Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng”: tôn vinh báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 18-5-2022, tại Di tích lịch sử Hỏa Lò (Số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt Trưng bày "Đứng lên và cất tiếng".

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Trưng bày Đứng lên và cất tiếng góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của một nhà báo vì nước - nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng vì dân.

Trưng bày Đứng lên và cất tiếng đã điểm lại một số dấu ấn của Báo chí cách mạng Việt Nam qua 97 năm hình thành và phát triển. Trên chặng đường vẻ vang nhưng cũng đầy thăng trầm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, một nhà báo lỗi lạc, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Những lời dạy của Người đã trở thành bài học giá trị để báo chí cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Học tập và làm theo lời Bác, các nhà báo - chiến sĩ luôn dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc dù ở nơi ngục tù tăm tối hay chiến trường khốc liệt.

Các đại biểu tham quan, nghe thuyết minh giới thiệu tại không gian Trưng bày - Ảnh: Thúy Vi

Tại Lễ ra mắt trưng bày, các đại biểu được nghe, được nhìn lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác báo chí; được xem hoạt cảnh về quá trình “xuất bản” và “phát hành” những tờ báo đặc biệt sau song sắt tại Nhà tù Hỏa Lò trong phần thuyết minh nội dung trưng bày.

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt có dịp được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các nhà báo chiến trường năm xưa, như: nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành; nhà báo Trần Hồng; nhà báo Trịnh Hải; đại diện gia đình nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo chiến trường Chu Quang Tuấn...

Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: Tiếng nói dân tộc và Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng.

Nội dung “Tiếng nói dân tộc”: thể hiện một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên. Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Người sáng lập, chỉ đạo và là biên tập chính.

Từ những ngày đầu cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau. Những bài báo của Người vừa đậm tính dân tộc nhưng cũng giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, lại có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ.

Những lời dạy của Người là kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mọi hoàn cảnh, những nhà báo - chiến sĩ luôn vững tay bút, sáng niềm tin, góp phần mạnh mẽ cất lên tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và dựng xây đất nước. Ngay cả khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, các chiến sĩ yêu nước, cách mạng vẫn dùng ngòi bút làm vũ khí để bẻ gãy gông cùm. Những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt đã tố cáo chế độ nhà tù hà khắc, thể hiện ý chí kiên trung, tinh thần lạc quan và niềm tin với cách mạng. Tại Nhà tù Hỏa Lò, đã ra các tờ báo Con đường chính, Đuốc Việt Nam, Lao tù... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Tại Nhà tù Sơn La đã xuất bản tờ Suối reo nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Nhà tù Côn Đảo nhiều tờ báo ra đời như: Ý kiến chung, Phá ngục, Sinh hoạt Văn nghệ, Rèn luyện, Đoàn kết, Quyết tâm, Tiến lên, Niềm tin và nội san hàng tháng, lấy tên là Xây dựng.

Nội dung “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng” được thể hiện qua 3 tiểu mục.

Vì nước dấn thân: Kể câu chuyện về những nhà báo, chiến sĩ can trường trên chiến trường khốc liệt. Vì Tổ quốc, họ sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để đưa đến những tác phẩm chân thực, phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến. Dưới những chiến hào là những tòa soạn báo đặc biệt với phương thức làm báo sáng tạo như báo hầm, báo liếp, báo in... luôn cập nhật những tin tức mới nhất, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần cho các chiến sĩ quyết tâm giành chiến thắng. Câu chuyện về Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ, về báo Cờ Giải phóng giữa chiến khu, về Thông tấn xã Giải phóng anh hùng hay về chuyện Làm báo giữa lòng Thủ đô... mãi là những bản anh hùng ca viết về người chiến sĩ trên mặt trận thông tin. 

Hóa thân cho Tổ quốc: Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, lớp lớp phóng viên đã lên đường ra trận, nhiều người trong đó đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Hiện nay, mới có 511 nhà báo, liệt sĩ được ghi nhận đầy đủ thông tin, còn rất nhiều các nhà báo đã ngã xuống với sứ mệnh cao cả trên vai nhưng chưa tìm được danh tính, “không ai nhớ mặt đặt tên”. Tại trưng bày, giới thiệu 10 tấm gương nhà báo, liệt sĩ tới công chúng: Trần Mai Ninh - trực tiếp tham gia biên tập các tờ báo Bạn dân, Thời thế, Tin tức... của Đảng xuất bản trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939); Trần Kim Xuyến - đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, nhà báo đầu tiên của Thông tấn xã và nền báo chí cách mạng Việt Nam; Bùi Đình Túy - phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam; Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Đình Dư - cùng lực lượng dự bị của Tiểu đoàn 47 đánh bật địch ra khỏi làng Lâm Xuân Đông; Phạm Thị Ngọc Huệ - bông huệ trắng của báo Trường Sơn; Tô Chức; Dương Thị Xuân Quý; nhà quay phim Nguyễn Văn Giá; Lương Nghĩa Dũng; Phạm Thị Kim Oanh.

Vì dân cất tiếng: là không gian trưng bày hiện vật sáng tạo. Những hiện vật gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam được giới thiệu trong cụm tủ hiện vật khoét rỗng kết hợp ray kéo, tạo trải nghiệm mới mẻ, du khách có thể kéo các ray kéo ra để xem hiện vật bên trong. Chỉ với những trang thiết bị thô sơ, mỗi tờ báo dù được xuất bản trong hoàn cảnh tù đày hay giữa chiến trường khốc liệt đều được đánh đổi bằng mồ hôi, có khi bằng cả tính mạng. Nhưng đó cũng là lẽ sống, trách nhiệm và niềm tự hào của những người cầm bút. Mỗi dòng tin đăng lên đều mong muốn góp phần cất cao tiếng nói vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.

Trưng bày kéo dài đến hết ngày 31-12-2022.

THANH DANH

;