NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM THỜI LÊ - TRỊNH QUA NGUỒN SỬ LIỆU PHƯƠNG TÂY (P2)

 

3. Thành phần xã hội, kỹ năng buôn bán

Do tính chất của một nước phong kiến phương Đông, hàng hóa buôn bán trên thị trường dường như là những sản phẩm độc quyền của triều đình. Theo đó, khi thuyền buôn ngoại quốc đến, chính quyền Lê - Trịnh thông qua hệ thống kiểm soát an ninh, hải quan... lập tức tiến hành kỉểm tra số lượng, chủng loại, giá trị hàng hóa. Nguồn hàng có thể giữ trên tàu, thuyền hoặc chuyển về các cơ sở kinh tế (thương điếm) hay nhà kho của nước đó nhưng chưa thể trao đổi với thương nhân sở tại. Sau khi kiểm tra, hàng hóa phải được phép của chính quyền (vua, chúa, quan lại...) mới được đem ra thị trường tiêu thụ. Chính quyền Lê - Trịnh luôn dùng quyền lực của mình để mua trước các sản phẩm xa xỉ và một số chủng loại hàng hóa đặc biệt thuộc sự quản lý của nhà nước như vũ khí, chất nổ (38), tiền đồng, bạc... Với các mặt hàng khác, chính quyền chỉ giữ độc quyền trong một thời hạn nào đó để ép giá còn sau đó có thể cho phép bán ra thị trường. Với hàng xuất khẩu, chính quyền Đàng Ngoài thường nắm độc quyền những sản phẩm quý hiếm như trầm hương, ngà voi, quế và tơ lụa. Theo W.Dampier thì sơn sống cũng bị cấm xuất khẩu mặc dù nguồn nguyên liệu này có trữ lượng lớn (39). Như vậy, như các nguồn tư liệu được thể hiện ở trên, chính quyền Đàng Ngoài luôn coi trọng vai trò của kinh tế đối ngoại và trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động giao thương quốc tế.

Điều đáng chú ý là, khi đem hàng đến Đàng Ngoài, sau khi vượt qua rào cản của cơ chế, thương nhân ngoại quốc đều có thể tham gia vào các hoạt động trực tiếp trên thương trường. Theo đó, “hàng hóa đưa đến Đàng Ngoài bên cạnh bạc nén có diêm tiêu, lưu huỳnh, các loại dạ khổ rộng của Anh, những loại vải len tuyết xoắn, các thứ vải sơn, hồ tiêu và các loại gia vị, chì, súng thần công cỡ lớn... Các thứ hàng hóa đem đến bán được trả bằng tiền mặt hoặc bằng hàng hóa khác tùy theo giao kèo”(40). Các nguồn tư liệu châu Âu cho thấy chúa Trịnh luôn có những đơn đặt hàng cụ thể với các thương nhân ngoại quốc. Trong thời kỳ xung đột Trịnh - Nguyễn, vũ khí, nguyên liệu chế tạo chất nổ luôn là mặt hàng được đặc biệt coi trọng.

Cũng cần chú ý là, trong quan hệ giao thương thời bấy giờ, giữa thương nhân phương Tây với thương nhân phương Đông nói chung và Đàng Ngoài nói riêng luôn có sự khác biệt trong cách thức buôn bán. Là những đại diện cho nền tư bản mới đang lên, các thương nhân châu Âu luôn hướng đến việc luôn bán quy mô lớn, thu được lãi suất cao để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của giới quý tộc, các xã hội thành thị giàu có, tiếp tục tích lũy tư bản và thúc đẩy kinh tế trong nước. Vì những lợi ích thương mại, họ không ngần ngại mua chuộc đội ngũ quan lại cũng như nhà cầm quyền phong kiến để được cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán. Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn thương mại phương Tây và giữa phương Tây với phương Đông việc giành được quyền ưu tiên trong quan hệ giao thương với chính quyền sở tại là lẽ sống còn. Tình trạng nhũng nhiễu, hà lạm, sự tha hóa của giới quan chức, thể chế phương Đông trong đó có chính quyền Đàng Ngoài cũng cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh đó(41).

