Bản sắc dân tộc trong trang phục áo dài Việt Nam

Khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, dù là trong bối cảnh truyền thống xưa hay nay, bạn bè quốc tế thường liên tưởng tới tà áo dài duyên dáng, yêu kiều, thướt tha. Áo dài gần như đã trở thành một thứ quốc phục đối với các cô gái Việt Nam, có thể sánh ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. Cho đến nay, áo dài là một trong số ít các từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng từ nguyên, không qua dịch thuật trong các văn bản. Điều đó cho thấy chúng chính là những hiện tượng rất riêng, rất bản sắc, rất đặc trưng trong văn hóa Việt Nam, bởi chúng không hề có những khái niệm tương đương trong ngôn ngữ nước ngoài. Ngày nay, áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dẫu có không ít biến cải và đổi thay trước những biến chuyển “vật đổi sao dời” của xã hội và thời đại, chiếc áo dài Việt Nam vẫn luôn ẩn chứa những nét bản sắc độc đáo, không thể trộn lẫn so với trang phục của các dân tộc khác.

1. Áo dài Việt Nam: nơi lắng đọng bản sắc dân tộc

Áo dài Việt Nam có nguồn gốc lịch sử lâu đời

Do nhiều lý do khác nhau, đến nay, nguồn sử liệu sớm nhất ghi chép về sự xuất hiện của áo dài Việt Nam chỉ còn được lưu lại trong Đại Nam thực lục tiền biên, theo đó Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) là người đầu tiên ban sắc dụ định hình hình thức của chiếc áo dài được coi là quốc phục của dân Đàng Trong thời kỳ đó (1). Khi ấy, các văn bản thường dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm để biểu thị, áo dài viết bằng chữ Nôm là 襖長 (2). Trong Phủ biên tạp lục, học giả Lê Quý Đôn cũng viết “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy” (3). Với sắc dụ này, Nguyễn Vũ Vương ngầm mong muốn khẳng định sự độc lập và “quốc tính” riêng của Đàng Trong so với Đàng Ngoài sau gần 200 năm ly khai và để phân biệt người Việt với người các dân tộc khác. Từ đó mà ra đời chiếc áo dài giao lãnh hay còn gọi là áo dài đối lĩnh. Áo được may từ bốn tấm vải, thân áo rộng dài chấm gót, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, cổ áo chéo gần giống áo với tứ thân, mặc phủ ngoài yếm lót cùng với váy đen và thắt lưng màu (4). Chiếc áo dài kiểu này nhanh chóng trở thành y phục của mọi tầng lớp xã hội, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân.

Đến thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được nâng cấp thành áo ngũ thân gồm 2 tà sau, 2 tà trước và 1 tà váy ẩn dưới tà trước. Áo ngũ thân chủ yếu dành cho giai cấp quan lại quý tộc để phân biệt với tầng lớp lao động mặc áo tứ thân. Thời vua Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua xuống dụ chuẩn cho dân chúng sửa đổi, thống nhất y phục Bắc Nam và áo dài chính thức trở thành quốc phục trong cả nước (5).

Tuy nhiên, đó là những ghi chép về mặt văn bản hành chính chính thức. Theo quan điểm của người viết bài này, không nên nhìn nhận xuất xứ và tính lịch sử của một bộ trang phục dân tộc chỉ từ khi nó được chính thức ghi vào chính sử. Văn hóa trang phục (cũng như văn hóa ẩm thực và các di sản văn hóa nói chung) của một dân tộc ngoài những nguồn sử liệu, thư tịch (mà nhiều khi không đầy đủ, bị mất mát, hủy hoại do rất nhiều lý do khác nhau: thiên tai, địa họa, hỏa hoạn, chiến tranh, do mưu đồ đồng hóa, tiêu hủy thư tịch của các nhà cai trị phương Bắc…), mà còn cần dựa trên nhiều kênh tham khảo tư liệu khác nữa.

Trên nền cảnh chung của truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt, áo dài chắc chắn phải có những cội nguồn xa xưa hơn, gắn với tập quán dệt vải, may mặc và sử dụng áo tứ thân của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ, với văn hóa ăn mặc trong cung đình của các triều đại phong kiến trước thời nhà Nguyễn vốn ít được ghi chép đầy đủ, bài bản trong chính sử.

