Bố Trạch - điểm sáng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Ngày nay, khi về với Bố Trạch (Quảng Bình) chúng ta được chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của quê hương di sản. Nông thôn Bố Trạch khoác lên mình chiếc áo mới khang trang, văn minh, hiện đại, trở thành những làng quê đáng sống và điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Có được thành quả đó chính là nhờ sự chủ động, sáng tạo trong vận dụng, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà hiệu quả từ việc thực hiện các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Bố Trạch hôm nay.

Nhờ chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện, qua 20 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại Bố Trạch không chỉ góp phần xây dựng văn hóa cơ sở vững mạnh mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Cùng với cả nước, ngay trong năm 2000, Bố Trạch đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào và giao Phòng Văn hoá - Thông tin là cơ quan thường trực. Đến nay, sau 20 năm, BCĐ phong trào đã được thành lập ở tất cả 28 xã, thị trấn và 171 cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn. Không những thế, để nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, lãnh đạo phong trào, Ban Chỉ đạo huyện và cơ sở thường xuyên được kiện toàn, củng cố đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong quá trình triển khai phong trào tại huyện nhà.

Để phong trào phát triển rộng khắp và bền vững, hằng năm, BCĐ huyện, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (phòng VHTT)  xây dựng kế hoạch, triển khai các văn bản, hướng dẫn của cấp trên và thực hiện hương ước, quy ước đến cơ sở đầy đủ, kịp thời. Phát động những nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy sức dân mà xây dựng cho dân, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương gắn với việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân nên trong 20 năm qua phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự lan tỏa vào từng thôn xóm, thấm sâu trong từng hộ gia đình. Phong trào thu hút sự tham gia của toàn xã hội, không phân biệt vùng miền, tôn giáo. Khắp nơi trên quê hương Bố Trạch đều sôi nổi khí thế thi đua xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng làng văn hóa .

Ngoài ra, nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào, hằng năm UBND huyện đã thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; lấy kết quả xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, xã, thị trấn, gia đình văn hoá là 1 tiêu chuẩn để xét chi bộ, đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh và gắn kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH với việc xét các danh hiệu thi đua trong năm của mỗi gia đình, mỗi địa phương, đơn vị. Vì vậy sau 20 năm phát triển, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân nên phong trào xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa đạt những kết quả vượt bậc. Số lượng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa tăng cao qua từng năm. Nếu như năm 2000, toàn huyện chỉ có 8 Làng văn hóa, 4.543 Gia đình văn hóa thì đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 40.760 Gia đình văn hóa, 212 Làng văn hóa - trong đó có nhiều làng giữ vững danh hiệu suốt nhiều năm liền như Thôn Bắc Lộc, xã Vạn Trạch (20 năm liên tục), thôn Mít, xã Tây Trạch (19 năm liên tục)…

Việc thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào chính là điểm tựa vững chắc để phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, mỗi gia đình. Phong trào đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo thực sự là đòn bẩy đưa kinh tế xã hội của nhân dân Bố Trạch phát triển. Các đơn vị, các hộ gia đình đã thực hiện trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tương thân tương ái để giúp nhau thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Trong quá trình thực hiện, tại Bố Trạch đã xuất hiện nhiều phong trào hiệu quả như: phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Nêu gương sáng làm theo lời Bác dạy, giúp nhau làm kinh tế giỏi, thoát nghèo”... với nhiều cách làm hay, hiệu quả như giúp nhau vốn tổ chức kinh doanh của phụ nữ, thanh niên… Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 2000 nhóm tiết kiệm tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó mà đời sống kinh tế hộ gia đình ngày càng ổn định và phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 48,1 triệu đồng.

