ÂM NHẠC CỦA HÁT TRỐNG QUÂN Ở TRUNG DU BẮC BỘ

Hát trống quân là một loại hình diễn xướng dân gian khá phổ biến trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đây là lối hát nam nữ đối đáp giao duyên với những đặc trưng độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy lối hát trống quân ở một số địa phương thuộc trung du Bắc Bộ có những yếu tố riêng biệt, trong đó, âm nhạc, lối hát mang tính nguyên sơ, thể hiện sự xuất hiện lâu đời của loại hình âm nhạc này.

1. Giai điệu

Mỗi địa phương ở trung du Bắc Bộ có một làn điệu khác nhau, nhưng đều dựa vào một giai điệu mang tính lòng bản để ghép vào những câu thơ lục bát, lục bát biến thể… Bên cạnh đó, ngữ điệu ngôn ngữ đặc trưng của vùng miền đã tạo nên màu sắc bản địa của giai điệu hát trống quân.

Âm điệu, lối tiến hành giai điệu

Âm điệu của hát trống quân ở trung du Bắc Bộ thể hiện sự đa dạng, phong phú về tính chất âm nhạc, có khi tươi vui, trong sáng, có lúc mềm mại, uyển chuyển, cũng có lúc rắn rỏi, khỏe khoắn, không thấy sự buồn đau, bi thương, ai oán… Các quãng thường thấy trong giai điệu là quãng 2 trưởng, 3 thứ, 4 đúng, 5 đúng, quãng 7 thứ rất ít thấy.

 
 
 

Trích Trống quân Đức Bác

Trong một bài có thể có một hoặc một vài lối tiến hành giai điệu, thường nhắc lại tiết nhạc, câu nhạc, có thay đổi hoặc không thay đổi, đặc biệt, xuất hiện sự luyến láy trong hầu hết giai điệu. Cách phổ thơ thường xuôi chiều, có đảo và dựa theo một vài làn điệu.

 
 
 

Trích Trống quân Phú Thọ

Có thể xếp hát trống quân ở trung du Bắc Bộ vào làn điệu hát, ngâm thơ lục bát tiêu biểu của người Việt, trong đó mỗi làn điệu là một tập hợp những sơ đồ âm điệu khác nhau biến hóa theo từng cấu trúc lời thơ. Nó được xem như đối lập với cấu trúc ca khúc dân gian, vốn có đường tuyến giai điệu tương đối định hình, kiểu hệ thống các bài lý hay dân ca quan họ. Như thế, hát trống quân thuộc vào dạng làn điệu có cấp độ dị bản lớn (1).

Nhịp điệu, tiết tấu

Hát trống quân thường gắn với tiếng gõ nhịp của trống, nên nhịp phách khá rõ ràng, chủ yếu là nhịp 2 phách, tiết tấu tương đối mạch lạc, khúc triết, thường có đảo phách, nghịch phách. Tiết tấu thường giống tiết tấu của trống hội. Tuy nhiên, do một số bài bản có xuất hiện nhiều luyến láy, các từ đệm lót, tiếng đưa hơi, đã tạo cho tiết tấu trở nên phức tạp hơn. Thông thường có một số mô hình tiết tấu sau:

Mô hình 1:

 
 
 

Mô hình 2:

 
 
 

Mô hình 3:

 
 
 

Mô hình 4:

 
 
 

Mô hình 5:

 
 
 

Mô hình 6:

 
 
 

Sự lấy đà trong tiết tấu của hát trống quân thường xuất hiện ở đầu bài, đầu câu nhạc, tiết nhạc. Thêm danh từ vào lời ca cũng tạo ra những biến đổi nhỏ trong tiết tấu, tuy nhiên trường hợp này không ảnh hưởng lớn đến tiết tấu chủ đạo:

 
 
 

Trích Trống quân Đức Bác

2. Điệu thức

Trong âm nhạc của hát trống quân ở một số địa phương thuộc trung du Bắc Bộ như Vĩnh Phúc (xã Đức Bác), Phú Thọ (thị xã Phú Thọ, xã Kinh Kệ) còn lưu giữ được những bài bản ở điệu thức 3 âm và 4 âm. Theo nhà nghiên cứu Tú Ngọc, những điệu hát, đoạn hát có điệu thức 2 âm hoặc 3 âm thuộc tầng dân ca cổ nhất, các làn điệu dân ca ở điệu thức 4 âm thuộc tầng dân ca tương đối cổ (2).

