NGHỆ THUẬT THẾ GIỚI - VÀI ĐIỂM SÁNG NGẪU NHIÊN

 

Một thành tựu đáng nể của dòng phim chủ lực trong nghệ thuật thứ bảy

Năm 2009, bên cạnh phim đoạt Oscar Triệu phú ổ chuột của Danny Boyle, Bể cá của đạo diễn Anh Andrea Arnold nổi bật lên như một hiện tượng. Đây là chuyện cô bé 15 tuổi Mia không hài lòng với mẹ và cuộc sống xung quanh. Em thấy ai cũng nhẫn nhục, cam chịu đói nghèo và bị xúc phạm giữa một thế giới mà chúa tể là luật của kẻ mạnh, của thất đức và nhẫn tâm, của đục nước béo cò. Sự bất ổn gần như bản năng trong em bộc lộ thành ăn nói và cư xử thô lỗ hay hỗn xược. Do đó em bị bạn bè chê bai ghẻ lạnh, người lớn khinh bỉ và hăm dọa. Em chểnh mảng học hành, thường lang thang như một kẻ tâm thần sống lay lắt. Đau khổ nhất là hàng ngày em phải chứng kiến một điển hình sinh động của cuộc sống không xứng đáng với danh hiệu con người. Đó là mẹ em, đơn thân nuôi con, vất vả kiếm tiền, nhưng rượu chè be bét và chung đụng bừa phứa với nhiều người đàn ông. Biết em không vui vẻ gì, mẹ thường xuyên chửi đánh em một cách vô cảm. Em mỗi ngày một bế tắc. Một bạn tình mới của mẹ đến ở trong nhà em. Người này tỏ ra đúng mực, nhân hậu, khác hẳn những người em vẫn tiếp xúc hàng ngày. Từ chỗ ác cảm, em đem lòng yêu ông ta. Ông không lợi dụng em mà giúp em thực hiện mơ ước tự giải phóng là trở thành một diễn viên múa. Nhờ ông, em khám phá nhiều mảng sống bị lãng quên, như thiên nhiên kỳ thú với suối đồng chim muông. Nhờ mối tình kỳ lạ, em dung hòa với mẹ và thực sự sống lại... Cho vai Mia, Andrea Arnold quyết tìm một cô bé cùng cảnh ngộ và có khả năng diễn xuất để thể hiện. Kỳ công săn lùng, chị đã có Katie Jarvis 17 tuổi, một đột phá nức lòng không hẳn chỉ cho điện ảnh Anh. Bể cá đã được tặng giải giám khảo tại LHP Cannes vừa rồi. Katie Jarvis vừa được nhận giải phát hiện của năm tại LHP độc lập Xứ sở sương mù. Phim cũng được đề cử cho danh hiệu phim châu Âu 2009, bên cạnh những phim Cành cọ vàng và Oscar.

Trong vài năm thôi, Andrea Arnold đã nổi lên như một gương mặt điện ảnh sáng giá bậc nhất thế giới. Chị được suy tôn là một trong 10 đạo diễn sừng sỏ khó bì (không kể các bậc thày Hoa Kỳ) của công đồng Anh ngữ. Từng là diễn viên thể hiện thành công nhiều vai thiếu nhi, chị chuyển sang làm phim ngắn từ cuối những năm 1990, sau một thời gian dài dẫn chương trình truyền hình. Năm 2005, chị đoạt Oscar phim truyện ngắn cho bộ Wasp. Năm sau, Con đường đỏ, phim truyện dài đầu tay của chị, được tặng giải của ban giám khảo tại LHP Cannes. Năm nay, phim dài thứ hai Bể cá khuấy động Cannes lần thứ 62, ngay từ những ngày đầu, được dự đoán sẽ dành Cành cọ vàng. Cuối cùng, nó được thừa nhận là một trong những phim hay nhất toàn cầu 2009. Chị không theo trào lưu phim thương mại dễ dãi và rẻ tiền, mà tôn xưng phim nghệ thuật đích thực. Chị kế tục thật thuyết phục nhiều nhà làm phim gan ruột của trường phái hiện thực nghiêm ngặt, dòng chủ đạo của Nghệ thuật thứ bảy. Chị hẳn sẽ là người phát ngôn hùng hồn và hiệu quả của phái yếu, qua việc phát lộ từ một nửa nhân loại những phẩm chất cao quý, những đớn đau và bất công phi lý, những đòi hỏi nhân bản và cuộc chiến đấu kiên cường để tự giải phóng và kiến tạo một thế giới tươi đẹp, yên ổn và công bằng. Chị đưa ra những kiến giải đa chiều thỏa đáng về nhiều vấn đề cốt tử của đời sống hôm nay, kể cả những chuyện cần hết sức tế nhị như tình dục. Điều đáng quý là chị không cực đoan, mà nhuần nhị, rất con người, nhưng cũng rất phụ nữ.