Gắn với thời kỳ quốc gia sơ khai trước khi bị phương Bắc đô hộ và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, chúng ta đã thấy bóng dáng của chiếc áo dài qua những hình khắc người Việt cổ mặc áo xẻ hai tà tung bay trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cũng như các hiện vật khác thời Đông Sơn. Học giả Đào Duy Anh cũng từng viết: “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả (hình thức tả nhiệm)… Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải” (6). Hình bóng chiếc áo dài cũng có thể thấy trong trang phục của các anh hùng liệt nữ Bà Trưng, Bà Triệu qua các bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng. Bóng dáng áo dài cũng có thể thấy trong các bộ “mớ ba mớ bảy” nền nã của sân khấu chèo dân gian, trong xống áo đẹp đẽ của các liền chị quan họ, trong trang phục đặc sắc của tượng Ngọc nữ chùa Dâu ở Bắc Ninh…

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiếc áo dài Việt Nam đã được chỉnh sửa, sàng lọc, hoàn thiện để từ chiếc áo dài tứ thân, ngũ thân biến thành tà áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ, áo dài tân thời, áo dài Trần Lệ Xuân,… trở nên ngày càng lộng lẫy, sang trọng, tinh tế hơn như những chiếc áo dài hiện đại ngày nay, nhưng vẫn giữ nguyên được hồn cốt, bản sắc Việt Nam, không trộn lẫn với trang phục của bất cứ dân tộc nào khác, kể cả của người Chăm và người Hoa mà nó được coi là gần gũi nhất.

 Áo dài thể hiện quan niệm thẩm mỹ của văn hóa Việt Nam

Nhìn sang một số nước trong khu vực, có thể thấy những bộ kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc cho đến nay vẫn rất kín đáo, rộng rãi, buông chùng, cố tình che khuất những đường nét gợi cảm của thân thể người phụ nữ. Trên toàn bộ chiếc kimono, có lẽ chỉ có phần cổ áo khoe được chút ít vẻ nữ tính của người đàn bà. Điều đó phản ánh rất rõ tính chất phụ quyền, lễ giáo, nghiêm ngặt của văn hóa Nho giáo. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, nhưng có lẽ do đã có độ “khúc xạ” nhất định (từ của PGS Phan Ngọc), cộng với truyền thống tôn trọng người phụ nữ theo “nguyên lý Mẹ” (từ của GS Trần Quốc Vượng), tính chất phóng khoáng của văn hóa dân gian từ ngàn xưa để lại, chất “văn hóa lúa nước” của cơ tầng văn hóa Đông Nam Á…, nên việc ăn mặc cũng cởi mở, thoáng đãng, “dân chủ” hơn.

Festival Áo dài (Hà Nội) - Ảnh: Minh Quân

Chiếc áo dài Việt Nam rất mạnh bạo phô diễn những đường cong quyến rũ của người con gái. Tà áo xẻ cao hai bên thấp thoáng khoe lườn eo thon thả của người phụ nữ, chắc hẳn xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ dân gian: “Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh!”. Chiếc cổ cao may khít, góp phần tôn lên cần cổ “kiêu ba ngấn”, vai áo ôm tròn bờ vai thanh mảnh của người phụ nữ Á Đông, đường chiết eo ôm khít “lưng ong thắt đáy”… Tất cả góp phần phô diễn tối đa những nét đẹp gợi cảm của thân thể người phụ nữ.

Tuy nhiên, về cơ bản, chiếc áo dài Việt Nam vẫn rất đoan trang, dịu dàng, mực thước, khác hẳn với chiếc áo sườn xám Thượng Hải của Trung Quốc. Từ phần eo trở xuống thiết kế của áo hoàn toàn lịch sự, kín đáo, trang nhã với tà áo rộng vạt, quần lụa dài chấm gót, phủ kín toàn bộ da thịt. Trong khi đó chiếc áo dài Thượng Hải có tà xẻ cao rất táo bạo, được mặc thay váy, không có quần đi kèm, dễ phô phang tất cả phần dưới của chân và đùi, khi ngồi rất lộ liễu, khiêu khích, khêu gợi. Nhìn về tổng thể, có thể nói, chiếc áo dài Việt Nam phô mà vẫn kín, kín mà lại hở, đầy tự do, khoáng đạt, nhưng vẫn đảm bảo sự thanh cao, lịch lãm.

