Alice Munro, người đi tìm mảnh vỡ rời bị lãng quên

Alice Ann Munro là nhà văn nữ người Canada. Bà đã đoạt Giải Nobel Văn học năm 2013, Giải Man Booker quốc tế năm 2009 cho toàn bộ tác phẩm trọn đời, và đã 3 lần đoạt Giải của Toàn quyền Canada cho văn học hư cấu.Bà qua đời tại nhà riêng ở Port Hope, Ontario, vào ngày 13 tháng 5 năm 2024, ở tuổi 92. Đấy là một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng bậc nhất trên thế giới mà nhiều tác phẩm đặc sắc của bà đã được dịch ở Việt Nam và được bạn đọc mến mộ.

Alice Munro tại lễ nhận giải Nobel văn học 2013

Alice Munro sinh ra tại miền đất Tây Nam Ontario - vùng đất đặc biệt mà bà cho rằng, nó không là một định danh địa lý đơn thuần mà một phần hiện diện của sự sống, sự tồn tại của chính mình. Vì vậy, tác phẩm của Alice Munro mang chân dung tinh thần của con người vùng Ontario, mang phong vị của ngôi nhà ngói cũ, những nhà kho đổ nát, những bãi đậu xe kéo và ngôi nhà thờ cũ nặng nề. Từ bản thảo đầu tiên được viết từ năm 1950, tới những tác phẩm đầu tay như Lives of girls and women (Cuộc sống của những cô gái và phụ nữ) (1971) Something I’ve Been Meaning to Tell You (Những điều tôi muốn nói với bạn) (1974) thậm chí là những sáng tác cuối cùng, Alice Munro vẫn luôn cảm thấy rằng tất cả là những lời đầu tiên cũng là duy nhất bà viết về cuộc đời mình. 

Alice Munro viết về những mảnh vỡ rời bị lãng quên, những khoảnh khắc chết và những nỗi đau thành thật bị bỏ ngỏ. Tác phẩm của bà là những câu chuyện nằm trong bí mật, những kẻ trốn chạy khỏi sự hiện diện cá nhân và những chuyển động không tên trong tâm lý con người,…Tất cả đều không có vị trí cho riêng mình, đều không được thừa nhận, đều trong trạng thái “chân không” và chẳng có nào nơi để thuộc về. Đó là câu chuyện về bức phong thư của người đàn bà thương nhớ người tình vô điều kiện, những con người cô đơn rong ruổi khắp đại lộ mà không mong chờ một điều gì ở phía trước, những khoảnh khắc hoan lạc của người đàn bà dành cho người đàn ông mới gặp lần đầu tiên, những con người ruột thịt không hề quen biết nhau và những cặp vợ chồng đầm ấm nhưng lại chứa nhiều vụn vỡ… Có thể nói, huyết mạch chính gần như xuyên suốt trong sự nghiệp của bà là niềm ngạc nhiên về tình thế khó xử của con người, phát hiện ra những “hố đen” tinh thần và làm hữu hình hóa những trải nghiệm phức tạp ấy. Munro quan tâm tới những mảnh ghép bị bỏ lại, những “phần dư” thất lạc trong xã hội. Trong những lời đầu của bài phỏng vấn Alice Munro - in her own words (tạm dịch: Alice Munro - trong thế giới ngôn từ của riêng bà), tác giả xem hành trình viết của mình là hành trình của những câu chuyện tự thân và bà chỉ là người cảm khích với việc đưa những câu chuyện ấy bước vào đời sống công khai. Thế giới vốn tự nó là câu chuyện và người viết không gì khác ngoài việc khiến những câu chuyện ấy được hữu hình hóa, được sống một đời sống thực thụ. Vì vậy hành động viết không hoàn toàn thuộc về sự kiểm soát của người viết, nó còn là sự đòi hỏi đầy khẩn thiết và riết róng của những câu chuyện bị lãng quên. 

Alice Munro thời còn trẻ

 Tác giả được mệnh danh là phù thuỷ truyện ngắn và được so sánh với những nhà văn lớn như Chekhov, Hemingway,… Alice Munro viết dựa trên những khoảnh khắc đột nhiên sáng tỏ (epiphanic moment). Đó là những vụt sáng mơ hồ không trưng trổ, những chi tiết giản lược tối đa, và khoảnh khắc khải hoàn đầy ngạc nhiên của con người về thế giới. Alice Munro ưa thích được lắng câu chuyện của con người, những cuộc hội thoại ngắn, lời bày tỏ vội vàng hay thậm chí cả những sự cố tình cờ. Viết truyện ngắn là cách bà thực hành cộng hưởng toàn bộ những câu chuyện đó để những khoảnh khắc không bị bỏ ngỏ và đề kháng trước sự lãng quên của con người. Truyện ngắn của bà thường tỏ ra nhạy cảm trước sự rạn nứt của những mối quan hệ. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan của người phụ nữ chạy trốn cuộc hôn nhân khốn khổ, những mối tình muộn màng của người già và cái chết đang chực chờ, hay cuộc gặp gỡ tình cờ của đôi người bạn chia sẻ những góc khuất đau lòng… Alice Munro luôn bị mặc cảm bởi sự vô giá trị và ám ảnh bởi việc phải trở nên hữu dụng. Khi đời sống luôn một mực đòi hỏi tính có ích của con người thì truyện ngắn của Alice Munro lại là một tuyên ngôn về những câu chuyện “vô giá trị” của những con người mắc kẹt trong tình yêu, hôn nhân, nỗi cô đơn, sự thất vọng và ký ức bị lãng quên.

