Tư duy của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam từ đổi mới đến nay

Nhận thức đúng vai trò của văn hóa và nhân tố con người trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định văn hóa là một mặt trận trọng yếu, con người là nhân tố quyết định trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tư duy của Đảng về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã trải qua những bước tiến rất quan trọng.

1. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa - nền tảng và sức mạnh nội sinh của sự phát triển

Tư duy văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Cụ thể hóa, đưa đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng và Cương lĩnh năm 1991 do Đại hội VII xác định đi vào cuộc sống, trong khi đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế vào vị trí trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đại hội VIII của Đảng (6-1996) đã chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (1). Phát triển chủ trương đó, ngày 16-7-1998, Hội nghị T.Ư 5 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước... Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Với quan niệm toàn diện, bao quát về văn hóa, di sản văn hóa, về bản sắc, đặc trưng văn hóa Việt Nam; xác định phương hướng, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa, Nghị quyết 03-NQ/TW đã đánh dấu sự ra đời Chiến lược văn hóa thời kỳ đổi mới, dẫn đường cho xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua. Quá trình bổ sung, hoàn thiện chiến lược ấy, vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng được Đảng nhận thức đầy đủ hơn với những nét tư duy mới.

Từ khi đổi mới đến Đại hội XI (1-2011), Đảng coi văn hóa là một lĩnh vực, một “mặt trận” song hành với kinh tế, chính trị, xã hội. Khi đề cập đến vai trò của văn hóa, thường nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến tháng 6-2014, trong Nghị quyết 33-NQ/TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hội nghị T.Ư9 (khóa XI) đặt ra yêu cầu “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đến Đại hội XII (1-2016), Đảng chủ trương “Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội” (2).

Nhận thức văn hóa có sức mạnh nội sinh, “sức mạnh mềm”, là nền tảng của sự phát triển

Tại Đại hội XIII (1-2021), nhận thức của Đảng về vai trò của văn hóa, về phát huy giá trị văn hóa có cách tiếp cận mới, toàn diện và đầy đủ hơn. Nội dung cốt lõi mang tính đột phá của Đại hội XIII về văn hóa là ở chỗ đã khẳng định văn hóa có sức mạnh mềm, văn hóa là nền tảng của sự phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng đã sử dụng thuật ngữ “sức mạnh mềm” để diễn đạt về vai trò của văn hóa. Theo đó, Đại hội chủ trương phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam và lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (3).

Theo quan điểm của Đại hội XIII, văn hóa không đơn thuần là “nền tảng tinh thần của xã hội” mà là nền tảng toàn diện của sự phát triển, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa thuộc về nguồn sức mạnh bên trong của quốc gia, dân tộc, không đứng cạnh các lĩnh vực khác mà “nằm ngay bên trong và thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.

Rõ ràng, nếu chưa nhận thức rõ văn hóa là nền tảng mang tính bản chất của sự phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội, thì trên thực tế, các giải pháp về văn hóa chưa đủ làm cho văn hóa thể hiện đậm nét vai trò là “sức mạnh nội sinh” của sự phát triển ấy. Với nhận thức của Đại hội XIII, văn hóa có sứ mệnh cực kỳ lớn lao; nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa được đặt ra mang tính bao trùm, được đề ra với quyết tâm mạnh mẽ. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII nhấn mạnh: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Với cách tiếp cận đó, Đại hội XIII đã đánh dấu bước phát triển trong tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa và việc phát huy giá trị văn hóa.

2. Xây dựng và phát huy sức mạnh con người - chủ thể trung tâm, nền tảng vững chắc bảo đảm thực hiện mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước

Văn hóa và con người có mối quan hệ thống nhất biện chứng. Nói đến văn hóa là nói đến tổng thể các giá trị thuộc về con người, những giá trị vì con người và do con người sáng tạo ra. Nói đến con người là nói đến chủ thể sáng tạo, chủ thể gìn giữ, nuôi dưỡng, thụ hưởng và phát huy giá trị văn hóa, làm cho văn hóa có sức sống nội sinh trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, phát huy giá trị của văn hóa đòi hỏi phải gắn với phát huy nhân tố con người. Phát huy sức mạnh của con người phải được xem là nhiệm vụ song hành với phát huy giá trị văn hóa, là con đường, cách thức cơ bản để phát huy giá trị văn hóa. Có thể thấy, trong công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng về phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa gắn với xây dựng, phát triển, phát huy sức mạnh con người diễn tiến qua 2 giai đoạn chủ yếu:

