Một số nhạc khí dân gian Thái, Mường vùng Tây Bắc Việt Nam

     Cảnh quan địa lý Tây Bắc gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và một phần miền núi Thanh Hóa, Nghệ An. Phía Tây giáp nước Lào, phía Bắc phân giới với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, phía Đông là sông Hồng, lằn ranh tự nhiên giữa Tây Bắc và Đông Bắc. Từ cội nguồn lịch sử, toàn bộ Tây Bắc trở thành vùng cộng cư sinh thái 2 tộc người chủ thể Thái và Mường tạo nên quá trình sống đan xen nổi bật qua quan hệ tiếp biến văn hóa với nhiều hình thức sinh hoạt dân gian đặc sắc, nổi bật nhất là hệ thống nhạc khí độc đáo cùng các làn điệu dân ca, múa do cộng đồng Thái, Mường sáng tạo nên, góp phần định dạng các loại hình nghệ thuật đa dạng cần được bảo lưu, trao truyền cho thế hệ mai sau.

     Những nhạc khí hơi dân gian Thái

     Là một trong 2 tộc chủ thể vùng Tây Bắc, người Thái tạo nên các hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian phong phú, độc đáo, đồng thời lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng tộc người khác. Hệ thống nhạc khí Thái đa dạng về kiểu, loại, điển hình nhạc khí tộc người vùng Tây Bắc. Cách chế tác, cấu tạo nhạc khí của người Thái hình thành theo quá trình chung sống, biến đổi văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật dân gian.

     Một số loại nhạc khí hơi điển hình

     Pí thiu: trong một số cộng đồng Thái địa phương, pí thiu có tên gọi khác: pí Khúi, loại nhạc khí hơi tương đối phổ biến được trai gái Thái yêu thích khi diễn tả tâm trạng, tình cảm con người, tiếng pí thiu là âm thanh thủ thỉ, tâm tình, giao duyên. Mục đích diễn tấu pí thiu dùng khi gọi bạn tình, do đó âm sắc pí thiu nghe mềm mại, ấm áp, nỉ non, gợi tả rõ ràng sắc thái tình cảm, phù hợp với đường nét giai điệu có độ luyến liên tục từ trên xuống và ngược lại. Những làn điệu dân ca Thái được pí thiu sử dụng tạo nên âm hưởng đặc trưng, nghe vừa gần gũi, vừa ý tứ xa xôi, giúp cho trai gái bày tỏ tình cảm tương đối tinh tế, dễ dàng. Tiếng pí thiu tạo nên những cơ hội để mọi người chia sẻ, hiểu được lòng nhau trong những đêm trăng thanh, gió mát.

     Cấu tạo pí thiu làm từ thân cây nứa nếp nhỏ, có độ dẻo dễ uốn, chế tác. Pí thiu tùy từng nơi chế tác có độ dài từ 70 - 100cm, đường kính thân không quá 1,5cm. Trong dân gian Thái, thân pí thiu có 4 lỗ bấm thẳng hàng. Lỗ thứ nhất cách mấu thổi 34cm, các lỗ còn lại lần lượt cách đều nhau 6cm. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, với cách chế tác thủ công nên vị trí cao độ của pí thiu không theo chuẩn âm thanh mẫu/diapason. Hiệu quả âm thanh thực của pí thiu phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng cảm thụ âm nhạc của người thổi.

     Pí tam lay: là nhạc cụ của người Thái sáng tạo nên, trước đây pí tam lay chủ yếu được trẻ chăn trâu hoặc trai bản thổi một mình khi canh lúa ngoài ruộng, nương. Ngày nay pí tam lay bắt đầu xuất hiện trong các hình thức sinh hoạt hàng ngày, phổ biến nhất là thổi pí tam lay khi làm ruộng, nương.

