Thương tiếc NSƯT Đỗ Dũng - Người nghệ sĩ đa tài

Giới âm nhạc lại ngậm ngùi tiễn đưa một nhạc sĩ, một nhà chỉ huy tài ba về miền mây trắng - người đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò - đó là nhạc trưởng, NSƯT Đỗ Dũng, nguyên Giám đốc Dàn nhạc Giao huởng Việt Nam. Ông vừa qua đời hôm 19-5.

Nhạc sĩ Đỗ Dũng, tên đầy đủ là Đỗ Hiếu Dũng, sinh ngày 21-10-1939 tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 1950, ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Bắc, sau đó sang Quế Lâm (Trung Quốc) học văn hóa. Năm 1954, ông sang Liên Xô (trước đây) học tập cùng với 100 thiếu nhi Việt Nam. Ban ngày học văn hóa, buổi tối Đỗ Dũng thường đến học bổ túc âm nhạc tại trường Đại học Sư phạm âm nhạc Gơ-nhe-xin theo nguyện vọng của bố ông. Nhận thấy tài năng của Đỗ Dũng, Hội Nhạc sĩ Liên Xô đã gửi công văn đến Sứ quán Việt Nam ở nước sở tại đề nghị Trường Âm nhạc Gơ-nhe-xin nhận ông vào học lớp Chỉ huy hợp xướng. Sau đó, ông còn theo học sáng tác của Giáo sư, nhạc sĩ Chu-ga-êv thuộc trường Đại học Sư phạm âm nhạc Gơ-nhe-xin.

Nhạc sĩ Đỗ Dũng (1939- 2024)

Năm 1961, ông về nước nhận công tác tại Đoàn Giao hưởng - Hợp xướng, đến năm 1964 đổi tên thành Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Đỗ Dũng không chỉ chỉ huy dàn nhạc, làm công tác quản lý mà còn sáng tác rất nhiều tác phẩm lớn: Năm 1964, cùng nhạc sĩ Văn Chung sáng tác tác phẩm Nhân dân ta anh hùng cho hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng. Năm 1964, cùng với nhạc sĩ Trần Quý sáng tác vũ kịch Phá lao. Năm 1964, sáng tác thơ giao hưởng Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi - Việt Nam ơi!. Đài Tiếng nói Việt Nam đã sử dụng phần âm nhạc cho chương trình Đọc truyện đêm khuya. Năm 1968, để phục vụ chiến dịch Mậu Thân, theo đề nghị của Ban Tuyên giáo trung ương, nhạc sĩ Đỗ Dũng đã viết Hợp xướng và Giao hưởng Tiến lên toàn thắng ắt về ta. Năm 1972, để phục vụ Hội nghị Paris, ông viết: Đêm nay cả nước lên đường cho Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng. Năm 1974, trong lúc chiến tranh khốc liệt nhất, ông đã viết tác phẩm Bất khuất cho Piano và Dàn nhạc Giao hưởng.

Từ năm 1980 đến năm 1983, nhạc trưởng Đỗ Dũng tiếp tục theo học tại Viện Âm nhạc F.List (Budapest - Hungary) chuyên ngành Sáng tác và Chỉ huy dàn nhạc. Năm 1990, ông sáng tác tác phẩm Sống giữa tình thương. Tác phẩm này được dàn nhạc Giao hưởng Mỹ biểu diễn năm 1993 nhân dịp Dàn nhạc Giao hưởng Mỹ mời ông sang thăm để mở rộng quan hệ đối ngoại trong lĩnh vực âm nhạc. Cùng thời gian đó, ông đã viết tác phẩm Tôi nghe âm điệu quê hương tôi ở Grand Rapids (USA) viết cho Dàn nhạc Giao hưởng. Cũng trong năm 1993, tác phẩm Bác Hồ đêm Paris được ông viết cho Dàn nhạc đã được Hội Nhạc sĩ trao giải thưởng âm nhạc hằng năm. Năm 1996, Dàn nhạc Giao hưởng Grand Rapids chính thức biểu diễn hai đêm dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Catherine Comet và cũng đã nhận được Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1997. Tháng 8-1992, Dàn nhạc Giao hưởng Bangkok mời ông sang chỉ huy chương trình Giao hưởng. Năm 1994, tác phẩm Tổ quốc gồm 3 chương, viết cho Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng dựa trên lời thơ của Lê Đạt cũng đã đạt giải của Hội Nhạc sĩ năm 1995. Năm 1996, ông hoàn thành bản Hợp xướng Acappella Nhớ Bác gồm 7 chương, đoạt giải Nhì - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1998, tác phẩm Sài Gòn thu rồi đó chào mừng 300 năm Sài Gòn, cũng đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác âm nhạc năm 1998 và được Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM biểu diễn. Năm 1999, ông đã sáng tác thơ giao hưởng Bức tranh Thánh Gióng.

