Cách mạng Công nghiệp 4.0: cơ hội, thách thức, và giải pháp của ngành Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam

Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được coi là cuộc cách mạng “không có tiền lệ lịch sử”, đang phát triển với tốc độ vũ bão, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo ra những tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, môi trường và nhiều lĩnh vực trong đời sống của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Từ chính phủ các nước, các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia, đến những người sáng tạo, thực hành văn hóa và đông đảo người dân, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ cuộc CMCN 4.0.

Cảnh trong vở Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam - Ảnh Thanh Hà

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, khi nhiều nước đặt trong tình trạng phong tỏa, người dân và người lao động dành phần lớn thời gian ở nhà, thì tầm quan trọng của các dịch vụ trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vừa qua, Bộ VHTTDL đã thử nghiệm Nhà hát trực tuyến trên các kênh YouTube để phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 đem lại đối với Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm thích ứng và tận dụng xu thế phát triển của CMCN 4.0 trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.

1. Cuộc CMCN 4.0

CMCN 4.0 khởi nguồn từ nước Đức vào năm 2013, với sự ra đời của khái niệm Industrie 4.0 (công nghiệp 4.0) được đưa ra tại Hội chợ Hannover giới thiệu các công trình của nước Đức. Khái niệm này tiếp đó được Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF làm rõ trong sự so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó: “Cách mạnh công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng lọat. Cuộc cách mạng lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Đến bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học” (1).

CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ cấp số nhân do sự đột phá của khoa học công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp công nghệ “thông minh” để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất và làm thay đổi lực lượng sản xuất. Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và số hóa được tận dụng triệt để, tạo nên những bước tiến sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Nếu điện thoại phải mất đến 75 năm để đạt ngưỡng 50 triệu người sử dụng, radio mất 38 năm, ti vi cần 13 năm, thì Internet chỉ cần 4 năm để đạt mốc 50 triệu người sử dụng trên toàn cầu và Facebook chỉ cần có 3,5 năm (2).

Trên thế giới, vẫn còn nhiều tranh luận về CMCN 4.0. Có người cho rằng, đó là cuộc cách mạng của tương lai, còn hiện tại những gì chúng ta chứng kiến vẫn là bước phát triển cao của cách mạng 3.0. Giữa bão tố của những cuộc tranh luận học thuật, có một điều đã được khẳng định, đó là nền tảng số hóa và công nghệ thông tin, các đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng này đã trở thành xu thế chủ đạo, tạo nên các tác động sâu sắc và chuyển biến căn bản đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, đưa đến những cơ hội và thách thức lớn, đan xen lẫn nhau đối với những người làm quản lý, hoạch định chính sách văn hóa, cũng như những người làm nghề, hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực này và cả công chúng trên thế giới.

2. Những cơ hội và thách thức

Cơ hội

Cơ hội lớn nhất có thể nhận thấy đó là sự gia tăng mạnh mẽ khả năng tiếp cận của công chúng đối với văn hóa, nghệ thuật thế giới. Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn các ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng và rộng rãi chưa từng có đối với kho tàng tri thức và văn hóa, nghệ thuật của nhân loại. Theo nghiên cứu của Excelacom Inc vào năm 2016, cứ mỗi phút trên thế giới, có tới 38.052 giờ nghe nhạc trên Spotify, 69.444 giờ xem film trên Netflix, 701.389 lượt truy cập Facebook, 2,78 triệu lượt xem video YouTube, 203.596 USD doanh thu bán hàng từ Amazon… (3). Ngày nay, khán giả trẻ Việt Nam có thể thưởng thức những album hoặc single của các ca sĩ hàng đầu thế giới ra mắt cùng ngày với khán giả châu Âu và Bắc Mỹ. Công chúng ở các vùng nông thôn, những nơi chưa có rạp chiếu phim vẫn có thể được xem những bộ phim nổi tiếng thế giới qua mạng Internet chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc Ipad.

