TIẾP XÚC VĂN HÓA NÔNG THÔN - ĐÔ THỊ, ĐỐI LẬP VÀ ĐIỀU CHỈNH

Đề cập đến vấn đề tiếp xúc văn hóa nông thôn - đô thị, những đối lập tự điều chỉnh, chúng tôi không quan tâm đến tất cả các hệ thống mà chỉ giới hạn ở khía cạnh văn hóa; không sử dụng thuyết hệ thống hay cấu trúc để giải quyết vấn đề mà sử dụng thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa để thể hiện vai trò tự điều chỉnh văn hóa trong quá trình tiếp xúc và đối lập giữa hai yếu tố văn hóa khác nhau (văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị) ở đô thị. Địa bàn nghiên cứu giới hạn trong phạm vi của đô thị TP.HCM. Tư liệu sử dụng do chúng tôi thực hiện bằng phương pháp quan sátphỏng vấn vào năm 2002.

 

1. Văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn

Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, và nếu được tạo ra trong môi trường nào thì nó mang giá trị của môi trường đó. Văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn cũng vậy, là hai phạm trù được xác định bởi giá trị trong môi trường của nó. Nhưng, hai phạm trù này đến nay vẫn chưa có được quan điểm thống nhất do sự tiếp cận dưới những góc độ khác nhau, nhất là đối với văn hóa đô thị.

Nhà kiến trúc quan niệm văn hóa đô thị là trạng thái xã hội hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong đời sống đô thị; văn hóa đô thị là văn hóa của môi trường sản xuất công nghiệp và dịch vụ, khác với văn hóa nông thôn của môi trường sản xuất nông nghiệp (1). Nhà ngôn ngữ cho rằng văn hóa đô thị là tập hợp nhiều lớp văn hóa khác nhau và ngôn ngữ đô thị cũng là một trong những lớp văn hóa hợp thành văn hóa đô thị (2). Nhà đô thị đưa ra ý kiến văn hóa đô thị là sự tập hợp của hai dạng thức văn hóa là văn hóa hiển thị hay văn hóa chính thức và văn hóa ẩn. Văn hóa hiển thị là đường sá, nhà ở, công sở, hệ thống giao thông, công viên, cửa hàng…; còn văn hóa ẩn là tập hợp các hành vi, thói quen, phong tục… hiện diện trong mỗi cộng đồng cư dân đô thị (3). Văn hóa đô thị là tập hợp những tính chất cơ bản đặc thù trong cuộc sống cộng đồng như tính mở, thoáng; tính bao dung và tiếp biến, chuyển hóa tinh hoa ngoại sinh, trình độ tri thức, tính đa chủng, đa văn hóa, đa tôn giáo...(4). Nhìn chung văn hóa đô thị là một hệ thống phức hợp được tạo nên bởi con người đô thị, trong đó hàm chứa nhiều yếu tố mang tính đặc thù của đô thị như công nghiệp, dịch vụ, công sở, hệ thống giao thông phức tạp, công viên, cửa hàng… mà vùng nông thôn không có được.

 

Còn văn hóa nông thôn được xác định như một phạm trù của văn hóa truyền thống và mang ý nghĩa của văn hóa truyền thống, bởi, văn hóa truyền thống được hun đúc từ những thành quả lao động của cha ông trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước từ nền tảng làng xã nông thôn. Văn hóa truyền thống là những biểu hiện của các mối quan hệ, các phong tục, các luật lệ, hương ước… được xây dựng tự bao đời trong cuộc sống nông thôn. Nói đến văn hóa truyền thống hay văn hóa nông thôn là nói đến truyền thống ứng xử xã hội của dân tộc. Truyền thống này được thể hiện qua triết lý sống của cộng đồng và trở thành quan niệm sống, quan niệm lý giải cuộc sống, lối sống, nếp sống, lối hành xử của cộng đồng thông qua các mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên. Trong cách ứng xử về cuộc sống xã hội đó, văn hóa nông thôn cũng chứa đựng các tính chất cơ bản của cuộc sống người nông dân như: tình cảm trong giao tiếp, tinh thần nhân văn, bình dị, hài hòa với gia đình, sự ứng biến cho phù hợp với thiên nhiên, với cuộc sống, tính dung hợp, hòa hợp, khoan dung...

