MỸ THUẬT VỀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Nhân kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng cục chính trị, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đã phối hợp tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT & CTCM) tại Hà Nội (từ ngày 24-4 dến ngày 8-5-2011). Đây cũng là lần đầu tiên, một triển lãm chuyên đề như vậy được các bên cùng tổ chức và đã nhận được sự tham gia tích cực của đông đảo thành viên câu lạc bộ sáng tác đề tài LLVT & CTCM.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về cuộc chiến hào hùng vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm và hiện rõ trên từng tác phẩm của các họa sĩ. Tác phẩm sơn dầu Tháng 2 năm 1947 của Lê Đức Biết diễn tả cuộc chia tay của những chàng trai chiến sĩ của trung đoàn thủ đô lên chiến khu kháng chiến. Họa sĩ Cao Ban Ban đưa người xem đến với không khí sôi nổi hân hoan của bà con đân tộc Tây Bắc mừng bộ đội vào chiến dịch (tiêu đề bức tranh) bằng nghệ thuật sơn mài truyền thống. Hình tượng cánh tay thẳng tiến của người lính xe tăng bên bà má miền Nam làm điểm tựa cùng o du kích trên nền tàu lá chuối mang tính ước lệ của sự đùm bọc chở che, hiệp đồng chiến đấu là ý tưởng tác phẩm Ngày chiến thắng của Lê Trí Dũng. Những trận chiến lịch sử Đánh chiếm thành cổ (sơn dầu) của Phạm Phú Uynh, Hà Nội 12 ngày đêm của Nguyễn Thị Thanh Hải, Hà Nội mùa đông năm 1946 của Bằng Lâm, Trước giờ hành quân của Đỗ Thị Ninh, Hành quân ra vùng đất chết của Mai San cùng đề tài vượt trọng điểm (tiêu đề bức tranh) của Trần Minh Hân, Vượt cầu của Mai Đại Lưu là những bản hùng ca cách mạng bằng hình tượng, ngôn ngữ, màu sắc chọn lọc của các tác giả.

Đặc biệt, đề tài lãnh tụ được tác giả Trần Đốc thể hiện đầy cảm xúc qua bức Hồ Chí Minh và các vì sao trên chất liệu sơn mài khổ lớn. Tranh cổ động Bác Hồ người cha thân yêu của Vũ Huyên và tranh sơn dầu Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ đã thể hiện niềm kính yêu vị lãnh tụ cách mạng và nhà chỉ huy đại tài của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Trong chiến tranh không tránh khỏi những hy sinh tổn thất, Đoàn Hồng đã diễn tả người mẹ nén nỗi đau thương mất mát trong tranh sơn dầu Ngày giỗ của con. Những hình ảnh trên bàn thờ anh của Văn Chiến cùng với Tội ác da cam của Bùi Thanh Tùng và Chất độc màu da cam của Nguyễn Tất Lập (hai tác giả trẻ) đã thực sự gây xúc động cho người xem. Khán giả cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm muốn gửi tới những người đang sống hãy làm hết sức mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp, xứng đáng với vong linh của người đã khuất.

Đề tài người chiến sĩ hôm nay trong học tập, rèn luyện sẵn sàng bảo vệ biên cương tổ quốc được phản ánh đa dạng và phong phú. Họa sĩ quân đội Trịnh Bá Quát thể hiện hình tượng người chiến sĩ đặc công qua ánh mắt đầy ý chí quyết tâm trong những nhiệm vụ đặc biệt: tập luyện võ thuật, gỡ mìn, vượt rào được diễn tả đồng hiện trong tác phẩm khắc gỗ đen trắng gây ấn tượng mạnh mẽ. Tình cá nước giữa quân và dân trong bức Bộ đội giúp dân làm lúa nước của Phạm Ngô Vượng, Bộ đội dân quân biên phòng, sơn khắc, của Vũ Tư Khang. Họa sĩ Trần Nguyên Hiếu lại diễn tả niềm hạnh phúc của trẻ thơ miền núi chơi đùa, phía xa là cột mốc biên giới tổ quốc, đã mang lại niềm vui đầy ý nghĩa cho người xem. Những hình ảnh thường nhật của các chiến sĩ được họa sĩ Dân Quốc thể hiện qua tranh bột màu theo lối trực họa Nữ quân y biên phòng Quảng TrịPhút nghỉ ngơi. Ngắm ai mà thần người ra thế, tranh sơn dầu của Nguyễn Văn Chiến là một hình ảnh dí dỏm diễn tả tình cảm cô gái dân tộc với anh chiến sĩ biên phòng. Nguyễn Chính lại khai thác vẻ đẹp hồn nhiên khỏe mạnh của các cô dân quân miền núi qua chuyến đi thực tế trên chốt biên giới Sơn La cuối tháng 3-2011 vừa qua. Nhịp sống biển đảo Bạch Long Vĩ của nữ họa sĩ Trần Tuyết Nga lại đưa người xem đến vẻ đẹp hùng vĩ nơi biển đảo tiền tiêu của tổ quốc. Đề tài người lính tưởng chừng như khô khan nhưng tại triển lãm, người xem còn được thấy vẻ đẹp lãng mạn cách mạng đầy chất thơ qua tác phẩm Hoa ban Tây Bắc của Đoàn Văn Thân, Khúc hành quân của Nguyễn Khánh Hùng, Tuần tra đêm của Kim Tiến, Xuống bản của Hoàng Anh hay Xưởng đóng tàu Hồng Hà của Bùi Anh Hùng.

