thần cống hiến cho bảo tàng, kế cận trọn vẹn được lớp thế hệ cán bộ chuyên môn đầu tiên của cơ quan mà nhiều người chủ chốt đã nghỉ hưu, đang thực sự là vấn đề nan giải…” (4).

     Để khắc phục, bảo tàng đã mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm tình nguyện viên bảo tàng và cùng họ xây dựng các dự án cụ thể, qua đó, nhân viên của bảo tàng học hỏi được rất nhiều về chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Các dự án quốc tế như vậy đồng thời đem tới cho bảo tàng không chỉ những trưng bày đẹp, triển lãm chuyên đề hấp dẫn, thu hút mà còn mở rộng việc triển khai các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Diện mạo và nội dung trưng bày của tòa nhà chính của bảo tàng hiện nay là kết quả của một hợp tác với các chuyên gia nước ngoài. Một trong những triển lãm chuyên đề gây chú ý lớn của bảo tàng trong năm 2012 là triển lãm về tín ngưỡng hầu đồng Đạo Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui, hợp tác với một nhóm chuyên gia bảo tàng của Mỹ, đã đem tới cho bảo tàng không chỉ danh tiếng mà còn kinh nghiệm của nhóm chuyên môn được làm việc cùng với các chuyên gia “Phải nói, sau dự án này, trình độ chuyên môn của nhóm cán bộ làm việc cùng chuyên gia nước ngoài đã được nâng lên rất nhiều” (5). Từ năm 2016, bảo tàng cũng đã nỗ lực đầu tư thực hiện dịch vụ thuyết minh tự động, ban đầu với ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, đưa vào phục vụ từ năm 2017. Hiện nay, bảo tàng đang tiến hành triển khai dịch vụ này với hai ngôn ngữ Nhật, Hàn, tiến tới có thêm tiếng Tây Ban Nha. Các dịch vụ này đều được hỗ trợ bởi tình nguyện viên nước ngoài để đảm bảo sự chuẩn mực về ngôn ngữ, giọng đọc thuyết minh.

     Không phải ngẫu nhiên mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cùng với bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) là ba bảo tàng ở Việt Nam nổi bật trên các diễn đàn thông tin du lịch phổ biến nhất thế giới. Trong bối cảnh đều là bảo tàng công lập, vận hành chủ yếu nhờ vào ngân sách nhà nước với sự hạn chế nhất định về nguồn lực tài chính cũng như những ràng buộc của cơ chế sử dụng đầu tư công, công chúng Việt Nam không/ chưa có nhu cầu đến với bảo tàng, danh tiếng và uy tín quốc tế của ba bảo tàng nói trên cho thấy, hoàn cảnh khó khăn nào cũng có thể vượt qua được để đi tới thành công, nếu biết cách chú trọng khơi nguồn nhân lực.

     Năm 2018, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có sáng kiến lập một chương trình hợp tác với Trường Phổ thông Thực nghiệm Hà Nội đưa học sinh tới bảo tàng tham gia một chương trình giáo dục trải nghiệm lồng ghép với nội dung trưng bày do cán bộ chuyên môn của bảo tàng xây dựng. Bắt đầu từ thực tế lịch sử về những cô bộ đội, thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn thời chiến tranh phải vượt qua bao vất vả để chiến đấu và chiến thắng, câu chuyện được dẫn dụ tới hai mùa mưa nắng ở Trường Sơn và học sinh cùng được trải nghiệm qua cảm giác mưa (nhân tạo) đem tới cho các em không chỉ hiểu biết về lịch sử, khoa học mà còn nhiều cảm xúc về thiên nhiên và con người. Chương trình đã hấp dẫn học sinh, giáo viên, đặc biệt cả phụ huynh đi theo. “Nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự ngạc nhiên vô cùng và cũng tự thắc mắc, sao đến bây giờ họ mới biết có một bảo tàng hay như thế này ở ngay bên cạnh mình”, Giám đốc Nguyễn Bích Vân không giấu được niềm vui (6).

     Tầm nhìn chiến lược và những giải pháp trước mắt

     Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động bảo tàng, ông Nguyễn Văn Huy cũng hoàn toàn đồng tình cho rằng, mục đích lớn nhất của các chương trình hợp tác với chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài chính là để nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên bảo tàng trong nước tiến tới tự lực xây dựng các chương trình nghiên cứu, trưng bày chuyên đề của chính mình.

     Triển lãm chuyên đề cùng với những ấn phẩm xuất bản song hành, thậm chí cả các sản phẩm lưu niệm bày bán song song với thời gian diễn ra triển lãm chuyên đề chính là một cách hấp dẫn khách tham quan. Người viết còn nhớ trong một chuyến tham quan Bảo tàng Mori, Tokyo, Nhật Bản, năm 2017, bên cạnh triển lãm chuyên đề của họ về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á từ thập niên 80 TK XX đến nay rất đông khách tham quan, khu vực cửa hàng lưu niệm của họ cũng đông khách mua hàng không kém bởi bày bán hàng loạt món đồ lưu niệm đặc trưng của từng nước Đông Nam Á có tên trong triển lãm đang diễn ra. Thật ngỡ ngàng khi thấy những cái rổ nhựa, tập phiếu giữ xe đạp, xe máy, phong bì thư kiểu Việt Nam có hai vạch màu xanh dương và đỏ chạy quanh bốn cạnh, được thiết kế thành món đồ lưu niệm. Sản phẩm như vậy thoạt nhìn đơn giản nhưng nó được thiết kế dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng và tinh tế của đội ngũ chuyên môn của bảo tàng, để một sản phẩm triển lãm chuyên đề không bị đơn lẻ, khô cứng, mà kèm theo đó là hàng loạt sản phẩm phụ trợ, gắn kết các bộ phận trong bảo tàng, biến nơi đây thành một chỉnh thể độc đáo khó thay thế, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách tham quan.

