MÔN THỂ THAO MANG ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA MỸ

Nói đến nền văn hóa đại chúng Mỹ, người ta có thể nói đến rất nhiều thứ như văn hóa ẩm thực, văn hóa xe hơi, văn hóa lễ hội... Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến những môn thể thao của người Mỹ, mang tính cách Mỹ và mang đậm nét văn hóa Mỹ, mà điển hình là bóng rổ.

Nhiều người cho rằng bóng đá Mỹ mới là nét văn hóa của người Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng bóng rổ mới là đặc trưng của nền văn hóa đại chúng Mỹ. Nó phổ biến và có những tính năng ưu việt, phù hợp với cá tính và thói quen của người Mỹ. Và có thể nói nó chính là hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới.

1. Khái quát chung về bóng rổ Mỹ

Cho đến nay, bóng rổ là môn thể thao phổ biến và được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, rất ít người hiểu rõ được lịch sử ra đờì của nó. Những ai quan tâm hẳn sẽ phải biết đến cái tên James Naismith, người đã có công phát minh ra môn bóng rổ. Ông sinh năm 1861, tại Ontario, Canada. Ông học tại trường đại học McGill, Montreal, Quebéc và trở thành chủ nhiệm bộ môn giáo dục thể chất của trường này. Năm 1891, ông chuyển sang làm cho trường YMCA (trường của hội thanh niên cơ đốc Mỹ) tại Springfield, bang Massachuset, Mỹ. Môn bóng rổ đã ra đời tại đây. Ý tưởng về môn bóng rổ xuất phát từ một trò chơi trẻ nhỏ, trò vịt trên đá (trò chơi này yêu cầu người chơi phải dùng một hòn đá ném vào đầu con vịt (có thể là bất cứ thứ gì) được đặt trên một hòn đá khác, sao cho nó rơi ra.) Tuy nhiên, phải cho đến khi được giao nhiệm vụ tìm ra một môn thể thao trong nhà mới, phù hợp cho sinh viên chơi trong mùa đông thì ý tưởng này mới được hoàn thiện.

Naismith đã tìm ra một môn thể thao không chỉ dựa vào sức mạnh của từng cá nhân, mà còn phải dựa trên độ khéo léo và tinh thần đồng đội của các sinh viên. Ông đã chia 18 sinh viên mà mình phụ trách làm hai đội, mỗi đội có 9 người, chỉ định đội trưởng của mỗi đội. Sau đó, ông lấy hai rổ đựng đào buộc vào hai rào chắn đối diện nhau của sân thể dục làm gôn. Hai đội phải tìm cách đưa bóng (lúc này quả bóng đá được trưng dụng) vào gôn của đội kia, nhưng tuân theo 13 quy tắc mà Naismith đã đặt ra. Đây chính là 13 quy tắc căn bản của bóng rổ, hiện nay đã được bổ sung thêm nhiều luật lệ và quy tắc khác. Đầu tiên, các gôn là những rổ bóng có đáy bịt kín, sau đó chuyển thành gôn có vành kim loại và lưới ở dưới. Năm 1892, Senda Berenson Abbott đã đưa bóng rổ thành một môn thể thao cho cả giới nữ.

Hiện nay, bóng rổ được coi là một phương thức vận động hữu hiệu vừa để tăng cường sức khỏe, vừa để giảm stress rất phổ biến trong dân chúng Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Rất nhiều các cô bé, cậu bé Mỹ đều lấy Michael Jordan hay Magic Johnson làm thần tượng, và chăm chỉ luyện tập, mơ tới một ngày mình có thể trở thành một siêu sao bóng rổ. Và như thế, bóng rổ không chỉ là một trò chơi, một môn thể thao mà còn đem tới cho con người, nhất là những người trẻ tuổi, ước mơ và hy vọng, đó chính là văn hóa.

