Sáng 27-11, tại Hà Nội, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2025 đến hết năm 2035.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa
Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài.
Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật chất lượng cao sẽ được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến - Ảnh: Tuấn Minh
Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Chú trọng hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Chương trình gồm các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu:
Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử.
Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn.
Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích).
Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.
90% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.
Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến.
Hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu:
Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả.
100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện.
Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia.
Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.
85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật.
100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.
Hằng năm, có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.
Hằng năm, có ít nhất 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững
Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa như: các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; các nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.
Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.
Các dự án thuộc Chương trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương được lập, thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc thực hiện theo cơ chế rút gọn được Chính phủ ban hành đối với dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp và theo các văn bản pháp luật hiện hành.
Nguyên tắc hỗ trợ của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình: Ngân sách trung ương ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên. Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, chỉ hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành; nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định pháp luật hiện hành.
Căn cứ tổng mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phân bổ, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Tập trung nguồn lực của Chương trình để giải quyết các vấn đề cấp thiết: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình...
BÍCH NGỌC