     Như tên gọi, pí tam lay được ghép từ 3 (tam) ống nứa tép nối lồng vào nhau, có chiều dài từ 70- 90cm. Tại một số nơi, người Thái dùng ống khuếch âm (như gáo tre) tạo âm thanh vang to. Khi diễn tấu, pí tam lay đặt dọc, hướng 1 đầu cộng hưởng xuống phía dưới, vận hơi thổi để lưỡi gà rung lên kết hợp với ngón tay bấm kín hoặc mở ở các lỗ để hơi thoát ra tạo các cao độ âm thanh. Tương tự như pí thiu, kỹ thuật rung, luyến, vuốt, láy rất đặc trưng tạo nên đường nét giai điệu uyển chuyển lên bổng, xuống trầm. Đặc điểm quan trọng nhất của pí tam lay là có những nốt ở độ trầm bất ngờ, kết quả của cấu tạo từ ống cộng hưởng đem lại, do đó màu sắc âm thanh pí tam lay khó đoán trước, luôn gây những màu sắc khác lạ như đang trên cao, đột ngột có âm trầm dưới thấp, hoặc từ dưới thấp đột ngột chuyển sang âm cao. Âm sắc ấm áp, có độ rè đặc trưng, khi nghe pí tam lay diễn tấu có cảm giác như có 2, 3 loại pí/sáo khác nhau đang thổi. Ở mức độ diễn tấu tương đối điêu luyện, người Thái thường dùng bắp chân chặn hoặc mở đầu ống cộng hưởng khi thổi ở những âm thấp, trầm để tạo những biến đổi về sắc thái giai điệu.

     Pí lao luông: còn gọi là pí một lao, loại sáo phổ biến trong cộng đồng người Thái ở Sơn La, tuy vậy pí lao luông được các tộc người cùng cộng cư xen kẽ với người Thái như Kháng, Khơ Mú, La ha sử dụng. Cấu tạo pí Lao Luông từ thân cây nứa tép, đường kính khoảng 1,5cm. Đầu phia thổi hơi thường sử dụng phần mấu tự nhiên trên cây nứa tạo độ kín không để hơi thoát ra ngoài. Chiều dài toàn bộ thân pí lao luông từ 70cm - 80cm, sát mấu được khoét 1 lỗ hình chữ nhật, cạnh dài khoảng 1,8 - 2cm (dọc theo thân ống), cạnh rộng từ 0,5- 0,7cm (ngang thân ống), đặt trong đó một chiếc lưỡi gà hình tam giác cân bằng đồng, có đường cắt nhỏ giữa 2 cạnh lưỡi gà (không cắt rời). Diễn tấu pí lao luông theo vị trí giữa kiểu dọc và ngang, trong thực tế người Thái áp chặt môi vào lỗ có lưỡi gà, để toàn bộ pí lao luông sang phía bên phải, đuôi Pí hạ thấp xuống phía dưới, đây là vị trí chéo nghiêng. Để tiếng pí lao luông phát âm thanh liên tục, yêu cầu kỹ thuật truyền hơi của người thổi tương đối điêu luyện nhằm âm thanh pí không bị gian đoạn hoặc dứt hơi. Âm rè của pí lao luông nghe gợi cảm, lúc như tiếng lá cây rừng xào xạc, lúc như tiếng chim hót trong gió thổi, tất cả cùng quyện lại giữa núi rừng với tiếng suối chảy róc rách.

     Pí pặp: là nhạc khí họ hơi, chi lưỡi gà phổ biến nhất trong toàn bộ cộng đồng Thái vùng Tây Bắc. Về cấu tạo, thân pí pặp là ống nứa tép dài 30- 40cm, tại sát chỗ mấu bịt kín khoét một lỗ hình chữ nhật, dài 1,5cm, rộng 0,5cm để vừa một lá đồng mỏng hình tam giác có khứa 2 rãnh nhỏ giống như lưỡi gà. Phía trên mặt ống khoét 6 lỗ, lỗ gần lưỡi gà nhất nằm sau thân ống, các lỗ còn lại phía trên mặt ống. Chỉ bấm 5 lỗ còn lỗ cuối cùng dùng để thoát hơi. Tư thế đặt pí pặp tương tự như pí lao luông, toàn bộ thân ống bên phía phải, chếch xuống dưới.