Thứ nhất, xây dựng, phát triển con người được xác định là một nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi chủ trương xây dựng, phát triển văn hóa        

Quyết định đưa đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đại hội VIII đã đề cập đến phát huy nhân tố con người với tính chất là một giải pháp của xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội nhấn mạnh “Phát huy người tốt, việc tốt. Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu mới của thời đại” (4). Đến Hội nghị T.W 5 (khóa VIII), xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới đã được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong 10 nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Tiếp tục đặt nhiệm vụ xây dựng con người trong phạm vi xây dựng văn hóa, Đại hội IX (4-2001) khẳng định: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện… Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách” (5). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X (4-2006), ở mục VII - Phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội, Đảng chủ trương “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam”.

Đến Đại hội XI của Đảng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình...” (6); “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước” (7). Tuy được đánh giá là một điểm mới, song vấn đề xây dựng con người ở Đại hội XI vẫn đặt trong “khuôn khổ” của một nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng, phát triển văn hóa.

Thứ hai, xây dựng, phát triển, phát huy sức mạnh con người được đặt song hành, gắn bó chặt chẽ với xây dựng, phát triển, phát huy giá trị văn hóa, giữ vai trò nền tảng và động lực quan trọng nhất của sự phát triển

Từ những luận cứ khoa học được đúc rút qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về văn hóa, ngày 9-6-2014, Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết khẳng định: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là chiến lược lớn của Đảng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Xây dựng nền văn hóa dân tộc chính là xây dựng những thế hệ con người Việt Nam với những phẩm chất tiêu chí cụ thể; đồng thời con người Việt Nam chính là động lực để xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển đất nước. Nghị quyết nhấn mạnh con người là yếu tố năng động nhất quyết định đến việc xây dựng nền tảng xã hội tiến bộ, văn minh. Như vậy, kể từ đây, xây dựng, phát triển con người đã được đặt song song với xây dựng, phát triển văn hóa.

Kế thừa tinh thần đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng, tại mục VII xác định “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người”. Đây là điểm khác biệt nổi bật so với các tiêu đề về văn hóa trong Báo cáo chính trị của các kỳ đại hội trước đó, khi yếu tố “con người” được đặt cùng với yếu tố “văn hóa” trong một tiêu đề lớn của văn kiện quan trọng nhất, được coi là văn kiện trung tâm của Đại hội. Đại hội chủ trương “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (8). Rõ ràng, trong tư duy của Đảng, văn hóa và con người đã trở thành một cặp song hành, thống nhất. Bước tiến nhận thức này là cơ sở quan trọng để Đại hội XIII phát triển tư duy về văn hóa, con người Việt Nam trong chặng đường phát triển mới.

Nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” (9). Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đó được bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó việc phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Tổng kết quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đại hội khẳng định khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tại Đại hội này, vấn đề phát huy giá trị văn hóa gắn với phát huy sức mạnh con người Việt Nam được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các văn kiện trình Đại hội và đã được Đại hội thảo luận, nhất trí thông qua. Khi xác định Tầm nhìn và định hướng phát triển, ở quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “… phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”(10). Để phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi phải “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (11). Theo tinh thần đó, trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết khẳng định: “… tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” (12).

Nhất quán với định hướng nêu trên, trong khi nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiệm vụ thứ tư đã được xác định là “…phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; … nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” (13).

Ở đột phá chiến lược về “Phát triển nguồn nhân lực”, một trong những điểm mới đáng chú ý là, so Đại hội XI, Đại hội XIII đã bổ sung, nhấn mạnh vấn đề “ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” (14). Tư duy này còn được thể hiện cả trong Báo cáo về xây dựng Đảng. Là bộ phận tinh hoa của dân tộc, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ trì các cấp, các ngành càng phải phát huy sức sáng tạo và khát vọng cống hiến vì sự phát triển của đất nước với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Như vậy, trong tiến trình đổi mới, tư duy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã trải qua các bước phát triển, được thể hiện tập trung và rõ nét nhất tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đổi mới ở nước ta trên lĩnh vực văn hóa, con người. Sự phát triển từ tư duy văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội đến tư duy lấy giá trị văn hóa, con người là nền tảng, sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững, đã phản ánh bước đột phá nhận thức - coi nguồn lực văn hóa và con người Việt Nam là tài nguyên quý báu nhất để làm động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

________________

1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.110,113.

2, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.126, 126-127.

3, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.114.

6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.40, 41.

Tác giả: TS Trần Văn Rạng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

 
 
;