Bộ sưu tập thế kỷ YSL Bergé từ tình yêu nghệ thuật đồng điệu siêu phàm

Trung tuần tháng hai năm 2009, công chúng thời trang và nghệ thuật thế giới ngạc nhiên về bộ sưu tập tác phẩm tổng hợp có một không hai của 2 ông trùm thời trang sẽ được đem bán tại Paris bởi Hãng đấu giá Christie’s. Hai ông người bạn chí cốt đó là Pierre Bergé, chuyên kinh doanh và Yves Saint Laurent, mất ngày 1-6-2008, chuyên thiết kế.

Điều đặc biệt thứ nhất của cuộc bán đấu giá này là bộ sưu tập (733 tác phẩm) trước khi ra sàn đấu giá được trưng bày tại Đại Cung điện ở Paris, nơi đặc cách đón nhận những cuộc triển lãm siêu hạng. Khách đông, triển lãm hoạt động suốt đêm, cao điểm là từ 10 giờ sáng tới 20 giờ đêm. Muốn nắm thật chắc hồn cốt của từng hiện vật, khách phải đến thật sớm hay thật muộn. Sổ vàng lưu lại nhiều câu cảm tưởng nhớ đời, “đúng là một giấc mơ”, “quả là trăm năm mới có một lần”...

Điều đặc biệt thứ hai của cuộc bán đấu giá, nó phá vỡ nhiều kỷ lục cho một bộ sưu tập tư nhân và hé lộ đôi chuyện đáng suy ngẫm. Ngay buổi tối đầu tiên, sau 3 giờ đấu giá, hãng Christie’s đã thu về 206 triệu euros, vượt xa kỷ lục trước đó (163 triệu USD), mà bộ sưu tập Victor và Sally Ganz lập được ở New York năm 1997. Các tác phẩm bán được hầu hết đều đạt giá rất cao và cao hơn nhiều giá chào. Nức lòng nhất là trường hợp tác phẩm Hoa thủy tiên, thảm lót màu lơ và hồng, của Henri Matisse (1869-1954). Nó rời sàn thương lượng với 32 triệu euros, vượt xa giá dự kiến. Cái thần của Matisse nói chung và hoa thủy tiên nói riêng nằm ở chỗ con người cần một sự trầm tĩnh và thanh thản như một lẽ sống tự thân, như một âm điệu chủ đạo. Từ đó, công chúng có thể hiểu được “thất bại” của Picasso (1881-1973) khổng lồ tại cuộc đấu giá. Không phải cái gì của họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ cũng là hiển hách hay vô địch.

