TIỂU NỮ THẦN HAY NHÂN VẬT NỮ NỔI LOẠN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA IVAN BUNIN

Trong số các cây bút Nga TK XX, có lẽ Bunin và Nabokov là hai nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc bởi chính khí chất con người và văn chương của họ: Bunin hiền mà tinh tế nhạy cảm, Nabokov quái nhưng không kém phần sắc sảo, sâu xa. Những nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất với bạn đọc trong các sáng tác của Bunin và Nabokov chính là những nhân vật nữ. Bài viết đi vào tìm hiểu nhân vật tiểu nữ thần trong các sáng tác của Bunin trong sự so sánh với các tác phẩm của Nabokov.

Nói đến nhân vật nữ của Nabokov, người ta lập tức nghĩ ngay tới cô nàng Lolita xinh đẹp, quyến rũ và quỷ quái mà nhà văn đã tôn vinh là tiểu nữ thần (nymphet). Lolita được miêu tả là một bé gái 12 tuổi dậy thì sớm, có sức hấp dẫn với “đôi vai mảnh màu mật ong”, “lưng trần mềm mượt như lụa”, “mái tóc màu hạt dẻ” (1), “thành thạo một cách kỳ lạ, vui tươi, sa đọa và biết chiều” (2). Trong Lolita, không chỉ có mình Lolita được coi là tiểu nữ thần. Trước Lolita, Humbert có một mối tình thời thơ ấu với Annabel. Tình yêu của cặp đôi trẻ này thường phải vụng trộm, chưa bao giờ họ được thỏa mãn về nhau. Có lẽ, chính điều đó đã tạo nên một vết thương đặc biệt trong lòng Humbert, gây nên khoái cảm với những tiểu yêu nữ như Lolita: “Khi tôi là một đứa trẻ và bé Annabel của tôi là một đứa trẻ, em tuyệt nhiên không phải là một tiểu nữ thần đối với tôi... nhưng hôm nay đây, vào tháng 9 năm 1952 này, sau khi hai mươi chín năm đã trôi qua, tôi nghĩ tôi có thể thấy rõ ở em manh nha của tiểu yêu nữ định mệnh trong đời tôi” (3). Lolita hội đủ những yếu tố để làm say đắm Humbert, đặc biệt ở sự quỷ quái, trải đời quá sớm của một tiểu nữ thần thực thụ.

Trong Lolita, Nabokov đã định nghĩa khá đầy đủ và cụ thể những nhân vật được gọi là tiểu nữ thần. Đó là những bé gái từ 9 - 14 tuổi, dậy thì sớm, có sức quyến rũ tình dục ghê gớm. Chính bản thân Humbert cũng nhấn mạnh tính tiểu nữ thần là tính quỷ quái: “Trong khung tuổi từ chín đến mười bốn, đôi khi có những bé gái, mà dưới mắt một số du khách gấp đôi hoặc gấp nhiều lần tuổi bị hớp hồn, để lộ ra bản chất đích thực của mình, bản chất ấy không đậm tính người, mà mang tính tiểu nữ thần (có nghĩa là quỷ quái); và những mẫu người đặc tuyển ấy, tôi đề nghị gọi là tiểu nữ thần” (4). Như vậy, tiểu nữ thần tuy không phải do Nabokov sáng tạo ra, nhưng đến Nabokov, tiểu nữ thần mới thực sự trở thành một kiểu nhân vật nữ có đặc trưng riêng, để lại dấu ấn thực sự trong văn học Nga. Trở lại truyện ngắn của Bunin, liệu có hay không nhân vật tiểu nữ thần trong truyện ngắn của ông; nếu có, liệu Nabokov có kế thừa Bunin? Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã nhận ra sự tương đồng giữa nhân vật của Nabokov và Bunin.