     Âm thanh pí pặp do có lỗ thoát hơi nên nghe tiếng trong hơn pí lao luông do không có lỗ tạo âm rè, nhưng với chất liệu là nứa tép bánh tẻ nên những bồi âm kết hợp với âm thật của lỗ hơi hình thành các quãng nghe khác nhau rõ ràng. Với âm thật, tiếng pí pặp đầy đặn, ấm áp, với âm bồi nghe trong trẻo như tiếng sáo của người Việt. Sử dụng lưỡi gà bằng đồng cho thấy sự sáng tạo của người Thái làm cho tiếng pí pặp nghe vừa mềm mại vừa bay bổng, loại trừ giả âm, tạp âm của hơi thổi vào lỗ tạo nên. Tại các vùng Thái ở Sơn La, các chàng trai luôn dùng pí pặp như một nhạc cụ kết hợp với tiếng hát, đặc biệt lúc người hát dừng, ngừng nghỉ, tiếng pí pặp vang lên thay thế, giúp cho sự hòa quyện giữa hát và nhạc cụ trở nên gắn bó, khăng khít.

     Pí lè: có mối liên hệ gần gũi với nhiều loại kèn của các tộc người phía Bắc Việt Nam như Dao, Giáy. Ở người Việt có kèn bầu (với nhiều tên gọi khác nhau như: kèn loa, kèn bóp, kèn bát) về hình dạng, âm thanh tương tự như pí lè. Có thể nói, pí lè ở nhiều tộc người (trong đó có người Việt) được xác định là nhạc cụ kèn hơi có dăm kèn, khác biệt với loại sáo thổi vào lỗ hơi. Cấu tạo pi lè có hình thuôn to dần từ đầu dăm đến loa, gồm 4 bộ phận chính: phần môi áp vào thổi là chiếc dăm kép được cắm vào cọc cắm dăm. Dăm kép pí lè trước đây được chế tác từ ống sậy hoặc tổ sâu (thường là tô sâu kèn) có độ dai, bền, không biến dạng từ hơi nước khi thổi vào, một đầu bóp bẹp. Bộ phận thứ 2 là cọc dăm, một ống bằng gỗ (ở kèn bầu là ống đồng) làm cầu nối giữa dăm và phần thân. Bộ phận thứ 3 là thân, toàn bộ thân pí lè là một chiếc ống hình trụ bằng gỗ cứng có lõi rỗng bên trong, dài khoảng 30cm, trên thân khoét 8 lỗ, 7 lỗ hàng trên mặt thân bố trí khoảng cách bằng nhau, lỗ thứ 8 phía sau ngay gần cọc dăm. Bộ phận thứ 4 là loa, làm bằng gỗ, phần đầu nhỏ gắn vào cuối thân pí lè, mở rộng miệng như 1 chiếc hộp cộng hưởng khuếch đại âm thanh.

     Pí đôi: trong thực tế, người Thái dùng 2 pí pặp ghép lại tạo nên pí đôi, cách lỗ lưỡi gà (thổi hơi vào) khoảng 12-13cm hai bên thành ống khoét lỗ thông nhau. Khi diễn tấu, thổi 1 bên ống, hiệu quả âm thanh nghe thú vị, ngoài giai điệu bên ống thổi chính, chiếc pí bên kia vang lên âm trì tục, làm nền cho đường nét âm thanh. Pí đôi phụ thuộc nhiều vào tài năng sáng tạo cá nhân, bởi cùng đồng thời 2 âm phát ra, do lực thổi tốn gấp đôi pí đơn (pí pặp) đòi hỏi người thổi điều chỉnh hơi và tai nghe tạo giai điệu như ý.

     Khèn bè: đọc là kén pé, một số cộng đồng Thái ở Sơn La, Nghĩa Lộ còn gọi là pí pé, một nhạc cụ đa âm điển hình không chỉ tại những nơi có người Thái sinh sống mà còn phổ biến trong các nhóm Mông vùng phía Bắc Việt Nam với quan niệm âm thanh khèn bè biểu tượng tình yêu đôi lứa. Ngoài ra, khắp Tây Nguyên, khèn là nhạc cụ của nhiều tộc người như Xơ đăng (có tên là đinh khén), người Tà Ôi, Vân Kiều gọi chung là khén, người Giẻ Triêng đọc là đinh duar. Tùy theo cách chế tác khèn, mỗi tộc người tạo ra loại khèn riêng, phù hợp điều kiện môi trường sinh sống.

