NGHỀ DỆT THỔ CẨM Ở LÀNG CỔ TRIỀU KHÚC

Thông thường, đất dụng võ của nghề dệt thổ cẩm phải là trên miền núi, nhưng ở ngoại ô phía Tây Nam thành phố Hà Nội, nghề dệt thổ cẩm của làng cổ Triều Khúc đã có một thời nổi tiếng. Nghề này do nghệ nhân Nguyễn Hữu Dị (còn có tên gọi là cụ Bá Dùng hoặc cụ Hàn Dùng) khởi xướng.

        Từ thủ đô Hà Nội, đi theo quốc lộ 6 hướng vào Hà Đông, tới km số 9, rẽ trái là đến làng Triều Khúc. Đây là một ngôi làng cổ tọa lạc trên vùng đất được tụ khí bởi phía đông bắc là sông Tô Lịch, phía tây và tây nam có sông Nhuệ, tạo nên thế đắc địa cho việc bố phòng quân sự trong lịch sử chống ngoại xâm, cũng là nơi hưng vượng cho kinh tế, địa hình thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán của dân làng với bên ngoài. Ngoài việc tinh thông nghề nông, Triều Khúc còn sớm nổi tiếng về các nghề thủ công mỹ nghệ từ cuối thời Lê Trung Hưng, như nghề làm chân chỉ hạt bột, nghề dệt khăn mặt, nghề dệt dây giầy, bấc đèn và đặc sắc nhất là nghề dệt thổ cẩm...

Vào khoảng năm 1937, nghệ nhân Nguyễn Hữu Dị đã có một tác phẩm thủ công mỹ nghệ khá ấn tượng để tham dự cuộc đấu xảo của toàn tỉnh Hà Đông. Tác phẩm là bức hoành phi có 4 chữ nổi Hà Đông Thi Ngô. Bức đại tự này được gắn kết chỉ bằng các hạt ngô nhiều màu sắc, trắng, vàng, tím... Cũng ở triển lãm lần ấy, cụ còn trưng bày một bức tranh khác cũng rất đặc sắc làm khách trong nước và nhất là khách nước ngoài trầm trồ thán phục. Chủ đề chính của bức tranh diễn tả một nông dân đang cày ruộng, bút pháp thể hiện giản dị theo lối đồng hiện, chất liệu tạo hình độc đáo: các hạt thóc vàng, hạt đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ,... được gắn kết lại bằng keo để tạo thành bức tranh màu đẹp mắt, mang đậm tư duy của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Trong một lần tham dự đấu xảo khác, cụ lại làm cho vị thống sứ người Pháp và các quan khách đến xem phải ngỡ ngàng thán phục với tác phẩm một con hạc thờ cao hơn ba mét, sải cánh tới bốn mét, cốt hạc đan toàn bằng song, mây và tre ngâm, lông hạc gắn bằng tơ tằm nõn nguyên khai màu vàng và trắng, mắt gắn bằng hạt ngô và đậu đen, mỏ được làm từ hạt đậu tương, còn chân hạc có vảy được kết bằng hạt thóc vàng. Lần triển lãm đó, với các tác phẩm kể trên, cụ đã được phong Hàn lâm - Bá hộ hàm Bát phẩm và được nhà nước Nam triều tặng thưởng huy chương Nam Long Bội Tinh. Sau đó, nhiều sản phẩm khác của cụ được khách quốc tế đánh giá cao về sự tinh xảo và độc đáo, như một đại diện đỉnh cao của thủ công mỹ nghệ An Nam khi tham dự các cuộc trưng bày triển lãm lớn ở tỉnh Marseille, Pháp. Cụ Dị còn được Tổng đốc Hà Đông là ông Võ Hiển Hoàng Trọng Phu (một viên quan triều Nguyễn có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng nghề thủ công mỹ nghệ cho người dân tỉnh Hà Đông) biểu dương và cử đi tham quan nước Cao Miên (Campuchia ngày nay).