Có thể nói, do những lợi ích thương mại, vào TK XVI - XVIII hầu hết các thành phần xã hội Đàng Ngoài đều ít nhiều bị cuốn hút vào các hoạt động giao thương trong nước, quốc tế. Nhưng trung tâm của những biến chuyển kinh tế sôi động nhất là vùng lưu vực sông Hồng. Thăng Long - Phố Hiến - Domea trở thành huyết mạch kinh tế chủ đạo của Đàng Ngoài. Hệ thống chợ vùng, chợ phiên cùng sự xuất hiện của các làng buôn đã đem lại sinh lực và diện mạo mới cho xã hội Đàng Ngoài trong suốt ba thế kỷ(42).

Một điểm khá lý thú là các giáo sĩ, thương nhân, thủy thủ châu Âu luôn chú ý đến vai trò của người phụ nữ trong các hoạt động trao đổi, buôn bán. Trong bối cảnh đàn ông đi lính, đàn bà chạy chợ nhiều phụ nữ đã không chịu khuôn mình trong các chợ quê mà trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế sôi động ở đô thị, cảng thị. Theo W.Dampier: “Nhiều thương nhân ngoại quốc đã kiếm được bộn tiền bằng cách giao cho những bà vợ Đàng Ngoài hàng hóa. Ở một xứ nghèo như Đàng Ngoài việc có tiền chạy chợ quả thật là một lợi thế lớn và các bà vợ này khi có vốn trong tay sẽ tìm cách để sinh lời. Họ mua tơ sống vào mùa nhàn rỗi trong năm và thuê các đám thợ nghèo làm trong những lúc nông nhàn. Theo cách này mà họ có được những thứ vải dệt tốt hơn trong khi chi phí lại thấp hơn nhiều so với thời điểm tàu cập bến”(43).

Không chỉ thành thạo nghề buôn, gây dựng vốn, nhiều phụ nữ Đàng Ngoài còn tỏ ra rất sành sỏi trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. W.Dampier cho biết: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làm nghề này là phụ nữ - những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt về nghề này. Họ thực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh khôn nhất ở Luân Đôn”(44). Hơn thế họ còn tỏ ra rất thành thục trong kỹ năng giao tiếp với giới quan lại: “Muốn bán hàng hóa của họ, người Trung Quốc nhờ đến các quan... Các quan mua những gì lớn lao và đắt tiền. Những thứ gì giá trị ít hơn, các quan đã có những phụ nữ thân tín, rất thạo nghề buôn, họ nhận một hay hai lô hàng để lấy một số lãi”(45).

Tuy nhiên, nhìn nhận tình hình kinh tế Đại Việt, nhận thấy mức sống của người dân nơi đây, các lái thương châu Âu luôn phải tính toán thật chi li để có thể kiếm lời. Theo đó, mối lời thường không phải từ nguồn hàng đem đến mà là từ việc mua nguyên liệu, hàng hóa mang đi. Thực trạng đó được phản ánh rõ nét qua nhận xét của thương nhân Hà Lan “lãi là ở những chuyến cất ở đây mang đi”, hay như chính P. Poivre cũng cho rằng rất khó bán các mặt hàng của Âu châu sản xuất tại thị trường bản địa. Do vậy, chỉ “khi mua hàng trở về mới có lãi”. Bên cạnh đó, trong quan hệ giao thương với Đàng Ngoài, các thương nhân châu Âu cũng luôn trăn trở với tình trạng buôn bán nhỏ, đoản vốn của giới doanh thương Việt. Họ thường đánh đồng tình trạng đó với sự nghèo khó của nền kinh tế trong nước. Biểu hiện cụ thể là, thương nhân ngoại quốc luôn gặp tình trạng chậm thanh toán. Điều đó khiến nhiều tập đoàn doanh thương quốc tế phải suy tính đến việc thiết lập quan hệ lâu dài với Đàng Ngoài, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản(46).