Điệu thức 3 âm

Qua các bài bản chúng tôi sưu tầm được, điệu thức 3 âm có trong hát trống quân của xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (Trống quân Đức Bác); làng Hữu Bổ, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (Trống quân Hữu Bổ), gồm 2 dạng:

 
 
 

Điệu thức 3.1 thường thấy ở phần hát của nam trong Trống quân Đức Bác, được cấu tạo bởi hai quãng 4 đúng, trường hợp ít thấy trong dân ca của người Việt. Thang âm 3.2 có ở Trống quân Hữu Bổ và phần hát của nữ trong Trống quân Đức Bác. Đây là dạng điệu thức tương đối phổ biến, nó được cấu tạo bởi một quãng 4 đúng, một quãng 2 trưởng.

Điệu thức 4 âm

Trong các bài bản chúng tôi sưu tầm được, có sự xuất hiện của khá nhiều dạng điệu thức 4 âm, chủ yếu ở Trống quân Đức Bác, Trống quân Kinh Kệ (làng Kinh Kệ, xã Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ), Trống quân Phú Thọ (thị xã Phú Thọ), gồm có 4 dạng như sau:

 
 
 

Trong đó, điệu thức 4.2, 4.4 có ở Trống quân Đức Bác, điệu thức 4.1 có ở Trống quân Kinh Kệ, điệu thức 4.3 có ở Trống quân Phú Thọ.

3. Hình thức, cấu trúc âm nhạc

Hình thức, cấu trúc âm nhạc của hát trống quân ở trung du Bắc Bộ phần lớn có hình thức một đoạn, một số ít bài bản có hình thức hai đoạn. Đặc biệt, trong các bài bản của Trống quân Đức Bác có một nét giai điệu, lời ca cố định thường được dùng để mở đầu hoặc kết thúc đoạn hát (tạm gọi là câu kết hoặc câu mở).

Hình thức 1 đoạn

Từ một câu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể… người ta có thể hát lên thành bài bản. Vì vậy, hình thức, cấu trúc âm nhạc được hình thành dựa trên cơ sở của lời ca. Xem xét đoạn nhạc trong mối quan hệ với lời ca ta thấy: câu a thể hiện lời ca của câu 6 (trong câu thơ lục bát), câu a1 thể hiện lời ca của câu 8. Ta có sơ đồ cấu trúc: a + a1.      

Trong âm nhạc của hát trống quân, câu a thường được mở rộng với 2 thủ pháp chính là đưa nửa cuối của câu nhạc (tương ứng với các chữ 3, 4, 5, 6 trong lời ca của câu 6) lên phía đầu câu và nhắc lại cả câu 6, tạo thành câu nhạc có 2 tiết nhạc. Một số trường hợp khác, đoạn nhạc được tạo bởi hai câu thơ lục bát, như vậy cấu trúc âm nhạc cũng được mở rộng.

 
 
 

Trích bài Trống quân Đức Bác

Trong Trống quân Đức Bác có một nét giai điệu, lời ca cố định thường dùng để mở đầu, kết thúc phần hát, đôi khi còn là mở đầu hoặc kết thúc cuộc hát. Điều này cũng làm cho cấu trúc âm nhạc của Trống quân Đức Bác được mở rộng khác biệt hẳn với hát trống quân ở các địa phương khác. Khi nghiên cứu về Trống quân Đức Bác, chúng tôi thấy lối hát này được dựa trên một giai điệu nòng cốt, chi phối toàn bộ cuộc hát. Căn cứ vào các bài bản sưu tầm được, chúng tôi đã xây dựng một mô hình giai điệu lòng bản của Trống quân Đức Bác:

 
 
 

Mô hình giai điệu lòng bản của Trống quân Đức Bác

Ở đoạn nhạc trên, âm la (nhóm quãng 8 thứ nhất) được xác định là âm chủ của giọng điệu. Như vậy, câu a sẽ kết ở bậc V của giọng, câu a1 kết ở bậc I (âm chủ). Vì vậy, nét nhạc tiếp theo tạm được coi là kết bổ sung. Trong mối quan hệ với lời ca, câu a sẽ thể hiện lời ca của câu 6, câu a1 sẽ thể hiện lời ca của câu 8, kết bổ sung (K) là câu “Kia hỡi trống quân”, câu này đôi khi còn được dùng để mở đầu (M) cho cuộc hát. Quan sát tất cả các bài bản có được, chúng tôi thấy kết cấu hình thức âm nhạc của Trống quân Đức Bác được thể hiện trên 2 sơ đồ chính như sau: a + a1 + K và M + a + a1 + K.    