Trong chuyến xuất ngoại này, ngoài vài món đồ mang về làm kỷ niệm như bức tượng Phật bằng đồng hun, chiếc đồng hồ quả lắc có khắc hình con ngựa, vài bức tranh thêu phong cảnh, cụ còn mang về một tấm khăn phủ bàn có chất liệu đặc biệt, gọi là gấm Cao Miên. Chiếc khăn này được dệt toàn bằng tơ tằm, các họa tiết hài hòa, màu sắc rực rỡ và vui mắt. Với sự nhạy bén của người thợ, lại là người giỏi và thuộc các nguyên lý của ngành dệt nên cụ đã rất thú vị và tâm đắc, vì đây là mặt hàng mới và kỹ thuật dệt tinh xảo, giàu tính chất trang trí.

Với quyết tâm cao, cụ Dị và con cháu trong phường thợ của mình đã ròng rã trên ba tháng trời mày mò để tìm bằng được ra cách dệt, sao cho hoa văn nổi hẳn trên mặt vải và sống động như nguyên mẫu. Tấm khăn rộng tới 1,2m nên bàn dệt phải rộng gấp đôi khung dệt truyền thống. Phải có tới 8 lá go để cải hoa, 2 lá go làm nền lóng mốt, 2 lá go để dệt mép khăn. Tổng cộng phải có 12 lá go. Bên dưới khung dệt là một hàng 12 chân guốc, trên khung lại có tới sáu con lăn. Tất cả những cơ cấu này dùng để nhấc go, mở miếng và lao thoi. Lại phải có 2 trục: trục bông để nổi hoa và trục dịp để dệt nền. Đã thế, thao tác dệt lại phải có hai người ngồi để cùng phối hợp dận guốc, đuôn thoi và dập cữ. Sau nhiều lần thử đi thử lại, cụ mới thành công. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Dị đã khai mở thêm một nghề mới, một sản phẩm mới cho xóm làng, cho địa phương của mình.

Sản phẩm này được gọi là thổ cẩm (gấm của người dân tộc). Loại hàng vải thổ cẩm của làng Triều Khúc đã lập tức được thị trường đón nhận và ưa chuộng. Đây là mặt hàng mới, khó dệt, rất cầu kỳ và khó bắt chước. Các đơn đặt hàng từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn lục tỉnh... tới tấp bay về nhà cụ. Cụ nới rộng xưởng, dựng thêm khung dệt, tăng thêm thợ, cả làng ai cũng có công ăn việc làm, đời sống do đó được cải thiện rõ rệt. Trong làng hiện còn một số cụ cao niên, hồi đó là thợ trẻ, nay cũng đã trọng tuổi, trong những lần gặp gỡ, ôn lại chuyện xưa, các cụ vẫn luôn nhắc nhớ về những ngày dệt thổ cẩm và công lao của cụ Dị. Hàng thổ cẩm của cụ đã phát triển đa dạng về mẫu mã, màu sắc và hoa văn với nhiều công năng sử dụng: loại thì dùng để phủ bàn, phủ giường, bọc ghế salon, cái thì dùng như tấm tranh lồng khung kính để trang trí trong nhà...

Nghề dệt thổ cẩm đang lúc phát đạt thì kinh tế, xã hội Việt Nam thuộc địa cũng bị ảnh hưởng mạnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế do cuộc chiến tranh thế giới thứ II (1939 - 1945). Kinh tế thuộc địa lúc ấy gần như kiệt quệ, phường th dệt thổ cẩm của làng tứ tán, người bị bắt lính sang Pháp, người theo Cách mạng... Sau ngày hòa bình lập lại, khoảng năm 1956 - 1957, có một số cán bộ của Cục Quân nhu về làng tìm cụ để nghiên cứu cách dệt quân hàm, cầu vai, huân chương cho Bộ Quốc phòng. Lúc đó, Việt Nam chưa nhập được kim tuyến, ngân tuyến như bây giờ. Yêu cầu thì rất cao, quân hàm dệt bằng chất liệu tơ hóa học (tơ raione), nhưng phải lấp lánh và đặc biệt không được phai màu! Cụ Dị và các con như ông cả Dùng, bà Dằng, ông Phán, bà Phàn, lại miệt mài nghiên cứu, người tìm cách dệt, người lo tìm thợ đóng khung cửi, xe tơ làm thử. Cuối cùng thì các mẫu sản phẩm dệt phục vụ quân trang đã thành công. Cụ và dân làng đã dệt được cầu vai sĩ quan, cầu vai và nẹp quần cấp tướng, rồi các loại huân, huy chương, tết quai mũ kép, gù vai kép... Cả làng đóng khung, quấn trục quay tơ để dệt quân hàm nhưng riêng việc nhuộm màu tơ thì chỉ có gia đình cụ Dị làm được bởi đây là công việc khó, phải nắm được cách pha chế màu nhuộm phức tạp và công phu để làm sao tơ nhuộm phải óng ả, thắm màu nhưng bền màu. Dân làng tín nhiệm dùng tơ của gia đình cụ và chỉ nhận về phần gia công dệt.

