Sáng 27-11, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội qua kết quả nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm phát luật (VBQPPL) trong lĩnh vực văn hóa". Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái chủ trì tọa đàm.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Cùng tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái cho biết, Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về kết quả rà soát trong thời gian qua, vai trò của rà soát trong xây dựng VBQPPL đối với công tác pháp chế của các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước thuộc Bộ VHTTDL nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế trong giai đoạn hiện nay.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái phát biểu khai mạc Tọa đàm
Tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Thu Oanh đã chia sẻ một số nội dung về xây dựng pháp luật và quy định về rà soát VBQPPL. Bà Lê Thị Thu Oanh cho biết, việc rà soát VBQPPL có vai trò rất quan trọng, là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Thu Oanh, để xây dựng được một VBQPPL, khâu đầu tiên là phải thông qua kết quả rà soát VBQPPL, đồng thời cùng với việc đánh giá các quy định pháp luật đối với một chính sách, nội dung. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của quy định pháp luật hay VBQPPL trong hệ thống pháp luật của ngành nói riêng, của toàn hệ thống pháp luật nói chung.
Một số các văn bản cần phải nắm chắc đó là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Thu Oanh chia sẻ một số nội dung về xây dựng pháp luật và quy định về rà soát VBQPPL
VBQPPL điều chỉnh tại: Luật, Nghị định của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thị Thu Oanh cho biết, để đề nghị xây dựng Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải đăng ký nhiệm vụ lập đề nghị vào Chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chủ trì tiến hành các hoạt động cần tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan; tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng. Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đánh giá tác động của chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua…
Sau khâu lập hồ sơ đề nghị là quy trình lấy ý kiến cần phải đăng tải hồ sơ trên cổng thông tin của Chính phủ, Bộ VHTTDL thời gian ít nhất là 30 ngày; Lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu tác động; Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý…
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi ý kiến về công tác xây dựng văn bản, rà soát VBQPPL trong lĩnh vực văn hóa thuộc Bộ VHTTDL trong thời gian tới nhằm mang lại hiệu quả cao.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong thời gian tới, việc xây dựng pháp luật cần phải đổi mới tư duy theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đó là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đối mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.
Trong tư duy xây dựng luật với quan điểm, các quy định của luật phải mang tính ổn đỉnh, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung; những vấn đề có tính nguyên tắc, không quá dài. Liên quan đến các nội dung quản lý hành chính phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triệt để cải cách thủ tục hành chính…
Tin, ảnh: AN NGỌC