BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN HÁN NÔM TRONG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÙNG TÂY NAM BỘ

Tư liệu Hán Nôm ra đời từ trước năm 1945, bao gồm các sách và tài liệu ghi bằng chữ Hán, Nôm hoặc kết hợp cả hai. Các tư liệu này được viết trên giấy, vải, hoặc được khắc trên gỗ, đá, đồng, gốm, sứ… ghi lại toàn bộ lịch sử và đời sống dân tộc qua các thời kỳ trong quá khứ. Hiện nay, tư liệu Hán Nôm không còn nhiều, đặc biệt là những tư liệu tại các di tích lịch sử văn hóa không có biện pháp lưu trữ phù hợp, nhất là các tư liệu được khắc trên các chất liệu gỗ, đồng hoặc in dập trên giấy. Vì vậy qua thời gian, các tư liệu này đang đứng trước nguy cơ mất mát, mai một. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của những tư liệu Hán Nôm trở thành một vấn đề cấp thiết trong thời đại ngày nay.


Đồng bằng sông Cửu Long còn gọi là vùng Tây Nam Bộ, không chỉ là vựa lúa lớn nhất của cả nước mà còn có một vị trí chiến lược về mặt văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy có lịch sử phát triển không quá dài nhưng nơi đây cũng đã hình thành nên những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc và phong phú. Các giá trị văn hóa này vừa kế thừa tinh túy từ miền Kinh Bắc xa xôi do những cư dân đầu tiên Nam tiến mang theo nhưng lại vừa mang đậm tính chất của vùng đất Nam Bộ, tiêu biểu như: kiến trúc, điêu khắc, văn học, nghệ thuật… Các giá trị văn hóa này được thể hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày, một số được lưu giữ, bảo tồn tại các di tích văn hóa, lịch sử khắp vùng Tây Nam Bộ. 

Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, thiên nhiên, con người của vùng Tây Nam Bộ, các di tích lịch sử văn hóa có giá trị không còn nhiều và ngày càng có nguy cơ mai một. Mặc dù, trong thời gian gần đây, không thể phủ nhận sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ban ngành đến các di tích lịch sử văn hóa nhưng dường như chỉ mới chú ý việc bảo tồn, tôn tạo giá trị kiến trúc, chưa thật sự quan tâm đến phần hồn của di tích đó là các di sản văn hóa Hán Nôm (DSHN). DSHN tồn tại trong các di tích văn hóa lịch sử chính là điều làm nên sự độc đáo, đặc biệt của từng di tích. Các văn bản Hán Nôm ở trong di tích không chỉ mang tính chất trang trí hay có giá trị về mặt thông tin mà còn là những bằng chứng chân thực về lịch sử văn hóa cũng như tiến trình khai khẩn vùng đất mới phương Nam của ông cha ta.

1. DSHN - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc

Từ TK I trước CN, chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu và thống trị của người Hán. Văn tự này càng trở nên phổ biến dưới thời Đông Hán, khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, “…đó là thời kỳ giáo dục Hán tự ở Giao Châu khá phát triển, có ảnh hưởng khá lâu dài trong lịch sử Việt Nam…” (1).

Sau TK X, mặc dù Việt Nam đã giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng do hơn một ngàn năm phải chịu ách đô hộ, nên chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục được duy trì và sử dụng như một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa Việt Nam (2).

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam: “Chữ Nôm (ngôn ngữ) là chữ viết cổ ghi tiếng Việt, thuộc loại hình chữ vuông, được tạo ra trên nguyên tắc và trên cơ sở của chữ Hán với cách đọc Hán - Việt. Ngôn ngữ này có thể hình thành vào TK IX, X và hoàn chỉnh dần vào các thế kỷ sau. Nó được dùng trong sáng tác văn học từ TK XIII - XV. Và, đặc biệt ở TK XVIII - XIX, đã xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm tiêu biểu viết bằng chữ Nôm (ví dụ Truyện Kiều). Đến cuối TK XIX, đầu TK XX khi chữ quốc ngữ được dùng phổ biến thì chữ Nôm không còn được sử dụng nữa” (3). Như vậy, chữ Nôm là một sản phẩm sáng tạo của trí tuệ người Việt trong hoàn cảnh lịch sử cuối thời Bắc thuộc, đầu thời tự chủ. Bản thân sự ra đời của nó cũng đã phản ánh một ý chí tự lực tự cường dân tộc. Được hình thành và tồn tại qua hàng ngàn năm, chữ Nôm không chỉ đóng vai trò là một công cụ giao tiếp sinh động của người Việt mà còn là phương tiện chuyển tải giá trị và những biểu đạt văn hóa, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của cha ông ta trong nhiều thế kỷ (4).