Những tác phẩm điêu khắc trong triển lãm còn khá khiêm tốn nhưng đã để lại ít nhiều ấn tượng cho người xem. Kình ngư được Nguyễn Phúc Tùng thể hiện với hình khối chắt lọc khỏe khoắn bằng chất liệu compozit. Nguyễn Quốc Hưng lại khai thác chủ đề Thiếu nữ Trường Sơn, Đợi ngày chiến thắngGiây phút hòa bình...

Tại triển lãm, các họa sĩ và nhà điêu khắc đã giới thiệu nhiều chất liệu hội họa phong phú như: sơn mài truyền thống, sơn khắc, sơn dầu, lụa, acrylic, bột màu, khắc gỗ cũng như compozit, nhựa và thạch cao cho điêu khắc. Có thể thấy phong cách thể hiện đa dạng, phong phú, có nhiều tìm tòi mới như tác giả Trần Đốc với sơn mài, Trịnh Bá Quát với khắc gỗ, Lê Trí Dũng và tác giả trẻ Dương Ngọc Hà với sơn dầu. Nhiều tác phẩm có giá trị xứng đáng về nội dung và nghệ thuật, nếu được treo trang trọng ở các phòng khách của các quân đoàn, binh đoàn và các đơn vị hẳn sẽ khơi dậy niềm tự hào truyền thống, đồng thời tạo một vẻ đẹp sang trọng, thay vì treo những bức tranh sơn mài hàng chợ ít tính nghệ thuật.

49 tác phẩm của 41 tác giả cùng nhau hội tụ ở triển lãm là tấm lòng tâm huyết dành tôn vinh cuộc chiến tranh giữ nước và tấm lòng quý mến và tri ân người chiến sĩ lực lượng vũ trang. Họ, các tác giả, thực sự là người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa như lời Hồ Chủ tịch từng nói, và họ đã sáng tác từ ý thức trách nhiệm của người công dân với tổ quốc. Điều đáng quý và trân trọng hơn là trong hoàn cảnh cơ chế thị trường, đời sống của nghệ sĩ chưa phải dư dật, nhưng họ vẫn đam mê trăn trở suy nghĩ tìm tòi để sáng tác, không tính đến lợi nhuận, bởi những sáng tạo của họ gần như không có đầu ra. Sau triển lãm, tác phẩm lại trở về kho tranh của từng tác giả.

        Trong ngày cuối cùng của triển lãm, một cuộc tọa đàm về mỹ thuật với đề tài LLVT & CTCM đã được tổ chức. Nhiều nghệ sĩ nhân dịp này đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được gắn bó với đề tài này và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng tác phẩm đồng thời quảng bá rộng rãi hơn nữa về các triển lãm theo đề tài này từ nay trở về sau. Ban chủ nhiệm LCB sáng tác về LLVT & CTCM của Hội Mỹ thuật Việt Nam sẵn sàng kết nạp các thành viên chưa phải là hội viên của Hội, cũng như phối kết hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam để triển lãm này sẽ được tổ chức đều đặn hàng năm vào dịp 30-4. Hy vọng, đây sẽ là một hoạt động nghệ thuật không chỉ giàu ý nghĩa chính trị xã hội mà còn thực sự giàu chất lượng nghệ thuật, góp phần giáo dục và định hướng thẩm mỹ cho công chúng thế hệ mai sau.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Anh Nguyễn

;