“Sống mãi với Điện Biên” – chương trình xiếc ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chào mừng 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, với tinh thần tự hào và luôn ghi nhớ dấu mốc lịch sử của dân tộc, ngày 4 và 5-5-2024, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mang đến một chương trình xiếc đặc biệt, ý nghĩa “Sống mãi với Điện Biên”. Chương trình càng trở nên đặc biệt hơn khi có sự xuất hiện của những người cựu chiến binh năm xưa và đặc biệt là Đại tá La Văn Cầu - Chiến sĩ Điện Biên, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Xiếc đế trụ tập thể khắc họa hình ảnh vinh quang khi người chiến sĩ phất cờ Tổ quốc trên nóc hầm

Sống mãi với Điện Biên mang lại những cảm xúc, ký ức đặc biệt, ngợi ca những tấm gương anh hùng đã gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, được khắc họa, tái hiện trên sân khấu xiếc qua các hoạt cảnh của nghệ thuật xiếc kết hợp với dàn hợp xướng và các ca sĩ, thể hiện, khắc họa hình ảnh các nhân vật lịch sử.

Đây là một trong những chương trình quan trọng, kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2024, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu kịch bản đến khâu dàn dựng, từ việc lên ý tưởng nội dung đến việc xử lý những điểm nhấn trong chương trình. Với ý đồ dàn dựng sân khấu xiếc trở thành một sa bàn lớn, toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ. Khán giả được tương tác với không gian 3 chiều cùng các nghệ sĩ xiếc trong vai các anh bộ đội Điên Biên. Từ trên vị trí của khán giả nhìn xuống như một thung lũng thu nhỏ, các hoạt cảnh được tái hiện những trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên Chương trình là sự tổng hòa của nhiều thể loại xiếc như: xiếc người, xiếc thú, kết hợp với các ca sĩ, tốp ca, cùng các nghệ sĩ múa… nhằm lan tỏa đến với đông đảo khán giả trên cả nước thưởng thức một chương trình nghệ thuật tổng hợp gắn liền với nội dung mang ý nghĩa lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của dân tộc.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu tại chương trình

Các cựu chiến binh vô cùng xúc động và hạnh phúc khi được thưởng thức chương trình "Sống mãi với Điện Biên"

Chương trình có sự góp mặt của một số nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bồi hồi, xúc động, Đại tá La Văn Cầu, Chiến sĩ Điện Biên anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chia sẻ: “Hôm nay, tôi rất sung sướng, hạnh phúc khi được mọi người hoan nghênh và dành tình cảm đặc biệt, rất chân tình cho tôi”.

Chương trình xiếc đặc biệt Sống mãi với Điện Biên được mở màn bằng cuộc sống vui tươi phấn khởi sau khi quân ta đã giải phóng Điện Biên làm nên chiến công chấn động địa cầu. Hoạt cảnh Tây Bắc hào hùng với các nam, nữ diễn viên trên bản vui đùa, lao động sản xuất, các chàng trai trổ tài thi bắt lợn, điều khiển các chú lợn làm trò diễn, nhảy qua rào, đi trên cầu, chui ống lửa rất vui nhộn. Có chàng bộ đội đi thăng bằng trên dây, còn các cô gái đứng dưới cổ vũ rồi tung chuyền cho nhau… Hoạt cảnh này thể hiện tình đoàn kết trong lao động của đồng bào Tây Bắc.

Cô gái Mèo phi ngựa trong hoạt cảnh "Qua miền Tây Bắc"

Hoạt cảnh Qua miền Tây Bắc thể hiện cảnh đồng bào các dân tộc chào đón những chiến sĩ bộ đội với tốp múa hoa ban trắng, cô gái Mèo phi ngựa, các chàng trai vui đùa với chum rượu, các chú lợn biểu diễn, tung hứng, đu dây da nam nữ. Các cô gái trên lưng ngựa đi chợ, thể hiện tài năng dũng cảm, ngả người nhặt khăn trong khi ngựa phi nước kiệu với tốc độ nhanh và mạo hiểm. Các chàng trai mải mê với những chum rượu trong phiên chợ bản, còn cô gái trên tay với những bắp ngô tung chuyền cho nhau.

Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Lời bài hát mở màn cho hoạt cảnh Hành quân xa, mang đến cho khán giả những xúc cảm bồi hồi, nhớ lại hình ảnh lớp lớp cha ông đã hành quân qua miền Tây Bắc, lên Điện Biên quyết chiến với quân thù.

Người chiến sĩ điều khiển xe đạp thồ trên xe chở được nhiều người

Những cô gái chào đón các chiến sĩ bộ đội hành quân qua bản làng của mình. Các chiến sĩ cùng người dân đẩy những chiếc xe đạp thồ bao tải gạo. Tiếp đến, các chiến sĩ bộ đội cùng giao lưu tung hứng những bó lúa, có chiến sĩ trổ tài thăng bằng trên thang khiến các cô gái trầm trồ khen ngợi. Hai chiến sĩ, mỗi người điều khiển một chiếc xe đạp thồ trên xe chở được nhiều người đi xung quanh.

Khán giả cũng bất ngờ khi bỗng nhiên, các chiến sĩ xuất hiện từ phía khán giả, trên vai vác những cây tre đi thành hàng từ bốn phía xuống sân khấu, xếp tre thành những cánh rừng. Các chiến sĩ di chuyển, vượt qua nhiều chướng ngại vật nhằm thể hiện sự di chuyển hành quân gian nan trong rừng, có lúc xen kẽ là tiếng súng, tiếng đạn pháo rít.