Như vậy, văn hóa nông thôn được hình thành trong môi trường làng xã nông nghiệp nên những giá trị cơ bản của nó khác với văn hóa đô thị. Sự khác biệt này có thể cảm nhận được qua các yếu tố sau:

 

 

 

Đô thị

 

Nông thôn

Không gian kiến trúc

Chật chội

Theo khuôn khổ

Rộng rãi

Tự do

Quan hệ giữa người với người

Theo hình thức cá nhân, độc lập

Nguyên tắc

Khắt khe

Theo huyết thống, cộng đồng

Tình cảm

Khoan dung

Lối sống

Khẩn trương, năng động

Tính mở, bao dung, tiếp biến

Chậm

Khép kín, ít chuyển đổi

Chính sự khác biệt về những giá trị nêu trên, nên khi gặp nhau đã tạo ra sự giao lưu và lâu dần dẫn đến sự tiếp biến văn hóa trong quá trình phát triển đô thị.

 

2. Tiếp xúc văn hóa nông thôn - đô thị và sự đối lập của hai luồng văn hóa tại TP.HCM

Được hình thành đến nay đã hơn 300 năm, TP.HCM là một đô thị trẻ nếu so với Hà Nội ngàn năm. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, TP.HCM được xem là đô thị có tốc độ phát triển nhanh nhất nước, và hiện nay trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị có tầm quan trọng bậc nhất của quốc gia.

 

Trong quá trình phát triển, TP.HCM đã trở thành nơi thu hút nguồn nhân lực của cả nước, dẫn đến quá trình nhập cư ngày một tăng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, TP.HCM đã đón nhận hơn 1,2 triệu người nhập cư, chiếm hơn 20% dân số của thành phố (5). Đa số những người nhập cư đều xuất thân từ những vùng nông thôn của các tỉnh lân cận, do hoạt động nông nghiệp những năm gần đây không mang lại hiệu quả nên họ đã đổ vào thành phố để kiếm việc làm. Họ đã mang theo văn hóa nông thôn vào trong cuộc sống đô thị. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ theo diện rộng ở những khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố đã làm cho yếu tố văn hóa nông thôn không chuyển hóa kịp và mặc nhiên nó trở thành một bộ phận tồn tại trong cuộc sống đô thị.

 

Sự xuất hiện của văn hóa nông thôn trong đô thị đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa đô thị; có những nơi yếu tố văn hóa nông thôn lại điểm tô thêm vẻ đẹp của văn hóa đô thị, như việc xây dựng mối quan hệ xóm giềng tương thân, tương ái trong cuộc sống năng động của đô thị. Tuy nhiên, sự hiện diện của văn hóa nông thôn cũng đã tạo ra sự đối lập với văn hóa đô thị, được biểu hiện trên tâm lý của người dân qua các lĩnh vực như không gian kiến trúc, quan hệ giữa người với người, lối sống,…

Về không gian kiến trúc, ở khu vực nông thôn đất rộng, người thưa, không gian sinh hoạt luôn thoáng mát. Người dân có thể xây cất nhà cửa rộng rãi theo ý thích của mình và có thể xoay theo những hướng tùy thích. Kiểu dáng của những ngôi nhà ở nông thôn rất đa dạng, với các loại hình kiến trúc như nhà ba gian, cửa rống, chữ đinh, xếp đội, nọc ngựa… là những kiểu nhà truyền thống và cũng là những biểu trưng của văn hóa nông thôn. Người nông thôn thường không coi trọng kiểu kiến trúc nhà cửa đồ sộ, lộng lẫy, bề thế mà coi trọng lối ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, coi sự hòa hợp với ngoại cảnh, với sông nước, cây cỏ… nên đã áp dụng điều này vào trong cảnh quan kiến trúc, với bố cục sân trước, vườn sau. Tuy nhiên, những yếu tố này khi đưa vào đô thị thì hoàn toàn không phù hợp, vì không gian đô thị không rộng rãi như nông thôn và cảnh quan kiến trúc phải được xây dựng thống nhất theo khuôn khổ nhất định, không được tự do. Những ngôi nhà trong đô thị thường được xây theo một mô hình quy hoạch tổng thể và thường có chung một kiểu dáng là nhà hình ống, nằm sát bên nhau theo một hướng nhất định, không có không gian của bề ngang mà chỉ hướng đến chiều cao. Chính sự khác biệt này mà khi sống tại thành phố, nhất là tại các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, người nhập cư vẫn theo lối ứng xử về không gian kiến trúc ở nông thôn nên đã vô hình chung góp phần phá vỡ lối quy hoạch tổng thể của kiến trúc đô thị. Điều này được nhìn thấy một cách khá rõ nét tại các khu vực ven đô như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức, quận 7, quận 9,…