Điều đặc biệt thứ ba, sức sống vô giá của nghệ thuật đôi khi tiềm ẩn khó tin ở những nơi tưởng chừng xa lạ. Bộ sưu tập Saint Laurent Bergé thu về 373 triệu euros, cho nên, người ta đã gọi cuộc bán đấu giá nó là cuộc chuyển nhượng thế kỷ. Một lý do nữa để gọi như vậy, tranh chấp pháp lý liên quan đến 2 tác phẩm trong bộ sưu tập, hai tượng đồng, một là đầu chuột nhắt, một đầu thỏ. Hai bức tượng vốn được trang trí trong Cung điện nghỉ hè ở Bắc Kinh của vua Càn Long (1736-1795), Trung Quốc, và bị quân đội Anh Pháp cướp đoạt năm 1860, khi Cung điện bị đốt cháy nhân cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai. Mỗi đồ cổ quý hiếm ấy được rao giá 10 triệu euros, thực tế được bán 18 triệu. Khi biết Christie’s chuẩn bị bán chúng, một tổ chức bảo vệ tác phẩm nghệ thuật Trung Hoa ở châu Âu khởi kiện, yêu cầu ông Pierre Bergé hoàn trả chúng cho Trung Quốc. Song ngay tức khắc, cơ quan pháp luật Pháp hữu quan bác đơn kiện và chúng được đem bán bình thường. Một vài tổ chức ở CHND Trung Hoa quy kết việc bán chúng là phi pháp và tiếp tục nhờ pháp luật đòi chúng lại cho nước mình. Vụ bê bối pháp lý dù sao cũng không ảnh hưởng nhiều tới dư âm ấm lòng của cuộc bán đấu giá. Bộ sưu tập là kết quả sưu tầm của hai đại gia thời trang suốt hơn nửa thế kỷ. Nó thật sự phong phú và toàn diện, với đủ các loại hình nghệ thuật, từ tranh, tượng tới ghế bành đầu rồng, gương cổ, nhạc cụ, đồ kim hoàn, vật phẩm lát tường. Nó là sự đồng điệu hiếm thấy của hai tình yêu nghệ thuật sắc sảo và linh diệu, hai tình yêu tuồng như không tồn tại trong hai con người những tưởng chỉ gắn bó với tiền bạc. Nó cho thấy một sự tôn vinh nghệ thuật siêu phàm, trên nền tảng một say mê sáng suốt và một sự chia sẻ đến tận cùng. Với hai ông, nghệ thuật là giao cảm. Hai tâm hồn hòa chung làm một, giờ đây, một đã đi xa, người còn lại như bị mù lòa trước bấy nhiêu báu vật.

