Sáng ngày 8-8-2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Cùng sự có mặt của lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Nhiều hoạt động VHNT diễn ra phong phú, đa dạng, rộng khắp
Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động VHNT từ năm 2021 đến nay, PGS, TS, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh: “Từ sau Đại hội đến nay, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Liên hiệp Hội, các tổ chức thành viên ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, VHNT; hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với các kết quả đã đạt được, VHNT đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, đấu tranh với cá biểu hiện sai trái, tạo lập bầu không khí lành mạnh trong xã hội. Đội ngũ văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với Nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với văn hóa dân tộc, khao khát đổi mới để cống hiến có hiệu quả. Đó là đội quân nòng cốt để xây dựng nên văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đồng chí Đỗ Hồng Quân trình bày Báo cáo tình hình hoạt động VHNT từ năm 2021 đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Tuy nhiên, trong những năm qua chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, chưa được sự quan tâm rộng lớn của công chúng, sức lan tỏa chưa nhiều. Một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng. Công tác quy hoạch, tạo nguồn để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ giúp việc, tham mưu gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, Chủ tịch Liên hiệp cũng chia sẻ những khó khăn về kinh phí cho các hoạt động VHNT hiện nay.
Đồng chí Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới: Chỉ đạo xây dựng một số chương trình, đề án cụ thể trình cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị; Triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn của các ban Đảng, Ban Chỉ đạo Đại hội, Đảng đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội bảo đảm đúng quy trình, quy định; Chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm 2025; Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào các hoạt động chuyên môn: sáng tác, sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong hoạt động của Liên hiệp và các Hội; phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình có giá trị cao, nhằm thẩm định giá trị, hướng dẫn dư luận và định hướng phát triển VHNT; nâng cao chất lượng các cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, hội chợ sách ở các khu đô thị và các vùng sâu, vùng xa, đưa các sản phẩm văn hóa tới đông đảo công chúng, nâng cao dân trí và hướng dẫn thẩm mỹ; đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa, góp phần tuyên truyền đất nước, con người Việt Nam với khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới…
Khơi thông cơ chế, chính sách để phát triển VHNT
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Tư duy này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định là tư duy đúng, trúng và kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong thúc đẩy phát triển của văn hóa. Bộ VHTTDL quản lý lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật bằng công cụ pháp luật; có sự điều tiết hợp lý, hài hòa. Bộ đang nỗ lực giải quyết bài toán khó về phát huy tính sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật, nhưng vẫn tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật.
Đối với công tác xây dựng pháp luật, trong nhiệm kỳ này, Bộ VHTTDL đã trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), là cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam. Bộ cũng đã tham mưu với Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022), trong đó những vấn đề về tác quyền, bản quyền sẽ giúp VHNT phát triển… Trong thẩm quyền, Bộ cũng đã ban hành được 7 Thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực của VHNT. Trong đó, có nhiều Thông tư đã tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương.
Trước Quốc hội, Bộ VHTTDL đã có báo cáo về những chính sách bất cập, không hợp lý như: thù lao cho nghệ sĩ, chế độ tập luyện... Quốc hội đã có những chỉ đạo, giao Chính phủ xem xét, sửa đổi các Nghị định, Thông tư đã có.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: “Bộ VHTTDL đồng hành với các Hội để phát hiện ra những điểm nghẽn, trình cấp có thẩm quyền”
Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh, khi Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thông qua sẽ có sự phân vai, phân cấp trong tổ chức thực hiện. Ngay từ bây giờ, Liên hiệp và các Hội cần xây dựng các đề án để tổ chức triển khai, thực hiện ngay khi được giao nhiệm vụ. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, đồng chí Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp tập trung thể chế hóa chính sách, biến nó thành sản phẩm, đội ngũ văn nghệ sĩ là nhà sáng tạo.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ văn nghệ sĩ, đồng thời nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn phát triển VHNT, tập trung vào một số vấn đề như: nâng cao vai trò tự quản của các Hội, xây dựng các đề án, những quy định liên quan đến công tác cán bộ, cơ chế tài chính đối với các hoạt động VHNT.
Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trên tinh thần bám sát Nghị quyết 23-NQ/TW và Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị, tăng cường đầu tư cho VHNT theo chương trình, dự án trọng điểm, có cơ chế hỗ trợ cho các hoạt động khác, nhưng không dàn trải. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu sự cố gắng của các văn nghệ sĩ để có những tác phẩm chất lượng.
Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến phát biểu đến từ lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương liên quan đến vấn đề thành lập Đảng đoàn tại các Hội VHNT Trung ương; chuyển giao việc tổ chức các cuộc liên hoan về Hội chuyên ngành; cơ chế liên quan đến Giải thưởng, chính sách hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ…
NSNA Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất thành lập tổ chức Đảng đoàn ở các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động VHNT
NSND Trịnh Thị Thuý Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam mong rằng các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ được chuyển giao về Hội chuyên ngành
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm - trình bày một số kiến nghị về hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và sách 3D
Khơi dậy khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những kết quả Liên hiệp và các Hội đã đạt được trong công cuộc phát triển nền VHNT nước nhà nói chung. Trong giai đoạn tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, phải quán triệt sâu sắc những Nghị quyết, Kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, Nhân dân; bác bỏ những quan điểm sai trái của thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhưng vẫn tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT; quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ; phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đầu tư cho VHNT phải tránh dàn trải, có sự phân bổ hợp lý; chú trọng đến cơ sở hạ tầng để nâng tầm vị thế đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của Nhân dân. Công tác xã hội hóa trong VHNT cần được quan tâm theo hướng hoàn thiện các chính sách.
Ngoài ra, Liên hiệp và các Hội cần phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo điều lệ và tham gia cùng các cơ quan quản lý trong xây dựng hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển VHNT; nỗ lực đóng góp vào hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các giải pháp đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.
“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, văn hóa, VHNT cũng phải thể hiện sự chủ động; có giải pháp lan tỏa các tác phẩm VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm chất lượng đến bạn bè quốc tế. Thông qua các tác phẩm, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam; giúp nhân dân các nước hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Bài, ảnh: VÂN ANH