     Cấu tạo khèn bè/kén pé Thái gồm 14 ống nứa tép bánh tẻ, ít mấu, ghép từng đôi theo nguyên tắc âm dương hòa hợp, tiếng Thái gọi là pò mè (ống bố, ống mẹ). Độ dài ngắn từng ống tùy thuộc vào kinh nghiệm, khả năng thẩm mỹ âm thanh người chế tác, độ dài trung bình các ống từ 60- 100cm. Quá trình buộc chặt, cố định ống thành bè thì bầu khèn đóng vai trò trung tâm, được làm từ loại gỗ nhẹ, thớ mềm, dẻo, dễ dàng tạo hình và tăng độ khít giữa các ống. Phía đầu bầu khèn dài hơn đáy, nơi áp môi chặt thổi hơi vào. Đáy bầu bịt kín bằng sáp ong, không để hơi thoát ra, hướng luồng hơi vào ống khoét lỗ gắn lưỡi gà nối với lỗ mặt trong thân bầu. Xung quanh chỗ tiếp giáp bầu đàn với ống được trám kín bằng sáp ong đen, không để hơi lọt ra ngoài. Lưỡi gà bằng chất liệu đồng hoặc bạc dát mỏng, chất lượng âm thanh khèn phụ thuộc vào lưỡi gà dày hay mỏng. Sau khi dùng loại ống ngắn xuyên qua bầu khèn kết nối lỗ trên từng cặp ống, các lỗ được khoét trên mặt ống theo độ dài các ngón tay. Về nguyên tắc, vị trí lỗ khoét được tính theo đường kính ống theo tỷ lệ 1:3, ví dụ đường kính ống là 1cm, thì lỗ khoét cách bầu khèn có khoảng cách gấp 3 lần đường kính ống (3cm) tính từ vị trí bầu, nơi mu bàn tay giữ cố định, thuận lợi thổi hơi, đóng mở ngón tay trên lỗ, dồn hơi vào lưỡi gà bên trong ống để phát âm thanh như ý. Là nhạc cụ đa âm, âm vực của khèn gần 2 quãng 8, có thể trình bày nhiều đường nét, vị trí cao độ khác nhau.

     Là nhạc cụ phổ biến của người Thái, khèn bè luôn xuất hiện trong lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt khi trai gái tỏ tình, giao duyên, ngoài ra khèn là nhạc cụ không thể thiếu trong múa xòe, làm phần âm nhạc nền cuốn hút, gây không khí vui tươi, phấn khởi. Khèn bè là nhạc cụ chủ đạo, điển hình của người Thái Tây Bắc.

     Nhạc khí dân gian Mường

     Những nhạc khí Mường tiêu biểu

     Chiêng: từ bao đời nay, loại nhạc khí tiêu biểu nhất của người Mường là những chiếc chiêng được gìn giữ, bảo lưu, trao truyền qua các thế hệ. Chiêng là biểu tượng giá trị tinh thần, đóng vai trò thu hút, tập hợp cộng đồng ở bất cứ nơi nào có người Mường sinh sống. Trong các dịp lễ tết, mừng nhà mới, cơm mới, cưới xin, ma chay, đặc biệt là các nhóm hát xéc bùa đều có cồng chiêng tham gia, duy trì không gian thiêng, phản ánh tâm thức thế giới quan người Mường.

