Tăng cường phối hợp, lan tỏa giá trị văn hóa của các dân tộc đến gần hơn với nhân dân và du khách

Chiều 18-4, trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025, đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức những hoạt động tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tham dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có: Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Sở, ban ngành địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; cùng các nghệ nhân đồng bào dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được gần 15 năm kể từ ngày làm lễ khai trương, "mở cổng" 19-9-2010. Trong suốt hành trình đó, Làng đã từng bước hiện thực hóa sứ mệnh, trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam.

Qua 15 năm hình thành và phát triển được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sống động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương. Sức hấp dẫn ấy đã được minh chứng rõ nét thông qua những con số biết nói, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tới nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, với hàng chục nghìn lượt đồng bào từ khắp mọi miền đất nước đã về đây, mang theo phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, nghi lễ đặc trưng của cộng đồng… đã góp phần tạo nên không gian văn hóa phong phú, đặc sắc trên khắp các bản, buôn làng tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, với phương châm để "chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình" được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn như Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", Ngày “Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Tuần "Đại đoàn kết - Di sản Văn hóa Việt Nam"... đến những chương trình điểm nhấn, hoạt động hằng ngày như: lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian... đã "thổi hồn" vào từng nếp nhà ở "Ngôi nhà chung" Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam và quan trọng hơn là đã đưa giá trị văn hóa của các dân tộc đến gần hơn với nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Có được những kết quả đáng khích lệ ấy là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL với các địa phương trên cả nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự đồng hành tâm huyết, trách nhiệm, bền bỉ của đồng bào các dân tộc - những hạt nhân văn hóa giữ lửa và truyền lửa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở địa phương và tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen cho 15 tập thể có nhiều đóng góp trong công tác phối hợp hoạt động tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tính đến năm 2025, Làng đã huy động được 16 nhóm cộng đồng các dân tộc với gần 150 nghệ nhân, đồng bào về đây sinh sống, duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên. Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp với các địa phương, tăng cường kết nối, đảm bảo nhân lực, nội dung, chất lượng chương trình, để từng hoạt động tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn giàu bản sắc và mang dấu ấn riêng.

Đặc biệt, ngày 17-9-2024, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BVHTTDL, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào được mời tham gia hoạt động tại Làng. 

“Một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ và là kết quả nỗ lực của toàn thể tập thể lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong việc cụ thể hóa chính sách thành hiện thực. Nhờ đó, bà con yên tâm gắn bó lâu dài, coi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là "quê hương thứ hai" của mình” – Thứ trưởng nêu rõ.

Tiết mục nghệ thuật chào mừng Hội nghị

Nhìn lại hành trình 15 năm thực hiện công tác huy động, gắn bó, đồng hành cùng đồng bào dân tộc cho thấy, khi có sự phối hợp nhịp nhàng, cộng đồng trách nhiệm, luôn đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là trách nhiệm cao giữa Bộ VHTTDL, các địa phương và cộng đồng các dân tộc thì việc bảo tồn và phát huy văn hóa mới thật sự hiệu quả, bên vững.

Theo Thứ trưởng, Hội nghị là dịp để tổng kết, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, chỉ ra những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó xác định những giải pháp để tiếp tục triển khai công tác phối hợp hiệu quả hơn trong tình hình mới.