Quan niệm thẩm mỹ của người Việt về chuyện ăn mặc cũng không đến nỗi quá cầu kỳ, phức tạp, phiền toái. Nếu so sánh với kimino, có thể thấy, từ chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn đến cách ăn mặc, bối cảnh sử dụng đều rất công phu, khắt khe, tỉ mẩn. Còn áo dài Việt Nam thì rất tiện lợi, năng động, dễ sử dụng mà vẫn giữ được sự trang nhã, sang trọng cần thiết. Do vậy, nó dễ dàng được phổ cập rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau. Khác với kimono, hanbok chỉ có thể xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội, sự kiện trang trọng, áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.

Áo dài phản ánh những nét đặc thù về tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam

Những chiếc áo dài thường được may từ chất liệu nhẹ, mát, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam. Vải may áo thường là loại mỏng, có độ co giãn nhất định, tạo độ bay cho tà áo như lụa, sa tanh, tơ tằm, voan, phi bóng, gấm… Trong khi đó, các nước ôn đới và hàn đới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Trung Á… với khí hậu lạnh và khô, trang phục truyền thống thường phải may nhiều lớp, bằng vải dày hoặc phải mặc thêm áo khoác, lót thêm lông vũ… Do vậy, kết cấu của áo rất phức tạp, nặng nề, khó tạo dáng, khó tôn eo người phụ nữ. Một số nước có bốn mùa rõ rệt, khoảng cách nhiệt độ chênh lệch giữa các mùa cao, phải tạo ra các loại áo mặc theo mùa, vì thế kéo theo sự phức tạp và tốn kém trong chất liệu, kiểu dáng cũng như việc may mặc.

Bên cạnh những nét bản sắc chung, áo dài Việt Nam cũng mang những sắc thái riêng thể hiện tính vùng miền rất rõ. Chẳng hạn, ở miền Nam, khí hậu quanh năm nóng nực, nên áo dài Nam Bộ thường được lược bỏ bớt chiếc cổ cao, khoét thành cổ rộng, tay áo nhiều khi không để dài mà là tay lửng hoặc cộc tay. Phụ nữ miền Nam cũng hay ưa thích những màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, có đính kim sa, cườm, kim tuyến, nhiều phụ kiện... Trong khi đó, phụ nữ miền Trung, đặc biệt là xứ Huế, do ảnh hưởng của môi trường gia giáo, không khí trầm mặc vùng đất cố đô, nên có phần ưa chuộng các tông màu trầm, dịu nhẹ, nhất là màu tím Huế đã trở thành thương hiệu. Phụ nữ miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, thường chọn màu sắc và kiểu dáng không quá phô trương, lòe loẹt, mà thiên về trang nhã, thanh lịch, nhẹ nhàng. Ở đây có mùa đông, nên cổ áo thường là cổ cao, tay áo dài, tạo độ thướt tha cho chiếc áo truyền thống.

Chiếc áo dài cũng phản ánh những đặc điểm kinh tế, xã hội của Việt Nam. Chế độ phong kiến lâu đời hùng mạnh cùng với lối sinh hoạt xa hoa, giàu có khiến cho các vương triều Trung Hoa và Nhật Bản rất coi trọng chuyện trang phục. Truyền thống đó thể hiện sâu rộng trong giới quý tộc cung đình và lan truyền tới người dân. Việc may mặc một bộ trang phục truyền thống, từ khâu chọn vải, kết hợp màu sắc, trang trí hoa văn, họa tiết và lựa chọn các phụ kiện đi kèm đều rất kỹ lưỡng, tỉ mẩn, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Chẳng hạn, riêng chiếc thắt lưng Obi của kimono cũng có tới hơn 300 loại, rồi các phụ kiện, dây trang trí, nơ bướm, trâm cài đầu, guốc gỗ, cách chải tóc… cũng rất phức tạp tùy thuộc vào tuổi tác, tầng lớp xã hội. Do vậy, giá thành một bộ trang phục truyền thống thường là rất đắt và việc sử dụng cũng rất phức tạp. Chính vì thế, đây là một khó khăn gây cản trở cho việc các bộ trang phục đó hòa nhập với xã hội công nghiệp, hiện đại và khó có thể sử dụng đại trà trong cuộc sống thường ngày.