     Chiêng Mường thường có nhiều chiếc tạo thành một bộ hoặc dàn chiêng dựa theo chức năng sử dụng từ 2-12 chiếc. Người Mường phân biệt chiêng làm 2 loại: chiêng hơ và chiêng nay. Chiêng hơ là loại chiêng cổ, núm có độ bóng, sáng do đã qua sử dụng lâu đời, bề mặt ráp, kích cỡ chia từ 1 (tiếng Mường là mốt) đến sáu. Còn chiêng nay được chế tác trong giai đoạn hiện nay, chất liệu đồng đỏ pha với kim loại, tỷ lệ pha trộn tùy theo sự cảm nhận của nghệ nhân nên âm thanh không vang, trong trẻo như chiêng hơ. Trước đây, các gia đình Mường thường có từ 2 đến 1 dàn chiêng dựa theo điều kiện kinh tế. Đối với nhà Lang Mường, luôn có từ 2 dàn chiêng (12 chiếc) trở lên.

     Trong các dịp lễ hội lớn của người Mường, chiêng được mọi người tham gia diễn tấu. Nổi bật nhất là chiêng luôn song hành cùng với hát xéc bùa vào dịp đầu xuân (2-7 tết âm lịch) gọi là ngày khai hạ, các phường bùa đến các gia đình trong bản ngoài mường. Mỗi phường sử dụng dàn chiêng 8-12 chiếc cùng tấu lên, tạo âm thanh rộn rã, tươi vui. Ngoài hình thức diễn tấu theo dàn, chiêng còn phối hợp với nhiều nhạc cụ khác như: kèn, sáo ôi, trống, chũm chọe gây không khí phấn khởi, hào hứng, thu hút mọi người.

     Cò ke: nhìn vào hình thức bên ngoài cò ke Mường tương tự như cây đàn nhị của người Việt. Thuộc loại nhạc cụ dây, chi cung kéo do người Mường chế tác bằng chất liệu trong tự nhiên. Cùng với chiêng Mường, cò ke là nhạc cụ phổ biến trong cộng đồng Mường. Cò ke thường phối hợp cùng sáo Mường. Cấu tạo cò ke gồm các phần: cần đàn, hộp cộng hưởng, cung kéo. Cần đàn có độ dài từ 70-85cm, thường dùng gỗ mít, loại gỗ có độ dẻo, khi khô không biến dạng, đảm bảo giữ thẳng, chịu sức kéo căng dây đàn mà không cong, vênh. Thủ đàn trên cùng dùi 2 lỗ để trục đàn xuyên qua, tạo chỗ mắc dây và giữ dây ổn định, độ dài trục vừa bàn tay nắm chặt để vặn, chỉnh dây đúng cao độ. Hai trục liên kết qua 1 sợi dây, tác dụng giữ dây đàn và đóng vai trò chỉnh âm như kéo ngắn dây tạo âm thanh cao; còn thả dây chùng, cao độ sẽ xuống thấp. Dây đàn cò ke trước đây làm bằng chất liệu sợi tơ tằm se lại, hiện nay phổ biến là dây nilon như đàn nhị, vài nơi người Mường vẫn dùng dây kim loại. Hai dây cách nhau 1 quãng 4 đúng hoặc 5 đúng. Hộp cộng hưởng cò ke là một ống bương, dài khoảng 14-16cm, mặt sau để rỗng, mặt trước hay dùng da ếch hoặc mảnh bương gắn chặt vào. Dây cung là sợi giang bện lại cho chắc, luồn vào giữa 2 dây đàn. Kỹ thuật diễn tấu cò ke về cơ bản như đàn nhị như: vuốt, nhấn, láy, rung, trượt tạo màu sắc âm thanh. Là nhạc khí tồn tại trong đời sống dân gian Mường nên cò ke là cây đàn tòng theo hát hoặc hòa tấu cùng nhạc cụ khác, đặc biệt phù hợp với sáo gọi là cò ke oống kháo, cặp âm thanh bổ trợ hài hòa được người Mường sử dụng phổ biến.