Năm 2000, Hợp xướng Hẹn gặp lại ngàn năm Thăng Long Hà Nội đã đoạt Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2001, ông tiếp tục hoàn thành chương II mang tên Ngày hội Hùng Vương và chương III: Cây tre Việt Nam của bản Giao hưởng Tôi nghe âm điệu quê hương tôi ở Grand Rapids. Năm 2002, ông viết Concerto cho kèn Trompett và Dàn nhạc Giao hưởng gồm 3 chương và đã được Đoàn Quân nhạc Bộ Quốc phòng biểu diễn vào tháng 4-2014. Năm 2004, nhân ngày kỷ niệm Quốc khánh Mỹ, Sứ quán Mỹ đã mời Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tác phẩm Tôi nghe âm điệu quê hương tôi ở Grand Rapids của ông cùng hai tác phẩm của hai tác giả nổi tiếng của Mỹ. Requiem cho Solist, Hợp xướng và Dàn nhạc gồm 7 chương, được ông viết phần âm nhạc cho lời thơ của người vợ yêu dấu - bà Lê Anh Thư cũng đã được Giải Nhì (không có Giải Nhất) Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2005. Cũng trong năm này, Cantata Đức Đại vương Trần Hưng Đạo trên lời thơ Ngô Minh Thơm được ông viết 3 chương cho Solist, Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng. Năm 2006, ông viết Cantata Ngàn năm Thăng Long Hà Nội, lời thơ Ngô Minh Thơm gồm 3 chương. Năm 2008, là bản Ballad hòa tấu cho Violon và Dàn nhạc Giao hưởng mang tên Tình yêu Thiên địa. Năm 2009, sáng tác bản Concerto Sinh tử luân hồi viết cho Piano và dàn nhạc Giao hưởng, Solo Piano nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên. Năm 2010, ông nhận giải Nhì của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Cũng năm 2010, nhận lời mời của Hội Phật Giáo Hà Nội, ông đã tổ chức đêm Giao hưởng Hợp xướng nhân kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long với ba tác phẩm lớn: Ngàn năm Thăng Long Phật giáo Hà Nội (3 chương); Sinh tử luân hồi (3 chương) và Requiem (7 chương), do chính ông chỉ huy với hơn 250 nghệ sĩ, diễn viên trên sân khấu. Năm 2012, tác phẩm Trên lời mật chú của Phật, viết cho Solist, Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng thính phòng : Đại Bi Sám Pháp; Bát Nhã Ba La Mật Đa; Văng Sinh Tịnh Độ Thần Chú; Thất Phật Diệt Tội Chân Ngôn; Quán Âm Linh Cảm Chân Ngôn…

Nhìn danh sách dài các tác phẩm được viết ở nhiều thể loại và đều ở hình thức lớn của nhạc trưởng Đỗ Dũng cho thấy sức sáng tạo bền bỉ, tận hiến cho đời và cũng khẳng định ông là một người nghệ sĩ đa tài, sống tâm đức và đầy trách nhiệm.

NSƯT Cello Nguyễn Tiến Phúc, nguyên Đoàn trưởng Dàn nhạc Giao huởng Việt Nam, một trong 8 người đầu tiên đặt nền móng cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam khẳng định: “Nhạc trưởng Đỗ Dũng là một Giám đốc tuyệt vời nhất của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam về cả con người, phong cách sống cho đến trình độ chuyên môn. Thời gian ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam, ông không chỉ trực tiếp phụ trách Dàn hợp xướng mà còn dàn dựng, sáng tác riêng cho hợp xướng, rồi ông chuyển soạn các ca khúc: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Tiếng chày trên sóc Bom bo… cho hợp xướng Acapella. Khi sang làm Giám đốc Dàn nhạc Giao huởng Việt Nam, ông là người có công gây dựng dàn nhạc những năm 1990, mở rộng hợp tác quốc tế. Đầu những năm 1992, nhạc sĩ Đỗ Dũng lần đầu tiên đưa Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đi biểu diễn xuyên Việt bản Giao hưởng số 5 của Tchaikovsky dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Yoshikaju Fukumura. Chương trình được Hãng NHK Nhật Bản và Hãng Sony bảo trợ, nhờ vào việc mở rộng hợp tác đối ngoại thông qua âm nhạc của Giám đốc Đỗ Dũng. Cũng trong chuyến lưu diễn xuyên Việt này, NSND Đặng Thái Sơn đã được mời về biểu diễn cùng dàn nhạc. Chuyến lưu diễn ấy đã khiến uy tín của Dàn nhạc Giao hưởng được nâng cao và lan tỏa, đời sống của anh em nhạc công được nâng lên và công đầu thuộc về nhạc sĩ Đỗ Dũng".