Tại Việt Nam, thành công bất ngờ của Nguyễn Hà Đông, người thiết kế trò chơi Flappy Bird đã truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp kinh doanh. Theo một số nguồn tin, Flappy Bird đã đem về cho nhà phát triển game trẻ tuổi này khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) mỗi ngày từ quảng cáo. Hà Đông tiết lộ rằng Flappy Bird đã được chơi hơn 20 tỷ lần trong tháng 2-2014 và được tải xuống hơn 90 triệu lần trên App Store và Google Play (4).

Công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên nền tảng số tăng trưởng mạnh và đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế của một số quốc gia cũng như toàn cầu. Năm 2013, nội dung văn hóa và sáng tạo đóng góp 200 tỷ USD doanh số toàn cầu và thúc đẩy doanh thu từ việc bán các thiết bị số đạt 530 tỷ USD. Hàng hóa văn hóa số là nguồn thu lớn nhất cho nền kinh tế số, tạo ra gần 66 tỷ USD trong năm 2013 từ doanh số bán sách điện tử, âm nhạc, video, games và đạt 22 tỷ USD doanh thu quảng cáo trực tuyến của các cơ quan truyền thông trực tuyến và các trang web cho phép phát trực tuyến miễn phí như YouTube. Doanh số bán vé điện tử và hàng hóa số từ các nhà bán lẻ điện tử đạt 26 tỷ USD. Đặc biệt, quảng cáo trực tuyến từ các đại lý quảng cáo lên tới 85 tỷ USD trong năm 2013 (5). Theo Liên đoàn quốc tế Công nghiệp ghi âm (IFPI) năm 2015 là năm đầu tiên thế giới chứng kiến doanh thu của ngành âm nhạc từ hình thức số đã vượt doanh thu bán các bản ghi âm dưới định dạng vật chất.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội, công nghệ số, đặc điểm căn bản của CMCN 4.0 cũng mang lại những thách thức lớn tương ứng. Công nghệ số tái tạo các bộ môn nghệ thuật, mở cửa thị trường mới và phân khúc khán giả, nhân rộng các phương thức sản xuất và phân phối, thay đổi thói quen tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa của khách hàng, làm rung chuyển mô hình kinh doanh truyền thống. Tác động lớn nhất đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đó là công nghệ số đã làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa, tạo ra những thay đổi mang tính tương tác đa chiều trong từng khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Từ mô hình “hình đường ống” theo đó các khâu trong chuỗi sáng tạo tiếp nối tuần tự, giờ đây dưới tác động của công nghệ số, chuỗi giá trị đã phát triển theo mô hình “mạng lưới”, ở đó tại mỗi khâu đều có sự tương tác lẫn nhau. Nền tảng số đã cho phép nghệ sĩ sáng tạo có thể nhận được phản hồi ngay lập tức từ công chúng đối với các sản phẩm của mình ngay từ khâu ý tưởng, để rồi điều chỉnh và thậm chí tung ra phân phối trực tuyến, rồi tiếp tục đưa ra các đổi mới sáng tạo, nâng cấp trong quá trình sản xuất. Trong mô hình mạng lưới này, dữ liệu chính là mạch máu của hệ thống văn hóa và là thành tố chủ chốt của nền kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, rất ít các quốc gia trên thế giới hiện nay có chính sách văn hóa hoặc chiến lược văn hóa số để ứng phó với thách thức của quá trình chuyển đổi này của chuỗi giá trị.

 (Theo Báo cáo toàn cầu Công ước 2005: Tái định hình các chính sách văn hóa, UNESCO, 2018)

Một nguy cơ đã dần xuất hiện, đó là sự tập trung thâu tóm thị trường vào một vài nước lớn và các tập đoàn lớn, những nhân tố nắm giữ tiềm lực về công nghệ và tiếp tục đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển để đổi mới sáng tạo. Các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, mặc dù có những lợi thế từ việc phát triển sau và tận dụng công nghệ tiên tiến từ băng thông rộng của điện thoại di động, 3G, 4G… nhưng vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng, cũng như khung pháp lý và chính sách để thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa, dịch vụ văn hóa trong môi trường số.