Hình thức 2 đoạn

Hình thức này được nhìn nhận dưới hai góc độ: thứ nhất, trên cơ sở của một đoạn nhạc (một hoặc hai câu thơ lục bát), người ta hát tiếp một vài câu thơ lục bát khác, do có sự khác biệt lớn về giai điệu, tiết tấu… đã hình thành một bài bản có hai đoạn nhạc; thứ hai, do sự chênh về giọng điệu, sự khác nhau về giai điệu, tiết tấu… giữa hai phần hát của nam và nữ cũng hình thành một bài bản có hai đoạn nhạc.

Ở góc độ thứ nhất, đơn thuần chỉ là sự khác biệt lớn về âm nhạc của hai đoạn mà tạo ra một hình thức, cấu trúc mới. Trên thực tế, khi nghe hai đoạn nhạc người ta vẫn cảm nhận được sự tương đồng của các môtíp âm nhạc, chỉ có điều đã bị xáo trộn, không giống với đoạn một. Mặt khác, do sự ứng tác, luyến láy… của người diễn xướng làm cho tiết tấu của hai đoạn nhạc có sự khác biệt. Như vậy, theo cách nhìn nhận của âm nhạc phương Tây thì hai đoạn nhạc này khác nhau, ta có sơ đồ cấu trúc: A (a + a1) + B (b + b1).

Ở góc độ thứ hai, sự khác nhau về giọng điệu có tính quy luật giữa phần hát của nam và nữ đã tạo nên những bài bản ở hình thức hai đoạn. Chúng tôi mới chỉ nhận thấy trường hợp này ở Trống quân Đức Bác. Nếu xét một cách toàn diện trên mọi yếu tố cấu thành âm nhạc, thì 2 vế nam và nữ trong Trống quân Đức Bác sẽ có sự tương quan nhất định trong cấu trúc tổng thể, bởi, trong hình thức hát đối đáp giao duyên, phải có đầy đủ 2 đối tượng diễn xướng là nam và nữ mới tạo thành một cuộc hát. Nếu như âm nhạc của 2 vế khác nhau, thì nên coi đó là hai đơn vị cấu trúc riêng biệt trong một mối liên hệ của tổng thể bài bản. Ở đoạn nhạc ví dụ trên, nếu coi âm La là âm chủ của đoạn một - phần hát nam, âm Rê là âm chủ của đoạn hai - phần hát nữ, thì khi cùng diễn xướng đối đáp, hai âm phải chênh nhau một quãng 4 đúng. Mặt khác, tổng thời gian trong phần hát của nam và nữ cũng khác nhau. Như vậy, phần hát của nam sẽ là một đoạn nhạc (A), phần hát của nữ cũng sẽ là một đoạn nhạc (B). Nếu theo cách phân tích như trên, ta lại có sơ đồ kết cấu âm nhạc của Trống quân Đức Bác: A (a + a1 + K) + B (b + b1 + K).

Có thể thấy, hình thức kết cấu âm nhạc của hát trống quân ở trung du Bắc Bộ khá đặc biệt, dù nhìn ở các góc độ khác nhau, thì đơn vị cấu trúc cũng vẫn rõ ràng, mạch lạc.

4. Các loại trống và cách đệm trống

Diễn xướng trống quân ở nhiều địa phương của Bắc Bộ thường gắn với một loại nhạc cụ khá đặc biệt, mà các nhà nghiên cứu gọi là đàn đất, trống đất... Nó được biết đến là một loại nhạc khí rất cổ của người Việt và của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong hát trống quân ở trung du Bắc Bộ người ta lại sử dụng trống cái và trống con, tên của hai loại trống da, là nhạc cụ gõ, hệ màng rung. Trong diễn xướng âm nhạc dân gian Việt Nam, có nhiều thể loại dân ca sử dụng trống để đệm hát, có thể cùng chất liệu, kích thước như nhau, nhưng ở mỗi loại hình diễn xướng, tùy vào chức năng mà người ta lại có cách gọi tên khác nhau. Chẳng hạn, cùng là một loại trống, nhưng trong chèo gọi là trống đế, trong ca trù lại gọi là trống chầu... Trống cái và trống con là cách gọi phổ biến của những địa phương có sử dụng hai loại trống này trong hát trống quân.