Trong khi đó, xuất phát từ những điểm đặc thù trong lịch sử phát triển mà ở Việt Nam hầu như chưa bao giờ có một tầng lớp quý tộc thực sự. Các vị vua phần lớn xuất thân từ dân chúng, rất gần dân, thương dân, không đến mức quá xa hoa, hoang phí, cảnh vẻ. Mọi sinh hoạt từ các nghi thức, lễ lạt đến trang phục, ẩm thực đều không quá cầu kỳ, phức tạp, diệu vợi. Chính điều này lại là một ưu thế để áo dài ngày nay dễ dàng được sử dụng và phổ biến rộng khắp trong xã hội đương đại, đi vào mọi không gian của cuộc sống.

Áo dài bảo lưu hồn cốt dân tộc trong giao lưu văn hóa

Trải qua gần một ngàn năm Bắc thuộc, gần một trăm năm Pháp thuộc và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chiếc áo dài Việt Nam đã được tiếp xúc, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng trong mọi tình huống, nó vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt dân tộc, toát lên quốc hồn, quốc túy của văn hóa Việt Nam.

Thời kỳ quân chủ, mặc dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa, người Việt vẫn có lối ăn mặc riêng và các vị vua chúa rất có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, vì “núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” (Nguyễn Trãi). Khi chiếc áo dài giao lãnh ra đời, đã được nhận lãnh sứ mệnh phải tạo ra sự khác biệt để phân biệt trang phục, cung cách ăn mặc của dân Đàng Trong với người các dân tộc khác, nhất là người Hoa Minh Hương đang ồ ạt di cư đến cũng như người Chăm tiền trú ở nơi đây.

Dưới thời Pháp thuộc, khi họa sĩ Cát Tường sáng tạo ra chiếc áo dài Le Mur với cách may ráp vai, thắt eo, tay bồng, cổ lá sen hoặc trái tim phỏng theo áo đầm dạ hội Pháp, mặc kèm với các phụ kiện như giày cao gót, ví đầm…, thì đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của dư luận xã hội. Nó bị chê là lai căng, “học đòi Tây”, thậm chí là “đĩ thõa” (như trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), do vậy mà khó có thể phổ cập rộng rãi. Chỉ đến khi họa sĩ Lê Phổ lược bớt những nét “Âu hóa” thái quá, đưa thêm các yếu tố dân tộc của áo ngũ thân vào, bỏ tay phồng, may cổ kín, cài nút bên phải, áo ôm vừa người, hai tà áo mềm mại kín đáo và trang nhã, thì chiếc áo “tân thời” mới nhận được sự đón chào của đông đảo nữ giới hồi đó.

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, những cải cách táo bạo của chiếc áo dài Trần Lệ Xuân cũng không tồn tại được bao lâu. Kiểu áo dài này đã bỏ đi phần cổ cao, chuyển thành cổ thuyền, đặc biệt là cổ khoét sâu chữ V cùng với đường chiết eo bó chặt, có các họa tiết phá cách, đi kèm với găng tay, phụ kiện…, đã bị những người theo cổ học thời đó phê phán gay gắt, cho là không phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam. Nó chỉ được phổ biến trong giới vợ con tướng tá, quan chức cao cấp chính quyền Sài Gòn và chỉ thịnh hành ở khu vực đô thành.

Sau này, vào những năm 1960, khi nhà may Dung ở Đa Kao, Sài Gòn tiếp tục cải tiến kiểu dáng, sử dụng tay ráp raglan, tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông, vừa giảm các nếp nhăn ở nách, vừa giúp tà áo ôm khít đường cong của người mặc, thì kiểu áo dài này mới được sử dụng rộng rãi trong xã hội.

Đến nay, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu, chiếc áo dài Việt Nam đã có rất nhiều biến đổi, cải tiến, nâng cấp cả về chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, họa tiết… để ngày càng trở nên gợi cảm, tinh tế và cuốn hút hơn. Nhưng có thể thấy rằng, dù kinh qua rất nhiều chặng đường khác nhau trong giao lưu, hội nhập văn hóa Đông - Tây, chiếc áo dài vẫn luôn giữ được những nét bản sắc riêng của tà áo dài Việt Nam. Nó biết cách tôn lên vóc dáng và vẻ yêu kiều, hấp dẫn của người phụ nữ Việt Nam: gợi cảm nhưng kín đáo, nhẹ nhàng nhưng có sức cuốn hút mạnh mẽ. Chính sự kết hợp vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa chuẩn mực vừa phá cách đã làm chiếc áo dài Việt Nam có một vị trí đặc biệt trên các sàn diễn thời trang thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà các hoa hậu Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc đều chọn chiếc áo dài để trình diễn tiết mục trang phục dân tộc, bởi khó có thể tìm được bộ trang phục nào thể hiện tốt nhất bản sắc Việt Nam như chiếc áo dài.

