“Những ngày văn học châu Âu 2025” - Tiếng nói của các nhà văn châu Âu gốc Việt

Diễn ra từ ngày 8 đến 12-5 tại Hà Nội, Những ngày văn học châu Âu 2025, do EUNIC (Các Viện Văn hóa châu Âu) phối hợp với các tổ chức châu Âu khác thực hiện. Sự kiện thường niên này bao gồm chuỗi các hoạt động đa dạng, từ tọa đàm thảo luận văn chương, workshop dành cho các cây bút trẻ với trọng tâm xoay quanh chủ đề văn học di dân, đặc biệt là những sáng tác của các nhà văn châu Âu gốc Việt.

 

Đại diện các thành viên của EUNIC trong buổi họp báo "Những ngày văn học châu Âu 2025"

Năm 2025 đánh dấu nhiều mốc kỷ niệm quan trọng giữa châu Âu và Việt Nam như 35 năm quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu, 75 năm quan hệ  ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Czech và 50 năm quan hệ  ngoại giao Việt Nam - Đức. Để kỷ niệm những dấu mốc quan trọng này cũng như tiếp nối truyền thống đối thoại và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu, Những ngày văn học châu Âu năm nay có chủ đề “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu” nhằm khám phá hành trình sáng tác của các nhà văn gốc Việt tại châu lục này.

Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu Những ngày văn học châu Âu 2025, Chủ tịch Viện nghiên cứu văn hóa quốc gia Liên minh châu Âu (EUNIC) - Viện trưởng Viện Goethe Oliver Brandt cho biết, kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2011, Những ngày văn học châu Âu đã hướng đến mục tiêu giới thiệu sự đa dạng của châu Âu thông qua văn học. Chủ đề của sự kiện năm nay tập trung vào văn học di dân, tôn vinh những đóng góp của các nhà văn gốc việt trên khắp châu Âu. Ông đánh giá, giọng văn của họ thể hiện sự đa dạng của nền văn học châu Âu đương đại: sống động và không ngừng đổi mới. Ở nhiều quốc gia, cộng đồng người Việt đóng góp rất lớn cho xã hội và văn học là một phần quan trọng trong sự đóng góp đó. Lịch sử di cư và những câu chuyện cá nhân đa diện đã và đang góp phần vào những sáng tạo của văn học châu Âu. Nhiều tác giả nổi tiếng và từng đoạt giải thưởng là những người di cư đến châu Âu hoặc là con của những gia đình di cư. Trải nghiệm phong phú giữa hai nền văn hóa, bao gồm cả thách thức của sự xa lạ và đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, giải phóng sự sáng tạo với ngôn ngữ đã cung cấp động lực cho họ. Ngôn ngữ đã trở thành khám phá và biểu đạt nghệ thuật. Ông Oliver Brandt cho biết, đây là cơ hội đặc biệt để độc giả Việt Nam giao lưu với các cây bút gốc Việt đến từ nhiều nước trong Liên minh châu Âu.

Nhà văn Anna Moi, tên thật là Trần Thiên Nga, từng cho ra mắt 8 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết, trong đó nổi bật là Nọc bướm (Nxb Trẻ phát hành tại Việt Nam tháng 1-2025). Năm 2018 bà được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ về Văn chương và Nghệ thuật” vì những đóng góp vào giao lưu văn hóa Pháp - Việt. Tại buổi họp báo, nhà văn Anna Moi đã chia sẻ về những đóng góp của văn học di dân vào văn chương các nước châu Âu. Bà cho rằng các tác phẩm này không chỉ tạo nên sự đa dạng mà còn góp phần vào sự phát triển chung của văn học châu Âu hiện đại.

Nhà văn Anna Moi chia sẻ về đóng góp của văn học di dân cho văn chương các nước châu Âu

Văn học di dân - đặc biệt là tác phẩm của các nhà văn gốc Việt tại châu Âu - ngày càng nhận được sự công nhận tại châu Âu cũng như trong nước. Các câu chuyện đa dạng từ những trăn trở của cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, về sự đứt gãy kết nối giữa các thế hệ, nỗi trăn trở của căn tính, hành trình đạt đến sự công nhận… góp phần làm nên một nền văn chương châu Âu đa dạng và đa thanh. Chính những tác giả di dân gốc Việt đã góp phần mở rộng phạm vi của văn chương bằng nhiều hình thức khác nhau, từ văn xuôi, thơ ca, sân khấu, điện ảnh, báo chí đến trình diễn, kể chuyện đa phương tiện. Đặc biệt, độc giả yêu văn chương và các cây viết trẻ có dịp trao đổi gần gũi hơn với các nhà văn gốc Việt thông qua những buổi trò chuyện văn chương, hay các workshop viết nhằm đặt ra những thảo luận về sáng tạo văn chương dưới góc nhìn liên ngành.