Dẫu vậy, trong khi buôn bán với Đàng Ngoài, không ít thương nhân quốc tế đã dành những nhận xét đầy thiện cảm về thương nhân bản địa. Theo J.B.Tavernier: “Buôn bán với người Đàng Ngoài thì thích thú hơn và có lợi hơn với người Trung Hoa. Người Trung Hoa nếu có cơ hội lường đảo được thì lường đảo ngay, khó mà có thể đối phó với những mánh khóe của họ được... ở trên thế gian này không có hạng lái buôn nào lại tinh ma đến thế. Cái gì họ cũng ưng, cái gì họ cũng mua... Nhưng với người Đàng Ngoài, họ tròn trặn trong việc mua bán. Buôn bán với họ thật dễ chịu”(47). Theo ông, thương nhân “buôn bán ở đây rất thật thà”(48). Ghi chép của cha Buzomi, người đã có mặt ở hầu khắp các nước Đông Á, khi so sánh với một số nước trong vòng cung văn minh Trung Hoa, đã có những đánh giá về người Việt: “Họ không quá nghiêng về văn chương, tính tình cũng không thâm hiểm như người Trung Hoa. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình cũng không độc ác như người Nhật”(49). W.Dampier cũng cho rằng: “Người Đàng Ngoài là những người phục vụ thật tốt và tôi cho rằng họ tốt nhất trên khắp miền Đông Ấn”(50).

Đó là những nhận xét, so sánh đáng để chúng ta suy nghĩ và từ đó có thể có được những nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn về truyền thống, tư chất cũng như nhân cách của giới doanh nhân Việt.

4. Phạm vi và mức độ ảnh hưởng

Vào TK XVI - XVII, hầu hết các cường quốc thương mại phương Tây đều đến buôn bán với Đàng Ngoài. Cùng với Bồ Đào Nha, hai nước Hà Lan và Anh cũng từng bước xác lập quan hệ thương mại với Đại Việt. Nhanh chóng giành ưu thế ở biển Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) từng bước xác lập vị thế buôn bán ở Đông Á. Năm 1636, VOC lập thương điếm đầu tiên ở Hội An, năm sau tiến ra Đàng Ngoài rồi lập thêm những cơ sở buôn bán mới ở Phố Hiến, Thăng Long. Để có thể tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Đàng Ngoài, người Bồ đã tìm mọi cách ngăn cản thương nhân VOC, EIC. Sự cạnh tranh khốc liệt đó còn diễn ra trên phương diện chính trị và quân sự. Các nước phương Tây, nhất là Bồ Đào Nha và Hà Lan, đã tìm cách tranh thủ thiện cảm của nhà cầm quyền Đàng Ngoài với lễ ra mắt thường là vũ khí quân sự. Theo W.Dampier, với Đàng Ngoài, “nền thương mại chính của nước này lại do người Trung Hoa, người Anh, người Hà Lan và những thương nhân ngoại quốc khác nắm giữ - những người đặt thương điếm cư trú hoặc đến Đàng Ngoài buôn bán theo mùa. Họ xuất khẩu đến Đàng Ngoài các loại hàng hóa của nước họ và nhập khẩu các mặt hàng thu mua được từ Đàng Ngoài”(51).

Là một cường quốc thương mại, Hà Lan ngày càng lấn át Bồ Đào Nha trên các tuyến hải thương Đông Á. Việc Bồ Đào Nha bị loại trừ ra khỏi thị trường Nhật Bản sau năm 1639 đã đem lại những điều kiện thuận lợi cho thương nhân Hà Lan, Trung Quốc... trong các hoạt động giao thương quốc tế. Mặc dù chịu tác động mạnh của chính sách tỏa quốc (sakoku) của chính quyền Edo (1600 - 1868), nhưng Đàng Ngoài vẫn là điểm đến tin cậy của nhiều đoàn thuyền buôn ngoại quốc. Trên thực tế, lợi nhuận thu được từ thị trường Đàng Ngoài đã đem lại sự phồn thịnh cho không ít tập đoàn thương mại đồng thời là cơ sở khiến cho các tập đoàn đó tiếp tục duy trì hoạt động ở phương Đông. Trong nhận thức của giới thương nhân phương Tây, Nhật Bản vẫn là một thị trường lớn trong khi đó khu vực thị trường Đàng Ngoài được nhìn nhận “là một khách hàng nhỏ bé đối với những hàng hóa châu Âu”(52). Từ Đàng Ngoài, người Anh từng muốn “tái lập quan hệ với Nhật Bản - một nền mậu dịch lợi nhuận cao và luôn là sự khao khát không chỉ người phương Đông mà cả người châu Âu chúng ta”(53).