Áo dài đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ Việt Nam, đi vào thi ca của Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Hoàng Cầm…, thăng hoa trong các bức tranh của Nguyễn Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Đinh Cường, được xưng tụng trong các ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Trầm Tử Thiêng…

2. Những vấn đề đặt ra đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong áo dài Việt Nam

Việc nâng cấp, phát huy giá trị áo dài

Trong bối cảnh đương đại, cùng với sự phát triển hưng thịnh của kinh tế, sự thay đổi các điều kiện văn hóa - xã hội, sự gia tăng giao lưu và hội nhập quốc tế, chiếc áo dài Việt Nam lại tiếp tục có những biến đổi. Đó là sự biến đổi cần thiết để áo dài Việt Nam được tiếp thêm luồng sinh khí mới, có những cải biến phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ của con người thời nay.

Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ họa sĩ, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu đã đem lại những vẻ đẹp mới cho tà áo dài dân tộc. Áo dài được thời trang hóa với nhiều cách tân, sáng tạo táo bạo, kết hợp nét tinh hoa của văn hóa truyền thống với yếu tố thời trang hiện đại. Trên cơ sở kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, họ đã thổi vào đó những vẻ đẹp mới, hiện đại như thêu, vẽ nhiều họa tiết lạ, trang trí mới, kết hợp hoa văn từ trang phục của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, lấy họa tiết từ trống đồng, các linh vật long, ly, quy, phượng, phố cổ Hà Nội, các loài hoa… Bên cạnh các nhà thiết kế gạo cội đã nổi danh trên thị trường thời trang quốc tế như: Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng… đã xuất hiện những nhà thiết kế trẻ gắn bó đời mình với áo dài như Lan Hương, Việt Hùng, Công Trí, Công Khanh… Mỗi người một vẻ, một con đường đi, họ đang góp phần thăng hoa chiếc áo dài Việt Nam, làm rạng danh tà áo dân tộc. Bên cạnh đó là sự góp mặt của đông đảo đội ngũ các nhà may trong cả nước khiến cho chiếc áo dài Việt Nam ngày một đẹp hơn, có giá trị hơn, kiểu cách cầu kỳ hơn: từ áo dài 2 vạt đến 3 vạt, 4 vạt, áo dài kết hợp với váy; độ dài áo cũng được nâng lên, hạ xuống uyển chuyển, linh hoạt; các loại tay áo rộng, hẹp, thụng, lửng đủ kiểu; các loại cổ thuyền, cổ kiềng, cổ tròn, cổ vuông, cổ trái tim, cổ hình chữ u...

Nhờ vậy, chiếc áo dài Việt Nam ngày càng trở nên tinh tế, sang trọng và lịch lãm hơn. Đặc biệt, những năm gần đây đã xuất hiện loại áo dài mini tạo nên một làn sóng phổ cập áo dài. Những chiếc áo vạt ngắn gọn gàng, không quá lòa xòa, vướng víu, màu sắc đa dạng mặc với quần ống đứng năng động, trẻ trung, vừa tươi mới, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, rất dễ sử dụng trong các môi trường làm việc như công sở, trường học…

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy việc đổi mới, sáng tạo đối với kiểu dáng, thiết kế áo dài cũng là một thách thức, bởi nó đã bị đóng khuôn ở một phom dáng nhất định. Dù có cách tân đến mấy thì các nhà tạo mẫu vẫn phải tuân thủ những yêu cầu cơ bản của chiếc áo truyền thống, cho nên khó có đất để họ thỏa sức sáng tạo, biến tấu như đối với các loại trang phục thông thường.

Khi quan sát các lễ hội áo dài với sự tham gia của hàng trăm người mẫu, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sự trùng lặp, đơn điệu, hữu hạn từ thiết kế, kiểu dáng, chất liệu, màu sắc đến cách trình diễn, đi đứng, biểu cảm của người mẫu. Đó là một trở ngại lớn và cũng là vấn đề đặt ra đối với việc cải tiến, nâng cao, phát huy và phát triển áo dài.