3. Điểm mạnh và điểm yếu của ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0

Điểm mạnh

Điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay trước xu hướng của cuộc CMCN 4.0 là tầm nhìn và quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm nắm bắt thời cơ, đón đầu xu thế để vươn lên phát triển đất nước. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” ngày 4-12-2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “CMCN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, đề ra những giải pháp mang tính chiến lược, thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ mang tính bứt phá về hạ tầng và nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia… Trên cơ sở đó, các Bộ ngành Trung ương và địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến, trong đó hơn 30% đã ở mức độ 4. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại Quyết định số 3888/QĐ-BVHTTDL ngày 19-10-2017 để nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong ngành về cuộc CMCN 4.0, tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao và ứng dụng công nghệ phù hợp, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh của ngành. Ngày 28-11-2017, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL về việc định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành VHTTDL, xác định một số sản phẩm trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa và thư viện sẽ được tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ để phát triển.

Đặc biệt, ngày 27-9-2019, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thể hiện quyết tâm cao nhất về mặt chính trị, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy tối đa các nguồn lực nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Nghị quyết là kim chỉ nam để giúp nước ta có những đột phá mạnh mẽ, chủ động nắm bắt các cơ hội và đối phó với các thách thức của cuộc CMCN 4.0 để bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, không để ai tụt lại phía sau. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17-4-2020, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, chính sách phát triển nâng cao năng lực đổi mới quốc gia, phát triển nguồn nhân lực thích ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động hội nhập quốc tế và phát triển một số ngành ưu tiên, theo đó giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: du lịch số; công nghiệp văn hóa số. Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hướng tới tầm nhìn năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Là một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa với những giá trị di sản văn hóa đặc sắc, đa dạng của 54 dân tộc, Việt Nam có thế mạnh để xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa độc đáo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi thế giới đã trở thành một “làng toàn cầu”, tiêu thụ những món ăn chung được sản xuất hàng loạt, thì nhu cầu về sự “riêng biệt”, tìm đến cái khác biệt trở thành một xu hướng. Việt Nam, do đó, có thể tận dụng yếu tố “bản sắc” để tạo dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu quốc gia. Với hơn 20 di sản được UNESCO ghi danh, hàng nghìn di tích, lễ hội văn hóa dân gian và sự giàu có của tri thức truyền thống, Việt Nam cần có phương thức khai thác giá trị kinh tế từ di sản văn hóa một cách bền vững và theo một cách đổi mới sáng tạo để tạo được lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác.

Bước đầu Việt Nam đã hình thành những nền tảng cơ sở hạ tầng nhất định để bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, mở ra cơ hội lớn đối với văn hóa số khi tỷ lệ người sử dụng Internet và thiết bị điện thoại thông minh tại Việt Nam tăng cao. Theo Báo cáo Digital 2021 của Hootsuite và WeAreSocial, tính đến tháng 1-2021, tại Việt Nam có tới 68,72 triệu người sử dụng internet, chiếm tới 70,3% dân số, và số lượng kết nối máy di động lên tới 154,4 triệu máy, chiếm 157,9% dân số (tức là cứ 2 người dân thì sử dụng đến 3 thiết bị điện thoại di động). Cùng với quyết tâm và các chính sách mạnh mẽ của Chính phủ về xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”, tốc độ thành lập mới của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017 (6). Thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia tăng 13 bậc, lên hạng 59 vào năm 2020, hướng tới vị thế Trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á (7). Hiện trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, cung cấp nguồn lực tài chính dồi dào cho khởi nghiệp. Việt Nam đã xuất hiện tập đoàn có thương hiệu mạnh như Viettel, được xếp hạng top 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN, top 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới.