Ngày nay, khi bước vào các di tích, hầu như đều bắt gặp các DSHN. Chúng là nguồn tài liệu không chỉ chứa đựng những thông tin về di tích mà còn nhiều thông tin liên quan đến các lĩnh vực khác như kiến trúc, lịch sử, tôn giáo… Các DSHN được thể hiện thông qua bài vị, xà cò, hoành phi, câu đối, sắc phong, văn bia, bảng ghi công đức… ở các di tích. Cũng nhờ vào các văn bia, văn bản chữ Nôm và chữ Hán mà các nhà nghiên cứu xác định được tuổi và cả những thông tin lịch sử hình thành hay kỹ thuật xây dựng, chế tác, niên đại xây dựng và số lần trùng tu, hay bối cảnh lịch sử của xã hội đương thời…

2. Thực trạng bảo tồn, giá trị DSHN trong di tích lịch sử văn hóa vùng Tây Nam Bộ

Kết quả khảo sát cho thấy, ngân sách hoạt động của các di tích hầu hết do sự tự nguyện đóng góp của quần chúng nhân dân, chỉ một phần rất nhỏ từ nguồn kinh phí nhà nước. Điều này gây nhiều khó khăn cho các hoạt động tại di tích. Hầu hết các di tích, mặc dù được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng nhìn chung đang bị hư hỏng, xuống cấp rất nặng, không có kinh phí để tiến hành trùng tu, tôn tạo. Một vài di tích nổi tiếng, nhận được sự đóng góp nhiều từ nhân dân như chùa Vĩnh Tràng, đình Nguyễn Trung Trực, khu di tích núi Bình San (Mạc Cửu) - Hà Tiên… nên công tác trùng tu, tôn tạo diễn ra thường xuyên, di tích ít bị hư hại, xuống cấp. Trong khi đó, chi phí cho các hoạt động của di tích lại tốn kém, từ kinh phí cho các dịp lễ, tết… đến các kinh phí thường ngày như điện, nước, nhang đèn, mâm quả, sửa chữa nhỏ, mua sắm các vật dụng… Điều này là một thách thức rất lớn cho các di tích hiện nay.

Công tác quản lý, kiểm kê các DSHN trong di tích cũng là một vấn đề cần nói đến. Hiện nay, ban quản lý di tích các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ chưa có kế hoạch thực hiện công tác này, có thể do rất nhiều nguyên nhân: thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực, nguồn nhân lực có trình độ Hán ngữ hạn chế, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn chưa cao, thiếu sự đồng thuận và hỗ trợ từ các di tích.

Một số ít di tích đã tự chủ động thực hiện công việc kiểm kê DSHN như chùa Quan Đế (Kiên Giang), đình Tân Thạch, đình Bình Hòa (Bến Tre), còn đa số các di tích khác hầu như chưa thực hiện. Công tác này đòi hỏi nhiều yếu tố từ nguồn nhân lực có trình độ, kinh phí, thời gian và quyết tâm của những người thực hiện, không phải di tích nào cũng hội đủ những yếu tố đó nên công tác kiểm kê DSHN hiện nay ở các di tích đang bị bỏ ngỏ. Theo ý kiến của Trưởng ban Bảo vệ di tích đình Vĩnh Hòa (Kiên Giang): “Việc kiểm kê các DSHN tại di tích đang thực hiện, nhưng chưa hoàn thành vì gặp nhiều khó khăn như thời gian, kinh phí và trình độ chữ Hán còn hạn chế. Do đó, công việc này đang gặp trở ngại” (5).

Công tác bảo quản DSHN ở các di tích cũng là vấn đề bất cập. Cùng với sự xuống cấp và hư hỏng của các di tích thì các DSHN nói riêng và các di sản văn hóa nói chung cũng bị hư hỏng và xuống cấp theo thời gian. Vì thế, nếu không có kế hoạch quản lý, giữ gìn và bảo quản hợp lý, các di sản này sẽ không còn tồn tại nữa. Theo khảo sát, hiện nay, các DSHN tại các di tích được bảo quản chung với các di sản khác trong di tích, thông thường cũng chỉ được vệ sinh, quét dọn và lau chùi hoặc định kỳ diệt mối mọt, côn trùng. Không có nguồn kinh phí nào từ ngân sách nhà nước hay từ ngân quỹ của các di tích để phục vụ cho công tác này và đặc biệt cũng không có người có trình độ chuyên môn thực hiện việc bảo quản chuyên sâu cho các trường hợp di sản Hán Nôm bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Vì thế, hiện nay tại các di tích hay ban quản lý di tích tỉnh, thành phố cũng chưa có kế hoạch để thực hiện công tác này. Theo thời gian, cùng với sự tác động của các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, không khí ô nhiễm...), sự tấn công của vi sinh vật, côn trùng thì các DSHN nói riêng và các di sản văn hóa nói chung trong các di tích sẽ không còn nữa. Do đó, vấn đề cần thiết là phải có kế hoạch để thực hiện công tác bảo quản DSHN.