Khoảng những năm 1960, trường Trung cấp mỹ nghệ (nay là trường đại học Mỹ thuật công nghiệp) về Triều Khúc tìm nghệ nhân để giúp trường mở khoa đào tạo và nghiên cứu dệt thổ cẩm. Trong làng lúc ấy có nghệ nhân Nguyễn Duy Từng, còn gọi là Bằng Từng - người thợ dệt tài hoa đã dệt thành công băng vải vòng tròn để cuốn thuốc cho nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Hà Nội. Sau đó, đã có nhiều nghệ nhân của làng được chọn về làm việc tại trường, tham gia dạy truyền nghề cho sinh viên và trực tiếp sản xuất ra nhiều sản phẩm có trị thẩm mỹ cao nổi tiếng trong và ngoài nước, như các nghệ nhân: Bằng Từng, Nguyễn Hữu Úc, Đỗ Đình Được và Vũ Nguyệt Nga,... Các nghệ nhân này đã từng được nước bạn Lào tín nhiệm mời sang làm chuyên gia để dạy nghề dệt tại Viên Chăn. Tuy vẫn dệt bằng phương pháp thủ công nhưng cũng đã có cải tiến nhanh hơn nhiều so với cách dệt tay thoi truyền thống Lào. Nghệ nhân Vũ Nguyệt Nga có nhiều sản phẩm độc đáo như: khăn đa màu, khăn đơn sắc, tranh thổ cẩm về phong cảnh đất nước, chân dung lãnh tụ,... được dệt theo phương pháp thoi luồn truyền thống và dệt máy hiện đại. Các sản phẩm của bà từng được chọn mang tới triển lãm quốc tế Thế vận hội Olympic Matxcơva 1980. Đa số các nghệ nhân của làng nay đã trọng tuổi, tuy vẫn giữ được nhiều bộ catalogue về thổ cẩm đẹp và quý giá nhưng lâu nay, không còn ai tiếp tục làm nghề. Cánh thợ trẻ của làng thì hầu như bỏ nghề để theo những việc kinh doanh có thu nhập cao hơn. Trong làng, hiện nay chỉ có một, hai gia đình là còn giữ nghề như gia đình ông Được,... Ông Được nay đã ngoài 70 tuổi, là người đã nghiên cứu thành công kỹ thuật dệt thổ cẩm bằng máy Giắc-ca (phiên âm từ Jacquard, tên của ông kỹ sư người Pháp sáng chế ra máy). Loại máy này bên trên có những tấm các-tông đục lỗ và bộ kim go hoạt động, giống như máy tính lập trình, dùng để cải hoa. Máy vận hành bằng bánh đà tròn và chạy bằng động cơ điện nên sản phẩm làm ra rất nhanh, hoa văn, màu sắc phong phú, giá cả lại khá hấp dẫn.