     Sáo ôi: thuộc họ hơi, chi thổi, sáo ôi là cách đọc theo tiếng Việt, còn âm ngữ Mường gọi là kháo ôi hoặc ống ôi, loại sáo phổ biến nhất trong các cộng đồng Mường vùng Tây Bắc. Cấu tạo kháo ôi/sáo ôi làm từ thân cây nứa khèng/nứa tép (loại nứa bánh tẻ), vỏ bên ngoài bóng bảy, màu vàng óng, đường kính ống nứa không quá 1,5cm, chiều dài thân ống giữa các mấu/đốt tối thiểu từ 68 - 70cm. Sau khi chặt về, ống nứa đặt nơi khô ráo tự khô dần. Cách chế tác: từ mấu/đốt 2 đầu để cách mỗi đốt 1 đoạn ống dài khoảng 7cm, lấy que sắt nung đỏ dùi thông lỗ mấu (chỉ dùi một khe lỗ nhỏ, đủ thông hơi thổi qua 2 mấu). Chính giữa ống, dùi một lỗ phía sau mặt ống (để ngón cái áp chặt, đóng mở lỗ), dùng chiếc lạt đo chu vi ống, lấy chiều dài chu vi làm khoảng cách giữa các lỗ, khoan 4 lỗ tính từ lỗ giữa trở xuống dưới ống, tại mấu trên phía đầu ống thổi khoan 1 lỗ thông hơi, giúp tiếng sáo phát ra thanh thoát. Hiện nay, một số nghệ nhân Mường mở rộng tầm cữ sáo ôi bằng cách khoan bổ sung 3 lỗ tính từ lỗ giữa ngược về phía đầu ống thổi, khoảng cách 3 lỗ tương tự như 4 lỗ dưới.

     Diễn tấu sáo ôi dân gian Mường chủ yếu từ 4 lỗ thổi ra 5 âm: đô, mi, fa, sol, si (b). Với loại sáo ôi 7 lỗ, hàng âm tương tự như sáo trúc người Việt, là loại sáo dọc, hơi thổi, sáo ôi cải tiến có thể diễn tấu nhiều đoạn nhạc tương đối phức tạp, thể hiện sắc thái tương đối đa dạng. Kỹ thuật diễn tấu sáo ôi phổ biến nhất là: rung, lướt, luyến hơi, láy, kỹ thuật đập đầu lưỡi tạo móc kép nhanh đều được sáo ôi giải quyết tương đối hoàn chỉnh. Với âm thanh nhẹ nhàng, ấm áp, trữ tình, hoàn toàn sử dụng bồi âm (không thổi âm thật của sáo), sáo ôi dân gian và cải tiến vẫn giữ đặc trưng âm thanh phù hợp cách trình diễn làn điệu dân ca Mường.

     Bỉ đôi: cấu tạo bỉ đôi Mường dài khoảng 27-28cm, gồm 2 ống buộc chặt lại ở 2 đầu mấu trên và dưới, giữa 2 thân ống, khoét 1 lỗ kín thông nhau. Bỉ đôi có bộ dăm từ chính phần mấu ống nứa gọt mỏng hình lưỡi gà. Toàn bộ từng ống thân khoét đều 7 lỗ, 6 lỗ phần trên mặt cùng hướng thổi, 1 lỗ phía sau để thoát hơi. Khi diễn tấu chỉ thổi vào 1 ống để hơi thông sang ống bên kia tạo âm thanh kép. Bỉ đôi là loại sáo 2 ống duy nhất được người Mường vùng Thanh Hóa, nơi cộng đồng Mường- Thái hình thành quần thể cộng cư bền chặt chế tác. Điều này lý giải vì sao bỉ đôi Mường gần gũi và có đặc điểm tương đồng với pí đôi Thái. Bỉ đôi được dùng trong tổ chức tang ma và một số nghi lễ cầu cúng, đồng thời là nhạc cụ trai gái Mường thổi trong hát giao duyên.