 Alice Munro lựa chọn truyện ngắn không phải là sự ràng buộc về mặt dung lượng mà đó là tất cả những gì bà muốn kể và tiệm cận tới điểm “tối ưu” mà một câu chuyện đòi hỏi. Với bà, tác phẩm không đứng gọn trong một thể loại nhất định, tự khắc sẽ có một thể loại gọi tên nó hoặc nó giản đơn chỉ là một văn bản hư cấu đơn thuần. 

Truyện ngắn Lives of girls and women (Cuộc sống của những cô gái và phụ nữ)

Tác phẩm của Alice Munro khiến người ta cảm động bởi sự chân thật. Đó không phải là một khuynh hướng thuận theo chủ nghĩa hiện thực mà hấp dẫn bởi vẻ đẹp thuần tuý của câu chuyện, bởi tiếng nói tự thân và sự mưu cầu đầy nhân bản của con người trước những sự cố bất ngờ trong cuộc sống. Vì vậy truyện ngắn của bà luôn có nhu cầu đi tìm và giải phẫu những băn khoăn, những sự kiện vô nghĩa lý, những câu hỏi lạ lùng, những khúc mắc dở dang. Dear life (Cuộc đời thân mến) là chuỗi nghịch lý trong mối quan hệ giữa bà và gia đình, sự lệch pha thế hệ tạo ra huỷ hoại vô hình lên đứa trẻ trong sự ràng buộc và nếp sống gia đình có sẵn. Nỗi cô đơn, cái chết, sự dửng dưng của người mẹ, sự xuống tay của người cha với đứa con của mình và sự ám ảnh đầy đau đớn của đứa trẻ mới lớn. Và đó là những gì mà Munro muốn viết, viết về cái bỏ ngỏ, cái mơ hồ, cái vụn vỡ sâu thẳm, những góc khuất tinh thần thường bị vô hình hóa trong xã hội. Đối thoại với truyện ngắn của Munro luôn khiến người đọc giữ tâm thế của cái tôi không kỳ vọng. Bà dẫn họ vào thực tế có thể đoán trước và rồi để họ cay đắng nhận ra, sự thật thường không tuân thủ mong đợi của con người và nó luôn đi chệch ra khỏi vùng nhận biết của lý tính. Vì vậy, các tác phẩm của Munro mang cái đẹp “thuần” của sự thật, cái đẹp tự thân phát lộ mà không chịu sự ràng buộc bởi kẻ khác.

Truyện ngắn Something I’ve Been Meaning to Tell You (Những điều tôi muốn nói với bạn)

Alice Munro viết giản dị, không tạo tác ngôn từ phức tạp. Bà muốn hướng tới cái đẹp thâm trầm, lặng lẽ cùng những khoảnh khắc mặc khải trong tâm trí con người. Có thể nói, Munro tập trung vào vẻ đẹp trong “vỏ kén vàng” và khai phá tối đa sức mạnh của ngôn từ. Lao động ngôn từ không phải hành động trưng bày chữ, ngụy trang kỹ thuật mà tìm ra sự ngạc nhiên kỳ lạ trong quá trình cấu trúc và tái cấu trúc hệ thống ngôn từ. Vì vậy, sự giản dị trong cách viết của Munro lại chứa đựng nhiều bí mật, sự phức tạp và dậy sóng những xung đột khó lý giải. Alice Munro cảm khích và ám ảnh bởi sự tối giản, vì ngay trong chính sự tối giản ấy lại luôn ngấm ngầm những góc khuất phức tạp, những tình thế nghịch lý và những nỗi đau cay đắng rải rác trên nhân gian này. 

Alice Munro đã phụng sự cả đời mình cho văn chương, nguyện đi dọc suốt nhân gian này để kể về những câu chuyện dang dở của con người. Bậc thầy truyện ngắn Alice Munro đã đi đến chặng cuối của cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương. Bà đã trở thành một dấu son đẹp đẽ của văn chương thế giới và trong suốt cả quá trình sống của mình, con người đẹp đẽ ấy đã cống hiến bằng tất cả lòng nhiệt thành của mình cho sự cất lời của những mảnh vỡ bị lãng quên. Với tài năng hiếm có, bà đã để lại một di sản văn chương lớn cũng như trở thành một biểu tượng truyện ngắn hiện đại trong nền văn học thế giới. Người đàn bà đáng kính ấy đã dừng chân tại điểm cuối của cuộc đời, nhưng dường như, những tác phẩm và chân dung Alice Munro vẫn chưa đi đến điểm kết thúc.

(Bài viết có tham khảo tư liệu từ báo chí nước ngoài)

 QUỲNH ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 577, tháng 7-2024

;