“Quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”

Ngày 9-6, Cục Điện ảnh tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Điện ảnh, thành viên các Hội đồng thẩm định và phân loại phim, đại diện các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố, các Trung tâm văn hóa điện ảnh cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà sản xuất và phát hành phim đến từ nhiều đơn vị trên cả nước.

TS, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Sau hơn một năm thực hiện các nội dung của đề tài “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường”, Cục Điện ảnh tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Một nhu cầu cấp thiết xuất phát từ thực tiễn, đó là hoạt động phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường cần được khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, hệ thống hóa một cách khoa học, nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả, vai trò của quản lý nhà nước đầy đủ hơn dưới góc độ khoa học và đặc thù của nghệ thuật điện ảnh, có cơ sở lý luận và phương pháp khoa học.

Trong thời gian qua, Đề tài tập trung khảo sát, nghiên cứu hoạt động phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường với các nội dung chính bao gồm: Nghiên cứu kinh nghiệm phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường của một số nước trên thế giới, đặc biệt trong thời gian xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); Khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường.

Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài bước đầu hệ thống hóa dữ liệu ngành Điện ảnh phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý ngành một cách khoa học và có tính ứng dụng cao; nghiên cứu đề xuất những giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ và trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực”.

Tại buổi Hội thảo này, các nhà quản lý và nhà chuyên môn, nhà sản xuất, phát hành phim cùng trao đổi, thảo luận thẳng thắn, trực tiếp, hiệu quả về vấn đề Quản lý phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, đặc biệt sau khi Luật Điện ảnh 2022; Nghị định 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Đồng thời Thông tư số 17/2022/TT-BVHTTDL quy định các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo cũng đã được thực hiện. Việc Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn Luật đi vào đời sống, đặc biệt trong vấn đề phát hành, phổ biến phim rất cần có sự phản hồi từ thực tiễn để hệ thống pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ và đóng góp vào sự phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn mới - Kinh tế số và Kỷ nguyên số của quốc gia cũng như hội nhập quốc tế.

TS Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh trình bày tham luận

Trong tham luận “Một số thách thức bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến hoạt động phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam, góc nhìn từ công tác quản lý nhà nước về điện ảnh”, TS Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Phát hành, phổ biến phim là một mắt xích quan trọng trong cỗ máy vận hành của hoạt động điện ảnh, là cây cầu kết nối trong mối quan hệ cung - cầu, giữa sản xuất, phát hành phim với người xem phim. Chỉ nhìn riêng ở hoạt động phát hành, phổ biến phim cũng có thể nói Cuộc cách mạng này đã tạo ra nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, từ đó phá vỡ nhiều nguyên tắc, trật tự được định hình và duy trì trong nhiều năm làm nảy sinh nhiều bất cập, thách thức, đặc biệt đối với hoạt động quản lý”. Tại Hội thảo, TS Đỗ Quốc Việt cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để giải quyết tốt những “thách thức không nhỏ” trong lĩnh vực quản lý hoạt động phát hành, phổ biến phim.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Huy Cường - Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu quan điểm về thực trạng tình hình phổ biến phim trên không gian mạng và kiến nghị một số giải pháp. TS Đỗ Quốc Việt bày tỏ sự đồng tình với những giải pháp đó, đặc biệt là quan điểm cơ quan quản lý nhà nước quản lý lĩnh vực nào thì quản lý luôn những hoạt động của lĩnh vực đó trên không gian mạng.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, bà Trần Lan Phương - Đại diện Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam bày tỏ quan ngại về vấn nạn vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện đang diễn ra rất phổ biến, có những bộ phim vừa ra rạp 1, 2 ngày đã xuất hiện trên các trang web lậu. Khi liên hệ để họ gỡ phim thì nhiều khán giả đã xem phim lậu rồi. Vi phạm bản quyền khiến các nhà phát hành tại Việt Nam phải chạy đua để ra mắt phim cùng thời điểm với quốc tế, dù có thể chưa chắc thời điểm chiếu đã phù hợp.

Bà Đặng Thị Quỳnh Hoa - Trưởng phòng Thanh tra Văn hóa - Gia đình (Thanh tra Bộ VHTTDL) chia sẻ, sau khi Luật Điện ảnh mới ra đời đã có cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính trong việc xâm phạm bản quyền, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong việc thu thập chứng cứ. Các hình thức vi phạm bản quyền cũng đa dạng, trên nhiều nền tảng hơn, bao gồm cả Facebook, Tiktok, YouTube… Luật Điện ảnh đã có nhiều quy định chi tiết về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng, bao gồm cả các chế tài xử lý vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra còn có Luật sở hữu trí tuệ cũng có những quy định đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo. Tuy nhiên, nếu nguồn cung cấp và máy chủ ngoài biên giới thì hiện Luật Điện ảnh vẫn chưa quy định được hình thức xử lý.

Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, năm 2022 đánh dấu một bước tiến quan trọng của lĩnh vực bản quyền Việt Nam khi Việt Nam gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Với hành lang pháp lý phát triển như vậy, trong sân chơi chung, chúng ta cũng không là ngoại lệ. Để đảm bảo việc bảo hộ trong nước cũng như quốc tế, các Hiệp ước này đã tạo điều kiện cho mọi người đưa tác phẩm của mình tới thế giới cũng như bảo vệ các tác phẩm ở những nước khác. Việc đưa phim lên không gian mạng ,các tác giả có quyền cho phép hoặc không cho phép, các hành lang pháp lý đã có nhiều điều khoản quy định cụ thể. Đặc biệt, Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực từ ngày 26-4-2023.

Một trong những điểm mới nhất của Nghị định này đó là, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Với quy định mới này, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở căn cứ để yêu cầu các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok khôi phục lại nội dung đã gỡ bỏ/ngăn chặn trong trường hợp có một tòa án đã quyết định bên bị khởi kiện không vi phạm bản quyền, hoặc chấp hành theo văn bản yêu cầu của cơ quan nhà nước Việt Nam. Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet, từ đó đảm bảo sự công bằng và hỗ trợ giải quyết tranh chấp khi có tình trạng lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để gây khó khăn, thiệt hại cho đối thủ.

Với tham luận “Thẩm định và phân loại phim, cái lý và cái tình trong luật”, nhà báo Việt Văn khẳng định, từ ngày 20-5-2023, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo, sẽ có hiệu lực thi hành. Thông tư này căn cứ trên Luật Điện ảnh ngày 15-6-2022 với những quy định hết sức cụ thể về mức phân loại và tiêu chí phân loại phim. Đây chính là cơ sở, hành lang pháp lý để các nhà làm phim Việt hoạt động điện ảnh theo đúng luật. Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện điện ảnh để tư vấn cho Cục trưởng Cục Điện ảnh. Hội đồng sẽ chỉ làm việc theo Luật Điện ảnh, tuy nhiên thực tế, Luật không thể quy định hết cũng như không thể cụ thể hóa, chi tiết hóa mọi vấn đề, vì thế tùy vào mỗi bộ phim cụ thể mà nhận thức và đánh giá của mỗi thành viên hội đồng khác nhau nhưng nguyên tắc chung vẫn là thiểu số phục tùng đa số, dù ý kiến cá nhân luôn được tôn trọng. Trong đó đặc biệt đề cao tính nhân văn của tác phẩm.

Ông Phạm Thế Quyền - Trưởng phòng nghiệp vụ - Điện ảnh (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bắc Giang) cho biết, trên địa bàn Tỉnh Bắc Giang hiện nay không có rạp chiếu phim của nhà nước. Tại thành phố Bắc Giang hiện có 2 cụm rạp tư nhân, thu hút hầu hết lượng khán giả xem phim trên địa bàn. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Bắc Giang hiện có 1 đội chiếu phim lưu động với 3 tổ chiếu, được trang bị 3 bộ máy chiếu HD. Hằng năm, các tổ chiếu phim thực hiện từ 5 đến 7 đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, 500 buổi chiếu phim lưu động. Nguồn phim chủ yếu do Cục Điện ảnh cung cấp và do Trung tâm tự khai thác.

Tuy nhiên hiện nay công tác chiếu phim lưu động gặp nhiều khó khăn. Trung tâm chưa sản xuất được phim, chưa chủ động trong việc có nguồn phim chất lượng, nguồn kinh phí để mua phim hiện nay không có. Việc phổ biến phim hiện nay ở Bắc Giang chủ yếu là chiếu phim phục vụ miễn phí bằng hình thức chiếu phim lưu động, việc phổ biến phim trên mạng internet chưa được khai thác hiệu quả. Nguồn phim cho chiếu bóng lưu động chủ yếu là các phim về đề tài lãnh tụ, lịch sử và cách mạng do Cục Điện ảnh cung cấp. Trong khi nhu cầu của giới trẻ các vùng nông thôn và miền núi về dòng phim giải trí là rất cao. Bởi vậy ông Quyền nêu kiến nghị Cục Điện ảnh cung cấp thêm nguồn phim chất lượng, phong phú; hướng dẫn Trung tâm xây dựng hệ thống quản lý phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng…

Ông cũng đề nghị Hiệp hội đại diện cho các thành viên của hiệp hội và các Trung tâm đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, phát hành phim có biện pháp đưa phim, đặc biệt là phim Việt Nam vào chiếu đồng thời hoặc sau một thời gian ngắn với các rạp lớn ở thành phố để người dân ở các tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được thưởng thức các chương trình phim mới, xóa đi khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền với cơ chế và giá thuê/mua phù hợp.

Với 17 bản tham luận và hàng chục ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ hy vọng kết quả nghiên cứu của đề tài “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường” sẽ góp những kiến nghị và giải pháp hiệu quả cho việc đổi mới và nâng cao công tác quản lý, nghiên cứu, đào tạo, sáng tác, tuyên truyền, kinh doanh điện ảnh trong các hình thức phát hành, phổ biến phim trong cơ chế thị trường; vừa có tính khoa học, tiên tiến; vừa đảm bảo về chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc.

NGÔ HỒNG VÂN

;