Nhận diện và đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Quan điểm sai trái, thù địch là những quan điểm nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng cán bộ, nhân dân, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, kìm hãm sự phát triển của đất nước, thúc đẩy thay đổi chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Đối tượng đưa ra quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Nhóm đối tượng ngộ nhận: Biểu hiện của nhóm này là tự nhận mình là cấp tiến, ủng hộ đổi mới tư duy, chống giáo điều trong lý luận, phê bình, sáng tác văn học, nghệ thuật, cổ vũ tìm tòi đề tài, hình thức, khuynh hướng sáng tác mới. Họ ngộ nhận cho rằng quan điểm họ nêu ra là đúng với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Việc làm của họ thể hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, bị ảnh hưởng của các quan điểm tư sản phương Tây.

 Nhóm đối tượng cơ hội chính trị: Đây là nhóm người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có tài năng, cống hiến, tạo được uy tín với công chúng. Họ nhân danh đổi mới, không thừa nhận thiết chế văn nghệ đương thời của Nhà nước, đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đưa ra những quan điểm sai trái đối với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, tự đề cao tư tưởng, vai trò cá nhân nhằm mưu lợi cho cá nhân, tổ chức họ lập ra.

 Nhóm đối tượng phản động: Biểu hiện của nhóm này là có thái độ, hành vi lấy hoạt động văn học, nghệ thuật làm công cụ phát tán những quan điểm thù địch nhằm chuyển hóa tư tưởng chính trị, kêu gọi chống phá đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho nội bộ đội ngũ văn nghệ và nhân dân mất niềm tin vào chế độ, chờ thời cơ kích động dân chúng biểu tình, tiến hành “cuộc cách mạng màu” đòi thay đổi chế độ.

2. Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Nhóm thứ nhất: Những quan điểm sai trái, thù địch của trí thức, văn nghệ sĩ liên quan đến đường lối phát triển đất nước. Đó là quan điểm đòi từ bỏ vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; tấn công trực tiếp vào nền tảng tư tưởng Mác - Lênin của Đảng; “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”, bôi nhọ đời tư của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cố tình bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam, từ đó phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội…

Nhóm thứ hai: Những quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Tập trung vào những vấn đề sau: vu cáo Đảng, Nhà nước bóp nghẹt tự do sáng tạo, đòi hoạt động văn nghệ độc lập với chính trị, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng; phủ nhận những thành tựu to lớn của nền văn nghệ cách mạng; bêu riếu, đả kích các trí thức, văn nghệ sĩ cách mạng có quan điểm đúng đắn, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phản ánh sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước; bôi đen hiện thực cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc sự thật lịch sử dân tộc; cổ xúy khuynh hướng nghiên cứu, sáng tác văn nghệ của phương Tây, hạ thấp chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, tuyệt đối hóa hình thức của văn nghệ, coi nhẹ giá trị văn nghệ truyền thống của dân tộc …

3. Một số phương thức, hình thức hoạt động văn học, nghệ thuật có các quan điểm sai trái, thù địch

Phương thức được hiểu là phương pháp và cách thức tiến hành của chủ thể nhằm đạt được mục đích đề ra. Thời gian qua, các nhóm đối tượng ngộ nhận, cơ hội chính trị, phản động đã sử dụng một số phương thức hoạt động văn học để đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là sáng tác các tác phẩm văn học có nội dung thể hiện quan điểm sai trái, thù địch đối với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Viết các bài lý luận, phê bình, báo chí văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái, thù địch. Trao thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái, thù địch. Tài trợ kinh phí cho cá nhân và tổ chức hoạt động đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch. Lợi dụng sự bất cẩn trong quy trình kiểm duyệt của các cơ quan chức năng nhà nước để công bố các bài viết, tác phẩm văn nghệ có nội dung sai trái, thù địch…

Có rất nhiều hình thức lưu truyền các quan điểm sai trái, thù địch vào nội bộ cán bộ, nhân dân. Đáng chú ý là 3 hình thức sau: Một là, các đối tượng gia tăng các cuộc tiếp xúc, hội ngộ để thông tin, tán phát tài liệu bày tỏ quan điểm sai trái, thù địch với thủ đoạn lôi kéo, kích động làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân vào chế độ. Hai là, sử dụng các đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài giới thiệu, bình luận, phổ biến bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái, thù địch phát sóng vào nước ta. Ba là, tận dụng triệt để internet, mạng xã hội để công bố, lưu truyền các bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái, thù địch.