     Hoạt động triển lãm chuyên đề bên cạnh trưng bày cố định chỉ là một trong nhiều hoạt động chuyên môn của bảo tàng hướng tới phục vụ công chúng. Trong hoàn cảnh Việt Nam, các bảo tàng công lập vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị của một đơn vị nhà nước vừa phải tăng cường xây dựng hình ảnh như một đơn vị dịch vụ văn hóa hấp dẫn. Làm thế nào để có thể hài hòa, cân bằng được hai trách nhiệm này? Theo ông Nguyễn Văn Huy, tất cả phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của người chịu trách nhiệm cao nhất ở từng đơn vị bảo tàng; mà nhiệm vụ chính trị cao cả nhất chính là thu phục được lòng người, được đông đảo công chúng trong bối cảnh kinh tế xã hội mới hiện nay (7). Dẫn chứng về sức hấp dẫn chưa từng có của một triển lãm chuyên đề do đội ngũ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lên ý tưởng và triển khai thực hiện, triển lãm Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (2006), ông Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Đó là một triển lãm rất chính trị nhưng hấp dẫn công chúng đến mức độ bảo tàng phải kéo dài thời gian triển lãm, phải trưng bày lần 2. Đơn giản vì cách làm triển lãm chân thực, nhân bản của bảo tàng đã chạm đến tầng cảm xúc sâu đậm của nhiều thế hệ người Hà Nội” (8).

     Trong vai trò của người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp, bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một mặt thừa nhận những khó khăn về cơ chế tài chính cũng như trách nhiệm đảm nhận các nhiệm vụ chính trị của Hội LHPNVN, mặt khác cũng nhấn mạnh tới sự chủ động người đứng đầu trong việc tìm ra các giải pháp trước mắt để đảm bảo duy trì tăng trưởng lượng khách hằng năm tối thiểu 10% so với năm trước. Bảo tàng duy trì được các hợp đồng với một số công ty lữ hành; chủ động thông tin về các thủ tục cho phép xe khách ngoại tỉnh vào trung tâm Hà Nội trong những khung giờ cấm thông thường, tới các công ty du lịch, nhà xe ở một số địa phương để họ chủ động sắp xếp lịch đưa đón khách tham quan.

     Trong nỗ lực từng bước mở rộng hình ảnh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tiến hành cùng lúc nhiều giải pháp, như xuất bản sách (năm 2018), triển khai xã hội hóa dịch vụ thuyết minh tự động cho 100 tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại bảo tàng (từ 2018), tăng số lượng các triển lãm chuyên đề và triển lãm lưu động do cán bộ của bảo tàng nghiên cứu thực hiện (từ năm 2017), xây dựng lại trang tin trực tuyến (website) với giao diện thân thiện và dễ dàng hơn cho người sử dụng, soạn lại nội dung bảng thuyết minh tại các phòng trưng bày theo hướng cập nhật, hấp dẫn hơn, khắc phục các sai sót trong phiên bản tiếng nước ngoài.

     “Tuy nhiên, giải pháp lâu dài hơn vẫn phải là làm tốt công tác dữ liệu, nghiên cứu, trưng bày bên cạnh việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị cơ sở vật chất cho việc bảo quản hiện vật... Chúng tôi cũng tiếp tục nỗ lực trong công tác hệ thống và số hóa dữ liệu hiện vật của bảo tàng, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động chuyên môn và truyền thông của bảo tàng”, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ (9).

     Còn rất nhiều vấn đề lớn trong hoạt động bảo tàng hiện nay mà Đề án ít nhiều đề cập đến nhưng hầu như rất ít bảo tàng thực hiện triệt để. Chẳng hạn như việc nghiên cứu, thống kê về khách tham quan một cách bài bản, từ đó đưa ra được các kết luận đánh giá về nhu cầu, thị hiếu của khách nhằm triển khai các dịch vụ đáp ứng.

     Hay việc đổi mới trưng bày, như ý kiến của ông Nguyễn Văn Huy: “Chúng ta cứ nói đến đổi mới trưng này, nhưng chúng ta chưa biết tìm đâu ra nhân lực thiết kế trưng bày bảo tàng chuyên nghiệp ở Việt Nam” (10). Chính vì vậy, Đề án nên được coi là cú hích tạo đà cho động lực cải tổ mạnh mẽ hơn của các bảo tàng.

_______________

     1. Ngày 24 - 12 - 2018, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án.

     2. mod.gov.vn/thietchevanhoa.

     3. Cục Di sản văn hóa, 55 năm sự nghiệp bảo tồn bảo tàng, Hà Nội, 2002.

     4, 5, 6. Tác giả trao đổi với bà Nguyễn Bích Vân, ngày 22 - 4 - 2019, Hà Nội.

     7, 8, 10. Tác giả trao đổi với ông Nguyễn Văn Huy, ngày 23 - 4 - 2019, Hà Nội.

     9. Tác giả trao đổi với ông Nguyễn Anh Minh, ngày 6-5- 2019, Hà Nội.

 

Tác giả: Chi Mai

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

 

;