Tuy nhiên, những biến động chính trị ở trong nước và khu vực đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thương quốc tế. Các hoạt động mang tính vùng và liên vùng vốn là bản chất của hoạt động thương mại bị hạn chế đáng kể do diễn tiến của những điều kiện chính trị không thật thuận lợi. Cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn cũng đã gây nên những trở ngại lớn cho việc thiết lập quan hệ giao thương giữa các vùng miền. Theo W.Dampier, “cuộc nội chiến giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong quả thật ngăn trở kế hoạch cử tàu đi Đàng Trong cũng như các quốc gia khác như Champa và Cao Miên - những vùng đất ít được biết đến. Bởi thế có vẻ các chuyến đi trên sẽ không có lợi nhuận. Nhưng những khó khăn trên cũng không phải là quá lớn mà có thể vượt qua được bằng các giải pháp và sự mẫn tiệp. Bên cạnh đó, những thiệt hại có thể được bù đắp bằng các khoản lợi nhuận cao”(54).

Vào TK XVI - XVIII, Đàng Ngoài tiếp tục duy trì quan hệ với nhiều quốc gia khu vực. Nhựa thông với trữ lượng phong phú và giá rẻ của Đàng Ngoài được nhiều thương nhân quốc tế ưa chuộng. Nhiều khả năng, để phát triển công nghệ dệt người Đàng Ngoài đã nhập nguyên liệu thuốc nhuộm từ Xiêm. Và, chính họ cũng đã nhập thuốc chữa bệnh, một số loại hương liệu, xạ hương, đại hoàng, vàng từ vương quốc Boutan, Vân Nam (Trung Quốc) để sử dụng trong nước hoặc tái xuất đi các quốc gia khác(55). Trong thời gian đó, người Hà Lan cũng mua nhiều hồi từ Đàng Ngoài sang Batavia để cất rượu mạnh. Trong những nỗ lực thương mại, thương nhân Anh từng muốn thiết lập một cơ sở buôn bán ở Tenan (Tiên An? thuộc vùng Hải Ninh, Quảng Ninh) để giao thương với Trung Quốc. Điều có thể nhận thấy là, thông qua quan hệ với Đàng Ngoài, các thương nhân châu Âu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa Đàng Ngoài với khu vực thị trường lớn, giàu tiềm năng ở miền Nam Trung Hoa. Do khả năng tiêu thụ hàng Anh có phần hạn chế, thương điếm Anh ở Đàng Ngoài đã cố gắng mở rộng thị trường khu vực. Bức thư của thương điếm Anh gửi từ Kẻ Chợ ngày 7-1-1683 ghi rõ: “Họ (phải chăng là thương nhân Việt?- TG) đang cố gắng bán những đồ vật do Anh chế tạo, nếu họ được phép mang dạ vào Trung Quốc thì hàng năm có thể bán được một số lượng lớn kể từ khi người Mãn Thanh chiếm được Vân Nam”(56). Để tăng nguồn thu, thương nhân Anh cũng mua nhiều gốm sứ để xuất sang thị trường khu vực. W.Dampier xác nhận: “Những người châu Âu đã từng bán những chén này ở nhiều nơi trên đất Mã Lai. Vì thế thuyền trưởng Pool đã cho mua tới gần 100.000 chiếc trong chuyến đi đầu tiên của ông đến Đàng Ngoài với hy vọng sẽ bán lại tại Batavia khi ông quay lại đấy. Nhưng do không tiêu thụ được nên ông đã chở sang Bencouli thuộc đảo Sumatra, tại đó ông bán chúng với một giá rất hời cho toàn quyền Bloom. Ông này đem phần lớn số hàng trên bán cho dân Mã Lai và được lãi rất to”(57). Ông cũng cho biết thêm: “Thuyền trưởng Weldom cũng mua tới 30 hoặc 40 nhìn chiếc để chở đến pháo đài St. George nhưng tôi không biết ông ta đã bán chúng đi như thế nào. Các sản phẩm sứ Trung Hoa vốn tinh xảo hơn đã gây nên sự ế ẩm của gốm sứ Đàng Ngoài ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ở Rackan trên vịnh Bengal sản phẩm này vẫn được yêu thích và bán khá chạy”(58).