Một thực tế khác cũng cần phải quan tâm đến đó là tình trạng mất các hiện vật, cổ vật tại các di tích. Vì thế, nếu di tích và ban quản lý di tích tỉnh, thành phố không quản lý tốt các di sản văn hóa trong di tích thì tình trạng mất cắp là điều không tránh khỏi. Hầu như chỉ có người trông coi là có mặt thường xuyên ở di tích nhưng đa số những người này đều khá lớn tuổi, tình trạng sức khỏe không còn được tốt.

Về công tác phát huy giá trị DSHN, nhiều di tích vùng Tây Nam Bộ đã đưa các nội dung của các DSHN vào trong đề cương thuyết minh của di tích. Một vài di tích làm tốt công tác này như: chùa Quan Đế (Kiên Giang), khu di tích núi Bình San - Hà Tiên (Kiên Giang), đình Tân Thạch (Bến Tre), đình Bình Hòa (Bến Tre). Ngoài ra, còn một số di tích khác cũng đưa các nội dung của các DSHN vào trong đề cương thuyết minh, nhưng không nhiều hoặc rất ít.

3. Một vài giải pháp phát huy giá trị DSHN trong di tích lịch sử văn hóa vùng Tây Nam Bộ

Theo thống kê của Hội Bảo tồn DSHN Việt Nam thì ngày nay, trên thế giới chưa đến 100 người đọc được chữ Nôm. Riêng phần chữ Hán, tuy có nhiều người biết đọc và dịch hơn nhưng cũng không phổ biến trong đời sống. Điều đó khiến một phần quan trọng của lịch sử và văn hóa Việt Nam không được người dân biết đến” (6).

Vùng Tây Nam Bộ có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa còn lưu giữ tài liệu Hán Nôm, nhưng người đọc được còn rất ít. Nhiều nguồn tư liệu Hán Nôm đã bị mất do rất nhiều nguyên nhân như chiến tranh, khí hậu và một số chính sách mà chưa kịp phiên âm, dịch nghĩa hoặc sao chép. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị DSHN trong các di tích ở khu vực này, một số giải pháp được đề xuất như sau:

Cần tiến hành nghiên cứu, thống kê chi tiết các loại hình DSHN trong các di tích. Trên cơ sở đó, tiến hành đánh giá, phân loại những loại hình có nguy cơ mai một, hư hỏng để có những biện pháp bảo quản hiệu quả nhất. Đồng thời qua đó, hướng dẫn cho người dân ở nơi có di tích những biện pháp bảo quản cơ bản, nhằm hạn chế tình trạng hư hỏng của di sản trước sự tác động của thiên nhiên và con người.

Cần nhanh chóng tháo nhổ đinh, tôn sắt và có phương án phục hồi các hoành phi, liễn đối Hán Nôm. Nguyên nhân là do người dân không đọc được các hoành phi, liễn đối, nên rất nhiều đình, miếu ở Bến Tre, các bô lão đã nhờ người am hiểu đọc, rồi viết phiên âm các chữ này lên những mảnh tôn (sắt), sau đó đóng đinh trực tiếp vào các hoành phi, liễn đối. Việc làm này vừa mất mỹ quan, vừa góp phần hủy hoại nhanh chóng các di sản.

Việc tiếp cận những tư liệu Hán Nôm như sắc phong, văn tế… trong các di tích là rất khó, vì những di sản này thường để trong tráp rồi khóa lại, chỉ đến ngày vía thần tại đình miếu với đầy đủ các thành phần trong ban quý tế mới được mở ra. Do vậy, cần tạo dựng quan hệ, niềm tin và một tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng… để người dân có thể chụp, ghi chép lại các di sản.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn các DSHN, cụ thể là tư liệu hóa, số hóa các di sản này theo chuẩn Dublin Core (7). Bên cạnh đó, cần biên dịch toàn bộ tư liệu Hán Nôm hiện có ra chữ quốc ngữ, đưa lên mạng internet để nhiều người có thể truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu, nhất là giới trẻ nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Có chính sách đào tạo, khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Hán Nôm. Đặc biệt là đội ngũ làm công tác bảo tồn bảo tàng, cần được trang bị một trình độ nhất định, để khi tiếp xúc với Hán Nôm, có thể đọc và hiểu được nội dung và giá trị của di sản này.