Thomas Karshan trong bài Between Tolstoy and Nabokov: Ivan Bunin revisited đã khẳng định hình ảnh nhân vật Lolita trong Lolita của Nabokov có mối liên hệ với Olia trong Hơi thở nhẹ của Bunin. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ khảo sát những nhân vật nữ trong truyện ngắn của Bunin để xem xét mối liên hệ ấy.

Hơi thnhẹ là câu chuyện về cô gái Olia Meserskaia xinh đẹp nhưng bất hạnh. Olia mười lăm tuổi đã đẹp rực rỡ, vẻ đẹp yêu kiều quyến rũ. Bunin miêu tả quá trình dậy thì thành công ở cô: “Rồi sau, bắt đầu nở bừng như một đóa hoa, cô phát triển không phải từng ngày mà từng giờ. Năm mười bốn tuổi, chẳng những có vòng eo thon thả và đôi chân đều đặn, mà ở cô còn nổi lên đẹp đẽ cặp vú và cả những đường nét mà lời nói con người chưa từng bao giờ có thể lột tả được hết sức quyến rũ của chúng…” (5). Vẻ đẹp của Olia lúc sinh thời đã khiến bao người mê mẩn, có anh chàng quyên sinh vì cô. Những người xung quanh cô, đặc biệt bà hiệu trưởng, coi cô là một cô gái nổi loạn. Nhưng Olia vô tư lự, hồn nhiên, dường như không đếm xỉa đến tất cả những điều ấy. Cô không yêu, nhưng những rung động đầu đời của một người thiếu nữ trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và hữu tình đã khiến cô trao thân cho một người đàn ông lịch lãm, từng trải, người đã ví von họ giống như Faust và Margarita. Nắm được quyền năng sắc đẹp, Olia đùa giỡn tình cảm của một sĩ quan Kazak để rồi chết dưới họng súng của anh chàng này. Cái chết của Olia bất ngờ với chính cô bé, nhưng có lẽ cô bé cũng không hối hận vì đã dám sống thật với tình cảm của mình. Olia thẳng thắn công khai nhật ký cho chàng sĩ quan, cũng là công khai con người thật của mình: “Bây giờ đã là 2 giờ đêm. Mình đã ngủ thiếp đi, nhưng rồi đã tỉnh dậy ngay… Từ nay mình đã là đàn bà rồi đấy!…Mình lấy khăn choàng lụa che mặt, và ông mấy lần hôn lên môi mình qua chiếc khăn...” (6).

Rõ ràng, Olia và Lolita đều là những thiếu nữ 14, 15 tuổi đẹp rực rỡ, có sức quyến rũ với đàn ông, đặc biệt những người đàn ông lớn tuổi. Sức cuốn hút ấy đưa họ vào những cuộc tình ám ảnh cả cuộc đời. Cái quỷ quái của Olia nằm ở chỗ cô bé dù không yêu nhưng lại tự cho phép mình quyến rũ, đùa giỡn tình cảm của người khác. Olia đã quyến rũ viên sĩ quan, đi lại với anh ta, thề thốt sẽ làm vợ, vậy mà vào ngày tiễn anh đi xa, cô đột ngột tuyên bố cô chưa bao giờ tính chuyện yêu đương, càng không có chuyện cưới xin, thậm chí còn đưa cho anh ta đọc cả trang nhật ký của mình, trong ấy thổ lộ bí mật mà cô cố tình cất giữ. Trả giá cho cái quỷ quái, Olia chết, cái chết của cô dường như là sự lưu giữ một cách ngẫu nhiên mà hữu ý cho vẻ đẹp thanh xuân rực rỡ của cô gái, là sự vĩnh cửu hóa cái đẹp. Trong Lolita, cô gái Lolita cũng chết, chết khi sinh con ở một vùng xa xôi hẻo lánh của nước Mỹ, khi cùng chồng chạy trốn người cha dượng Humbert. Nếu như Lolita chính là xác tín, là cái đẹp cứu rỗi, là nỗi ám ảnh cả đời Humbert thì Olia cũng là xác tín, là cái đẹp cứu rỗi cho cuộc đời viên sĩ quan Kazak xấu trai, “có vẻ hạ lưu, hoàn toàn không có một chút gì dính líu đến cái giới xã hội của Olia Meserskaia”.