Do vậy, đối với các nhà tạo mẫu, người may áo dài, cần đẩy mạnh hơn nữa tính sáng tạo, tính nghệ thuật, tính thời trang. Cần đa dạng hóa kiểu cách, chất liệu, thiết kế, kỹ thuật may, để áo dài Việt Nam ngày càng đẹp hơn, cầu kỳ hơn, tinh xảo hơn, được quảng bá nhiều hơn tại các đấu trường nhan sắc quốc tế, các tuần lễ thời trang, các festival có uy tín, để chúng ta có thể tự tin và tự hào hơn về chiếc áo dài của dân tộc.

Việc tôn vinh, phổ biến, đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài

Để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh rộng rãi áo dài, trong đó quan trọng là mở rộng đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng áo dài.

Về giới tính, bên cạnh áo dài dành cho phụ nữ, cần chú trọng tôn vinh cả áo dài cho nam giới. Áo dài nam phải được quan tâm thiết kế và may mặc cho phù hợp và đặc sắc để có thể phổ biến rộng rãi không kém nữ giới, được sử dụng đa dạng trong muôn mặt cuộc sống thường ngày.

Về lứa tuổi, cần khuyến khích tất cả các độ tuổi sử dụng, không chỉ thanh niên, trung niên mà cả thiếu niên, nhi đồng, người cao tuổi, để áo đài trở thành một trang phục “siêu lứa tuổi”. Hiện nay, trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội các bậc cao niên đã ưa thích sử dụng áo dài nhiều hơn, tuy nhiên, cần mở rộng ra cả các hoạt động khác rộng rãi hơn.

Về không gian sử dụng, hiện nay ngoài các không gian trang trọng như đám cưới, đám hỏi, sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa…, áo dài đã dần dần được sử dụng nhiều hơn ở các không gian thường ngày như: trường học, công sở, nhà hàng, khách sạn, sân bay, ngân hàng, trở thành trang phục chuẩn mực trong các dịp lễ, Tết, tốt nghiệp, các cuộc thi, sinh hoạt văn nghệ…, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy tối đa công dụng của nó. Áo dài hiện nay cũng chỉ mới phổ biến ở các đô thị lớn, chưa phổ cập rộng rãi tại các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo…

Hiện tượng lạm dụng, cải biến thái quá áo dài

Bên cạnh việc tôn vinh, quảng bá rộng rãi áo dài cũng cần rất thận trọng trước một xu hướng khác là việc biến tướng, “nâng cấp”, cải tiến thái quá áo dài, thể hiện trên các mặt chính như sau:

 Trên phương diện thiết kế và may mặc, cần tránh những “sáng tạo”, thể nghiệm quá độ, làm xâm hại vẻ đẹp kín đáo, nền nã của chiếc áo dài truyền thống. Hiện nay, áo dài nhiều khi bị biến tấu quá đà, không còn giữ được phom dáng cổ điển, không còn nhận ra chiếc áo dài Việt Nam nữa. Vạt áo hoặc bị cắt cụt quá ngắn, hoặc bị kéo dài thái quá, mất hết tỷ lệ cân đối về hình thể của người phụ nữ. Tà áo nhiều khi bị xẻ nhỏ tơi tả hoặc bị xẻ quá cao, lộ hết eo của người mặc. Ngực áo khoét quá sâu, phô phang lộ liễu vùng ngực. Tay áo cách điệu quá cỡ, gắn tua vải rườm rà hoặc cắt sát nách rất phản cảm. Chất liệu áo đôi khi quá mỏng, nhìn thấu cả da thịt và nội y của người sử dụng. Hoa văn đôi khi rất rắc rối, lòe loẹt, nghịch mắt… Nhìn chung, những “cách điệu” đó đã đi ngược lại, thậm chí xúc phạm vẻ đẹp tinh tế, trang nhã, thanh lịch của chiếc áo dài Việt Nam.

Do vậy, rất cần sự định hướng và điều chỉnh của các nhà phê bình nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa, các nhà thiết kế có uy tín, để tránh sự chạy đua vô độ, những sáng tạo quá đà, cải tiến cực đoan, khiến cho chiếc áo dài Việt Nam trở nên lai căng, mất gốc, không còn là nó nữa.

