VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC ĐỐI VỚI TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ

Trong những năm gần đây, rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) đang có xu hướng gia tăng ở nước ta. Bên cạnh nhiều biện pháp can thiệp, trị liệu, âm nhạc được xem là biện pháp thuộc lĩnh vực tâm lý giáo dục có hiệu quả đối với việc tăng cường các kỹ năng cho trẻ RLPTK, cần được triển khai tại các cơ sở giáo dục đặc biệt.


1.  Vai trò của âm nhạc đối với trẻ RLPTK

Nhà soạn nhạc Robert Schumann đã từng nói: “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”. Quả đúng như vậy, âm nhạc vượt lên trên ngôn ngữ nói và có thể chạm tới những khía cạnh sâu thẳm nhất trong con người, để rồi những bản nhạc yêu thích làm hài hòa nhịp đập của trái tim, giải tỏa stress và gọi ra những cảm xúc tích cực cho người nghe. Với trẻ RLPTK, các em không hòa nhập được với thế giới bên ngoài bởi những khiếm khuyết về tâm, sinh lý. Nó trở thành bức tường ngăn cản các em giao tiếp, tương tác với mọi người. Việc hình thành các kỹ năng cần đến sự hoạt động hiệu quả của các giác quan: thính giác, xúc giác, thị giác để kích thích thần kinh kết hợp với việc sử dụng ngôn ngữ. Trong khi đó, âm nhạc vượt qua ngôn ngữ nói‚ có thể tác động đến tất cả các giác quan của con người một cách tự nhiên qua việc nghe nhạc, sử dụng nhạc cụ, hát, các trò chơi âm nhạc… Vì thế, âm nhạc có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc phục hồi những kỹ năng khiếm khuyết ở trẻ RLPTK. Đặc biệt, âm nhạc là con đường dẫn đến thế giới xúc cảm của trẻ. Việc sử dụng âm nhạc phù hợp sẽ giúp trẻ RLPTK điều hòa được cảm xúc. Từ việc trẻ làm chủ được cảm xúc của bản thân giúp trẻ giảm các hành vi tiêu cực, các kỹ năng được cải thiện. Ngoài ra, âm nhạc can thiệp, giáo dục trẻ một cách tự nhiên, không gò ép. Vì vậy, các phương pháp can thiệp thông qua âm nhạc sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Với trẻ RLPTK‚ các em gặp phải những khó khăn bởi những khiếm khuyết về thần kinh nhưng vẫn mang tâm hồn của trẻ thơ, vẫn yêu thích vui chơi, ca hát, nhiều trẻ còn yêu thích nhạc không lời. Dùng chính niềm yêu thích đó đi vào thế giới của trẻ, từ đó giúp trẻ tiến bộ là một trong những lựa chọn hữu ích.

Ở đây, chúng tôi sẽ đưa ra vai trò của âm nhạc trong việc hỗ trợ cải thiện ba khiếm khuyết đặc trưng ở trẻ RLPTK:

Âm nhạc giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp

Việc áp dụng âm nhạc vào chương trình giáo dục cho trẻ RLPTK có ý nghĩa tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Trong bài viết Tại sao âm nhạc trợ giúp hội chứng tự kỷ, tác giả đã đưa ra các nghiên cứu và khẳng định: “Âm nhạc là một sự lựa chọn hiệu quả nâng cao khả năng giao tiếp ở những người mắc chứng tự kỷ” (1).