Điểm yếu

Tuy nhiên, trước xu thế phát triển của CMCN 4.0, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Mặc dù Chính phủ coi trọng và mong muốn tận dụng cơ hội của CMCN 4.0, nhưng vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy sáng tạo và đổi mới chưa được nhìn nhận đầy đủ trong tiến trình này. Các chủ trương, chính sách và biện pháp chủ yếu đặt trọng tâm ưu tiên lĩnh vực khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông. Vai trò của giáo dục nghệ thuật, không gian văn hóa, sáng tạo gần như không được đề cập đến.

Có một thực tế là những người làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ít am hiểu về công nghệ và không được trang bị các kỹ năng kinh doanh, vì vậy, việc khai thác những giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống để tạo thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ văn hóa còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác số hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam trong nhiều năm qua chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động của các thiết chế văn hóa công cộng như bảo tàng, thư viện, nhà hát,… còn chậm, chưa tận dụng được cơ hội mở rộng sự tiếp cận đến người dân. Một tín hiệu đáng mừng là hạn chế này ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026 đã được Lãnh đạo Bộ VHTTDL khắc phục thông qua việc đề xuất triển khai một số dự án, đề án cụ thể như Đề án số hóa thư viện, Dự án ứng dụng công nghệ để số hóa các di sản.

Tình trạng vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường số diễn ra phổ biến. Chưa hình thành được thói quen sử dụng hàng hóa, sản phẩm văn hóa có bản quyền. Do đó, làm ảnh hưởng đến động lực sáng tạo của nghệ sĩ và quyết định đầu tư của nhà sản xuất. Cùng với hệ thống văn bản pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện, Việt Nam chưa hình thành được môi trường thuận lợi để đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo trong thời đại công nghệ số.

4. Giải pháp đề xuất đối với ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Trên cơ sở các phân tích ở trên, để tận dụng các lợi thế của Việt Nam đón đầu cơ hội và giảm thiểu bất lợi trước các thách thức của xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0, ngành văn hóa, nghệ thuật Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá sau:

Thứ nhất, cần khẩn trương xây dựng và ban hành một Chiến lược văn hóa số trong giai đoạn mới, trong đó dành ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm phát triển nội dung sáng tạo trên một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của ngành văn hóa nghệ thuật Việt Nam như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… Tại Vương quốc Anh, từ nhiều năm nay, nghệ thuật số (digital art) luôn là một trọng tâm trong chính sách phát triển của Hội đồng Nghệ thuật Anh. Họ coi sử dụng công nghệ số là phương thức hữu hiệu để lôi kéo và vươn tới các đối tượng khán giả mới, mở rộng phân phối văn hóa, nghệ thuật thông qua các nền tảng số, tạo điều kiện cho mọi người có thể sáng tác các tác phẩm số và hỗ trợ sự phát triển của các loại hình nghệ thuật và trải nghiệm mới. Phía bên kia Bờ Đại Tây Dương, chính quyền Quebec, Canada từ năm 2012 tuyên bố nội dung văn hóa số là trọng tâm ưu tiên và ban hành Kế hoạch Văn hóa số hai năm sau đó với 3 chiến lược: sáng tạo nội dung văn hóa số, đổi mới để thích ứng với văn hóa số và phân phối nội dung văn hóa số nhằm đảm bảo sự đa dạng trong các biểu đạt nghệ thuật của Quebec được sáng tạo và tiếp cận rộng rãi ở trong và ngoài nước. Việt Nam, do đó, cần kịp thời xây dựng nội dung văn hóa số như một trọng tâm ưu tiên trong chính sách văn hóa thời kỳ mới để không bị tụt hậu và kịp thời nắm bắt cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 đem lại.