Nghề dệt thổ cẩm làng Triều Khúc xuất phát từ mục đích phục vụ cho nhu cầu sử dụng, nhưng lại có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình bởi tính chất trang trí của nó. Tơ tằm để nguyên khai thì óng vàng, óng trắng, chỉ khi nhuộm mới có màu. Triều Khúc có bí quyết nổi tiếng về kỹ thuật nhuộm màu tơ bằng cách thức thủ công, sợi tơ dệt thắm sắc nhưng không bị phai màu. Về màu sắc thường là ngũ sắc, mang đậm yếu tố phương Đông như: xanh lục, vàng óng, đỏ tươi, đỏ điều, trắng, tạo sự rực rỡ, chói chang nhưng đằm thắm trên một tổng thể chung nhất. Bên cạnh đó, vải dệt trên nền đen, nền chàm cho ta thấy trình độ phối sắc tới độ nhuần nhuyễn, hài hòa. Các đồ án hoa văn trang trí trên thổ cẩm làng Triều Khúc là kho tàng tư liệu về vốn cổ của dân tộc, những hoa văn này được cách điệu từ hình ảnh gắn với cuộc sống thường ngày của cư dân vùng văn hóa ngoại thành Thăng Long xưa, khác nhiều so với thổ cẩm vùng miền núi. Các họa tiết này như là một ngôn ngữ hình ảnh đặc trưng của người dân Triều Khúc, kể tả lại nhiều câu chuyện về thiên nhiên, xã hội, là tiếng nói của tâm hồn, là ý niệm cuộc sống của người dân trước việc ứng xử với cái đẹp như: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cây cối, nhà cửa, con người và những linh vật...

Nghề dệt thổ cẩm Triều Khúc là gạch nối dân gian giữa giá trị thực dụng và giá trí nghệ thuật một cách vô thức nhưng nó phản ánh được một phần tính cách dân tộc theo lát cắt ngang của lịch sử văn hóa. Kho tàng vô giá của nghệ thuật trang trí dân gian nằm trong những miếng thổ cẩm chứa vô vàn các họa tiết hoa văn được cách điệu từ hình ảnh sinh động của cuộc sống người dân Việt, mang đậm tư duy của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Hoa văn trên mỗi mảnh thổ cẩm ẩn chứa những ngôn ngữ hình ảnh, lặng lẽ kể cho những thế hệ hôm nay và ngày mai của người Việt Nam về những câu chuyện văn hóa, xã hội của người Việt xưa, những “muối mặn gừng cay” để tồn tại nghề dệt thổ cẩm trong thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Hôm nay, khi nhìn lại “vốn liếng” về nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng, người khai sáng nghề này - cụ Nguyễn Hữu Dị được nhà nước phong nghệ nhân từ những năm 1960, nhưng đã thành người thiên cổ! Bà Nguyễn Thị Dằng, con gái cụ, được phong danh hiệu nghệ nhân và là người cuối cùng biết làm nón thúng quai thao, cũng đã mất năm 2004. Hy vọng về sự tiếp truyền của nghề dệt thổ cẩm truyền thống hiện nay ở làng Triều Khúc chỉ còn ông Nguyễn Hữu Quy (chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thủ công của làng) là hậu duệ đích tôn của cụ Dị và một vài nghệ nhân khác là những người vẫn đang cố công gìn giữ sự tinh hoa của nghề thổ cẩm trong bối cảnh ào ạt “cơn bão” hàng ngoại nhập .

       Làng cổ và nghề dệt thổ cẩm Triều Khúc với các sản phẩm hiện đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: vải, khăn, áo váy, cạp áo, cạp váy, những chi tiết dùng trong trang trí nội thất,... đang mang lại nguồn lợi nhuận lớn trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Mặt khác, một điểm hoạt động văn hóa làng nghề nằm ngay trong lòng Hà Nội như vậy sẽ thu hút, hấp dẫn đối với du khách quốc tế đến tham quan và mua sản phẩm; đây là cách quảng bá văn hóa truyền thống Việt một cách thực tế và sâu sắc. Bên cạnh đó, sự hưng thịnh của một nghề truyền thống ở làng cổ Triều Khúc có thể được coi như một bảo tàng “sống” của đất Thăng Long ngàn năm văn vật, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống cho thanh thiếu niên hiện nay đang có xu hướng chạy theo những yếu tố văn hóa ngoại lai, xa lạ. Với chính sách của Nhà nước về bảo tồn, quy hoạch và phát triển các làng nghề truyền thống, việc bảo tồn và làm hưng thịnh lại nghề dệt thổ cẩm ở làng cổ Triều Khúc là một vấn đề cấp thiết, cần được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành hữu quan.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012

Tác giả : Triệu Thế Hùng

;