Vào TK XVII-XVIII, cùng với thương nhân phương Tây, thương nhân một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có giới doanh thương Xiêm vẫn tiếp tục cho thuyền đến Đàng Ngoài buôn bán. Mặt khác thương nhân quốc tế cũng góp phần kết nối thị trường giữa hai quốc gia. Bên cạnh những sản phẩm thương mại, giới doanh thương Anh còn mua các sản phẩm văn hóa khác để đưa sang Xiêm và các nước láng giềng. Theo W.Dampier thì trong chuyến hàng năm 1688 “còn có hai chiếc chuông, mỗi chiếc nặng chừng 500 cân, đặt người Đàng ngoài đúc ở Kẻ Chợ để đem về cho chúa Falcon - vị thượng thư cao nhất của vua Xiêm - dùng trong một số nhà thờ ở nước Xiêm”(59). Tác giả cũng cho biết các quả chuông đó là do vua Xiêm đặt hàng. Theo nguồn tư liệu phương Tây, quan hệ với Đàng Ngoài là do triều đình Xiêm trực tiếp chỉ đạo(60).

Trong quá trình buôn bán, nhiều thương nhân ngoại quốc cho rằng xứ Đàng Ngoài không có mỏ vàng, mỏ bạc nên rất hiếm nguyên liệu để đúc tiền. Đó là một trong những trở ngại trong quan hệ giao thương quốc tế. Do thiếu kim loại quý, họ rất cần vàng, bạc và đồng trong trao đổi, buôn bán. Để có tiền và vàng, bạc người Đàng Ngoài phải dùng nhiều loại thương phẩm trong đó có tơ lụa để đổi lấy bạc(61). J.B.Tavernier cho biết: “Thường họ hay dùng đồng tiền reales của Tây Ban Nha. Vàng và bạc đó là do Trung Quốc và Nhật Bản đem đến cho họ vì họ bán phần lớn tơ của xứ họ cho những nước ấy. Tơ lụa cộng với xạ hương là những tài nguyên chủ yếu của họ”(62). C.B.Maybon cũng xác nhận: “Món lời lớn ở đây mà người Hà Lan đã thu được là đổi diêm tiêu, lưu huỳnh, đinh hương lấy tơ sống để gửi đi Nhật Bản”(63). Theo W.Dampier thì: “Trong số các Hoa thương ở Đàng Ngoài có 2 người thường đem tơ sống và các sản phẩm lụa sang bán ở Nhật Bản. Các sản phẩm họ mang về Đàng Ngoài chủ yếu là bạc”(64). Nhưng, để tăng nguồn thu, nhiều thương nhân ngoại quốc còn tranh thủ tìm kiếm thêm lợi nhuận từ các sản phẩm khác. Đến Đàng Ngoài năm 1688, chứng kiến nạn đói diễn ra, thương nhân người Anh đã tranh thủ ngay thời cơ ấy để tìm kiếm lợi nhuận trên các tuyến buôn bán ngắn. “Cả thương nhân chúng ta và những người bản địa tập hợp nhau đi thành những đoàn thuyền nhỏ về những tỉnh lân cận để thu mua gạo, một phần để dành cho sinh hoạt, còn lại để bán ra chợ”(65).

Trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes cho rằng khoảng trước năm 1627, đã có nhiều người Nhật và Hoa thương đến Đàng Ngoài buôn bán. Ông viết: “Người Nhật xưa kia đem bạc rất nhiều tới đây để buôn tơ lụa, họ đem theo nhiều gươm đao và đủ các thứ vũ khí để bán”(66). Nhưng, không chỉ nhập vũ khí từ phương Tây, Nhật Bản, hàng hóa ngoại quốc đã dần thâm nhập vào nhiều tầng lớp xã hội. Và, hiển nhiên giới quý tộc cao cấp, quan lại, những người giàu có... chịu ảnh hưởng mạnh nhất của các sản phẩm kinh tế đồng thời cũng là các sản phẩm văn hóa bên ngoài.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao thương quốc tế cũng đã tác động không nhỏ đến nếp sống và phương thức sản xuất của nhiều tầng lớp xã hội trong đó có giới thương nhân và thợ thủ công. Theo W.Dampier: “Quần áo của người Đàng Ngoài may bằng lụa hay bằng bông sợi. Dân nghèo và lính tráng hầu như chỉ mang đồ vải sợi nhuộm nâu. Những người giàu sang và các quan lại thường mặc đồ dạ khổ rộng của Anh. Các màu chủ yếu là đỏ và xanh. Khi đến bái yết nhà vua họ mặc những chiếc áo thụng rủ tận gót và không ai dám ra trước mặt nhà vua mà không mặc loại áo như thế”(67). Trong thư gửi từ Đàng Ngoài cho Bantam đề ngày 4-10-1678, đại diện thương điếm Anh viết rằng: “Họ (chắc hẳn là giới quý tộc, quan lại Đàng Ngoài?- TG) đòi hỏi thứ rượu vang ngon hơn và thứ bia ngon hơn”(68). Theo ghi chép của W.Dampier thì những người thợ thủ công Đàng Ngoài đều: “khéo tay, nhanh nhẹn, tháo vát và tinh nhanh trong tất cả mọi nghề thủ công họ làm... Tiền và những thứ được người ngoại quốc, nhất là người Anh và người Hà Lan, mang đến đây làm cho họ sống được bởi thợ thuyền không có tiền vốn để tự sản xuất. Vì thế các nhà buôn nước ngoài phải đặt tiền trước cho họ, ít ra là một phần ba hoặc một nửa giá trị hàng hóa đặt hàng”(69).