Thậm chí, sau khi chết, Olia lại trở thành lẽ sống của bà giáo già chủ nhiệm của cô bé. Sự thẳng thắn, mạnh mẽ, hồn nhiên, có phần bản năng bồng bột của cô gái trẻ Olia khiến bà giáo chủ nhiệm say mê, coi cô là niềm mơ ước mới. Olia hay chính xác hơn là vẻ đẹp bất tử của cô đã trở thành người cứu rỗi cho bà giáo chủ nhiệm già trong những tháng ngày cuối đời. Cái đẹp ấy không chỉ cứu rỗi cho một người mà còn đem đến sức sống cho muôn loài: “Giờ đây, cái hơi thở nhẹ ấy lại một lần nữa lan đi trong thế gian này, trong bầu trời đầy mây này, trong làn gió xuân lành lạnh này” (7). Có lẽ, ở khía cạnh này, sự quỷ quái của Olia lại vô tình có ý nghĩa.

Trong truyện ngắn của Bunin, không chỉ một mình Olia xinh đẹp và quỷ quái, có rất nhiều thiếu nữ trong các truyện ngắn khác của ông cũng rất xinh đẹp và quỷ quái. Qua khảo sát chúng tôi thấy, có những nhân vật thuần xinh đẹp, với vẻ đẹp cứu rỗi của Đức Mẹ; có những nhân vật vừa xinh đẹp vừa quỷ quái. Tuy nhiên, ở họ, cái quỷ quái cũng rất khác biệt, không ai giống ai. Có thể kể đến những tiểu nữ thần của Bunin như: Galia Ganskaya, Natali, Sonia, Russia, Tanhia, Valeria…

Galia Ganskaya là con gái của một họa sĩ nghiệp dư nhưng rất say mê hội họa. Ông là một người khá giả, hào phóng khi luôn biệt đãi tất cả những họa sĩ trẻ tài năng đến với mình. Galia lớn lên bên người cha đã bị mẹ nàng bỏ đi từ lâu. Galia trong trí nhớ của nhân vật người kể chuyện - ông họa sĩ lúc ấy mười ba, mười bốn tuổi, đẹp một cách đáng thán phục. Sau hai năm gặp lại, Galia đã trở thành một cô gái “xinh đẹp đến kinh ngạc”: “Và Galia. Nàng không còn là một đứa trẻ, không còn là một thiên thần bé bỏng, trong bộ trang phục mùa xuân màu xám nhạt mới tinh, nàng đã là một thiếu nữ mảnh mai xinh đẹp đến mức khiến cho người ta kinh ngạc” (8). Galia lúc này vừa thơ trẻ, vừa khát khao yêu đương như một người đàn bà thực thụ. Cô bé ngây thơ hỏi người họa sĩ, giọng bí ẩn: “Anh có thích em không?”. Thế rồi giữa họ chỉ dừng lại ở những cái hôn, cho đến khi họ gặp lại nhau lần thứ hai, Galia đã thay đổi, tuy nhiên, trong nàng vẫn còn cái ngây thơ ngăn nàng không đi quá giới hạn: “và tôi nhận thấy nàng hoàn toàn mất tự chủ theo lối trẻ con - vừa khiếp sợ, lại vừa khao khát cái điều kinh hoàng ấy”. Lần thứ ba gặp lại, Galia chủ động, nồng nàn và điên cuồng trong tình yêu: “Tôi hối hả cởi bỏ quần áo của nàng, và nàng cũng vội vàng trợ giúp tôi… tôi choáng váng và tối tăm mặt mũi trước vẻ trắng hồng rám nắng của thân thể nàng trên đôi vai lấp lánh” (9). Galia vừa quyến rũ nồng nàn, vừa ích kỷ trẻ con và muốn chiếm hữu. Khi người họa sĩ nói sẽ đi Ý, nàng quyết liệt cự tuyệt bằng cái chết, để lại nỗi day dứt cả đời cho ông. Như vậy, Galia, cũng giống như Olia Meserskaia hay Lolita của Nabokov, đều là những cô gái có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với đàn ông. Đặc biệt, họ đều chủ động với những người đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi, mê đắm họ, ràng buộc và ám ảnh họ cả đời với vẻ đẹp trời phú. Tuy nhiên, họ đều bất hạnh, bất hạnh bởi chính vẻ đẹp và sức quyến rũ ấy. Galia chết khi mù quáng nghĩ mình không chiếm hữu được hoàn toàn người yêu.

