Tháng 11/2023: Tổ chức Triển lãm “Không gian di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống” tại tỉnh Ninh Bình

Ngày 18-9-2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2719/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Triển lãm “Không gian di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống”.

Theo đó, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm. Dự kiến Triển lãm được tổ chức vào trung tuần tháng 11-2023 tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống” tại Ninh Bình năm 2023 là hoạt động văn hóa, du lịch chào mừng Ngày Di sản hóa Việt Nam (23-11) nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa, các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề, giữa người sản xuất với du khách.

Triển lãm được chia thành 3 khu vực:

Khu triển lãm chung - Không gian Di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống gồm: Khu trưng bày các di sản được UNESCO ghi danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc trong di sản văn hóa Việt Nam” (gồm trưng bày về văn hóa các dân tộc: Vùng Trung du, miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng Sông Hồng; Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng đồng bằng Sông Cửu Long); Triển lãm chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” (Trưng bày 80 bức ảnh “Du lịch qua các làng nghề truyền thống Việt Nam; Tạo dựng mô hình một số di sản được UNESCO vinh danh từ các nguyên liệu, chất liệu làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Trưng bày các tác phẩm đạt giải tại “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023; Không gian của một số làng nghề, đơn vị); Triển lãm “Cánh diều di sản”.

Khu Triển lãm: Không gian sắc màu di sản văn hóa và danh thắng các tỉnh/thành phố, tập trung giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương; các di tích lịch sử, lễ hội đặc sắc của địa phương mình; giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương… với sự tham gia của 20 địa phương (Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang).

Khu trưng bày và bán sản phẩm thủ công truyền thống gồm: Hàng thủ công truyền thống và sản phẩm nông nghiệp; Không gian ẩm thực vùng miền, dự kiến khoảng 100 gian hàng.

Ngoài ra còn có Chương trình giao lưu nghệ thuật “Sắc màu Di sản” với các tiết mục tham gia giao lưu phong phú, đa dạng về thể loại, diễn ra tại sân khấu lớn và không gian chung của Triển lãm như: trình diễn nhạc cụ dân tộc, các tiết mục múa dân gian dân tộc, các làn điệu dân ca (Xẩm, Ca trù, hát Chầu văn, Quan họ, hát Xoan, Trống quân, hát Chèo, hát Ví giặm, Bài chòi, ca Huế, Đờn ca tài tử,...); trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; trình diễn thời trang áo dài Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; tham gia các điệu nhảy đồng diễn đường phố (dành cho các lứa tuổi).

Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần tích cực để triển lãm tổ chức thành công. Ban Tổ chức Triển lãm sẽ tặng Giấy khen cho các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động.

THANH DANH

;