Van Gogh và số phận lạ đời của cái tai bị xẻo

Từ lâu, danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh (1853-1890) đã là của toàn nhân loại. Mọi chuyện về ông tưởng đã vĩnh viễn an bài. Ông có lẽ là họa sĩ khốn khổ nhất trong lịch sử hội họa, suốt đời sống dựa vào em ruột, cả đời chỉ bán được 1 bức tranh, ốm đau bệnh tật, sau cùng tự sát vì tưởng người em hắt hủi. Lý tưởng thẩm mỹ của ông là mang lại niềm vui cho mọi người lao động. Van Gogh kinh qua một bi kịch lớn: ông luôn luôn cảm thấy xa lạ với mọi người và bản thân, dù hết mực thương người và yêu cuộc sống. Đỉnh điểm của bi kịch ấy là kết cục bi thảm của tình bạn của ông với danh họa Pháp Paul Gauguin (1848-1904), với chuyện cái tai bị xẻo đọng lại trong lịch sử nghệ thuật như một mối buồn bí hiểm... Mãi năm 27 tuổi, nghe theo lời khuyên của em ruột Théo Van Gogh, ông mới đi vào hội họa. Sau tám năm tự học là chính, ông mong tìm được một môi trường đầy nắng như Nhật Bản, đất nước mặt trời mọc mà ông muốn tới sống nhưng không có điều kiện. Đó là vùng đồng bằng Arles của Cộng hòa Pháp. Tháng hai năm 1888, ông từ Paris chuyển xuống Arles với bao dự định tốt đẹp. Hơn 2 năm ở đây, ông vẽ được số tranh bằng 8 năm trước cộng lại. Trong đó, có những bức giá trị nhất, như các bức phong cảnh và hoa, đặc biệt hoa hướng dương, và các bức chân dung, nổi bật là Chân dung bác sĩ Gachet, kỷ lục thế giới về giá (82,5 triệu USD, New York, 1990) 10 năm liền. Chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa xã hội kiểu Fourrier, ông mơ ước xây dựng một cộng đồng nghệ sĩ “làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu”. Vốn mến tài và thấy Gauguin có nhiều nét tương đồng, ông viết thư mời Gauguin tới Arles, cùng ông mở một xưởng vẽ như vậy. Cuối năm ấy, Gauguin mới đến Arles với ông. Hai người tâm đầu ý hợp trong nhiều chuyện, nhưng bất hòa trong ý tưởng về “xưởng vẽ đại đồng”. Qua nhiều cuộc tranh luận, hai ông càng ngày càng không ai chịu ai. Chiều ngày 23-12-1888, cuộc tranh cãi mỗi lúc một nảy lửa, Van Gogh không kìm chế nổi, định “sát hại” Gauguin. Đến đêm, Van Gogh ân hận, tự xẻo một tai để trừng phạt mình. Gauguin bị cảnh sát bắt thẩm vấn, nhưng được tha ngay. Hai họa sĩ chia tay vĩnh viễn dù vẫn cảm phục nhau cho đến cuối đời. Chuyện lạ khó tin, Van Gogh không bao giờ hé môi về vụ xích mích và chuyện cái tai bị xẻo. Ngay với chú em thân thiết, ông cũng không hề đả động, dù hai anh em thường xuyên trao đổi thư từ, bộ thư gợi mở nhiều điều và được coi như một kiệt tác văn học. Tại Haiti sau đó, Gauguin thường vẽ hoa hướng dương, để khuây khỏa nỗi nhớ người bạn Hà Lan quá nồng nhiệt với cõi người.

Chuyện cái tai được Gauguin nói tới trong cuốn hồi ký của ông, Trước và sau, in năm 1903. Các nhà nghiên cứu và viết tiểu sử Van Gogh thường dựa vào cuốn hồi ký ấy khi đề cập đến “tai nạn bạn bè”, mối tình bằng hữu kỳ lạ hiếm gặp, của hai nghệ sĩ kiệt suất. Năm 2009, bỗng dưng hai giáo sư lịch sử hội họa người Đức, Rita Wildegans và Hans Kaufmann, tung ra cuốn Cái tai của Van Gogh, Paul Gauguin và thỏa ước im lặng, bác lại cách hiểu bấy nay về vụ lời qua tiếng lại của hai danh họa và khẳng định rằng Paul Gauguin đã cắt tai Van Gogh. Cố nhiên, sách của hai ông bán rất chạy. Theo cuốn sách, Gauguin là một tay kiếm giỏi. Ông đã dùng kiếm cắt tai Van Gogh, rồi vứt kiếm xuống sông Rhone. Không ít cây bình luận đã châm biếm việc nói lấy được. Trong khi nóng giận, Van Gogh không thể ngồi im để Gauguin xẻo tai mình. Còn Gauguin, tài đến mấy, khi vung kiếm cũng chạm vào chỗ nào đấy của Van Gogh. Có điều, ít lâu sau vụ việc, một đôi người chứng kiến đã kể lại chi tiết cho các nhà báo như được đề cập trong hơn một thế kỷ. Vả chăng, lối diễn giải quen thuộc phù hợp hơn với bản tính Van Gogh, vốn mộ đạo và nhân hậu hơn người. Là con một gia đình đông con, ông phải đi làm sớm, nhưng đổi việc xoành xoạch. Ông coi Chúa là kết tinh những gì tốt đẹp nhất của loài người, do đó, sùng đạo hơi kỳ cục. Chẳng hạn, ông đến sống với những người thợ mỏ khốn cùng nhất, thường nhịn ăn và chịu rét để làm gương. Ông định thành cha cố như cha ông. Nhưng tính khí lạ đời của ông khiến Giáo khu ông tới để nhận việc đã “thẳng thừng từ chối một cách lễ độ”. Bất luận số phận cuốn sách Cái tai của Van Gogh, Paul Gauguin và thỏa ước im lặng ra sao, nguyên việc ông cố tình ỉm chuyện buồn đó đã chứng tỏ tâm hồn cao thượng của ông. Ông muốn tránh cho Gaguin chuyện rắc rối và bảo toàn thanh danh cho bạn.

