Sự phát triển lý luận của Đảng về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa

Cùng với những thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, lý luận về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có bước phát triển mới. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đến nay, Đảng ta đã tiếp tục bổ sung, phát triển làm sâu sắc hơn một số lý luận về văn hóa. Bài viết tập trung làm rõ sự phát triển lý luận của Đảng về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.

1. Sự phát triển lý luận về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa

 Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành lực lượng lãnh đạo đất nước, trong các nghị quyết và cương lĩnh của Đảng đều nhất quán chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và công bố Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Sau Sắc lệnh số 65/SL, ngày 29-10-1957, Nghị định số 519-TTg về bảo vệ di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo điều kiện cho ngành Văn hóa tiến hành kiểm kê phổ thông các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở các tỉnh và thành phố toàn miền Bắc, giúp bảo vệ những di tích quan trọng nhất của đất nước. Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 4-4-1984, đã tiếp tục chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc. Những nghị định, pháp lệnh này thể hiện tư duy lý luận của Đảng ta đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa ở những thời điểm, hoàn cảnh cụ thể luôn có sự phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở những giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Những thay đổi sâu sắc nhất bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế, ở đó, thay vì nền kinh tế quan liêu, bao cấp, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước. Để có những thay đổi mang tính chất cách mạng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các chủ trương, định hướng, luật, chính sách; những văn bản có tác động sâu sắc đến quá trình giữ gìn bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc.

Tư duy lý luận của Đảng ta về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện thông qua các văn kiện, nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Tại Đại hội VI, lần đầu tiên Đảng ta nêu lên chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa: “Nhà nước cùng với nhân dân xây dựng những cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho văn hóa và nghệ thuật, giữ gìn và tôn tạo những di tích lịch sử, văn hóa” (1) và “Ngăn chặn khuynh hướng thương mại và các hiện tượng tiêu cực khác” (2) trên lĩnh vực văn hóa; đồng thời nhấn mạnh phải kiên quyết “chống những tàn tích văn hóa phong kiến, thực dân, tư sản. Làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch biến văn hóa, văn nghệ thành phương tiện gieo rắc tâm lý bi quan và lối sống sa đọa. Bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục” (3). Những tư tưởng quan trọng này đã được phát triển cụ thể hơn trong Văn kiện Đại hội VII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, được hoàn thiện trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và tiếp tục khẳng định ở Kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Văn kiện Đại hội VII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa Việt Nam, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại” (4).

Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VII, Điều 30, Hiến pháp năm 1992 quy định rõ rằng: “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam: dân tộc, hiện đại, nhân văn; kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa. Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hóa phản động, đồi trụy; bài trừ mê tín, hủ tục” (5).

Ngày 14-1-1993, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII họp đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ trong những năm trước mắt. Trong sáu định hướng về công tác tư tưởng, có một định hướng lớn là phát triển văn hóa với hai nội dung cơ bản là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Văn bản quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa nói chung hiện nay là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Đây là nghị quyết về chiến lược văn hóa của Đảng ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết nhấn mạnh: “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hành động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mỗi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” (6).

Theo quan điểm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, bản sắc văn hóa dân tộc “bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của các cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước” (7). Theo đó, bảo vệ bản sắc văn hóa, giá trị di sản văn hóa dân tộc là bảo vệ những tinh hoa của dân tộc được hình thành và lưu giữ qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn với giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu và phong phú văn hóa dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khẳng định: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời, trong phong tục tập quán, lề thói cũ” (8). Đồng thời, nghị quyết cũng đặt vấn đề và yêu cầu bảo vệ di sản văn hóa bao gồm cả văn hóa truyền thống và văn hóa cách mạng, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nghị quyết khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” (9).

Trên phương diện quan điểm của Đảng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng là văn kiện toàn diện nhất, đề cập cụ thể đến những vấn đề chung cũng như những phương hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam, vì vậy, nó tác động sâu sắc không chỉ đến quá trình phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung mà còn định hướng cho công việc quản lý văn hóa của ngành VHTTDL nói riêng.

Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, hàng loạt các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân đã ra đời. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 14/1998/TC-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội đã dẫn đến việc ra đời Thông tư số 04/1998/TTg-BVHTT ngày 11-7-1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hệ thống pháp luật có liên quan đến di sản văn hóa truyền thống, như những văn bản được cụ thể hóa bằng các luật như Luật Di sản văn hóa, hay các quy chế như Quy chế tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tiến hành đầu tư qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các giá trị di sản văn hóa, nhờ đó, huy động được sự quan tâm của cộng đồng đối với các di sản văn hóa.

Ngày 19-1-1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/TTg Về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, trong đó xác định việc phát triển văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt Nam là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân, Nhà nước tạo điều kiện, xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị phương tiện cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật mang bản sắc dân tộc. Quyết định cũng chỉ ra những chính sách cụ thể như đầu tư cho việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, bảo quản lâu dài, phổ biến văn học dân gian, các điệu múa, các làn điện âm nhạc của các dân tộc, giữ gìn các nghề thủ công truyền thống, các loại nhạc dân tộc, xây dựng các tiết mục dân tộc như tuồng, chèo, dân ca, cải lương, múa rối, đồng thời khen thưởng những người có công trong việc sưu tầm và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Để triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các quyết định của Chính phủ trong lĩnh vực di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành: Công văn số 4432/VHTT-BTBT ngày 20-10-1998 hướng dẫn tăng cường quản lý cổ vật; Công văn số 488/2/VHTT-BTBT ngày 18-11-1988 hướng dẫn việc đăng ký kiểm kê bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; Chỉ thị số 60/CT-BVHTT ngày 6-5-1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc tăng cường quản lý và bảo vệ di tích. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 14-6-2001, có hiệu lực từ ngày 1-1-2002 là cơ sở pháp lý cao nhất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam. Trong Luật Di sản văn hóa, ngoài tính hệ thống và tầm bao quát của nó thì lần đầu tiên chúng ta đã đưa các di sản văn hóa phi vật thể vào nội dung quản lý và điều chỉnh của bộ luật này. Đó là sự phát triển tư duy lý luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc hoàn chỉnh bộ Luật Di sản văn hóa, mà không phải quốc gia hiện đại nào cũng đạt được.

Tiếp tục bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; khai thác các kho tàng văn hóa cổ truyền. Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại. Đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại” (10). Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định, quá trình mở rộng giao lưu hội nhập phải gắn với bảo tồn, kế thừa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Kết luận hội nghị này đã chỉ rõ: “Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại” (11).

 Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước. Nghị quyết Đại hội chỉ rõ: “Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch” (12). Đại hội XI của Đảng không chỉ tiếp tục khẳng định phải bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng của dân tộc, mà còn chỉ rõ các yêu cầu cụ thể trong việc bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, nhất là ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt... Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số” (13).

Tiếp theo tinh thần Đại hội X, Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã bổ sung và cụ thể hóa hơn nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Theo đó, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phải gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”(14). Đặc biệt, trước sự tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ, vấn đề giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc, chống sự lai căng và lạm dụng được Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đưa vào một trong sáu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài. Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng” (15). Có thể khẳng định, vấn đề bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc đã được đề cập từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên, trong tư duy lý luận của Đảng vấn đề này được đề cập một cách cụ thể và đầy đủ nhất... Nếu như các nghị quyết trước đây, Đảng ta mới chỉ đề cập đến các di sản văn hóa dân gian, ngôn ngữ, chữ viết, thì đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Đảng ta đã đề cập đến việc bảo tồn các di sản văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng.

Quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có tác dụng to lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, ngăn chặn tình trạng xuống cấp và lạm dụng, lợi dụng các di tích lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, nó đã tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực phát triển ngành Du lịch “một ngành công nghiệp không khói” mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho đất nước.

(Còn nữa)

1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.92, 92, 91.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.83.

5. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1992, tr.24.

6, 7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.54, 56, 57, 56.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.115.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VII,IX) Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.283.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.107.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.224 - 225.

14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.34, 54.

Tác giả: Phan Trọng Hào

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

 

;