4. Thực trạng đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Từ thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Một số văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đó là: Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư khóa IX về nhiệm vụ tăng cường cuộc đấu tranh, chống âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa (2002); Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (2009); Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội (2010); Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (2018)…

Để kiểm soát và lập lại trật tự đối với các quan điểm sai trái, thù địch, Nhà nước đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ để quản lý, quy định rõ những nội dung trong hoạt động văn học, nghệ thuật không được phép phổ biến. Nếu vi phạm, Nhà nước có chế tài xử lý nghiêm minh, đến mức phải bị xử lý hình sự. Thời gian qua có một số văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật, đó là: Luật Xuất bản năm 2012, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng 2018, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội…

Sau thời điểm đổi mới (1986), trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch chế độ xã hội chủ nghĩa, năm 2002, Ban Bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo 94 để theo dõi, nắm bắt tình hình “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Nhiệm kỳ Đại hội IX (2001 - 2006), Ban Bí thư đã thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là cơ quan giúp Ban Bí thư tư vấn với các cơ quan có thẩm quyền đấu tranh chống quan điểm sai trái, lệch lạc trong nghiên cứu, phê bình, sáng tác, quản lý văn học, nghệ thuật. Năm 2009, thực hiện Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư khóa X, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo 213 trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Theo mô hình ở Trung ương, Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy cũng thành lập Ban chỉ đạo 94 chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Năm 2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, có nhiệm vụ thành lập Ban chỉ đạo 35 ở các cấp trên cơ sở sáp nhập các Ban chỉ đạo chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa trước đó.

Ban chỉ đạo 94 (nay là Ban chỉ đạo 35) ở trung ương và địa phương cùng với Ban chỉ đạo 213 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; hội đồng lý luận, phê bình các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật tổ chức lực lượng là những chuyên gia lý luận, phê bình, những nhà quản lý chủ động viết bài đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng và đưa lên các diễn đàn trên internet, mạng xã hội vạch trần sự dối trá, xuyên tạc sự thật, phi khoa học, phi lịch sử của các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Ngăn chặn kịp thời việc một số tổ chức ở trung ương, địa phương dự định trao thưởng tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái.

Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị và các đối tượng thù địch, phản động đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch, tán phát trên địa bàn liên quan đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có giải pháp phân hóa, đấu tranh phù hợp với từng loại đối tượng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của các quan điểm sai trái, thù địch trong nội bộ nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Từng bước xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế thống nhất chỉ đạo, phối hợp cung cấp thông tin, phân cấp, phân quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc; quy trình cấp phép, kiểm duyệt các sản phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng dân chủ, nhân danh đổi mới, cố tình truyền bá quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Ngăn chặn không để Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập ra đời tổ chức đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam và có những hoạt động phi pháp như lập hội đồng xét giải thưởng cho một số công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học có nội dung sai trái, thù địch. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiên quyết xử lý một số nhà văn cố tình đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhân dân lao động.

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương hàng năm tổ chức các cuộc hội thảo khoa học và các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trang bị kiến thức, kỹ năng cho các nhà lý luận, phê bình, nhà báo hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật… Chủ động đầu tư xây dựng và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh tinh thần yêu nước, cách mạng, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế quảng bá thành tựu đất nước, con người Việt Nam, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Những kết quả cơ bản nêu trên đã góp phần tích cực vào việc cô lập, đẩy lùi hoạt động của đối tượng đưa ra quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào con đường phát triển đất nước.

Tuy Đảng, Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo 35 ở các cấp nhằm chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng hoạt động của Ban chỉ đạo ở một số nơi chưa mạnh mẽ, quyết liệt, chậm đổi mới phương thức hoạt động. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước về văn học đủ tầm, tương xứng với sự phát triển của văn học.