Nhớ về một người bạn thân, người đồng nghiệp, người cùng chí hướng, NSND Văn Hà, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, người đã có nhiều năm làm việc cùng NSƯT Đỗ Dũng xúc động chia sẻ: “Đỗ Dũng là một trong những người đặt nền móng cho nghệ thuật chỉ huy dòng âm nhạc hàn lâm và là một trong những chỉ huy thế hệ đầu. Không chỉ là một nhạc trưởng, ông còn là người đầu tiên xây dựng và chỉ huy hợp xướng, dàn dựng và chỉ huy nhạc kịch cùng các hình thức khác trong đó có hình thức không nhạc đệm Accapella. Ông cũng là người có công gây dựng và là Giám đốc đầu tiên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Không chỉ là một chỉ huy xuất sắc, Đỗ Dũng còn sáng tác nhiều thể loại từ ca khúc đến khí nhạc, hợp xướng…".

Bên cạnh đó, Đỗ Dũng đã chỉ huy và dàn dựng nhiều tác phẩm kinh điển của quốc tế và Việt Nam ở các thể loại và hình thức lớn như: Opera - Balle, Cantata... ông cũng sáng nhiều thể loại từ khí nhạc, thanh xướng kịch, hợp xướng, nhạc cho phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt họa, viết nhạc cho nhiều vở kịch sân khấu, một số ca khúc nghệ thuật như: Tình biển (Giải Nhì không có giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Em không ngủ bởi vì anh đang nhớ, Cái rét đầu mùa…

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Nhạc sĩ Đỗ Dũng là lớp nhạc sĩ, nghệ sĩ đầu tiên được cử đi đào tạo âm nhạc kinh điển với các thể loại Opera, Balle ở Liên xô cũ - cái nôi của âm nhạc bác học. Ngay từ những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước khó khăn, nhưng nhạc sĩ Đỗ Dũng là một trong những người đầu tiên cùng với nhạc sĩ Trọng Bằng, Quang Hải, Trần Quý… chỉ huy hợp xướng, người đặt nền móng cho Dàn nhạc Giao huởng Việt Nam và đã cầm đũa chỉ huy hàng trăm đêm diễn thính phòng, giao hưởng, nhạc kịch. Phải khẳng định rằng, Đỗ Dũng không chỉ chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng mà còn là một nhạc sĩ tài năng, ông viết hợp xướng, giao hưởng và kịch hát (operetta) rất hay. Ông là thế hệ cầu nối tiếp thu đỉnh cao tinh hoa của âm nhạc thế giới. Vừa học vừa làm, vừa đào tạo, với những nỗ lực không ngừng để ngay từ những năm 1960 ông đã trực tiếp dàn dựng, chỉ huy những vở nhạc kịch kinh điển của thế giới như: Evghenhi Onheghin, Ruồi trâu, Bông sen, Người tạc tượng, Cô sao (A Sao), Bên bờ Krông Pa… Với những đóng góp của nhạc trưởng, nhạc sĩ Đỗ Dũng, ông đã được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu NSƯT”.

Nhạc trưởng, nhạc sĩ Đỗ Dũng rời cõi tạm, để lại một khoảng trống trong lòng những người đồng nghiệp đã từng đồng cam cộng khổ, cùng ông suốt những năm tháng chiến tranh, rồi trong hòa bình, xây dựng và trong quá trình hội nhập quốc tế. Ông đã ra đi về miền mây trắng, nhưng những thanh âm gom nhặt cả một đời nghệ sĩ mà ông để lại là tài sản vô giá, góp phần làm dày thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam hiện đại.

TRẦN LỆ CHIẾN - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

;