Một thi sĩ vô danh đang lay động mọi tấm lòng Nhật Bản

Một nghịch lý âm thầm tồn tại ở Nhật Bản đã từ lâu, nhưng giờ đây lay động mạnh mẽ không chỉ nhân dân Đất nước mặt trời mọc. Đó là sự đối lập giữa thế giới những người vô gia cư và thế giới của những ông chủ bà chủ thừa mứa bạc vàng. Những kẻ không chốn nương thân, người qua đường vẫn va chạm họ hàng ngày, song làm như không nhìn thấy họ. Trước họ, người ta cố tỏ ra dửng dưng, nhưng không giấu được vẻ băn khoăn khó xử. Bóng dáng lén lút, vụng trộm và khổ sở của họ chỗ nọ chỗ kia ở các nhà ga, bến tàu, khu chợ bất chợt gợi cho nhiều người nhớ lại rằng họ sống mòn thật vất vả. Sự cơ cực của họ đã là hoàn toàn trần trụi. Có điều, những người lang thang cơ nhỡ ấy không đi ăn xin, mà chấp nhận những việc làm nhỏ mọn để có được những đồ mà xã hội giàu sang bỏ đi. Xã hội tiêu dùng vô hạn độ đó không thèm biết đến họ, những người tứ cố vô thân của các thành phố lớn của Xứ sở hoa anh đào, còn họ, họ tận dụng chuyện bị lãng quên ấy để đỡ phần khốn khổ. Hai vũ trụ chung sống với nhau, nhưng vờ không nhìn mặt nhau. Chính vì vậy, một tiếng lòng cất lên từ vũ trụ những người ngoi ngóp trong sự phồn thịnh Nhật Bản càng thêm cảm động. Tiếng lòng ấy là điệu tâm hồn đặc sắc của một nhà thơ cố tình mai danh ẩn tích, trong bối cảnh ai trong giới nghệ sĩ và văn bút cũng muốn tên tuổi chói ngời ngay từ khi bàn chân chạm vào ngưỡng cửa ngôi nhà nghệ thuật.

Bao đời nay, nhân dân Nhật Bản lưu truyền một nét đẹp văn hóa độc nhất vô nhị, có thể coi là một thần kỳ. Ấy là các cuộc thi thơ, với các thể thơ truyền thống đã thành cổ điển. Trong thời đại của báo chí, các cuộc thi chỉ có ở đất nước mặt trời mọc ấy gia tăng giá trị và sức lôi cuốn. Các báo hàng ngày hầu hết đều dành một vị trí trang trọng cho chuyên mục thi thơ. Cộng tác đắc lực với mục này là một số độc giả ưu tú được một ban giám khảo tuyển lựa. Các độc giả đặc biệt đó sẽ sơ tuyển thơ dự thi thuộc địa bàn mình và gửi bài dự thi về tòa soạn. Việc chấm giải do công chúng thực hiện, căn cứ vào tác phẩm đăng đều đặn trên từng số báo. Thi thơ vì vậy như một phong trào quần chúng sâu rộng, gây men cho sáng tạo và cho thưởng thức muôn sợi tơ lòng. Cuộc thi năm nay có chuyện hiếm gặp. Một nhà thơ gửi thẳng thơ đến nhật báo Asachi chứ không thông qua “đại độc giả” khu vực. Ông cũng xin phép không dự thi như mọi người, mà đề nghị được góp một tiếng nói thôi. Ban biên tập Asachi vui vẻ chấp thuận, ngay sau khi tiếp nhận chùm thơ thứ nhất. Nhà thơ vẫn liên tục ký dưới các bài thơ của ông gửi tới là Koichi Koda, song khi in, Asachi vẫn ghi “khuyết danh” như thường. Những bài thơ ngắn gọn, câu chữ giản dị, phảng phất nhiều bài ca của nữ danh ca Pháp Juliette Greco, sinh năm 1927. Thực chất, phần lớn ca từ của bà là thơ của Jacques Prevert (1900-1977), nhà thơ Pháp hiện đại được hâm mộ hơn cả.