Ở những khu vực này trong những năm gần đây trở thành nơi tập trung đông của dân nhập cư. Nơi đây chưa có các quy hoạch tổng thể, nên người nhập cư xây cất những căn nhà bất hợp pháp trên những khu đất nông nghiệp được mua lại của người dân tại chỗ. Những căn nhà này được xây theo khả năng của từng gia đình nên có những ngôi nhà lớn, rộng rãi, nhưng cũng có những ngôi nhà nhỏ hẹp, chật chội…; vì chưa có quy hoạch tổng thể nên việc chọn hướng của các ngôi nhà cũng không theo quy định cụ thể mà theo quan niệm của từng người; kiến trúc xây dựng cũng không đồng nhất, có nhà được xây theo hình khối nhiều tầng, vươn lên chiều cao, nhưng cũng có nhà được xây rộng theo chiều ngang, hoặc theo hình ống… Do đó, cảnh quan kiến trúc ở những khu vực này hoàn toàn đối lập với những khu vực đô thị hoàn chỉnh. Xu hướng đối lập này đang ngày một gia tăng, nhất là trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Về quan hệ giữa người với người, trong làng xã nông thôn, hầu hết cư dân có cùng một sinh hoạt sản xuất, sinh hoạt văn hóa, các giao tiếp chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ của cộng đồng làng xã nên tính cộng đồng cao và hầu như mọi người đều có các mối quan hệ ràng buộc với nhau trong cộng đồng. Cách xử sự trong cuộc sống của họ đa phần dựa trên tình cảm, tính khoan dung của tình chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Nhưng, đô thị là sự hợp thành của các bộ phận dân cư, đa phần đều không cùng nguồn gốc. Họ sống trong môi trường đòi hỏi sự cạnh tranh cao, cần năng động trong việc mưu sinh, nên các mối quan hệ xóm giềng không được thiết lập chặt chẽ như ở nông thôn. Do đó, cách xử sự của người đô thị luôn sòng phẳng theo nguyên tắc vay trả của cuộc sống, ít xen lẫn yếu tố tình cảm. Nếu như ở nông thôn, các mối quan hệ giữa người với người diễn ra dựa trên yếu tố tình cảm, khoan dung, thì ở đô thị mối quan hệ này dựa trên những nguyên tắc rõ ràng. Họ không đặt các mối quan hệ một cách tràn lan mà chỉ tập trung vào những mối quan hệ đem đến những lợi ích trong cuộc sống của họ. Do đó, mối quan hệ của người đô thị thường theo chiều sâu, theo chuyên môn và được xây dựng trên tính chất cá nhân, ít có yếu tố cộng đồng hoặc huyết thống xen vào.

Do sự khác biệt trên nên khi văn hóa nông thôn du nhập vào đô thị đã vô tình tạo ra mâu thuẫn trong quan hệ. Mâu thuẫn này biểu hiện mạnh ở những khu vực có người nhập cư sinh sống đông. Tại phường 17, quận Bình Thạnh, là khu vực nằm sát trung tâm thành phố, nơi tụ họp khá đông người nhập cư sinh sống (6), vào thời điểm đó, có tổng dân số là 20.471 người, trong đó số người tạm trú là 1.836 người, chiếm 9,0% (7) và đa phần tập trung ở khu phố 4. Vào đầu 2000, số người đến tạm trú ở khu vực này không nhiều, độ khoảng vài phần trăm. Họ là những người sinh sống ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, do hoạt động nông nghiệp ở quê nhà không đem lại hiệu quả nên buộc họ phải đi làm ăn xa. Họ đến phường 17, thuê những căn phòng có diện tích từ 6-9m2 và ở chung từ 2-3 người. Ngày, họ đi bán báo, vé số, bánh tráng nướng, đậu phộng rang, kẹo,… tối về ngủ tại những căn phòng nhỏ hẹp. Lúc đầu họ sống khá kép kín và chưa có mối quan hệ nào rõ ràng. Nhưng về sau số người tạm trú ngày một tăng dần. Những người mới đến chính là bà con, dòng họ của những người đã đến từ trước và họ sống gần với nhau. Từ đó, các mối quan hệ về cộng đồng, huyết thống của nhóm người này dần được biểu hiện rõ nét hơn. Họ giúp đỡ nhau trong công việc, người đi trước hướng dẫn người đi sau, các mối quan hệ dần trở thành hệ thống, giống với hệ thống của các mối quan hệ truyền thống trong một làng hay khu vực ở nông thôn khép kín, nhưng không diễn ra rộng rãi, chỉ bó hẹp trong phạm vi của một nhóm người, khoảng từ 10 đến 15 người đồng hương hoặc cùng dòng họ, sống trong 3 hoặc 5 phòng thuê. Những người này đoàn kết, liên hệ với nhau rất chặt chẽ, thường xuyên tổ chức ăn uống vào buổi tối, trao đổi kinh nghiệm công việc và sẵn sàng giúp đỡ, bênh vực lẫn nhau khi một ai đó trong nhóm bị ức hiếp.