Chưa huy động được đông đảo đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình, giảng dạy văn học, nghệ thuật, nhà báo vào một mặt trận thống nhất chỉ đạo, thường xuyên đấu tranh, đập tan quan điểm sai trái, thù địch. Thiếu những bài viết sắc sảo, hàm lượng khoa học cao, có tính thuyết phục, chỉ đích danh, vạch trần bộ mặt thật của một số đối tượng ngoan cố.

Có tư tưởng ỷ lại, cho việc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật thuộc về cơ quan chuyên trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là ngành Tuyên giáo; có biểu hiện né tránh, làm ngơ, ngại va chạm với đối tượng đưa ra quan điểm sai trái, thù địch, vô tình tiếp tay cho các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí phản động về chính trị.

Lý luận văn học, nghệ thuật còn những biểu hiện kém năng động, xa rời thực tiễn sáng tác; hoạt động phê bình chưa khắc phục được tình trạng tụt hậu so với sáng tác nên chậm làm sáng tỏ nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống văn học, nghệ thuật để cung cấp chứng cứ khoa học phục vụ cuộc đấu tranh.

Việc quản lý, xử lý, ngăn chặn những tác phẩm văn học, nghệ thuật xấu độc trên internet, mạng xã hội còn gặp khó khăn.

5. Một số giải pháp

Nâng cao nhận thức: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân, không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của cuộc đấu tranh ngăn chặn, phản bác tính phản khoa học, phi lịch sử, phản động về chính trị của các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

 Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Kiện toàn Ban chỉ đạo 35 ở các cấp, xây dựng chiến lược đấu tranh và quy chế phối hợp cung cấp thông tin, xử lý vụ việc, thống nhất chỉ đạo từ trên xuống, mạnh dạn phân cấp, phân quyền, quy rõ trách nhiệm, tạo cơ chế chủ động giải quyết vấn đề ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch ngay từ cơ sở. Hoàn thiện các chính sách, pháp luật đảm bảo căn cứ pháp lý và điều kiện vật chất phục vụ cuộc đấu tranh. Xây dựng chính sách tranh thủ trí thức, văn nghệ sĩ là Việt kiều, văn nghệ sĩ tiến bộ ở các nước trên thế giới tham gia cuộc đấu tranh.

Xây dựng lực lượng: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ ở cơ quan hoạt động tư tưởng, quản lý nhà nước, đội ngũ hoạt động lý luận, phê bình, báo chí, giảng dạy về văn học, nghệ thuật. Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia lý luận, phê bình, báo chí chuyên viết bài phản bác quan điểm sai trái, thù địch để có những bài viết sắc sảo, mang tính khoa học, thuyết phục, giải đáp kịp thời những vấn đề từ thực tiễn đời sống văn nghệ đặt ra. Tổ chức lực lượng thông tin đại chúng, truyền thông mới (internet, mạng xã hội) chủ động vào cuộc.

 Phát huy vai trò của cộng đồng: Vận động và tổ chức cộng đồng cư trú và cộng đồng tổ chức chủ động tham gia cuộc đấu tranh. Họ là “tai”, là “mắt” của chính quyền phát hiện diễn biến tư tưởng và hoạt động của các đối tượng đưa ra quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời họ cũng là người, tùy từng vụ việc, tham gia trực tiếp, tích cực vào cuộc đấu tranh.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: Cuộc đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, là bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Thường đối tượng văn nghệ sĩ đưa ra quan điểm sai trái, thù địch có tính bảo thủ cao, luôn nhân danh đổi mới tư duy, “cởi trói”, “khai phóng” văn nghệ, vì dân chủ, nhân quyền, để bảo vệ quan điểm của mình. Đối với một số nhà văn thoái hóa, biến chất, bất mãn, cơ hội, phản động chính trị thì thái độ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng diễn ra còn cực đoan hơn. Do vậy, để cuộc đấu tranh ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật có hiệu quả, tổ chức Đảng ở từng cơ sở phải tăng cường lãnh đạo, cùng các cơ quan tham mưu phân tích phân hóa đối tượng, có giải pháp đấu tranh phù hợp, khả thi.

______________

1. Cục Tuyên huấn - Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

Tác giả: Nguyễn Hữu Thức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;