“Qua các ý kiến tham luận, kiến nghị từ địa phương, các nghệ nhân, đại diện đồng bào đang hoạt động tại Làng Văn hóa -Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giúp cho Bộ VHTTDL có thêm căn cứ để tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách, đổi mới phương thức phối hợp, huy động sự tham gia thực chất, rộng rãi hơn nữa từ cộng đồng” – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác phối hợp với địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, công tác tổ chức hoạt động sự kiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên cả nước, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, đặc sắc, tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trưng bày triển lãm, hoạt động dân ca dân vũ, thể thao dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc… Từ năm 2015-2024 được đánh giá là giai đoạn quan trọng khi áp dụng, triển khai các phương thức, quy mô tổ chức, có tính kế hoạch, nội dung hoạt động theo chiều sâu, từ các sự kiện thường niên hàng năm đến các hoạt động cuối tuần, tháng với các chuyên đề, chủ đề về văn hóa dân tộc các vùng miền, trong đó, chú trọng đến việc gắn các hoạt động của Làng với các địa phương. Giai đoạn này đã phối hợp với 60 địa phương trên cả nước để lựa chọn các hoạt động, tham mưu, xây dựng Kế hoạch Khung tổ chức hoạt động. Trên cơ sở Kế hoạch Khung được Bộ VHTTDL ban hành, Ban Quản lý đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết hằng tháng phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tế, tổ chức hiệu quả các hoạt động, sự kiện gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Từ năm 2015 đến hết năm 2024, đã huy động gần 9.000 nghệ nhân, già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc của 481 lượt dân tộc, với hơn 350 lượt địa phương, trong đó, đặc biệt quan tâm mời đồng bào các dân tộc ít người tham dự; tổ chức 101 hoạt động chuyên đề, sự kiện theo tháng; phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu Ngày hội văn hóa du lịch địa phương; định kỳ tổ chức các Hội nghị sơ kết 3 năm, Hội nghị 5 năm đánh giá kết quả hoạt động, tổ chức Hội nghị tuyên duyên già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, phối hợp với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, các câu lạc bộ văn nghệ tại các địa phương huy động trên 5.000 nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên, vận động viên và học sinh các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động cuối tuần, sự kiện, chuyên đề.

Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh, với sự phối hợp có trách nghiệm của các địa phương, sau 10 năm hoạt động đến nay, Làng Văn hóa đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, có ý nghĩa trong công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, đã để lại ấn tượng và lan tỏa đến nhân dân, du khách tham quan, trong đó cũng đã tổ chức được các hoạt động mang tính quy mô toàn quốc.

“Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện tại Làng Văn hóa cũng góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch địa phương, đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm, làm cho các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần củng cố tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.” – Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung cho biết.

Về giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động, Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung cho biết, thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý Làng Văn hóa, trong đó sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý Làng Văn hóa theo hướng đẩy mạnh phân cấp, quy định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ban chuyên môn…; Nghiên cứu, đổi mới nội dung, cách thức tổ chức hoạt động, hướng tới tổ chức các hoạt động, sự kiện mang tính kết nối cộng đồng, theo hình thức trải nghiệm, tương tác nhằm giới thiệu, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của Nhân dân, du khách…; Đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động, sự kiện: Hoạt động hằng ngày, cuối tuần, theo chủ đề, chuyên đề, theo vùng miền, theo đối tượng; tổ chức hoạt động văn hóa gắn với giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh; thay đổi phương thức tổ chức về thời gian, không gian hợp lý, linh hoạt nhằm đảm bảo phục vụ đa dạng các đối tượng khách, đoàn số lượng lớn, khách lẻ…

Tăng cường công tác phối hợp địa phương về việc tìm kiếm, lựa chọn mời nhóm nghệ nhân đảm bảo phong phú, luân phiên các nhóm cộng đồng hoạt động hàng ngày; Kết nối, gắn bó chặt chẽ với các địa phương trong hoạt động của nhóm cộng đồng, góp phần trách nhiệm trong quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch các địa phương, dân tộc có nhóm cộng đồng tại chính không gian của cộng đồng; Cùng với địa phương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho các nhóm cộng đồng, trong đó chú trọng đến khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa, khuyến khích nghệ nhân đồng bào trẻ tiếp thu các di sản văn hóa tại “Ngôi nhà chung”.

Sưu tầm các nghiên cứu về văn hóa dân tộc, đặc biệt của các nhóm cộng đồng đang hoạt động hàng ngày, cùng chủ thể văn hóa lựa chọn, giới thiệu, tái hiện những nội dung đặc sắc, phù hợp với bối cảnh thực tế và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch có sự tham gia của các địa phương; Nghiên cứu văn hóa dân tộc, ghi chép, tích lũy các hoạt động của nhóm cộng đồng, tăng cường hoạt động theo chiều sâu, gắn với tâm huyết, đam mê của các nghệ nhân, phát huy vai trò người trưởng nhóm và tăng cường giao lưu; kết nối gắn bó với địa phương...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận và ý kiến trong công tác phối hợp của các tỉnh với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có Quyết định trao tặng Bằng khen đối với 15 tập thể đã có nhiều đóng góp trong công tác phối hợp hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;