Tình hình buôn bán của Đại Việt diễn ra sôi động trong TK XVII, song vào cuối thế kỷ này, do nhiều nguyên nhân (trong đó có cả những khó khăn và mâu thuẫn nội tại của các Công ty Đông Ấn), người Hà Lan đã dần đóng cửa các thương điếm và chấm dứt quan hệ thương mại với Đại Việt. Năm 1700, VOC chỉ thị cho giám đốc Jacob van Loo đóng cửa vĩnh viễn thương điếm Kẻ Chợ và Phố Hiến, rút hết nhân viên, thiết bị về Batavia. Còn người Anh, thông qua EIC, từ những năm 1613 - 1617, đã có những chuyến đi thăm dò ở Đàng Trong, nhưng không thành công. Năm 1672, nằm trong chiến lược thành lập một tuyến buôn bán quốc tế Đông Á gồm Nhật Bản - Đài Loan - Đàng Ngoài, lần đầu tiên thuyền buôn Anh đã cập đến Đàng Ngoài. Vào tháng 5 năm đó, EIC đã cử 3 chiếc tàu từ Bantam, trong đó ExperimentReturn đi Đài Loan, sau đó tới Nhật Bản, còn tàu Zant đi tới Đàng Ngoài. Tàu Zant do thuyền trưởng Parrick chỉ huy, cùng phái bộ gồm 6 người tới Kẻ Chợ (70). Sau một thời gian hoạt động buôn bán không mấy hiệu quả, nên đến đầu TK XVIII, sau sự kiện đảo Côn Lôn, người Anh cũng chấm dứt sự hiện diện ở đây. Mặt khác, những biến chuyển mới trong việc mở rộng thương cảng Canton (Quảng Đông) cũng lôi kéo người Anh sang thị trường Trung Quốc. Còn Bồ Đào Nha, vào TK XVIII về cơ bản các thương nhân Bồ đã không còn lui tới Đàng Ngoài trừ một số trường hợp cá biệt.

Kết luận

Nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia thống nhất đa tộc người, người Việt đã sớm phát triển nền hải thương và có truyền thống thương mại. Từ những thế kỷ đầu sau CN cùng với người Việt, cư dân Champa, Phù Nam đã tiến mạnh ra biển và thực sự trở thành các vương quốc biển. Hoạt động hải thương và năng lực khai thác biển của các vương quốc Phù Nam và Champa không chỉ tạo nên sự phát triển phồn thịnh cho các vương quốc này mà còn khẳng định vị thế chính trị, kinh tế trong các mối quan hệ khu vực. Nhưng, vì nhiều nguyên nhân, truyền thống hải thương đó đã không được phát huy triệt để và thích ứng với khung cảnh mới. Lịch sử hải thương Việt Nam TK XVI - XVIII tuy không có những cuộc vượt biển lớn, thực sự dấn thân như thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm, Java... và càng không thể so sánh với những đoàn thương thuyền của châu Âu vào thời kỳ chuyển giao của lịch sử thế giới. Nhưng, giới doanh nhân Việt cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động thương mại khu vực. Trong những năm tháng sống, tiếp xúc, hòa nhập... với xã hội Đại Việt, nhiều thương nhân, giáo sĩ, nhà thám hiểm phương Tây đã để lại những ghi chép rất đáng chú ý về tiềm năng, khả năng và hoạt động thương mại của người Việt. Các tác phẩm đó, được viết trong nhiều hoàn cảnh, với những mục tiêu, quan điểm khác nhau, thậm chí có nhiều chỗ khó hiểu, mâu thuẫn, sai lệch... nhưng đó là những nguồn sử liệu quý, góp phần phác dựng lại bức tranh chân thực về bối cảnh kinh tế - xã hội Đại Việt đương thời.