Trước hết, âm nhạc tăng cường kỹ năng giao tiếp cho trẻ qua việc khuyến khích sử dụng ngôn ngữ nói. Một nghiên cứu về tác dụng của âm nhạc đối với kỹ năng giao tiếp của trẻ RLPTK đã chỉ ra rằng: Kỹ năng ca hát có mối quan hệ tích cực đối với kỹ năng sử dụng lời nói, thông tin liên lạc thông qua âm nhạc bỏ qua rào cản ngôn ngữ ở những người mắc chứng tự kỷ (2). Trẻ RLPTK có thể học được những từ giao tiếp mới dễ dàng qua việc được nghe và hát đi hát lại một bài hát hơn là học để bắt chước nói một cách bình thường. Thông qua âm nhạc, trẻ tập trung, dễ dàng nhớ từ ngữ hơn. Ngôn ngữ kết hợp với nhịp điệu dễ dàng lôi cuốn trẻ vào hoạt động ca hát một cách tự nhiên mà không gò ép. Ngoài ra, để trẻ phát âm, cần dạy trẻ sử dụng môi, lưỡi, hàm, hơi thở, việc dạy trẻ sử dụng một chiếc kèn thổi hoàn toàn phù hợp cho mục đích này. Từ việc thích thú với âm thanh của chiếc Hamonica hay Melodion, khi được giáo viên hướng dẫn trẻ sẽ cố gắng tạo ra âm thanh. Vì thế, một cách ngẫu nhiên trẻ đã sử dụng môi, lưỡi mà không cần một sự gò ép nào cả.

Các hoạt động âm nhạc còn có ý nghĩa tích cực đối với việc sử dụng ngôn ngữ không lời cho trẻ qua ánh mắt, cử chỉ. Nếu trẻ được tham gia vào các hoạt động âm nhạc thường xuyên, các trò chơi âm nhạc với nhịp trống, âm điệu rộn ràng sẽ giúp trẻ mạnh dạn thực hiện các hoạt động, thể hiện bản thân trẻ trước mọi người. Đôi khi, những trò chơi yêu thích của trẻ bị dừng lại bởi giáo viên, trẻ sẽ chủ động có những hành động như lắc chuông, hay đưa nhạc cụ vào tay cô để được tiếp tục trò chơi. Một nhóm trẻ sau nhiều lần được giáo viên hướng dẫn cầm tay bạn khi nghe một bản nhạc có tính chất êm dịu, đến một lúc nào đó khi bản nhạc được bật lên, trẻ có thể chủ động đưa tay cầm lấy tay bạn mà không cần đến ngôn ngữ nói. Có thể nói, âm nhạc không trực tiếp giáo dục cho trẻ cách hành động để thể hiện bản thân, nhưng nếu trẻ được tiếp xúc nhiều với âm nhạc và các hoạt động âm nhạc phù hợp, có thể xử lý được cảm xúc, từ đó hỗ trợ các hoạt động khác. Dần dần, trẻ thụ động có thể mạnh dạn hơn trong cách thể hiện bản thân, trẻ tăng động có thể sử dụng hành động hợp lý thay cho lời nói để thể hiện nhu cầu.

Khiếm khuyết về kỹ năng luân phiên là một khiếm khuyết điển hình ở trẻ RLPTK, trẻ không quan tâm đến mọi người xung quanh, không để ý đến thái độ của người khác. Trong những buổi đầu tiên, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động cho một nhóm trẻ mà trong đó cần đến kỹ năng luân phiên. Ví dụ, với việc tổ chức cho trẻ lần lượt chơi với chiếc trống nhỏ, giáo viên sẽ phải khéo léo khi một số trẻ không chịu chuyển trống cho bạn. Với đặc điểm mỗi trẻ, giáo viên phải có cách xử lý phù hợp để trẻ cảm thấy hứng thú với việc người khác lặp lại hành động gõ trống của mình, chấp nhận đưa trống cho người khác chơi và đợi đến lượt mình. Trẻ dễ dàng luyện tập kỹ năng luân phiên qua các bài hát hỏi tên với sự hỗ trợ của nhịp điệu hơn là việc nói với trẻ luân phiên trả lời tên mình bằng lời nói.

Hoạt động âm nhạc sử dụng các nhạc cụ như tambourine, chuông soundeegs... cùng với nhịp điệu sẽ cuốn hút trẻ giúp trẻ tập trung chú ý một cách tự nhiên.

Trẻ có thể rèn luyện được kỹ năng bắt chước qua những hoạt động âm nhạc yêu thích. Nếu trẻ thích một bài hát, trẻ hoàn toàn có thể vui vẻ hợp tác và bắt chước múa theo bài hát đó...

Ngoài ra, âm nhạc giúp trẻ mạnh dạn khởi đầu một hoạt động và duy trì hoạt động. Ví dụ: Trẻ thích gõ trống, trẻ có thể nói với cô “cắc tùng đi” hoặc trẻ không nói được thì đưa trống vào tay cô... một hoạt động có sự kết hợp với âm nhạc, bài hát mà trẻ yêu thích trẻ có thể duy trì hoạt động đó lâu hơn bình thường.