Với cách sống và xây dựng mối quan hệ như trên, những người này phần nào đã trở nên tách biệt và đối lập với các mối quan hệ của người dân đô thị, và làm cho người đô thị cảm thấy e dè, không muốn đụng chạm hay tiếp xúc với họ, ngoại trừ những người cho thuê phòng. Từ đó, mặc nhiên đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa các mối quan hệ trong cuộc sống. Sự mâu thuẫn này tuy chỉ diễn ra ngấm ngầm, nhưng cũng phần nào tạo nên sự ức chế trong cuộc sống của người đô thị lẫn người nhập cư, vì họ luôn cảm thấy có sự khác biệt đang diễn ra trong cộng đồng cùng khu vực cư trú.

Về lối sống, người nông thôn thường có lối sống thuần nhất gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và hay tự mãn với những gì mình đang có, không muốn chia sẻ với người khác và cũng không muốn tiếp nhận của người khác nên trong cuộc sống ít chịu thay đổi. Trái lại, người đô thị có lối sống không thuần nhất, do có sự kết hợp, xen kẽ của nhiều nhóm dân cư khác nhau. Người đô thị luôn cởi mở, đón nhận những yếu tố mới và rất năng động trong việc chọn lọc những yếu tố văn hóa thích hợp để làm phong phú thêm cho cuộc sống. Do đó, lối sống của người đô thị luôn tiếp biến và thay đổi nên đã tạo ra sự khác biệt khá rõ ràng với lối sống nông thôn.

Chính sự khác biệt này sẽ tạo nên đối lập về lối sống trong bước đầu ở môi trường đô thị. Sự đối lập được biểu hiện ngay trong cuộc sống của người nhập cư. Những người này thay vì mở rộng quan hệ với bên ngoài để tìm sự giúp đỡ trong công việc thì họ lại co cụm với nhau bằng những mối quan hệ đã có từ trước, không tiếp nhận những mối quan hệ mới và cũng không muốn mối quan hệ đã có bị phá vỡ. Do đó, trong cuộc sống hiện tại của họ, ngoài những người cùng nhóm, họ không có mối quan hệ thân thiết nào khác với những người bên ngoài. Điều này có thể sẽ được điều chỉnh trong quá trình sinh sống và tiếp xúc lâu dài, nhưng hiện tại thì nó đang tạo ra sự đối lập với lối sống năng động của người đô thị.

 

Như vậy trong quá trình phát triển, TP.HCM là nơi tiếp nhận của nhiều luồng văn hóa khác nhau và đã có sự tồn tại đang xen dẫn đến sự hội nhập văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh sự hội nhập thì ở bước đầu tiếp nhận lại diễn ra quá trình mâu thuẫn. Để có thể tồn tại thống trong môi trường chung, thì sự đối lập này sẽ được điều chỉnh dần bằng nhiều yếu tố tác động vào, đặc biệt trong đó có yếu tố tự điều chỉnh văn hóa.