Có thể nói, trong truyện ngắn của Bunin, có không ít những cô gái quỷ quái và nổi loạn như thế. Sonia trong Natali, Tanhia trong Tanhia hay Valeria trong Zoyka và Valeria, Russia trong Russia. Nếu Sonia dữ dội và quyết liệt trong việc chiếm lĩnh tình cảm của người anh họ khi nhân vật này về nghỉ hè thì Natali lại dịu dàng, nhẹ nhàng quá đỗi. Nàng khơi lên trong nhân vật tôi khát vọng “ngưỡng mộ thờ phụng”, khi khát vọng ấy được trần tục hóa, nàng cũng không tồn tại trên cõi đời nữa. Cái chết quá trẻ của nàng bên hồ Gionevo khi sinh con cho nhân vật tôi dường như là cái giá phải trả cho sự hy sinh của một nữ thần với một người trần tục. Sonia khi giới thiệu về Natali đã sớm nhìn thấy mối tình sẽ nảy nở ấy và nàng đe dọa: “Về chuyện Natali thì em nhắc lại là anh đừng có mà vượt qua ranh giới giả vờ yêu. Tính em hoàn toàn không hiền lành, dịu dàng như anh tưởng đâu” (10). Nhân vật tôi quay cuồng trong “hai mối tình rất khác nhau và cùng say đắm như nhau - cái đẹp phụng thờ đầy đau đớn đối với Natali và cái đắm đuối về thể xác với Sonia”. Hàng đêm, nhân vật tôi đắm chìm trong mối dục tình với Sonia, dù trong tâm tưởng chỉ mơ màng được kết hôn với Natali. Rõ ràng, cả Sonia và Natali đều đẹp và quyến rũ, sức quyến rũ của những tấm thân trẻ trung đầy mê hoặc, của vẻ đẹp vừa thơ trẻ, vừa đàn bà: “Sonia vận tấm váy áo nhẹ mỏng, có những đường vải gấp xếp lại, trông nàng giống như một người đàn bà trẻ tuổi vừa mới lấy chồng. Còn Natali? Nàng mặc một chiếc váy nhỏ bằng vải lanh và chiếc áo sơ mi cổ thêu kiểu Ucren, đằng sau tấm xiêm ấy như có thể đoán được tấm thân nàng thơ trẻ, hoàn thiện biết bao nhiêu, dường như còn là một cô bé” (11). Tanhia cũng là một tiểu nữ thần mang vẻ đẹp thơ trẻ. Cô bé nông dân hầu gái lần đầu tiên biết đến cảm giác xác thịt khi người chủ gần gũi mình lúc đang ngủ. Mối tình của họ cứ thế tiếp tục, cô gái làm duyên mỗi lần được gặp cậu chủ, ghen tuông mỗi khi cậu chủ gặp gỡ những cô gái nông dân khác hay khi cậu chủ về thành phố. Nhưng khi cậu chủ ở lại, sự khát khao, sự hiến dâng của tình yêu xác thịt mà không đòi hỏi sự đền đáp lại đến. Cuối cùng, cô gái mòn mỏi trong đợi chờ bởi người chủ ấy không bao giờ trở về khu điền trang cũ với cô nữa. Như vậy, có thể thấy, tất cả những nữ nhân vật trên trong truyện ngắn Bunin đều là những cô gái rất trẻ: họ chỉ khoảng 13, 14 tuổi, lớn nhất là Tanhia cũng chỉ mới 17. Thế nhưng ở họ đều có sức quyến rũ đặc biệt. Có những người trong họ rất quỷ quái, nổi loạn (ích kỷ, buộc người khác phải yêu mình, chung tình với mình: Olia, Sonia, Galia) nhưng có những người lại rất đỗi dịu dàng, cam chịu, thầm lặng, chấp nhận hy sinh không đòi hỏi cho người mình yêu (Natali, Tanhia). Tuy nhiên, dù họ có quỷ quái hay cam chịu, thì với nhân vật nam trong tác phẩm, họ cũng chính là bến đỗ hạnh phúc, là kỷ niệm tình yêu mà cả đời nhân vật ấy không thể nào quên. Họ chính là “người cứu rỗi tâm hồn” cho những nhân vật nam trong tác phẩm. Ở một khía cạnh nào đó, giống như Lolita của Nabokov, họ chính là biểu hiện của Đức Mẹ. Có lẽ, nhân vật mang trong mình nhiều phẩm chất và dáng vẻ của Đức Mẹ nhất trong số những truyện ngắn của Bunin là Russia trong truyện ngắn cùng tên. “Bản thân cô ấy trông cũng rất đẹp, đáng được họa lại, thậm chí còn có nét của Đức Mẹ. Bím tóc đen dài thả sau lưng, khuôn mặt bầu bĩnh với những nốt ruồi nhỏ, mũi cao thanh tú, mắt đen, lông mày đen… Mái tóc khô cứng, hơi xoăn xoăn” (12). Russia yêu anh chàng gia sư, nhưng chấp nhận hy sinh tình yêu của mình để ở bên mẹ, chăm sóc mẹ bởi mẹ sẽ phát điên nếu cô bỏ đi lấy chồng. Dù không đến được với nhau, nhưng trong trái tim chàng gia sư vẫn luôn coi cô là mối tình duy nhất đời mình: “Người con gái ta yêu, chẳng bao giờ còn ai được yêu đến thế”. Sự hy sinh của Russia gợi lên sự hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của Đức Mẹ, của Thánh Mẫu trong văn hóa, văn học Nga.