Âm nhạc giúp trẻ tăng khả năng tương tác với môi trường xung quanh

Tham gia vào các hoạt động âm nhạc tạo thêm cơ hội để trẻ tương tác với các bạn. Tuy nhiên, nhóm trẻ được lựa chọn cần có cùng sở thích về âm nhạc, chúng sẽ bắt đầu có sự tương tác với nhau khi được hướng dẫn cùng cầm vào một chiếc vòng tròn, cùng phối hợp để truyền chiếc vòng chuyển động theo nhịp điệu của bản nhạc. Để chiếc vòng chuyển động, phải cần đến sự chuyển động nhịp nhàng của tất cả các cá nhân. Khi đó, âm nhạc là cầu nối giúp các cá nhân trong nhóm cùng chuyền chiếc vòng theo nhịp điệu. Âm nhạc đã giúp trẻ tương tác với nhau một cách tự nhiên qua vật trung gian. Ngoài ra, nhịp trống rộn ràng, âm thanh của xúc xắc cùng với nhịp điệu sôi động của một bài hát giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, nối đuôi nhau hành quân theo nhịp một cách tự nhiên.

Những bài hát trẻ yêu thích giúp trẻ có thể ngân nga giai điệu hay tự tin bước đi theo nhịp trước sự theo dõi của mọi người mà không cảm thấy e ngại, sợ hãi. Âm nhạc được sử dụng phù hợp sẽ giúp trẻ vượt qua vỏ bọc của sự sợ hãi, thêm tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn trong các hoạt động.

Âm nhạc giúp cải thiện hành vi

Âm nhạc có thể lôi cuốn điều chỉnh cảm xúc của con người. Nhà soạn nhạc Beethoven đã từng nói: “Âm nhạc khơi ngọn lửa trong tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người phụ nữ”. Với trẻ RLPTK, âm nhạc được sử dụng phù hợp với sở thích của trẻ có thể giúp trẻ nguôi cơn giận, ngăn chặn hành vi tiêu cực sẽ nảy sinh. Nếu như một trẻ đang trong tâm trạng cáu gắt, có thể cầm, ném đi bất cứ thứ gì, giáo viên có thể dùng melodion, chơi một bài hát trẻ yêu thích, điều này có thể làm trẻ chú ý đến mà quên đi sự tức giận. Ngoài ra, việc trẻ học cách sử dụng nhạc cụ như trống, tambourine giúp trẻ dần giảm hành vi định hình... Tuy nhiên, để trẻ bỏ những thói quen định hình, cần tác động thường xuyên, nếu không trẻ sẽ trở lại thói quen cũ.

Những trò chơi âm nhạc được tổ chức phù hợp sẽ lôi cuốn trẻ tham gia. Khi các hoạt động kết hợp với nhạc cụ, nhịp điệu sẽ khiến trẻ thích thú, tạo cảm xúc tích cực. Việc duy trì cảm xúc tích cực ở trẻ RLPTK giúp cho việc giảm bớt hành vi tiêu cực ở trẻ.

2. Một số biện pháp can thiệp, trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ RLPTK

Hình thức can thiệp: cá nhân, nhóm

Với trẻ RLPTK, trị liệu‚ giáo dục cá nhân là hình thức chủ yếu, là tiền đề để trẻ có thể tham gia vào các hoạt động âm nhạc theo nhóm. Với hình thức này, giáo viên có thể áp dụng các hoạt động phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết của cá nhân trẻ, giúp trẻ làm quen với các bài hát, nhịp điệu.

Hình thức can thiệp theo nhóm cần được thực hiện dựa trên cơ sở phân nhóm trẻ theo mức độ phát triển các kỹ năng tương đồng. Mỗi nhóm chỉ nên có khoảng 5 trẻ, nếu nhiều hơn cần đến sự phối hợp của các giáo viên tham gia giáo dục chăm sóc trẻ. Các hoạt động âm nhạc theo nhóm sẽ giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc với bạn bè xung quanh, từ những hoạt động âm nhạc đó trẻ sẽ dần hình thành kỹ năng tương tác. Bên cạnh đó, các hoạt động âm nhạc theo nhóm giúp trẻ dần bước ra khỏi thế giới riêng để thể hiện bản thân, trẻ nhận được sự động viên khích lệ sẽ là động lực để trẻ hòa đồng với mọi người xung quanh. 