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của DSHN thông qua việc kêu gọi và khuyến khích người dân cùng tham gia như: có ý thức trong việc giữ gìn và phổ biến di sản; hiến tặng hoặc cho phép sao chụp, nhằm làm phong phú thêm kho tàng DSHN của Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung; cung cấp những thông tin có liên quan đến di sản hoặc tham gia biên dịch, diễn giải các DSHN…

Tổ chức trưng bày, giới thiệu các loại hình DSHN đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh cũng như du khách, giúp họ hiểu, trân quý và tự hào hơn về những di sản của cha ông.

Kết hợp xây dựng chương trình giáo dục về lịch sử và văn hóa của địa phương. Ngoài ra, có thể tổ chức đưa các em học sinh đến tham quan tại các di tích và diễn giải về nội dung, ý nghĩa, giá trị của DSHN.

Cần khuyến khích, ưu tiên đầu tư kinh phí cho những đề tài nghiên cứu về DSHN…

4. Kết luận

So với các vùng đất khác, DSHN ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mai một cao hơn. Bởi ngoài những nguyên nhân như chiến tranh loạn lạc, thiên nhiên cùng thời gian và cả bàn tay con người tàn phá… còn có nguyên nhân sâu xa khác, đó là vị trí của Hán học trước nay đối với người dân Tây Nam Bộ hết sức mờ nhạt. Chúng ta đều biết Nam Bộ là vùng đất mới và những cư dân Nam tiến xưa kia đa số là dân nghèo nên việc học hành thi cử đối với họ không quan trọng bằng việc làm ăn. Hơn thế, khi vùng đất mới hình thành không lâu đã thuộc quyền đô hộ của thực dân Pháp và Hán học sử dụng ở đây cũng nhanh chóng bị bãi bỏ. Chữ Hán, Nôm vì thế càng nhanh chóng rời xa cuộc sống. Khi lớp người biết chữ Hán mất đi, chúng ta không có lớp người kế thừa và cũng không ai quan tâm đến kế thừa. Chữ Hán lúc đương thời vốn đã khá mờ nhạt, đến lúc hết thời thì chẳng ai quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Đó là những nguyên nhân góp phần làm cho DSHN ở đồng bằng sông Cửu Long đứng trên bờ vực thẳm.

Không chỉ chứa đựng nhận thức, tư duy, triết lý nhân sinh quan... của tiền nhân, DSHN còn mang trong mình tinh thần và tâm hồn dân tộc. Nó chính là nhân chứng của lịch sử, là sợi dây liên hệ quá khứ với hiện tại. Thế nhưng, trong dòng chảy của cuộc sống đương đại, DSHN ngày càng xa dần và rơi vào quên lãng. Nếu không có những biện pháp bảo tồn, phát huy kịp thời và hữu hiệu thì e rằng không bao lâu nữa DSHN sẽ mất hẳn. Chữ Hán, Nôm ở đồng bằng sông Cửu Long tuy có tuổi đời khá ngắn và số phận đặc biệt như vậy, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị cốt lõi của nó. Cho nên, việc phát huy DSHN ở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cấp thiết.

Với thực tế hiện nay, số lượng các nhà nho ở Nam Bộ, người có khả năng hiểu về văn hóa lịch sử và biết dịch chữ Hán, Nôm không còn nhiều, hầu hết đã cao tuổi và không có người để truyền nghề, thế hệ trẻ không quan tâm thì khả năng mai một của DSHN ngày càng cao. Điều này đòi hỏi cần có những hoạt động phù hợp vừa lưu giữ, bảo tồn các DSHN hiện có vừa đưa ra những định hướng, chiến lược phù hợp để phát huy vai trò của DSHN trong tương lai, nhất là việc giáo dục thế hệ trẻ để họ biết trân quý những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

___________

1. Ngô Đức Thọ, Trịnh Khắc Mạnh, Cơ sở văn bản học Hán Nôm, 2007, tr.133., Nxb Khoa học Xã hội

2. Giá trị DSHN trong nghiên cứu Phật học, phatgiao.org.vn.

3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, 1995, tr.543.

4. Bảo tàng với việc khai thác và phát huy di sản chữ Nôm, dch.gov.vn.

5. Trích biên bản phỏng vấn tại các di tích trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, dữ liệu khảo sát đề tài: Nghiên cứu các giải pháp phát huy giá trị DSHN ở các di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia khu vực Tây Nam Bộ năm 2016 - 2017 của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

6. dch.gov.vn.

7. Ngô Thanh Nhàn, Vấn đề số hóa kho tư liệu Hán Nôm theo chuẩn Dublin Core tại Viện thông tin Khoa học xã hội, 2007, cla.temple.edu.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017

Tác giả : PHẠM LAN HƯƠNG - NGUYỄN THÁI HÒA

;