Như vậy, với những nhân vật nữ trẻ trung, quyến rũ, Bunin và Nabokov đã để lại dấu ấn đặc biệt về những cô gái Nga mang trong mình phẩm chất của tiểu nữ thần. Điểm quỷ quái của họ có lẽ là sự nổi loạn so với những nhân vật nữ của văn học Nga trước đó. Điều ấy cũng dễ hiểu bởi Bunin dường như không muốn tiếp nhận nền văn hóa phương Tây, nơi ông ở, thời điểm ông sống dường như cái văn hóa đại chúng chưa định hình (13). Chưa rõ Nabokov có học tập và phát triển nhân vật tiểu nữ thần Lolita từ những tiểu nữ thần nổi loạn của Bunin hay không nhưng rõ ràng họ đã gặp nhau ở nền tảng văn hóa, triết học, tôn giáo Nga sâu sắc.

______________

1, 2 , 3, 4. V.Nabokov, Lolita, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.55 - 56, 75, 27, 25.

5, 6, 7. Ivan Bunin, Những lối đi dưới hàng cây tăm tối, Nxb Văn học - Nhã Nam, Hà Nội, 2013, tr.192, 197-198, 201.

8, 9. vanhocnghethuatyenbai.gov.vn

10, 11, 12. Ivan Bunin, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động, Hà Nội, 2002, tr.502, 501, 470.

13. Bunin sống ở Pháp, mất 1953; Nabokov viết Lolita trong những năm 50 TK XX ở Mỹ, khi văn hóa đại chúng đã phát triển mạnh mẽ, tác phẩm được xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1955.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : ĐỖ THỊ HƯỜNG

;