Các nguồn sử liệu phương Tây cũng cho thấy sự hưng khởi của các đô thị Việt Nam ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong TK XVI - XVIII. Đó là một hiện tượng lịch sử rất đáng chú ý. Thật khó có thể cho rằng, sự hưng khởi đó chỉ là kết quả của những vận động, chuyển biến kinh tế - xã hội nội tại. Sự thịnh đạt của các đô thị, cảng thị đều gắn liền với các hoạt động ngoại thương. Các cảng thị như Domea, Phố Hiến ở Đàng Ngoài hay Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Đồng Nai, Hà Tiên ở Đàng Trong đã bổ sung thêm một mô hình mới cho thành thị Việt Nam truyền thống. Những nhân tố kinh tế xã hội mới cùng sự phát triển của kinh tế ngoại thương đã thúc đẩy sự hình thành các cảng thị nhưng mặt khác sau khi ra đời, các cảng thị đó cũng đã tạo nên những điều kiện thuận lợi để nền kinh tế hàng hóa phát triển. Trong quá trình đó, nhiều sản phẩm vốn chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đã được quốc tế hóa. Do yêu cầu của thị trường quốc tế, chất lượng hàng hóa trong nước cũng được nâng cao. Sự giàu lên của giới quý tộc, quan lại và một bộ phận thị dân cũng góp phần thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa cùng năng lực mở rộng kinh tế đối ngoại. TK XVI -XVIII là thời gian mà bức tranh kinh tế xã hội Đại Việt diễn ra nhiều biến chuyển sâu sắc. Tương phản với trạng thế tĩnh lặng của thể chế phong kiến quan liêu, nền kinh tế hàng hóa, sự hưng khởi của các đô thị cùng sự xuất hiện của các giai tầng xã hội mới là những minh chứng cho thấy sức phát triển của Đàng Ngoài. Tuy đến Đàng Ngoài tương đối muộn, nhưng sự hiện diện của các tập đoàn thương mại châu Âu đã tạo nên hệ luận đa chiều với xã hội Đại Việt. Do có tiềm năng kinh tế và vị trí địa lý thuận lợi, về cơ bản Đàng Ngoài đã đáp ứng và thích ứng được với các hoạt động giao thương quốc tế, trở thành địa bàn trung chuyển, điểm đến lý tưởng của các đoàn thuyền Á, Âu trong hệ thống hải thương Đông Á.

Tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn chế trong quan hệ giao thương của người Việt chúng ta thấy: vốn quen với việc buôn bán, sản xuất nhỏ, quen tiêu dùng những sản phẩm của hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới với hai đặc trưng đa canh tạp canh nên người Đàng Ngoài đã không khai thác được triệt để những điều kiện thuận lợi mà môi trường kinh tế quốc tế đem lại. Bên cạnh đó, sức nén của thể chế quan liêu cùng những định chế Nho giáo cũng đã kiềm tỏa sự phát triển của các ngành kinh tế công thương nghiệp cùng tư duy kinh tế hướng ngoại. Việc không có một đội ngũ thương nhân chuyên nghiệp có nguồn vốn lớn, được tổ chức chặt chẽ, được nhà nước khuyến khích, bảo trợ cũng khiến cho kinh tế đối ngoại Việt Nam kém sức cạnh tranh trên thương trường khu vực. Cuối cùng cũng phải thấy rằng, do liên tục phải chịu áp lực chính trị từ phương Bắc và tình trạng mất an ninh ở phương Nam nên chính quyền Đàng Ngoài đã phải thực thi nhiều biện pháp chặt chẽ nhằm bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ và nền kinh tế trong nước. Do vậy, mặc dù có những thời đoạn bức tranh kinh tế đã bừng lên và có phần khởi sắc nhưng kinh tế ngoại thương đã không thể tạo nên động lực mạnh mẽ, làm thay đổi đời sống kinh tế xã hội ngõ hầu có thể đưa nước ta hòa nhập với những biến chuyển chung của khu vực.