Trống cái

Là một hình trụ tròn, hơi khum vào ở hai đầu, cao khoảng 70cm, tang trống thường được làm bằng gỗ mít, có hai vòng đai ở khoảng giữa, được sơn son, vẽ hoa văn. Mặt trống được bịt bằng da trâu hoặc da bò, có đường kính khoảng 55cm. Trống được đánh bằng hai dùi to làm bằng gỗ. Loại trống này thường được dùng trong Trống quân Kinh Kệ.

Trống con

Là một hình trụ tròn, hơi dẹt, hơi khum vào ở hai đầu, tang trống cũng thường được làm bằng gỗ mít, sơn son, vẽ hoa văn, có móc để buộc dây đeo, mặt trống được bịt bằng da trâu, da bò, được đánh bằng hai dùi nhỏ làm bằng gỗ. Trống con được dùng trong Trống quân Đức Bác có chiều cao khoảng 7cm, đường kính khoảng 25cm. Trống con trong Trống quân Hữu Bổ có chiều cao khoảng 25cm, đường kính khoảng 40cm.

Cách đệm trống

Thứ nhất, đệm trống theo nhịp, là gõ đệm vào đầu của mỗi ô nhịp (phách mạnh), đây thường là trọng âm lời ca. Phương thức này đệm đơn giản, thiên về chức năng giữ nhịp. Theo cách nói dân gian, người ta chỉ gõ vào các chữ số 2, 4, 6, 8 trong câu thơ lục bát.

 
 
 

Thứ hai, đệm trống theo lời ca, nghĩa là hát chữ nào thì gõ trống vào chữ ấy, nhưng thường chỉ gõ vào lời thơ chính trong câu thơ lục bát. Nói cách khác là chỉ gõ vào những chữ ở trước trọng âm và chữ ở chính trọng âm của nhịp, cũng chính là trọng âm trong ngữ điệu lời ca.

 
 
 

Thứ ba, đệm trống theo một mô hình tiết tấu được lặp đi lặp lại trong suốt quá trình hát. Cách đệm đem lại một hiệu quả âm thanh phong phú hơn, sôi nổi hơn.

 
 
 

Trong phần gõ trống của hát trống quân, có một tổ hợp tiết tấu (khổ trống) mang tính cố định, thường được gõ để bắt đầu vào cuộc hát và kết thúc một trổ hát. Dù trong khi hát có đệm trống bằng cách nào, thì sau mỗi trổ hát người ta đều gõ khổ trống này. Nó cũng như một sự phân tách giữa các trổ hát. Cũng có thể gọi là sự kết nối giữa các trổ hát.

 
 
  
Gõ một nửa, hoặc cả khổ trống 
 
 
 
Gõ một, hoặc hai khổ trống liền nhau 
 

Các cách đệm trống tuy không mấy phức tạp, mang nhiều tính chất giữ nhịp, song chúng là nhân tố quan trọng tạo nên không khí rộn rã, hứng khởi đặc trưng của hát trống quân.

Có thể thấy, âm nhạc hát trống quân ở một số địa phương thuộc trung du Bắc Bộ đã thể hiện tính cổ xưa trong các yếu tố cấu thành. Vấn đề này được nhìn nhận qua kết cấu giai điệu, tiết tấu, điệu thức trong âm nhạc. Sự đơn giản trong âm nhạc có thể được coi là một đặc trưng thể hiện tính nguyên sơ của hát trống quân ở trung du Bắc Bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng ghi nhận sự khác biệt qua việc sử dụng trống để đệm cho hát trong các hình thức trống quân ở trung du Bắc Bộ và các lối hát trống quân đã được mô tả trong nhiều nghiên cứu đi trước. Điều này có thể do đặc thù văn hóa bản địa, sự khác nhau về mục đích, ý nghĩa của cuộc hát ở từng địa phương tạo nên, cho thấy sự phong phú, đa dạng trong diễn xướng trống quân ở Bắc Bộ.

_______________

1. Bùi Trọng Hiền, Hát trống quân người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 332, 2012, tr.35 - 40.

2. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, 1994.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : NGUYỄN ĐỨC HOÀNG

;