Khi nói đến bóng rổ nhà nghề, người ta nhắc ngay đến giải NBA (National Basketball Association), giải của Hiệp hội bóng rổ quốc gia Mỹ. Được thành lập tại New York tháng 6-1946 dưới cái tên Hiệp hội bóng rổ Mỹ (Basketball Association of America - BAA), cho tới năm 1949, khi sát nhập với đối thủ cạnh tranh là Giải bóng rổ quốc gia (National Basketball League) NBL thì NBA mới chính thức trở thành NBA của bây giờ, trụ sở tại tòa nhà tháp Olympic, đại lộ số 5, TP New York. Giải được chính thức bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 11, sau một tháng tuyển chọn tân binh, sắp xếp lực lượng và luyện tập.

Có lẽ đội bóng nổi tiếng nhất thế giới chính là đội Harlem Globetrotters, thành lập năm 1927 tại TP Chicago, bang Illinois. Đây là một đội bóng gồm toàn những cầu thủ Mỹ gốc Phi, kết hợp giữa thể thao và hài kịch. Cái tên Harlem xuất phát từ tên một khu vực của người Mỹ gốc Phi cạnh Mahattan, TP New York, với nghĩa rộng là cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Đội Harlem Globetrotters đã có những chuyến lưu diễn tại hơn 100 nước trên thế giới, với hai đối thủ chủ yếu là Washington Generals (đến năm 1995) và New York Nationals (từ năm 1995 đến nay).

Nói đến các cầu thủ xuất sắc nhất trong giải bóng rổ nhà nghề Mỹ thì không thể không nhắc tới Lary Bird (đội Boston Celtics) hay Magic Johnson (đội Los Angeles Lakers) trong những năm 80 của TK XX. Magic Johnson từ giã sự nghiệp sau mùa giải 1990-1991, nhưng sau đó đã chơi cho US Dream Team, đội bóng rổ quốc gia Mỹ tại thế vận hội Barcelona năm 1992 và sau đó còn chơi tiếp mùa bóng 1995-1996 cho đội Los Angeles Lakers. Larry Bird sau khi từ giã sự nghiệp cầu thủ đã chuyển sang làm huấn luyện viên cho đội Indiana Pacers. Tuy nhiên, cầu thủ được toàn thế giới biết đến phải là Michael Jordan, cầu thủ của đội Chicago Bulls, bắt đầu sự nghiệp vào năm 1982 và kết thúc vào năm 1999. Michael Jordan là một hiện tượng của làng bóng rổ nhà nghề Mỹ, với số điểm trung bình sau mỗi trận đấu là 30,12, cao nhất từ trước tới nay. Anh đã cùng đội Chicago Bulls 6 lần vô địch giải NBA và được bình chọn là vận động viên vĩ đại nhất của TK XX bởi tạp chí ESPN (Entertainment Sports Programming Network).

Ngoài bóng rổ chuyên nghiệp, giải bóng rổ nghiệp dư NCAA cho sinh viên các trường đại học cũng được người dân Mỹ hết sức quan tâm. Nhờ dụng cụ và luật chơi đơn giản, mức độ cạnh tranh cao nên bóng rổ nhanh chóng được phổ biến rộng khắp nước Mỹ sau khi nó ra đời. Tháng 5-1901, trường Harvard, Yale, Trinity, Holy Cross, Amherst, and Williams cùng nhau lập ra Giải bóng đá các trường đại học bang New England. Trong khoảng 5 năm sau đó, bóng rổ đã được chơi ở hơn 90 trường đại học trong cả nước, hầu hết là các trường đại học miền đông và trung tây. Đến năm 1914 bóng rổ đã lan tới sinh viên 360 trường đại học. Năm 1937, giải bóng rổ quốc gia giữa các trường đại học lần đầu tiên được tổ chức tại TP Kansas, bang Missourri. Sau này, giải bóng rổ nghiệp dư giữa các trường đại học được NCAA, liên đoàn thể thao nghiệp dư Mỹ, tổ chức gây được sự quan tâm chú ý của hàng triệu người dân Mỹ, thậm chí đôi lúc còn hơn cả đối với giải chuyên nghiệp.