Cùng với xây dựng phát triển đời sống kinh tế, văn hóa ở cơ sở, công tác chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phong trào và luôn được các cấp, các ngành từ huyện đến xã, thị trấn chú trọng, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã huy động được số tiền hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 5 năm 2014 - 2019, quỹ Vì người nghèo của huyện đã huy động đóng góp trên 6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 60 nhà Đại đoàn kết, nhà tạm cho hộ nghèo, khánh thành và bàn giao 37 ngôi nhà cho đồng bào các xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi gần 1.000 lượt. Tinh thần đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương, động viên ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống của mọi người dân, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Vì vậy, nếu như cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 21,7%  thì qua 20 năm thực hiện phong trào, đời sống của nhân dân đổi thay nhanh chóng: tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 giảm còn 3,08%.

Đời sống kinh tế phát triển chính là bệ đỡ vững chắc để Bố Trạch phát triển đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Bố Trạch đã huy động được sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư nâng cấp, xây mới tạo bộ mặt khang trang cho nông thôn Bố Trạch: trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao bổ ích cho nhân dân và là cầu nối để tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương. Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin - thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thông tin cơ sở đã có bước tiến quan trọng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện đã huy động hiệu quả sự đóng góp của nhân dân. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có 110 Nhà văn hóa thôn được nâng cấp, sửa chữa, xây mới nhằm phục vụ tốt các nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 242 Nhà văn hóa, khu thể thao thôn được đầu tư đồng bộ trong đó có những Nhà văn hóa được xây dựng khang trang với số vốn lên tới hàng tỷ đồng như Nhà văn hóa thôn Ngoại Hòa, thôn Thanh Gianh, các nhà văn hóa thôn ở Nhân Trạch…

Nhờ gắn thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa với phong trào xây dựng nông thôn mới mà bộ mặt nông thôn huyện Bố Trạch từng ngày thay đổi. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn ở trên địa bàn huyện đã thuận tiện, các đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, toàn huyện có 319,86/358,58 km đạt 89%, đặc biệt nhiều thôn đạt 100%; những ngôi nhà cao tầng, nhà kiên cố khang trang, đường làng ngõ xóm được quy hoạch rộng rãi thoáng mát, sạch đẹp, các công trình phục vụ cộng đồng được chú trọng đầu tư xây dựng (như công viên ở Hải Phú, đình làng ở Nhân Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch, Đức Trạch…). Các chương trình thắp sáng đường quê, xây dựng đường nông thôn mới kiểu mẫu, tổ chức các lực lượng chung tay bảo vệ môi trường… được triển khai hiệu quả, xây dựng nông thôn mới Bố Trạch sáng - xanh - sạch - đẹp , đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng làng quê kiểu mẫu.

Nhờ bệ đỡ kinh tế vững chắc nên các hoạt động văn hóa, tinh thần được tổ chức phong phú, sôi nổi. Hằng năm, UBND huyện đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao tạo được khí thế phấn khởi, sôi nổi trong nhân dân. Trong đó, có thể kể đến các hoạt động mang “thương hiệu” Bố Trạch như liên hoan các làng văn hóa tiêu biểu, các giải thi đấu thể thao truyền thống như bóng đá nam, đua thuyền, bóng chuyền… Các giá trị văn hóa tinh thần được bảo tồn và phát huy tốt đặc biệt là Lễ hội đập trống của người Ma Coong, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc mang âm hưởng quê hương Bố Trạch đang ngày được lan tỏa, ghi dấu trong lòng du khách thập phương khi đến với quê hương di sản.

Phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, ở Bố Trạch, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đều tiên phong trong việc phát động, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các phong trào phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thi đua thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Vì vậy, sau 20 năm, phong trào TDĐKXĐSVH thực sự trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt kinh tế - xã hội của mỗi người dân, mỗi xóm thôn trên quê hương huyện Bố Trạch.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, nhờ biết phát huy sức mạnh của toàn dân kết hợp sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Bố Trạch tiếp tục là điểm sáng trong phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh Quảng Bình. Kết quả ấy sẽ là động lực, là niềm tin để cán bộ và nhân dân Bố Trạch tiếp tục phấn đấu nỗ lực gặt hái thêm nhiều thành công trên bước đường phát triển kinh tế -  xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới – xây dựng nông thôn mới.

 

Tác giả: Lê Hữu Lợi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

 

;