Nghe nhạc‚ hát cùng trẻ‚ tổ chức các trò chơi âm nhạc‚ dạy trẻ tiếp xúc với nhạc cụ

Nghe nhạc là hoạt động có tác động sâu sắc đến tâm hồn, góp phần phát triển cảm xúc của con người. Những bản nhạc du dương, êm dịu được mở lên có thể xoa dịu được cảm xúc khó chịu, cáu gắt; những bản nhạc có tính chất sôi động có thể giúp khuyến khích trẻ vận động, bạo dạn hơn để cùng chơi với bạn. Ngoài ra, những giai điệu quen thuộc có thể tạo dấu ấn sinh hoạt hàng ngày cho trẻ.

Trước hết, cần tập cho trẻ nhận biết, phản xạ đối với âm thanh trong cuộc sống hàng ngày như: tiếng con vật, còi xe... Tuy nhiên, cần tránh những âm thanh gây khó chịu cho trẻ, tập cho trẻ làm quen với các âm thanh đó với mức độ tăng dần.

Cho trẻ nghe những bài hát, bản nhạc phù hợp với sở thích và đặc điểm rối loạn của trẻ. Trẻ tăng động nghe những bài hát êm dịu; trẻ giảm động, ù lì nghe những bài hát sôi động. Ngoài ra, có thể lựa chọn cho trẻ nghe một số bản nhạc của Mozart.

Việc tổ chức cho trẻ nghe nhạc cần chú ý âm thanh được mở ở mức độ vừa phải tránh gây tác động tiêu cực cho trẻ. Có thể tổ chức giờ nghe nhạc riêng cho trẻ khoảng 15 phút kết hợp với các vận động nhỏ như ngồi thành vòng tròn, nắm tay nhau hoặc cùng nắm tay vào một chiếc vòng và xoay vòng chuyển động theo nhịp giúp trẻ hình thành kỹ năng tương tác một cách tự nhiên.

Hát cùng trẻ là một cách thức làm tăng sự thích thú của trẻ đối với lời nói, có tác dụng tốt trong việc tăng cường kỹ năng giao tiếp‚ khả năng nhận biết môi trường xung quanh, hát nhỏ nhẹ bên trẻ là một cách thể hiện tình cảm với trẻ nhằm vun đắp bồi dưỡng thế giới nội tâm‚ tình yêu thương của trẻ.

Đối với trẻ RLPTK, việc lựa chọn bài hát cần phù hợp với sở thích của trẻ, ngắn gọn, hình tượng âm nhạc rõ ràng, âm điệu và nhịp điệu đơn giản dễ nhớ. Có thể dùng tranh ảnh, thú bông để minh họa cho lời bài hát, tạo sự tập trung chú ý, tăng sự thích thú ở trẻ khi hát bằng một nét mặt, giọng điệu mới lạ, buồn cười, hát diễn cảm đúng với ý nghĩa của lời hát.

Để khuyến khích trẻ hát‚ giáo viên cần sử dụng phần thưởng là các nhạc cụ trẻ yêu thích như: xylophone‚ trống... điều này được coi như một động lực để trẻ phát âm từ mà giáo viên đang cần trẻ nói.

Trò chơi âm nhạc là hoạt động tổng hợp, bao gồm cả hoạt động nghe, ca hát, vận động tổ chức dưới dạng trò chơi sẽ thu hút và lôi cuốn trẻ, tăng cường kỹ năng vận động, tương tác.

Với trẻ RLPTK, các trò chơi cần đơn giản, ngắn gọn, ở mức độ phù hợp. Tuy nhiên, vì trẻ RLPTK phát triển chậm hơn rất nhiều so với trẻ bình thường nên cần phải kiên trì chơi lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi tăng mức độ trò chơi cần phải khéo léo sao cho nội dung trò chơi không thay đổi nhiều vì trẻ RLPTK khó chấp nhận sự thay đổi.

