Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (Đợt 1)

Sau 10 ngày đua tài đầy sáng tạo, hào hứng và sôi nổi, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2021 (đợt 1) do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTT Thành phố Hải Phòng tổ chức đã kết thúc bằng Lễ Bế mạc vào tối 28-11 tại Nhà hát Tháng Tám thành phố Cảng Hải Phòng.

Tham dự Lễ Bế mạc có: ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan; ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - Thành viên Ban Chỉ đạo; PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo; bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo; ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng - đồng Trưởng ban Tổ chức.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Lễ Bế mạc

Mặc dù đại dịch COVID -19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng với tình yêu nghề sâu sắc, 1600 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 19 đơn vị nghệ thuật vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để nỗ lực tập luyện và mang những tiết mục tốt nhất tham dự Liên hoan lần này. Mỗi chương trình, tiết mục ca, múa, nhạc đều thể hiện được sắc thái, diện mạo riêng của từng đơn vị, từng loại hình nghệ thuật. Các đơn vị Ca Múa nhạc đã trình diễn trước Hội đồng nghệ thuật và khán giả những phong cách đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của địa phương mà các nghệ sĩ đang sống và làm việc.

Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc “dũng cảm” khai thác chất liệu dân gian, tiêu biểu với tiết mục múa Khúc biến tấu Cao Lan, acfella Lời muốn ngỏ… Chương trình Sống trên đá - Thác về trên đá của Đoàn Nghệ thuật Hà Giang lại đem tới sự giản dị tự nhiên nhưng toát lên sức mạnh, niềm tự hào về mảnh đất Hà Giang hùng vĩ với việc khai thác triệt để chất liệu dân gian. “Bồng bềnh miền sương mây” của Đoàn Nghệ thuật Lào Cai nổi bật với tiết mục múa Mầu Nùng Díu, hát tốp ca Trai vùng cao, chương trình dàn dựng công phu, phục trang, ánh sáng… được kết hợp có chủ đích và nhuần nhuyễn, xứng với truyền thống của đoàn nghệ thuật nơi biên cương Tổ quốc. Việc không ngừng nỗ lực trong sưu tầm và phát triển dân ca của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Sơn La đã thành công với những tác phẩm như: Acapella, Mầm sống, Hư À Hư. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thái Nguyên mang đến một không khí Việt Bắc được thể hiện rõ nét qua tiết mục đơn ca Tiếng vọng non ngàn đậm chất thơ và quyến rũ. Bên cạnh đó còn có tiết mục độc tấu đàn bầu Nỗi niềm với ngón đàn tự tin, thuần thục. Chương trình “Gọi non ngàn thức giấc” của Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Bắc Kạn mang đến nhiều bất ngờ với tiết mục múa Men tình lứa đôi và tiết mục song ca Gọi đàn mơ say. Nhà hát Ca Múa Nhạc Biển Xanh tỉnh Bình Thuận gây ấn tượng với giọng hát Thanh Pháp và đoàn diễn viên múa…

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam trao Huy chương Vàng cho các chương trình

Phát biểu tại buổi Bế mạc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, căng thẳng vừa qua, để đến được tham dự Liên hoan lần này, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đã thể hiện một tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Thứ trưởng tin tưởng rằng với truyền thống, tình yêu nghề, các đơn vị nghệ thuật sẽ không ngừng phấn đấu trong lao động sáng tạo nghệ thuật để góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.

Đánh giá tổng kết Liên hoan đợt 1, NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết chất lượng của các chương trình ca múa nhạc có nhiều biến chuyển trong thời gian gần đây. Bên cạnh những chương trình tạp kỹ phong phú, đặc sắc của các vùng miền, thể loại nhạc kịch đang phát triển mạnh với những vở diễn ghi dấu ấn.

Xây dựng chương trình nghệ thuật trong những năm gần đây có nhiều thay đổi, từ những tiết mục đơn lẻ được kết nối theo từng chủ đề chương hồi, đến những chương trình tạp kỹ pha trộn nhiều loại hình cùng một lúc như: kịch câm, xiếc - thể dục dụng cụ, ballet, dance, hip - hop… đã tạo ra nhiều cơ hội cho việc dàn dựng các chương trình. Ngoài ra việc kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, phục trang, màn hình Led… tạo ra hiệu ứng đặc biệt cho các chương trình đang được rất nhiều các đoàn nghệ thuật đặc biệt chú trọng sử dụng.

TS. NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM trao Huy chương Vàng cho các tiết mục

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ rõ một số điểm chưa được của Liên hoan lần này. Trước hết là công tác chỉ đạo và dàn dựng chương trình ở một số đơn vị còn bị buông lỏng, bộc lộ sự hụt hẫng trong nhận thức, nhãn quan chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, dàn dựng. Việc kết nối giữa Ca - Múa - Nhạc chưa chặt chẽ, dẫn đến việc ca sĩ, nhạc công không kiểm soát được âm lượng, dẫn đến làm hỏng cả chương trình. Khâu biên tập tác phẩm cho ca sĩ đôi khi chỉ chú ý đến kỹ thuật phô diễn giọng hát mà bỏ qua điều quan trọng là kỹ năng thể hiện.

Với gần 100 tiết mục múa, múa đơn, múa đôi đem đến Liên hoan đã khẳng định những sự sáng tạo của các nhà biên đạo múa rất phong phú trong những năm qua. Tuy nhiên có một số tác phẩm được biên đạo, dàn dựng thiếu sự đầu tư nghiêm túc, còn hời hợt, đây là những hạn chế mà các biên đạo cần phải rút kinh nghiệm để ngôn ngữ múa sẽ truyền tải được những thông điệp đẹp, có ý nghĩa đến công chúng và đóng góp vào thành công chung cho chương trình nghệ thuật.

Ban Tổ chức đã trao 6 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng cho chương trình; trao 30 Huy chương Vàng, 56 Huy chương Bạc và 24 Huy chương Đồng cho các tiết mục.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VHTT thành phố Hải Phòng trao Huy chương Bạc cho các chương trình

7 giải xuất sắc được trao cho thành phần sáng tạo gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc - NSƯT Trần Ly Ly (Những người khốn khổ - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam) và NSƯT Tấn Minh (Thanh âm - Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long); Đạo diễn xuất sắc: NSƯT Lê Ánh Tuyết (Trại hoa vàng - Nhà hát Tuổi trẻ) và Tải Đình Tinh (Sống trên đá, Thác về với đá - Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang); Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc: NSƯT Kim Xuân Hiếu (Hòa Nhạc giao hưởng - Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Nhạc sĩ xuất sắc: Minh Đức (Trầm tích Đà Giang - Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La); Biên đạo múa xuất sắc: NSƯT Đỗ Hiền (Gọi non ngàn thức giấc - Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Bắc Kạn); Diễn viên hát chính xuất sắc: Trịnh Thanh Bình (Những người khốn khổ - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam); Nhạc công chính xuất sắc: Thúy Hằng (Hòa khí Tây Thiên - Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc).

Tin: THANH TÂM

Ảnh: PHƯƠNG TRANG

;