     Tàn máng: từ năm 2000 trở về trước là nhạc cụ xuất hiện trong sinh hoạt dân gian tại một số bản Mường vùng Hòa Bình, Thanh Hóa. Tàn máng là nhạc cụ họ dây, chi gẩy giống như đàn bầu người Việt. Nói cách khác, tàn máng có hình thức tương tự như đàn bầu một dây do người Mường sử dụng nhưng trong giai đoạn sơ khai. Cấu tạo tàn máng gồm các bộ phận: thân là ống tre hoặc bương dài 1,2-1,4m, đường kính 14cm trở lên. Để tạo hộp cộng hưởng có khoảng rỗng đều, bên trong thân đàn lọc bỏ hết cật và mấu. Dùng một đoạn cành tre có độ dẻo, dễ uốn, dài khoảng trên 40cm xuyên qua một lỗ dọc theo hết đường kính chỗ đầu thân đàn làm vòi đàn. Dây đàn trước kia dùng sợi tơ tằm, nhưng gần đây thay bằng kim loại giống dây đàn bầu, dây kéo dài suốt toàn bộ thân đàn, một đầu buộc vào vòi đàn, đầu kia chui vào 1 lỗ dùi trên mặt cuối thân đàn, được 1 chốt giữ chặt trong trục xuyên ngang lòng ống đàn. Dây đàn phía vòi đàn chếch cao hạ thấp dần cuối đàn (như dây đàn bầu). Kỹ thuật diễn tấu tàn máng không khác đàn bầu, âm thanh tạo ra từ miếng gảy vào các điểm đánh dấu nốt cao độ trên mặt đàn, kết hợp chặn cạnh bàn tay vào dây tạo bồi âm, tay kia nắm vòi đàn uốn giai điệu lên cao xuống thấp. Tàn máng còn nguyên như thủa ban đầu. Âm thanh tàn máng phát ra tự nhiên, tiếng nhỏ, khi diễn tấu lâu bắt buộc căn chỉnh lại dây (do dây chùng). Tuy vậy, tàn máng có âm vực 3 quãng 8, ở âm khu cao tiếng bồi âm chói, gằn, gắt, nghe rõ tiếng miếng gảy chạm vào dây. Phần âm khu trung nghe thanh thoát, bay bổng, âm khu thấp tạo giai điệu sâu lắng, thủ thỉ, tâm tình.

     Lời kết

     Nhạc khí dân gian Thái, Mường có nguồn gốc từ quá trình cộng cư lâu dài từ lâu đời. Trong đó nổi bật phương thức chế tác, sử dụng chất liệu có sẵn ngoài tự nhiên. Nếu nhạc khí Thái nổi bật với các loại pí/sáo phong phú, đa dạng về kiểu, loại, lối diễn tấu thì nhạc khí Mường còn tồn đọng di vết đồ đồng với cách tạo tác nguyên sơ. Mối quan hệ giữa 2 tộc chủ thể Thái, Mường theo chiều lịch sử lúc đậm lúc nhạt biểu hiện trong hình thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Khi xem xét dưới góc độ âm nhạc học cho thấy hệ thống nhạc khí dân gian Thái, Mường ít chịu sự tác động, biến đổi từ đời sống xã hội, mặc dù giai đoạn hiện nay văn hóa Kinh/Việt là dòng chủ lưu, thâm nhập mạnh mẽ trên nhiều phương diện, đặc biệt là nghệ thuật dân gian.

     Ngoài các hình thức sinh hoạt giao duyên, cộng đồng nhạc khí Thái, Mường gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, phong tục, tập quán vòng đời người theo chu kỳ nông nghiệp. Đồng thời, nhạc khí Thái, Mường phản ánh quá trình tác động, ảnh hưởng qua lại giữa 2 chủ thể cùng nhiều tộc người khác phía Tây Bắc, để lại nhiều loại nhạc khí tương đồng về hình thức nhưng khác mục đích sử dụng. Như vậy, hệ thống nhạc khí Thái, Mường cùng lan tỏa, tương hỗ qua lại với nhau trong bối cảnh có nhiều sự hòa hợp của cư dân trồng lúa dưới thung lũng.

     Những dẫn luận nhạc khí dân gian Thái, Mường vùng Tây Bắc Việt Nam nhằm xác định đây là nguồn di sản âm nhạc quý báu cần sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt đối với Âm nhạc học, cụ thể là ngành Âm nhạc dân tộc học Việt Nam hiện nay.

 

Tác giả: Trần Hoàng Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

 

;