_______________

38. Thư gửi từ thương điếm Anh ở Đàng Ngoài về Bantam ngày 25-9-1680 viết: “Lụa của Đàng Ngoài dùng để đổi lấy đại bác được gửi sang nước Anh”. Thư ngày 26-12-1682 viết: “Vua đặt một số lớn diêm tiêu”. Thư ngày 26-12-1684 cũng viết: “Số diêm tiêu do một tàu Hà Lan chở tới làm cho nhà vua rất hài lòng”, Charles B. Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, sđd, tr.232, 233 & 236. Nhật ký của tàu Grol cũng ghi lại: “Viên quan (có lẽ là Lê Đình Kiên?-TG) hỏi chúng tôi rằng liệu có tình cờ mang theo mã não, san hô đỏ hoặc vàng ròng hay không. Chúng tôi trả lời là có, và hỏi ông ta rằng người ta có thể bán những món hàng đó ở Đàng Ngoài với giá bao nhiêu. Ông ta trả lời rằng chỉ có nhà vua và những nhà quyền quý ở trong nước mới mua những món đồ đó”. Xem Nguyễn Thừa Hỷ, Những thương nhân Hà Lan đầu tiên đến Đàng Ngoài và Kẻ Chợ năm 1637, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4 (396), 2009, tr.75.

39. W.Dampie, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr.82. Theo chúng tôi sơn sống là nguyên liệu chính làm hàng sơn mài và dùng trong kỹ thuật đóng thuyền. Chắc hẳn, Đàng Ngoài không muốn loại nguyên liệu này được đưa đến Đàng Trong và các nước khác trong khu vực.

40, 43, 44, 45, 50, 51, 54, 55, 57, 58, 59, 64, 65, 67, 69. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr.85, 70, 80, 91, 60, 85, 121, 82, 83, 84, 119, 36, 104, 61, 60.

41. Thư của thương điếm Anh gửi từ Đàng Ngoài về Bantam ngày 4-10-1678 nhận xét: “Khi đặt một tặng phẩm để biếu vua thì cũng phải đặt một tặng phẩm để biếu chúa, trị giá bằng hai phần ba tặng phẩm biếu chúa”, Charles B.Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, sđd, tr.232.

42. Nguyễn Quang Ngọc, Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ TK XVIII-XIX, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993.

46. De la Bissachère, Tình hình hiện nay ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ và các vương quốc Cao Miên, Lào và Lạc thổ, tập I, Paris 1912. Bản dịch tiếng Việt, tài liệu dịch của Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG Hà Nội.

47, 48. J.B.Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, sđd, tr.42, 24.

49. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Các thừa sai Dòng Tên 1615-1665, Nxb Hiện tại, 1959, tr.57.

52, 56, 60, 63, 68. Charles B. Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, sđd, tr.234, 235, 233, 242, 231.

53. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr.119. Tác giả từng mong muốn: “Riêng về vấn đề hiện tại, tôi cảm thấy rằng thương điếm của chúng ta ở Đàng Ngoài lẽ ra đã có thể thiết lập được quan hệ thương mại tốt với Nhật Bản và Trung Quốc”, sđd, tr.121.

61. Hoàng Anh Tuấn, Silk for Silver: Dutch - Viêtnamse Relations, 1637-1700, Brill, Leiden, 2007.

66. A. de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, sđd, tr.65.

70. Lúc đầu, EIC ở Bantam dự kiến cử Samuel Baron cùng đi với W.Gyfford sau khi ông ta đến Đài Loan, nhưng Baron từ chối. W. Gyfford thì cũng nấn ná, đề nghị hoãn chuyến đi nhưng Bantam vẫn cứ quyết định chuyến đi mặc dù S.Baron không đi cùng với W.Gyfford đến Đàng Ngoài. Maybon, Charles, Une factorerie Anglaise au Tonkin au XVIIè siècle (1672-1697), R.I, 12-1913.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Nguyễn Văn Kim - Nguyễn Mạnh Dũng

;