Bình Lục phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong xây dựng nông thôn mới

Từ nhiều năm qua, Bình Lục (Hà Nam) luôn chú trọng việc tổ chức xây dựng hương ước, quy ước làng xã, khu phố.

 

Hương ước ở các làng thuộc huyện Bình Lục thời quân chủ là một loại hình văn bản do một số người hiểu biết soạn thảo và được nhân dân trong làng chấp thuận. Số lượng điều khoản và cách phân chia các chương mục trong từng bản hương ước không giống nhau, ngắn nhất cũng phải hơn 20 điều, dài thì lên tới 80 - 90 điều. Các điều khoản trong hương ước bắt nguồn từ nhu cầu phải trật tự hóa, ổn định hóa mọi mặt hoạt động và giao tiếp trong nội bộ mỗi làng.

Hương ước xưa ở Bình Lục có rất nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ, mang đậm nét nhân văn, không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật; chú trọng việc tu bổ đền miếu, đình chùa, việc biện lễ, phục vụ lễ Tết rước sách thờ thần, thờ Phật; khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, túng thiếu; yêu cầu mọi gia đình phải đảm bảo đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước về sưu thuế, binh dịch. Làm trái hương ước, nhất là những việc hệ trọng như: chiếm ruộng đất công, sử dụng Quỹ nghĩa thương, đê điều... sẽ bị làng xử phạt nặng.

Một minh chứng điển hình là hương ước cổ làng Cao Cái được soạn thảo năm 1923, trải qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh các điều khoản đã cũ, theo ý nguyện của tiền nhân, bản còn lại hiện nay là bản sao lục vào năm 1942, có chữ ký của người tộc biểu, quan sở tại phê, quan tuần phủ ký, quan chánh công sứ duyệt y. Phần chủ ý cải lương trong hương ước nêu rõ: “cần nên cải lương, suy xét hiện tình thời nay, so sánh khoản lệ thuở trước, điều nào hại thời đổi, điều nào lợi thời theo, mục đích làm cho dân tộc được thịnh giàu, dân làng có trật tự, sau sẽ theo trình độ tiến hóa mà cải bổ thêm”. Điều quan trọng là các điều khoản của hương ước được toàn dân thảo luận, đồng thuận và áp dụng cho tất cả mọi người: “Trong làng ai trái những khoản ước trên thời hương - hội tùy tình lý, nặng nhẹ mà phạt hoặc không cho dự đình trong tế tự một hạn là bao lâu, hoặc truất vị thứ xuống mấy ban” (Điều 79).

Qua tìm hiểu hương ước làng Cao Cái và các hương ước truyền thống khác ở Bình Lục, chúng ta thấy, đa số hương ước đều thâu tóm toàn bộ mọi hình thức sinh hoạt của tất cả các lớp người trong cộng đồng làng xã bằng các nội dung như: Những quy ước khẳng định ranh giới lãnh thổ của làng xã; Những quy ước liên quan đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường; Những quy ước liên quan đến cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng xã; Những quy ước về việc bảo đảm các nghĩa vụ với làng xã, với Nhà nước; Những quy ước về văn hóa, giáo dục và tôn giáo, tín ngưỡng; Những hình thức xử phạt của lệ làng... Bởi vậy, hương ước xưa đã trở thành một thực thể văn hóa tinh thần có giá trị ứng dụng, tồn tại song song với luật pháp Nhà nước quân chủ ở làng xã.

Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở các khu dân cư trên địa bàn huyện Bình Lục đã có bước chuyển biến tích cực: bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Để các hương ước, quy ước bám sát yêu cầu thực tế và triển khai hiệu quả, UBND huyện Bình Lục đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tăng cường rà soát, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước; bãi bỏ những hương ước, quy ước không còn phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương. Đến nay, 100% thôn, làng, khu phố trong huyện đã xây dựng quy ước, hương ước, được UBND huyện thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành, điều kiện thực tế từng khu dân cư. Nội dung hương ước, quy ước đều tuân thủ tuyệt đối các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề như: an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, việc cưới, việc tang, chính sách dân số, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… Các hương ước được sửa đổi, bổ sung theo giai đoạn hoặc theo năm để phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều địa phương đã đưa hương ước vào cuộc sống, phát huy được vai trò là công cụ quản lý, điều chỉnh hành vi ứng xử trong cộng đồng dân cư. Từ đó, tạo nên môi trường văn hóa nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Việc tự giác chấp hành quy ước, hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Bình Lục. Các địa phương trong huyện đã vận dụng, phát huy vai trò các thiết chế xã hội của cộng đồng như thiết chế gia đình, dòng họ, thông gia, liên gia, tổ tự quản; các phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng. Qua đó, góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội, giúp đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, hương ước còn góp phần tích cực phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh. Do vậy, tỷ lệ Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa trong huyện tăng dần. Nhiều công trình giao thông liên thôn, xã hay Nhà văn hóa, sân thể thao được nhân dân đóng góp tiền, đất và ngày công xây dựng. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện được quy định cụ thể trong tất cả các hương ước, quy ước của thôn, làng. Việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào nền nếp, nhiều hủ tục lạc hậu, tốn kém, phiền hà được loại bỏ, nhân dân từng bước tiếp nhận và thực hiện những tập tục, nghi lễ tiến bộ, văn minh, làm cho việc cưới, việc tang và lễ hội thực sự lành mạnh, tiết kiệm, trang trọng, ý nghĩa phù hợp với nét đẹp truyền thống của địa phương. Các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy.

Làng nghề rượu Vọc thuộc xã Vũ Bản

 

Hương ước ở các thôn làng, tổ phố huyện Bình Lục còn đề cập đến những vấn đề thiết thực như: thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau nuôi dạy con cháu chăm ngoan, học tốt, không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình; có trách nhiệm xây dựng gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa, duy trì nền nếp, phong tục tập quán truyền thống, vươn lên làm kinh tế giỏi... Qua đó, nhiều chuẩn mực đạo đức mới được hình thành như: đạo đức trong kinh doanh, trong việc bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông... Điển hình như hương ước của của làng nghề truyền thống rượu Vọc (xã Vũ Bản) quy định rõ: “Rượu chỉ được dùng men thuốc bắc, nấu với gạo đặc sản của quê hương, nghiêm cấm việc sản xuất rượu kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của làng”. Hương ước của một số thôn, làng còn đề cập đến việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân. Vì vậy, người dân trong thôn phải chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, con em khi đến tuổi phải thực hiện đăng ký, khám tuyển khi có lệnh nhập ngũ; không trốn tránh, đào, bỏ ngũ. Hoặc đề cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, gắn kết cá nhân với cộng đồng, giữ gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng…

Hầu hết các bản hương ước ở Bình Lục ngày càng có tính kế thừa "gạn đục khơi trong", đều hướng vào mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", do vậy hợp lòng dân, được dân chấp nhận, tự nguyện tuân thủ, làm theo và giành được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn huyện. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục định hướng sẽ tiếp tục tuyên truyền các văn bản pháp luật về xây dựng và triển khai thực hiện hương ước; tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng Nông thôn mới”; đưa tiêu chí xây dựng, thực hiện hương ước vào bình xét Gia đình văn hóa, Làng văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các địa phương; chỉ đạo rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước đảm bảo chất lượng, góp phần phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư.

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;