Đánh trận Điện Biên Phủ, pháo binh của ta đã vô cùng gian khổ kéo pháo vào, rồi kéo pháo ra tuyệt đối bí mật, bất ngờ. Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn bánh pháo là tấm gương bất tử. Pháo ta gầm lên, trút lửa vào quân thù, gây kinh hoàng cho kẻ địch, đánh sập ý chí chủ quan, tự đắc của giặc. Đồng chí cán bộ cùng đồng chí chỉ huy đang xem bản đồ và bàn bạc rồi quyết định đưa pháo rút ra. Đồng chí chỉ huy tuân lệnh và bắt nhịp phất cờ cho đồng đội kéo pháo.

Sự khắc họa độc đáo hình ảnh hò kéo pháo trên sân khấu xiếc

Hoạt cảnh Hò kéo pháo thực sự ấn tượng với mô hình khẩu pháo được các chiến sĩ nâng cao tạo hình tượng đưa pháo trụ đỡ trên vai (đạo cụ cầu bật xiếc), một chiến sĩ tay cầm cờ chỉ huy, mọi người đồng lòng hò kéo pháo lên dốc, tiếng đạn pháo nổ bên tai nhưng mọi người vẫn tiếp tục cố gắng đưa pháo lên cao.

Trận Him Lam là trận đánh mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13-3-1954. Hoạt cảnh Trên đồi Him Lam khắc họa hành động anh dũng của anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Các chiến sĩ nhào lộn qua các ụ pháo, các thùng đạn tạo thành những chướng ngại vật vượt qua, có người bị ngã, đồng đội lao đến đỡ dậy rồi tiếp tục lao lên (các tiết mục nhào lưới, cầu bật, nhào lộn được thể hiện độc đáo) tạo nên khung cảnh khốc liệt của cuộc chiến cam go.

Hình ảnh đồi Him Lam được khắc họa trên sân khấu của nghệ thuật xiếc

Âm thanh lời ca hào hùng cất lên, những lá cờ trên tay các chiến sĩ di chuyển trên sân khấu tạo thành màn múa cờ rực rỡ. Các chiến sĩ leo lên cao, trụ vào nhau để cùng leo lên chiếm hầm. Ở hoạt cảnh này, kỹ thuật xiếc đế trụ tập thể được đưa vào nhằm khắc họa hình ảnh vinh quang khi người chiến sĩ đứng trên cao phất cờ Tổ quốc trên nóc hầm.

Hoạt cảnh Bế Văn Đàn sống mãi với hình tượng 4 nam do các nghệ sĩ: Thế Ninh, Mạnh Thường, Tiến Phương, Tùng Dương thể hiện, cùng tốp múa phụ họa đã khắc họa hình ảnh người anh hùng dũng cảm Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng.

Hoạt cảnh "Bế Văn Đàn sống mãi"

Hoạt cảnh Giải phóng Điện Biên mang đến không khí tươi vui với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Một chiến sĩ tay cầm cờ bay lên cao, ở phía dưới hàng cờ đỏ hồng kỳ đi theo hai hàng, kết hợp với múa cờ tung bay. Các chiến sĩ trên tay mang những cây tre từ bốn phía tiến vào sân khấu, cùng đồng bào trên vai vác cây tre tiến ra, cờ hoa, tạo thành ngày hội chiến thắng tưng bừng.

Chỉ với thời lượng 90 phút, chương trình Sống mãi với Điện Biên do NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, có những giây phút đầy xúc động như màn biểu diễn khắc họa hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, có lúc là không khí hào hùng, đầy quyết tâm của quân và dân ta cùng đồng lòng tải đạn, kéo pháo và lương thực ra chiến trường…

Bà Dương Thị Huê, nữ lái xe Trường Sơn chia sẻ cảm xúc sau khi thưởng thức chương trình Sống mãi với Điện Biên: “Tôi cảm thấy rất bồi hồi và xúc động khi được xem chương trình xiếc đặc biệt ngày hôm nay. Các tiết mục xiếc gợi lại cho tôi những kỷ niệm chiến đấu năm xưa và niềm vui lại dâng trào khi nhớ về những ngày chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của cả dân tộc”.

Trong âm vang giai điệu chiến thắng "Giải phóng Điện Biên", các cựu chiến binh cùng hòa mình với diễn viên xiếc tham gia nhảy điệu múa sạp

Từ nhiều năm nay, bên cạnh chương trình xiếc tổng hợp, các vở diễn theo kế hoạch, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật về lịch sử, hướng đến những ngày lễ, dịp kỷ niệm lớn của đất nước nhằm mang đến cho khán giả những chương trình xiếc vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa lịch sử, qua đó, thể hiện lòng biết ơn, tri ân thế hệ cha ông đi trước, đồng thời giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy tình yêu nước trong nghệ sĩ trẻ và khán giả trẻ.

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, chương trình Sống mãi với Điện Biên và các chương trình xiếc về lịch sử được xây dựng hướng tới phục vụ khán giả lâu dài, đặc biệt là đối tượng học sinh. Ngay sau đợt biểu diễn lần này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tách các hoạt cảnh để đưa vào biểu diễn xen kẽ trong những chương trình phục vụ khán giả thiếu nhi hoặc đưa đến trường học nhằm giúp các em tiếp cận với sự kiện lịch sử một cách thú vị, hấp dẫn và ấn tượng.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;