Thứ hai, cần đổi mới giáo dục một cách toàn diện theo hướng thúc đẩy tư duy sáng tạo và đổi mới. Cần thuyết phục các cấp lãnh đạo về vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong sự phát triển toàn diện về nhân cách và trí tuệ của con người, để đề xuất, đưa giáo dục theo mô hình STEAM (bổ sung thêm yếu tố nghệ thuật “art”) vào chương trình giáo dục phổ thông, thay cho mô hình STEM (giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đang được áp dụng thí điểm. Nếu STEM từng được mệnh danh là hành trang tốt nhất để chuẩn bị nghề nghiệp tương lai cho thế hệ trẻ, thì hiện nay, trên thế giới, tại 1 số quốc gia phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ, Anh, Úc… đang diễn ra những cuộc tranh luận về sự cần thiết phải đưa “giáo dục nghệ thuật” vào mô hình này, bởi nghệ thuật giúp khơi gợi cảm hứng, kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng, tạo hứng khởi, thúc đẩy sáng tạo, tư duy phê phán và đổi mới… Phương pháp STEAM sẽ sử dụng cách giảng dạy dựa trên dự án nhằm thúc đẩy một cách toàn diện các kỹ năng của người học về sáng tạo, tư duy thiết kế, hiểu biết về công nghệ, cùng hợp tác và giải quyết vấn đề. Với STEAM, tư duy sáng tạo và các kỹ năng thiết kế sẽ được áp dụng vào các dự án STEAM để học sinh có thể tưởng tượng ra nhiều cách khác nhau để thực hiện ý tưởng và áp dụng những kỹ năng này trong công việc tương lai. Tại các quốc gia nói trên, giáo dục nghệ thuật đã là nội dung bắt buộc trong chương trình chính khóa của học sinh, vậy mà nhiều nhà giáo dục vẫn vận động để đưa nghệ thuật vào mô hình STEAM. Tại Việt Nam, việc có cách tiếp cận toàn diện ngay từ đầu là hết sức cần thiết. Với việc đưa nghệ thuật vào phương pháp tiếp cận, STEAM đặt con người vào vị trí trung tâm, thay vì môn học, tạo điều kiện để cởi trói những tiềm năng và cá tính riêng của từng học viên trong tư duy sáng tạo.

Thứ ba, cần tiếp tục tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó cần có những dự án cụ thể và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các không gian sáng tạo (creative hub), vườn ươm, phòng thí nghiệm ý tưởng, các mô hình không gian làm việc chung “co-working” nhằm tạo sân chơi cho những người sáng tạo, những người làm kinh doanh, tạo sự liên kết, kết nối với khách hàng, người sử dụng, nhà đầu tư… để thử nghiệm các ý tưởng trên thị trường. Khi có sự liên kết, kết nối giữa những người ở các ngành nghề khác nhau sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả, giảm chi phí, và có nhiều cơ hội để nảy sinh ý tưởng đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường và thành công về kinh tế.

Thứ tư, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý hiệu quả thương mại điện tử, cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thực và môi trường số. Đặc biệt, cần có các biện pháp chế tài mạnh có tính răn đe, phòng ngừa và nhanh chóng ngăn chặn hậu quả để bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số. Sáng tạo và đổi mới sáng tạo chính là cốt lõi của CMCN 4.0. Chỉ khi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ta mới có thể tham gia vào tiến trình phát triển của cuộc cách mạng này.

Thứ năm, cần xây dựng cơ chế công - tư để huy động trí tuệ và tiềm lực tài chính của khu vực tư nhân đầy năng động tham gia vào việc thực hiện Chiến lược văn hóa số của Việt Nam. Trên thị trường hiện nay, các bộ phim điện ảnh công nghệ số, các show diễn thực cảnh ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực âm nhạc phát triển hết sức sôi động nhờ sự đầu tư của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để định hướng thẩm mỹ, phát huy được “bản sắc” Việt Nam và tạo thương hiệu quốc gia, Nhà nước cần có cơ chế thích hợp để thu hút sự quan tâm của tư nhân đầu tư vào việc phát triển nội dung văn hóa số mang tính dân tộc, hiện đại, có khả năng tạo sản phẩm cạnh tranh tại thị trường nước ngoài. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế tài chính giữa Nhà nước và tư nhân trong các sáng kiến chung, hình thức huy động vốn từ đám đông (crowdfunding) cần được hợp thức hóa về mặt pháp lý để các ý tưởng sáng tạo của cá nhân các nghệ sĩ có thể có nguồn tài chính để triển khai trên thực tế. Trong bối cảnh tại Việt Nam không có các quỹ tài trợ nghệ thuật và việc tiếp cận tín dụng, vay vốn cho các dự án nghệ thuật hiếm khi xảy ra, việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động huy động vốn từ đám đông là hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho các startup về đổi mới sáng tạo, các nghệ sĩ thực hiện dự án sáng tạo của mình.