2. Bóng rổ - nét văn hóa đặc trưng của người Mỹ

Rõ ràng, bóng rổ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mỹ. Tính phổ biến của nó trong dân chúng Mỹ là minh chứng rõ ràng cho điều này. Chúng ta có thể tìm thấy những rổ bóng được treo khắp nơi trên đất Mỹ, cả khu vực cá nhân đến khu vực công cộng như trên các bức tường, các tòa nhà, trên cây, trên khu vực đường lái xe vào nhà, thậm chí cả trong phòng riêng... Điều này nói lên rằng bóng rổ đối với người dân Mỹ như một điều hiển nhiên, một điều tất yếu, một thứ luôn luôn có mặt trong đời sống tinh thần của họ, cũng cần thiết và hữu ích như đồ ăn nhanh hay xe hơi vậy.

Bóng rổ Mỹ phổ biến trước hết bởi nó cũng giống như Hollywood là nơi sản sinh ra những thần tượng cho dân chúng. Thêm nữa, nó cũng chính là công cụ để gắn kết các sắc tộc trong đại gia đình Mỹ, gắn kết mọi người không phân biệt màu da hay địa lý. Nhờ môn bóng rổ mà những người Mỹ gốc Phi có khả năng thành danh trên đất Mỹ nhiều hơn, bởi họ có ưu thế về sinh lực và có thể coi đây là một trong những cách tiến thân của họ, khi hiện nay hầu hết cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn. Tóm lại, người Mỹ gốc Phi cần bóng rổ để tiến thân. Chính phủ Mỹ cần bóng rổ để xóa ranh giới màu da và sắc tộc. Người dân Mỹ nói chung coi bóng rổ là một thói quen văn hóa.

Tạp chí của Liên đoàn thể thao nghiệp dư Mỹ (NCAA) đã tiến hành một bài nghiên cứu về mức độ phổ biến của bóng rổ đối với người dân Mỹ năm 1997. Kết quả là có tới 68,8 triệu sinh viên các trường đại học Mỹ coi bóng rổ là sở thích của mình. Bởi lẽ theo họ, bóng rổ hội tụ những đặc điểm như sự cạnh tranh, tính nối kết, tính cộng đồng và tính hữu nghị.

Công trình nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết những người được hỏi đều cho rằng họ đến với bóng rổ vì bóng rổ có thể đem lại cho họ những phút giây gần gũi hơn với trường học và với gia đình mình, nhất là khi cùng với bạn bè và gia đình đi xem và cổ vũ cho một trận đấu bóng. Mặt khác, đề tài bóng rổ cũng là một đề tài mang tính kết nối, nó hữu dụng cho cả những người mới quen nhau cho đến những người bạn thân chí cốt trong các cuộc đàm thoại thường ngày. Có lẽ đây chính là lý do khiến bóng rổ trở nên phổ biến đối với dân chúng Mỹ.

Theo những dữ liệu mà Hội đồng bóng rổ Mỹ (A.B.C) cung cấp năm 1994 thì mức độ phổ biến của bóng rổ đã được thể hiện rất rõ. Chỉ tính riêng những người đã tham gia chơi bóng rổ xét theo độ tuổi và giới tính, chúng ta đã có thể thấy bóng rổ chiếm vai trò lớn như thế nào trong cuộc sống của người Mỹ. Đó là chưa kể đến số lượng người không chơi môn thể thao này, nhưng lại có sở thích xem các trận đấu bóng trong các trường đại học hoặc các trận đấu của giải chuyên nghiệp.

Bảng số lượng người dân Mỹ chơi bóng rổ theo giới tính và tuổi tác

Tuổi

Nữ

Nam

Chơi bóng rổ (triệu người)

% so với

nhóm tuổi

Chơi bóng rổ (triệu người)

% so với

nhóm tuổi

6-11

3,4

30,3

6,3

53,6

12-17

5,3

49,4

8,2

71,9

18-24

1,8

14,3

6,0

47,9

25-34

1,4

6,5

6,2

29,9

35-44

1,2

6,0

4,9

24,0

45-54

0,3

2,1

1,7

11,8

55+

0,1

0,3

0,5

2,7

Tổng số

13,5

11,3

33,8

29,8

Nguồn: Sporting Goods Manufactures Association, www.sgma.com

 

Các bảng số liệu khác cũng cho thấy số lượng người chơi bóng rổ thường xuyên (từ 52 lần một năm trở lên) đã tăng trong khoảng 62% từ năm 1987 đến năm 1994, với số lượng người chơi là nữ tăng 23%, người chơi là nam tăng 37%. Số lượng người chơi ở độ tuổi 35-54 cũng tăng kỷ lục là 110% trong giai đoạn này.