 Trên phương diện sử dụng, cần tránh những lệch lạc, phản cảm, thô lậu trong văn hóa mặc áo dài hiện nay. Trước hết áo dài phải được mặc đúng chỗ, đúng lúc. Áo mặc ở những nơi tôn nghiêm, trang trọng khác với áo mặc nơi trình diễn sân khấu, thời trang. Thậm chí có hiện tượng mặc áo dài không có quần đi kèm nhằm gây sốc, độc, lạ, thu hút sự chú ý… Việc quảng bá, phổ biến áo dài là cần thiết, nhưng cũng cần đảm bảo tôn vinh vẻ đẹp đằm thắm, trang nhã, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam, bởi áo dài là biểu tượng của văn hóa truyền thống.

 Vấn đề bản quyền và xây dựng thương hiệu áo dài Việt Nam trên thị trường quốc tế

Việc các kiểu dáng áo dài Việt Nam bị ngang nhiên “Trung Quốc hóa” trong bộ sưu tập của nhãn hiệu Ne Tiger tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019 diễn ra hồi tháng 10 năm 2018 là một hồi chông báo động đỏ. Bằng sự nhập nhèm giữa “lấy cảm hứng” và “copy”, người Trung Quốc rất dễ “xập xí xập ngầu” để ăn cắp bản quyền rồi dần dần biến thành sự đã rồi. Trước đó 2 năm cũng từng có vụ việc ồn ào liên quan đến trang phục của Trung Quốc na ná giống áo dài Việt Nam, nhưng lần này họ đã làm gần như giống hệt, thậm chí là sao chép thiết kế của nhà thiết kế Thủy Nguyễn (7). Do vậy, việc khẳng định bản quyền áo dài của Việt Nam cần được đặt ra một cách cấp thiết.

Chúng ta đã từng bị mất thương hiệu nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên… và phải rất vất vả mới giành giật lại được. Do vậy, đối với áo dài, nếu chúng ta không có những hành động khẩn trương, quyết liệt thì rất dễ dẫn tới mất bản quyền. Nhà nước cần triển khai những động thái tích cực, kiên quyết để công bố áo dài là quốc phục của Việt Nam và tiến hành các chính sách bảo hộ tương thích.

Bên cạnh các biện pháp chính thức từ cấp độ Nhà nước, có thể có các biện pháp phụ trợ là đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một số bộ sưu tập, mẫu thiết kế áo dài của cá nhân các nhà tạo mẫu, nhà thiết kế cụ thể. Vì thế, rất cần có một số nhà thiết kế tiên phong, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với chính những mẫu áo dài mà họ sáng tạo trên nền tảng chiếc áo dài truyền thống.

Ngoài ra, cũng cần có một chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghệ thời trang áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam. Muốn thế, việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp độ quốc gia, chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ, rời rạc, các nỗ lực cá nhân của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội.

3. Lời kết

Áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo mà thành. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam.

Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, thay đổi, làm mới, chiếc áo dài Việt Nam đang vượt qua mọi thử thách để bảo lưu các giá trị truyền thống, hướng tới trở thành một thứ “quốc phục”, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam rộng rãi khắp thế giới.

Chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi. Chúng ta phải đồng tâm hiệp lực chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy chiếc áo dài truyền thống của dân tộc để những giá trị bản sắc Việt Nam mãi mãi trường tồn, vững bền trên con đường hội nhập với thế giới.

________________

1. Hà Tùng Long, Áo dài Việt Nam: Từ trống đồng Đông Sơn đến “đấu trường” nhan sắc quốc tế, dantri.com.vn, 24-2-2016.

2. Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, sites.google.com.

3. Minh Hải - Cồ Việt, Tổ nghề áo dài - Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, kyluc.vn, 5-4-2016.

4. Ngô Thủy, Lịch sử phát triển áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, dientungaynay.vn, 4-3-2020.

5. Trần Đức Anh Sơn, Ngày xuân tản mạn văn hóa áo dài, svhtt.thuathienhue.gov.vn, 11-02-2017.

6. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tái bản, 2002, tr.203-204.

7. Đại Ngọc, theo Helino, Giữa lùm xùm mẫu áo dài bị “copy”, NTK Thủy Nguyễn khẳng định: “Sản phẩm kia giống thiết kế gốc của tôi đến hơn 90%”, kenh14.vn, 22-11-2019.

Tác giả: GS, TS Từ Thị Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;