Bạn đọc ngỡ ngàng vì những chi tiết đời thường của những kiếp người sống bên lề xã hội, từ việc kiếm miếng ăn lầm lũi ban ngày cho tới khuya thì ngủ trong các thùng các tông rỗng ngay dưới chân những khách tàu điện ngầm chờ chuyến xe cuối cùng. Những bài thơ của Koichi Koda toát ra một âm điệu riêng da diết và ám ảnh. Từ những con chữ tưởng chừng đơn giản, vang lên những chiêm nghiệm và tâm sự phổ biến và thâm trầm không thể thờ ơ. Koichi Koda chọn lối thơ cổ waka, súc tích, đẹp cao ngạo, bâng khuâng buồn. Nhiều, rất nhiều độc giả gửi thư động viên và ca ngợi nhà thơ vô danh. Các chuyên gia văn học và xã hội học nghiên cứu tỉ mỉ thơ của Koichi Koda, và kết luận thi sĩ giấu tên có lẽ hiện sinh sống tại khu Kotobuchicho, ở thành phố cảng Yohokama, nơi rất sẵn những nhà trú tạm rẻ tiền và nhếch nhác, dành cho người làm công nhật. Chữ viết nắn nót, hồn thơ phảng phất tâm tình của Juliette Greco, nguyên hai chuyện này đã đủ để người ta nghĩ rằng Koichi Koda là người có học, và tuổi đã ngoài 70. Đáp lại sự đồng cảm đầy trân trọng và thân thương của bạn đọc xa gần, ông vừa ngỏ trên tờ Asachi lời tri ân kết thúc bằng câu: “Đọc các bài viết về tôi như thể về một người khác, tôi không sao cầm được nước mắt”. Tờ nhật báo đề nghị ông công khai danh tính, vì Koichi Koda dù sao vẫn là một tên bút, để bản báo có thể bù đắp về tài chính cho ông một phần. Ông trả lời ngay: “Tôi cảm kích trước tấm lòng của quý vị. Nhưng hiện thời, tôi không có can đảm tiếp xúc với quý vị, những ân nhân của tôi”. Cả Đất nước mặt trời mọc vẫn đang xúc động với một hồn thơ mới lạ và cao tầm. Lịch sử văn học Nhật Bản hẳn sẽ chép lại rằng đó là một nhà thơ vô danh thâm trầm, mở đầu TK XXI.