Với thị phần lớn như vậy, khó có thể tách rời được bóng rổ ra khỏi cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ. Bóng rổ là một môn thể thao được xuất khẩu trên khắp thế giới, sự phổ biến của nó chỉ sau bóng đá. Tuy nhiên, ngay tại quê nhà, bóng rổ cũng vẫn là một “hàng nội địa” được ưa chuộng vào bậc nhất.

Có thể nói rằng không có một môn thể thao nào thể hiện rõ tính cách của người Mỹ như bóng rổ. Đó là việc thể hiện tính chuộng sự thuận tiện, ưa nhịp độ nhanh, coi trọng chủ nghĩa cá nhân nhưng lại vẫn duy trì tinh thần làm việc theo nhóm - tinh thần đồng đội cao.

Trước hết là về sự thuận tiện mà bóng rổ đem lại. Chúng ta hẳn không ngạc nhiên khi nói đến nước Mỹ là nói đến đồ ăn nhanh của Mc Donald’s. Nó được người Mỹ ưa chuộng bởi sự thuận tiện của nó, có thể ăn tại bất cứ đâu, bất cứ khi nào, không tốn thời gian mà độ dinh dưỡng vẫn đảm bảo (thậm chí có rất nhiều người còn phát phì vì nó). Bóng rổ cũng vậy. Khác hẳn với bóng đá Mỹ hay bóng chày, hai môn thể thao cũng không kém phần phổ biến trên đất Mỹ, bóng rổ có những ưu điểm về sự thuận tiện, điều rất được coi trọng trong văn hóa Mỹ. Với bóng rổ, dụng cụ đơn giản chỉ bao gồm một quả bóng, và một cái rổ là ai cũng đã có thể chơi được. Mà như trên đã nói, rổ bóng được treo khắp nơi, trong mọi ngõ ngách của các thành phố của nước Mỹ. Với môn bóng đá Mỹ thì khác. Với đồ bảo hộ cồng kềnh, yêu cầu về sân bóng rộng, ít nhất là phải có hai người chơi trở lên, bóng đá Mỹ không thể thâm nhập một cách sâu sắc vào đời sống của người dân Mỹ như môn bóng rổ. Như vậy là, cũng như fast food, bóng rổ đáp ứng được nhu cầu: chơi ở bất kỳ đâu, chơi bất kỳ thời điểm nào mà vẫn là một phương pháp rèn luyện sức khỏe rất hiệu quả.

Thêm nữa là về sự phù hợp giữa nhịp độ nhanh của những trận đấu bóng rổ và phương pháp làm việc của người Mỹ. Có thể thấy rằng người Mỹ ưu chuộng sự làm việc hiệu quả với tiến độ nhanh. Nhịp độ cuộc sống hối hả của những thành phố lớn như New York, Washington... được thể hiện rõ nét qua những nhịp độ nhanh, khẩn trương của những trận đấu bóng rổ. Trong cuộc sống, ai không theo được sự biến chuyển nhanh chóng của nhịp sống hẳn sẽ bị đào thải. Trong bóng rổ cũng vậy, không bắt kịp nhịp độ trận đấu có nghĩa là 99% anh sẽ thua cuộc và nhường chiến thắng cho đối phương một cách vô điều kiện.

