Một số luận điểm cơ bản về văn hóa trong Học thuyết Mác - Lênin

Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ: “ Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hệ thống lý luận về văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được truyền bá, thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân ngay sau khi Đảng ta lãnh đạo giành chính quyền về tay nhân dân. Đến nay, hệ thống lý luận đó đã trở thành công cụ nhận thức, cải tạo và phát triển văn hóa, con người ở nước ta. Có rất nhiều luận điểm được các nhà Mácxít đưa ra, song đáng lưu ý là những luận điểm cơ bản dưới đây:

Văn hóa là hoạt động sáng tạo tích cực của con người trong các lĩnh vực sản xuất vật chất và tinh thần, nhằm phát triển bản chất người. C.Mác nêu ra định nghĩa: “Văn hóa là sự phát triển các lực lượng bản chất người của con người nhằm vươn tới sự hoàn thiện con người, xã hội theo hướng nhân bản hóa” (1).

Văn hóa là thiên nhiên thứ hai do con người tạo ra. Thiên nhiên thứ nhất là những dạng vật chất tồn tại độc lập, ngoài ý muốn của con người. Thiên nhiên thứ hai là những gì do con người tác động vào tự nhiên tạo ra, mang lại giá trị cho con người, xã hội. Xét từ góc độ này, con người là chủ thể của văn hóa và ngược lại, văn hóa là cơ sở để hoàn thiện, phát triển con người với tư cách một sản phẩm của nó.

Với quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: lao động là nguồn gốc thực sự của sự nảy sinh và phát triển văn hóa. Bất cứ hiện vật văn hóa nào trước hết cũng là sản phẩm của lao động. Nhân tố quyết định chủ yếu sự phát triển văn hóa là lao động sáng tạo với việc làm ra những giá trị vật chất, tinh thần cho sự tồn tại của con người và xã hội. Quần chúng lao động là lực lượng quyết định sự phát triển lịch sử, văn hóa, trong đó trí thức giữ vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển.

Các nhà Mácxít khẳng định tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Văn hóa là một hiện tượng xã hội, là một hình thái ý thức xã hội, thuộc về lĩnh vực sản xuất tinh thần làm ra giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội. Do vậy, xét đến cùng, phương thức sản xuất vật chất quyết định sinh hoạt văn hóa, tinh thần của xã hội. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích một ví dụ điển hình về việc nhập khẩu văn học xã hội chủ nghĩa của nước Pháp vào nước Đức, từ đó đưa ra luận điểm quan trọng về duy vật biện chứng rằng điều kiện sinh hoạt có ý nghĩa thực tiễn thế nào đối với một sự vật, hiện tượng văn hóa: “Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của nước Pháp, sinh ra dưới áp lực của một giai cấp tư sản thống trị, biểu hiện văn học của sự phản kháng chống lại nền thống trị ấy, thì được đưa vào nước Đức giữa lúc giai cấp tư sản bắt đầu đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến. Các nhà triết học, các nhà triết học nửa mùa và những kẻ tài hoa ở Đức hăm hở đổ xô vào thứ văn học ấy, nhưng có điều họ quên rằng văn học Pháp được nhập khẩu vào Đức, song những điều kiện sinh hoạt của nước Pháp lại không đồng thời được đưa vào Đức. Đối với những điều kiện sinh hoạt ở Đức, văn học Pháp ấy đã mất hết ý nghĩa thực tiễn trực tiếp và chỉ còn mang một tính chất thuần túy văn chương mà thôi” (2).

Tuy nhiên, các nhà Mácxít cũng đã phân tích, lý giải vấn đề một cách không thuần túy, xuôi chiều mà đưa ra những luận điểm cho thấy tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, của sức mạnh tinh thần đối với tồn tại xã hội. C.Mác đưa luận điểm quan trọng về sự hưng thịnh của nghệ thuật không nhất thiết tương ứng với xã hội văn minh, hiện đại: “Đối với nghệ thuật, người ta biết rằng những thời kỳ hưng thịnh nhất định của nghệ thuật hoàn toàn không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội” (3). C.Mác cũng đã viết: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” (4).

Chủ nghĩa Mác - Lênin phân cấu trúc văn hóa thành hai loại: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất là phương tiện sản xuất, phương tiện tiêu dùng và quan hệ sản xuất. Văn hóa tinh thần gồm những giá trị và chuẩn mực. Như vậy, cấu trúc văn hóa bao gồm hầu hết các lĩnh vực hoạt động văn hóa xã hội trong đời sống của con người, trong đó giá trị hệ tư tưởng và chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa là cốt lõi, then chốt.

Giai cấp công nhân mà tổ chức tiên phong là Đảng Cộng sản, gánh sứ mệnh lãnh đạo, xây dựng và phát triển văn hóa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho nhận thức và cải tạo thế giới, xây dựng thế giới quan khoa học, cách mạng và nhân văn.

Giai cấp vô sản phải đặt văn hóa trở thành một bộ phận, nhiệm vụ quan trọng của công tác cách mạng. Năm 1905, Lênin, qua bài báo Tổ chức của Đảng và văn học có tính Đảng, đã khẳng định: “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc”, trong một bộ máy xã hội - dân chủ vĩ đại, thống nhất do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển” (5).

