Trải nghiệm cuối năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Với chủ đề “Làng - Ngôi nhà chung của chúng ta”, từ ngày 1-12-2021 đến 2-1-2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động của đồng bào các dân tộc được tái hiện, cũng như các tiết mục biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc phục vụ khách tham quan Làng.

Các hoạt động điểm nhấn sự kiện tháng “Làng - Ngôi nhà chung của chúng ta

Nhiều hoạt động của đồng bào các dân tộc được diễn ra tại Làng mang chủ đề “Hương rừng sắc núi”:

Trước hết, đó là các hoạt động giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại “Ngôi nhà chung” chào năm mới 2022. Thổ cẩm là một gia tài quý báu của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, được hình thành qua quá trình sinh hoạt, thay đổi và hoàn thiện dần theo tiến trình của xã hội. Và cho đến nay, thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hóa Việt và đồng thời, là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc. Cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có nét hoa văn, kiểu dáng, màu sắc khác nhau tạo đặc trưng riêng. Những hoa văn trang trí khác nhau của mỗi dân tộc, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và cả nền văn hóa… Đến với Làng Văn hóa, du khách sẽ được xem nghi thức cúng vợt sợi bông (dyeng toc brai) của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai;  nghi thức cúng dâng tấm Zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Du khách cũng sẽ được trải nghiệm “Mâm cơm sum họp ngày cuối năm”. Mỗi một dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng nhất của dân tộc mình góp cùng vào mâm cơm sum họp vừa để giới thiệu về ẩm thực vùng miền, vừa thấy được sắc màu văn hóa của các dân tộc hội tụ tại mâm cơm chung ngày cuối năm. Mọi người cùng vui vẻ ca hát chúc tụng nhau, chia sẻ, gặp gỡ, trao đổi cùng nhau những cách làm hay, ý tưởng đẹp để ngày mai đón chào năm mới với nhiều thành công may mắn và hạnh phúc.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối (dự kiến theo tình hình thực tế) với nhiều tiết mục đặc sắc tại Làng do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Đồng bào dân tộc Ba Na trong trang phục truyền thống hoa văn thổ cẩm tại các lễ hội - Ảnh tư liệu: Văn Chính

Các hoạt động cuối tuần

Chương trình “Tây Nguyên - Mùa hoa dã quỳ nở” được thể hiện bằng các bài hát về Tây Nguyên, về các loài hoa gắn với cảnh sắc, con người Tây Nguyên. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa các nghệ nhân đồng bào dân tộc thổi hồn qua ca từ, giai điệu những bài ca về quê hương, đất nước, sắc màu văn hóa... cảnh sắc Tây Nguyên.

Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hằng ngày tại Làng cũng đưa khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của các dân tộc Mường, Dao, Ê Đê, Khmer, Tày, Thái; các hoạt động hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...

Cùng với đó là các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu đinh năm, kịch Rô băm, các điệu múa rom vông, lâm lêu, Xa ra van; các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, đánh yến, đánh đu, đi cầu kiều...; giới thiệu các loại hình âm nhạc dân gian độc đáo và trải nghiệm các hoạt động truyền dạy nghệ thuật dân gian truyền thống của các nghệ nhân; các điểm chụp ảnh tại không gian các nhà dân tộc với cây, hoa, trang trí đón năm mới. 

Đến với Làng, du khách được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống - Ảnh tư liệu: Văn Chính

Hoạt động hằng ngày

Đó là các hoạt động tái hiện cuộc sống hằng ngày theo truyền thống của đồng bào các dân tộc; trang trí nhà cửa mừng năm mới, tạo dựng cảnh quan cây hoa, chuẩn bị các sản vật ẩm thực năm mới; tăng cường nội dung hoạt động văn hóa phi vật thể; giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… theo các điểm nhấn, thế mạnh của từng làng; phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; trò chơi dân gian: nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ...

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trên cơ sở liên hệ thống nhất với các địa phương, đơn vị liên quan, đồng bào các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp cập nhật thường xuyên công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo đúng các quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

THANH DANH

;