Các buổi tọa đàm khai thác những chủ đề đa dạng - từ tính nội tâm trong văn học cộng đồng cho đến những góc nhìn giới tính trong sáng tác của nữ giới, kết nối thế giới văn học, điện ảnh và những câu chuyện chia sẻ của cá nhân. Mục tiêu nhằm tạo ra không gian trao đổi ý nghĩa giữa khán giả Việt Nam, các tác giả trong nước và các tác giả cộng đồng, đồng thời mở ra những cuộc thảo luận mới về thế giới văn học đương đại. Bên cạnh đó, chuỗi chương trình với những hoạt động đa dạng, từ tọa đàm thảo luận văn chương, workshop dành cho cây viết trẻ tập trung vào chủ đề văn học di dân, đặc biệt là những sáng tác của các nhà văn châu Âu gốc Việt góp phần đưa các tác giả gốc Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại châu Âu đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

Sự kiện bắt đầu từ tối 8-5 tại Viện Goethe Hà Nội với tọa đàm "Âm vang kiên cường: Những tiếng nói của nữ nhà văn gốc Việt", có sự tham gia của các nhà văn Vanessa Vũ, Khuê Phạm, Cecile Pin, Anna Moi. Ngày 9-5, tại Hội Đồng Anh diễn ra workshop “Hành trình viết tiểu thuyết” dành cho các tác giả trẻ đang phát triển dự án tiểu thuyết, nhà văn Cecile Pin chia sẻ hành trình trở thành nhà văn và giới thiệu nền tảng cơ bản trong việc viết văn.

Toàn cảnh buổi họp báo

Ngày 10-5 tại Viện Goethe Hà Nội sẽ diễn ra workshop “Kết hợp kỹ thuật báo chí vào viết tiểu thuyết” với người hướng dẫn là nhà văn Khuê Phạm. Bên cạnh đó là Tọa đàm “Cội nguồn Cảm hứng: Văn hóa, Trải nghiệm và Con chữ” với các nhà văn Maik Cây, Kim Nguyên Baraldi và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ngày 11-5 tại Viện Goethe sẽ có buổi Tọa đàm “Căn tính di dân và Sang chấn thế hệ” với sự tham gia của các nhà văn, nhà phê bình: Phùng Hồng Minh, Vanessa Vũ, Clémen Baloup, Hồng Vân và workshop “Từ báo chí đến Podcast”: Nghệ thuật làm podcast với chất liệu báo chí cùng nhà văn Vanessa Vũ. Tọa đàm “Căn tính di dân và sang chấn thế hệ” là trải nghiệm của cộng đồng người Việt hải ngoại được mở ra qua những cuộc đối thoại liên thế hệ. Những sự va đập này không chỉ tạo ra các xung đột, mà còn trở thành nguồn nhiên liệu sáng tạo văn chương.

Trung tâm Séc sẽ tổ chức ba hoạt động, đó là workshop viết kịch bản phim: “Một cuộc kiếm tìm cùng Nghiêm Quỳnh Trang” vào ngày 10-5. Với vai trò đồng biên kịch và đồng sản xuất, Nghiêm Quỳnh Trang từng góp phần vào thành công của bộ phim Cu li không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân). Trong workshop này,  chị sẽ cùng người tham gia tìm hướng phát triển ý tưởng hình thành một kịch bản phim. Bên cạnh đó là workshop "Thưởng phim: Cùng thưởng thức và thử làm phim hoạt hình" vào ngày 11-5, người tham gia sẽ được thưởng thức các bộ phim hoạt hình Séc, tìm hiểu lịch sử điện ảnh qua phần trao đổi cùng Nghiêm Quỳnh Trang và giám tuyển Nguyễn Quốc Thành, đồng thời khám phá cách chuyển thể tác phẩm văn học thành phim, các bạn nhỏ sẽ có cơ hội sáng tạo tác phẩm hoạt hình ngắn của riêng mình.

Đại sứ quán Séc phối hợp cùng San Hô Kids tổ chức workshop đọc sách đặc biệt vào ngày 11-5, đưa các em nhỏ khám phá thế giới qua tác phẩm nổi tiếng Ferda - Chú kiến tài ba. Là một trong những biểu tượng văn học thiếu nhi Séc, tác phẩm kết hợp đặc sắc giữa hài hước, phiêu lưu và truyền cảm hứng về sự bền bỉ, tình bạn, cách vượt qua thử thách.

Đây là dịp để công chúng yêu văn chương tiếp cận gần hơn với những chuyển động mới của văn học đương đại châu Âu, đồng thời góp phần thúc đẩy đối thoại văn hóa giữa Việt Nam và khu vực.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;