 

3. Tiếp biến văn hóa và vai trò tự điều chỉnh văn hóa trong đô thị

Trong quá trình tồn tại, do tác động của sự thay đổi môi trường sống thay đổi nên ý thức văn hóa của tộc người cũng dần thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Sự thay đổi này là do quá trình tự biến đổi của ý thức tộc người, không có sự áp đặt hoặc can thiệp bởi một thế lực khác. Sự biến đổi một cách tự giác, tự nguyện như vậy, chúng tôi gọi là tiếp biến văn hóa. Nguyên nhân dẫn đến sự tiếp biến văn hóa này là vai trò tự điều chỉnh văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người trong cuộc sống cộng cư của họ để cùng thích ứng với xã hội hiện hữu. Như vậy, vai trò tự điều chỉnh văn hóa là nhân tố dẫn đến sự tiếp biến văn hóa. Nó là hình thức mà tộc người tự biến đổi cấu trúc văn hóa của mình cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Do đó, từ một người nông dân dần biến đổi thành một người đô thị cũng là sự biểu hiện của vai trò tự điều chỉnh văn hóa, bởi vì người này đang sống trong môi trường đô thị, phải tự điều chỉnh mình cho hợp với cuộc sống.

Đô thị TP.HCM phát triển từ nền tảng của vùng đất nông nghiệp và người dân đô thị của thành phố cũng xuất phát từ nguồn gốc nông dân. Do đó, vai trò tự điều chỉnh văn hóa của cộng đồng tộc người ở TP.HCM là vai trò hiển nhiên và nó đã được biểu hiện mạnh mẽ trong suốt quá trình phát triển đô thị của thành phố.

Trong những năm gần đây, quá trình nhập cư ồ ạt của những người nông thôn đã mang vào đô thị lối sống nông nghiệp chậm rãi, tùy tiện trái hẳn với lối sống năng động, kỷ luật của đô thị nên bước đầu hẳn nhiên đã tạo ra những đối lập trong văn hóa. Nhưng, những đối lập này chỉ có thể diễn ra trong thời gian ngắn, khi cơ chế tự điều chỉnh của văn hóa hoạt động thì những đối lập này dần dần được tháo gỡ. Vấn đề là thời gian giải quyết những đối lập này diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tác động của môi trường sống, môi trường đô thị đối với những tác nhân gây nên đối lập. Nếu mức độ tác động của môi trường đô thị lớn thì vấn đề đối lập được giải quyết nhanh và ngược lại. Ví dụ, người dân đô thị ở khu phố 4, phường 17 quận Bình Thạnh có vai trò lớn và chi phối mạnh đến công việc làm ăn của những nhóm người nhập cư ở đây như trở thành các chủ hàng, cung cấp những mặt hàng cho họ buôn bán thì mối quan hệ của nhóm người này sẽ tự điều chỉnh để mở rộng hơn; người đô thị cũng tự điều chỉnh để thiết lập mối quan hệ mới trong việc làm ăn của mình. Như thế, vấn đề đối lập về mối quan hệ sẽ dần được giải quyết ngay tại cộng đồng, không cần đến sự can thiệp của thế lực khác. Như vậy, vai trò tự điều chỉnh văn hóa là vai trò khẳng định và giữ vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh văn hóa đô thị.

Tóm lại, trong quá phát triển đô thị, vấn đề đối lập, đối kháng là không thể tránh khỏi. Đối lập có thể là đối lập tộc người, tôn giáo, văn hóa…; giải quyết những đối lập này như thế nào là vấn đề quan trọng trong chính sách phát triển. Ở đây, chúng tôi đề cập đến đối lập văn hóa và nhấn mạnh đến việc tiếp biến văn hóa như là thành quả của vai trò tự điều chỉnh văn hóa để giải quyết đối lập, mục đích không nhằm phủ nhận vai trò của chính quyền trong việc điều chỉnh đối lập, mà muốn đề cập thêm một lý thuyết để giải quyết đối lập của xã hội, đặc biệt là vấn đề đối lập văn hóa trong quá trình phát triển.

_______________

1, 2, 4. Tài liệu Hội thảo Văn hóa thị do Sở VHTT TP.HCM và Trung tâm Nghiên cứu Đô thị & Phát triển tổ chức, ngày 28-2-2002.

3. Quan niệm của Edward W. Soja, nguồn từ webside: www.sppsr.ucla.edu

5. Số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM năm 2010.

6. Đây là khu vực mà chúng tôi đã tiến hành khảo sát khá kỹ về cuộc sống của người dân nhập cư nhằm phục vụ cho đề tài Văn hóa đô thị do Sở KHCN & MT TP.HCM quản lý vào năm 2003.

            7. Số liệu do UBND phường 17, quận Bình Thạnh cung cấp vào tháng 3-2003.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 328, tháng 10-2011

Tác giả : Huỳnh Ngọc Thu

;