Lênin đưa ra luận điểm về mỗi nền văn hóa dân tộc, có hai nền văn hóa dân tộc: “Mỗi nền văn hóa dân tộc đều có những thành phần, thậm chí không phát triển của một nền văn hóa dân chủ và XHCN, vì trong mỗi dân tộc, đều có một quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện sinh sống của họ nhất định sản sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và XHCN. Nhưng trong mỗi dân tộc, cũng còn một nền văn hóa tư sản (nền văn hóa này, phần lớn là một nền văn hóa cực kỳ phản động và có tính chất tăng lữ) không phải chỉ ở trong tình trạng là những thành phần mà là dưới hình thức nền văn hóa chiếm địa vị thống trị” (6).

Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ hoạt động sáng tạo ra giá trị vật chất, tinh thần là đặc trưng cơ bản của văn hóa, quyết định sự tiến bộ văn hóa, chất lượng của phát triển văn hóa.

Trong xã hội có giai cấp, văn hóa mang các tính chất: tính giai cấp, tính nhân loại phổ biến, tính Đảng, tính dân tộc và tính nhân dân.

Lý luận về văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra tính đa chức năng của văn hóa, gồm: chức năng giáo dục, chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giao tiếp, chức năng điều chỉnh, chức năng giải trí. Các nhà Mácxít nhấn mạnh chức năng giáo dục của văn hóa nhằm phát triển toàn diện con người và chức năng thẩm mỹ là chức năng đặc trưng nhất của văn học nghệ thuật.

Phát triển nền dân chủ XHCN là điều kiện quan trọng nhất để quần chúng tiếp cận văn hóa, nâng cao tính tích cực xã hội của người lao động, là nội dung cơ bản của cách mạng văn hóa.

Các nhà Mácxít khẳng định tính kế thừa và phát huy trong sự phát triển văn hóa. Lênin viết: “Bảo vệ di sản hoàn toàn không có nghĩa là tự giới hạn ở di sản” (7). Sự phát triển văn hóa phải trên cơ sở làm chủ văn hóa quá khứ và tạo ra những giá trị văn hóa mới. Kế thừa không phải là sử dụng một cách máy móc mà là sự tiếp nhận có phê phán, phân tích và cải tiến một cách sáng tạo. Lênin nêu luận điểm về việc sử dụng thành tựu văn hóa tư sản và thái độ đối với những chuyên gia của xã hội tư sản: “Không thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản nếu thiếu vốn tri thức, kỹ thuật, văn hóa đang nằm trong tay các chuyên gia tư sản. Phần đông trong số họ không đồng tình với chính quyền Xô viết, nhưng nếu thiếu họ thì chúng ta không thể xây dựng được chủ nghĩa cộng sản. Cần tạo ra bầu không khí bạn bè đối với họ, tạo ra tinh thần cộng tác cộng sản chủ nghĩa và cố gắng để họ cùng đi với chính quyền công nông” (8).

Đảng lãnh đạo văn hóa là tạo điều kiện cho sáng tạo cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và phải chú ý đến tính đặc thù sáng tạo của văn nghệ sĩ. Lênin đã viết: “Không thể chối cãi được rằng sự nghiệp văn học ít chịu nhượng bộ hơn cả đối với sự bình quân máy móc, đối với sự san bằng, đối với việc số đông thống trị số ít. Không thể chối cãi được rằng trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, đảm bảo phạm vi hết sức rộng rãi bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và cho nội dung” (9).

Chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện rõ quan điểm về văn hóa dân tộc. Tôn trọng quyền bình đẳng, đoàn kết gắn bó với nhau, nền văn hóa của các dân tộc phải được tạo điều kiện phát triển rực rỡ, xích lại gần nhau, góp phần tăng cường sự hiểu biết, giúp nhau cùng phát triển. Lênin cho rằng: “Đối với vấn đề tình cảm dân tộc, cần phải hết sức thận trọng, phải quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm quyền bình đẳng và quyền tự do của các dân tộc, để chặt hết gốc rễ của sự nghi kỵ. Cũng phải giúp vào việc phát triển ngôn ngữ và văn học của những dân tộc bị áp bức từ trước tới nay hoặc của những dân tộc trước kia vốn ở vào địa vị bất bình đẳng” (10).

Giao lưu, tiếp biến, tác động lẫn nhau, đấu tranh bảo vệ giá trị của mỗi nền văn hóa là một quy luật tất yếu. Đối với các nước theo chế độ XHCN, quá trình giao lưu, tiếp biến với các nước phải trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của giai cấp công nhân.

Những luận điểm nêu trên giúp chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn các nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

_______________

1. C.Mác, Tư bản, quyển I, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.35.

2. C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.634.

3, 5, 6, 9, 10. C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I. Lênin, Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.33, 305, 342, 306, 349.

4. C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.580.

7, 8. A.I.Ácnônđốp (chủ biên), Cơ sở lý luận văn hóa Mác-Lênin, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981, tr.89, 118.

 

Tác giả: Nguyễn Hữu Thức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;