Tuy nhiên, có lẽ đó vẫn chưa phản ánh tính cách người Mỹ rõ nét nhất. Coi trọng chủ nghĩa cá nhân nhưng vẫn đề cao tinh thần đồng đội, đó mới chính là minh chứng cho tính phản chiếu của bóng rổ đối với con người và tính cách Mỹ. Ai cũng biết rằng bóng rổ là môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật cá nhân rất cao. Nó cũng đòi hỏi thể lực tốt, nhưng cái quan trọng hơn cả là kỹ thuật cá nhân. Bởi lẽ, ví dụ như khi một vận động viên bóng rổ đang chạy với bóng, anh ta phải đủ trình độ để quan sát xem đồng đội của anh ta ở đâu, để chuyền bóng, thậm chí truyền bóng ở vị trí nào thì phù hợp, đồng thời anh ta cũng phải quan sát và làm sao giữ được quả bóng không về tay cầu thủ đối phương trong khi nhịp độ trận đấu là rất nhanh, sân bóng hẹp, khoảng cách giữa cầu thủ hai bên lại quá ngắn.. Đây là thử thách rất lớn mà nếu như không phải là một cầu thủ có kỹ thuật cá nhân cao thì không thể làm được. Mặt khác, việc này đòi hỏi nỗ lực cá nhân của các cầu thủ trong việc rèn luyện trên sân tập.

Nhưng môn bóng rổ lại là môn thể thao mang tính đồng đội. Chính vì thế, nếu vận động viên nào có phô diễn được kỹ thuật cá nhân của mình mà không phối hợp được với đồng đội thì cũng chưa thể tạo nên chiến thắng. Đây chính là lý do khiến tinh thần đồng đội được đặt lên hàng đầu, cũng giống như sự coi trọng tinh thần làm việc theo nhóm trong xã hội Mỹ hiện nay. Tinh thần đồng đội trong bóng rổ còn thể hiện tính nối kết cộng đồng trong xã hội Mỹ, bởi lẽ trong một đội bóng, dù anh có là gốc Phi, gốc Âu, dù anh có trình độ cao hơn hay thấp hơn thì đều phải cùng hợp tác với nhau một cách ăn ý nhất, để tạo nên chiến thắng chung. Và như trên đã nói, điều này góp phần xóa đi kỳ thị sắc tộc trong dân chúng Mỹ.

Không ai có thể phủ nhận được những tác động của bóng rổ đến nền văn hóa đại chúng Mỹ hiện nay. Những ngôi sao bóng rổ hiện nay đã mang những giá trị của cuộc sống đường phố trở thành những xu hướng thời thượng, phổ biến như việc cạo trọc đầu và xăm mình hay đi những đôi giày đế mềm. Có thể lấy ra đây những hình ảnh ví dụ về sự phổ biến của thói quen xăm mình mà các cầu thủ bóng rổ đã mang đến cho văn hóa đại chúng của nước Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhịp độ nhanh của những trận đấu, cùng với sự phổ biến của văn hóa của người da đen dưới tác động của các vận động viên người Mỹ gốc Phi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến âm nhạc đương đại của nước Mỹ, với sự ra đời của nhạc hiphop. Bóng rổ cũng là nguồn cảm hứng vô tận đối với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, nhạc kịch, phim ảnh... Danh sách các bộ phim về bóng rổ nổi tiếng của điện ảnh Mỹ như: Chàng trai Harvard (2001); Giống như Mike, Hợp sức hai đội, Những chiếc giày đỏ, Băng qua phòng tuyến (2002); Phép màu sân đấu trọn vẹn (2003); Cạnh sắc của Mỹ (2004); Bật dậy, Huấn luyện viên Carter (2005); Con đường vinh quang (2006)...

Tóm lại, với những ưu việt của mình, bóng rổ giờ đây tuy vẫn khắc họa nét đặc trưng của văn hóa Mỹ, nhưng đã phổ biến không chỉ ở khắp mọi miền trên đất Mỹ, mà còn xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Cũng giống như đồ ăn nhanh Mc Donald’s, gà rán Kentucky hay xe hơi Ford, bóng rổ đã trở thành một giá trị văn hóa đặc trưng của người Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa thế giới. Bóng rổ đã chứng tỏ tầm quan trọng của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Mỹ. Hơn thế nữa, nó còn chứng tỏ mình là môn thể thao của tương lai, đại diện cho một nền kinh tế tri thức - sử dụng tính linh hoạt và nhạy bén của tư duy chứ không chỉ dựa vào sức mạnh vật lý thông thường.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 309, tháng 3-2010

Tác giả : Trần Bách Hiếu

;