Nghịch lý vào đời bất ngờ của một ca sĩ tài năng

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, các liên hoan âm nhạc mùa hè châu Âu nói chung và của Cộng hòa Pháp nói riêng vẫn đến hẹn lại lên, thậm chí còn hoành tráng hơn những năm trước. Kỳ gặp gỡ năm nay, bắt đầu từ trung tuần tháng tư, nổi cộm một vụ bê bối hy hữu: đó là việc ca sĩ Pháp mới toanh Orelsan 26 tuổi được mời tham gia tất cả các ngày hội ca nhạc tại lục địa già, song anh bị lên án kích động bạo lực, nên đã bị loại khỏi cuộc chơi ở một số liên hoan. Đầu năm 2009, anh ra album đầu tay Chưa chi đã hỏng tạo nên một cơn sốt dữ dội. Chưa chi đã hỏng có vẻ một tự truyện và cho thấy, đàng sau vẻ ngoài u ám của cuộc sống một cá nhân là cả một xã hội và một lớp trẻ tự mổ xẻ với không ít những bức xúc đã tới hồi báo động. Đĩa nhạc của Orelsan vì vậy đậm đặc đến kinh ngạc chất nghệ thuật và chất trải đời. Orelsan nghiễm nhiên được xưng tụng là một tiếng lòng thứ thiệt, một tài năng ca nhạc không thể chối cãi vốn không dễ có trong thời buổi nhiều nhiễu nhương và quá vụ lợi hôm nay. Song thật bất ngờ, từ giữa tháng ba, bỗng rộ lên những lời chỉ trích mỗi lúc một gay gắt nhằm vào chàng ca sĩ vụt một cái sừng sững ở tốp đầu. Tham gia chiến dịch tẩy chay và vô hiệu hóa anh có một bộ phận công chúng, giới làm nhạc, nghệ sĩ và các nhà chính trị. Có người còn kiện anh ra tòa. Những la ó đều xoay quanh một ca khúc của anh, Con điếm nhơ bẩn, lời một người đàn ông căm giận bạn tình không chung thủy, và đe dọa trừng phạt cô, sao cho cô ê chề cả thể xác lẫn tinh thần. Kẻ bị phụ tình có vẻ khoái trá với những trò hành hạ thể xác cô.

Qua một tuổi thơ êm đềm một thị trấn nhỏ hẻo lánh, Orelsan học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh. Song anh cứ cảm thấy mình giả dối mỗi khi dự phỏng vấn tìm việc. Cực đoan thái quá, anh không chịu nổi những kiểu đóng kịch đầy rẫy trong đời sống thường nhật, mà những cuộc phỏng vấn tuyển người là một dạng khiến anh thấy như bị tổn thương. Thực chất, niềm đam mê âm nhạc đã vô tình giữ anh lừng chừng mãi, giữa các ngả đời. Thế là để tự lập, anh làm thuê đủ việc để kiếm sống. Được thầy giáo và bạn bè khích lệ, anh cẩn trọng sáng tác từng ca khúc nhạc rap, thể loại anh yêu thích, rồi tung lên mạng. Tên anh bắt đầu được giới trẻ truyền tụng đầy ngưỡng vọng. Đa phần công chúng thích anh, vì anh nhìn thẳng vào những vấn đề nhức nhối của xã hội, cũng tức những trăn trở của họ. Ví dụ, do tôn thờ đồng tiền, người ta dung tục hóa những quan hệ vốn dĩ thanh cao, dung tục hóa những rung động yêu đương vốn cần trong sáng và thiên thần, sự dung tục hóa xúc phạm nhiều tới nhân phẩm của phụ nữ và của những người thấp cổ bé họng. Bài Con điếm nhơ bẩn gây sốc, nhưng dụng ý là nhân bản: sự trung thành không chỉ trong tình yêu phải là một nền tảng của nhân cách. Orelsan đã xin lỗi những người chưa hiểu nó, đã bóc nó khỏi các trang mạng, hứa không đưa nó vào bất kỳ album và chương trình biểu diễn nào. Giờ đây, vị thế của anh đã được khẳng định. Vị thế của một nghệ sĩ lớn đích thực, cá tính mạnh, kết tinh những “cơn địa chấn tâm hồn” đang được cộng hưởng. Trường hợp của anh cho thấy việc gia nhập vũ trụ nghệ thuật quả muôn hình ngàn vẻ, và vì vậy, nghệ thuật luôn luôn gây bất ngờ, văn chương muôn đời tươi trẻ.

(Tổng hợp từ tư liệu nước ngoài)

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 309, tháng 3-2010

Tác giả : Nhật Thảo Quân

;