Như vậy, để tiếp cận thành công cuộc CMCN 4.0, ngành văn hóa, nghệ thuật Việt Nam phải nhận thức được những cơ hội và thách thức đang đối mặt, xác định được những điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó đề ra những giải pháp nhằm kết hợp điểm mạnh với cơ hội, khắc phục điểm yếu, giảm thiểu nguy cơ, tận dụng tối đa vận hội mới mà các tiến bộ khoa học công nghệ đem lại trong sự phát triển của sự nghiệp văn hóa nghệ thuật. Hơn bao giờ hết, điều này đòi hỏi quyết tâm lớn của các nhà lãnh đạo, quản lý ngành trong việc liên kết với các Bộ, ngành liên quan như khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông, kế hoạch - đầu tư, công thương, tài chính… và đặc biệt kết nối với khu vực tư nhân để tạo đột phá trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ triển khai nội dung chiến lược văn hóa số, đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo để giải phóng tư duy sáng tạo và trang bị những kỹ năng cần thiết để hiện thực hóa các ý tưởng thông qua việc hỗ trợ hoạt động của các không gian sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả và xây dựng các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh mới phát triển.

CMCN 4.0 đang dần định hình, thậm chí có nguy cơ rô-bốt hóa con người, làm nghèo nàn đi tâm hồn và tình cảm. Vì vậy, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm cùng định hướng sự phát triển của cuộc cách mạng này tới những mục tiêu và giá trị chung, cùng nhau xây dựng một tương lai đem lại lợi ích cho tất cả mọi người bằng cách đặt con người lên trên hết và tăng cường năng lực cho con người. Trong nỗ lực chung này, Việt Nam cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, học tập những kinh nghiệm quý báu từ nước ngoài để nâng cao năng lực, phát huy trí tuệ, vươn lên nắm bắt cơ hội, tiến đến có những đóng góp cho những thành tựu công nghệ tiên tiến hiện đại. Trong tiến trình đó, ngành văn hóa nghệ thuật cần phát huy thế mạnh của sự sáng tạo, cảm thông, tinh thần sẻ chia trách nhiệm để đón đầu một xu thế phát triển công nghệ một cách toàn diện, nhân văn, vì con người.

_____________

1. Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond (Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là gì và làm thế nào để ứng phó), weforum.org, 14-1-2016.

2. PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 - những vấn đề đặt ra hiện nay, chuyên đề tại Bộ VHTTDL ngày 19-4-2018.

3. octovio Kulesz, Cultural policies in the age of platforms, Global report 2018 of UNESCO (Chính sách văn hóa trong thời đại của các nền tảng, Báo cáo toàn cầu 2018 của uNeSCo), en.unesco.org.

4. Hà Thanh, Flappy Bird lọt top 25 ứng dụng có ảnh hưởng nhất thập kỷ, kinhtedothi.vn, 18-11-2019.

5. CISAC, Thời đại văn hóa: bản đồ toàn cầu đầu tiên về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, 12-2015.

6. Hoàng Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc”, laodong.vn, 17-12-2017.

7. Anh Tú, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, vneconomy.vn, 17-3-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Khương Nha, Duy Tín, Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, news.zing.vn, 29-5-2017.

2. Phan Xuân Dũng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2018.

3. Trần Nguyễn Tuyên, Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và tác động đối với thế giới và Việt Nam, Thông tin chuyên đề số 21-TTCĐ/BĐNTW tháng 1-2018 của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

NGUYỄN PHƯƠNG HÒA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

;