Trước khi tổ chức trò chơi âm nhạc cho trẻ, giáo viên cần có kế hoạch cụ thể cho từng bước, phải chuẩn bị cả về âm nhạc, đạo cụ. Khi tổ chức, cần có sự hỗ trợ của giáo viên chăm sóc trẻ để việc hướng dẫn trò chơi có hiệu quả hơn. Mặt khác, sự quan sát, hỗ trợ của giáo viên chăm sóc trẻ sẽ đảm bảo sự an toàn cho trẻ khi tham gia chơi. Giáo viên không nên nói quá nhiều mà cần làm mẫu để trẻ bắt chước theo, sử dụng các khẩu lệnh: bắt đầu, dừng lại để trẻ có thể dần hiểu thông tin và làm theo. Cần có phương pháp để trẻ thích, tự nguyện chơi, giáo viên cần có nét mặt vui tươi hóm hỉnh, tạo được không khí vui nhộn ngay từ đầu để lôi cuốn trẻ. Để trẻ duy trì việc tham gia trò chơi cần khuyến khích, khen ngợi, thậm chí có cả quà tặng cho trẻ.

Dạy trẻ sử dụng nhạc cụ là phương pháp giúp trẻ tập trung chú ý hơn, kỹ năng vận động được cải thiện, giảm một số hành vi như hành vi định hình. Những nhạc cụ đơn giản với âm thanh vui nhộn giúp trẻ thêm hứng thú để tham gia các hoạt động âm nhạc, giúp trẻ phát huy sở trường của bản thân.

3. Áp dụng âm nhạc vào các hoạt động khác

Âm nhạc được kết hợp sử dụng trong các hoạt động giáo dục khác cho trẻ như: tạo hình, ngôn ngữ, tự phục vụ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của các hoạt động này. Giáo viên cần thuộc một số bài hát cơ bản phù hợp với lĩnh vực mà mình tham gia giáo dục cho trẻ hoặc có thể hát một câu hát có nội dung cần dạy trẻ dựa trên giai điệu bài hát quen thuộc. Bên cạnh đó, cần biết cách sử dụng một số nhạc cụ đơn giản như tambourine, sound eegs, chuông. Đồng thời, luôn có thái độ vui tươi khi tiếp xúc với trẻ, tự biết giải phóng bản thân để vận động linh hoạt, từ đó, giáo viên mới có thể truyền được tinh thần thoải mái cho trẻ, giúp trẻ dần hòa nhập với mọi người.

Để việc áp dụng âm nhạc vào hoạt động giáo dục, can thiệp cho trẻ RLPTK ở Việt Nam mang lại hiệu quả, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức của giáo viên và phụ huynh về vai trò của âm nhạc đối với sự phát triển của trẻ RLPTK.

Hai là, giáo viên tham gia giáo dục cho trẻ cần bổ sung kiến thức về âm nhạc, áp dụng âm nhạc vào các môn học để góp phần nâng cao chất lượng các môn học.

Ba là, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con, thường xuyên ca hát, chơi các trò chơi âm nhạc với con, góp phần hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng của trẻ.

Bốn là, khi tổ chức các hoạt động âm nhạc cho trẻ RLPTK đặc biệt là hoạt động nghe nhạc cần sắp xếp một không gian riêng để trẻ không bị phân tâm bởi các âm thanh bên ngoài hay đồ dùng xung quanh.

Năm là, ngành sư phạm âm nhạc nên hướng sinh viên đến mảng giáo dục âm nhạc cho trẻ RLPTK vì đây là lĩnh vực cần những người có chuyên môn.

Xã hội cần dành sự quan tâm hơn nữa tới những trẻ RLPTK. Cần có sự kết hợp liên ngành các lĩnh vực như y học‚ tâm lý‚ giáo dục‚ nghệ thuật để nghiên cứu đưa ra các biện pháp giúp trẻ RLPTK sớm cải thiện các chức năng, hòa nhập với cộng đồng.

_______________

1, 2. Neha Khetrapal, Why does music theraphy help in Autism, University of Bielefeld, Germany, 2009, p.4,3.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : LÊ ANH TUẤN

;