MÔ HÌNH QUẢN LÝ KHU DI TÍCH ĐỀN TRẦN Ở HƯNG HÀ, THÁI BÌNH

Quần thể di tích khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần nằm ở làng Tam Đường, xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình là một cụm di tích nổi bật về quy mô, tầm giá trị và sức hút trong số hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa toàn huyện, được quy hoạch với tổng diện tích 32,4 ha. Khu Di tích đền Trần và Thái Đường lăng đã được công nhận là Khu di tích khảo cổ học và di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Năm 2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2015, Khu lăng mộ, đền thờ các vị vua triều Trần huyện Hưng Hà, Thái Bình được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, việc lựa chọn mô hình quản lý nào để bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích đền Trần là một trong những nhiệm vụ cấp bách về mặt khoa học và thực tiễn.

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc lựa chọn mô hình

Khi lựa chọn di tích quốc gia đặc biệt - khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần ở Thái Bình làm điểm nghiên cứu, chúng tôi không chỉ quan tâm đến những giá trị nổi bật của di tích, mà còn gợi mở việc thiết kế mô hình quản lý cho di sản;  tham vấn lựa chọn mô hình bảo tồn nguyên vẹn hay bảo tồn kế thừa, bảo tồn phát triển giá trị di sản của Khu di tích đền Trần, Thái Bình.

Lựa chọn mô hình chính là việc cụ thể hóa những kế hoạch trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, từ đó chúng ta sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế, du lịch. “Bảo tồn di tích là những hoạt động nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài, ổn định của di tích để sử dụng và phát huy giá trị của di tích đó”(1). “Phát huy giá trị di tích có nghĩa là tập trung sự chú ý của công chúng một cách tích cực tới các giá trị của di tích/di sản, làm cho đông đảo người biết đến giá trị của di tích bằng cách truyền đạt trực tiếp hay thông qua một hình thức nào đó”(2).  Quá trình bảo tồn và phát huy di sản luôn có sự sàng lọc và chọn lựa hợp lý.

Trong lĩnh vực quản lý di sản hiện nay, các nhà quản lý đưa ra 3 định hướng bảo tồn di sản đó là: bảo tồn nguyên trạng; bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển. Với mỗi quan điểm, cách nhìn, các nhà quản lý chủ động đưa ra những lý luận và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo chúng tôi, mô hình quản lý di sản được hiểu một cách rộng rãi là những kịch bản được lên kế hoạch có sự đồng thuận của các bên liên quan nhằm quản lý, vận hành di sản hiệu quả (3).

Để lựa chọn mô hình bảo tồn cho di sản đền Trần, Thái Bình, chúng ta phải căn cứ trên những tiêu chí như: quan điểm của các bên, thực tiễn quản lý, mục đích, nguồn lực, sản phẩm và phương án tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc khảo sát lấy ý kiến từ các nhà quản lý địa phương cùng người dân trên địa bàn đang sở hữu di sản là công việc quan trọng và cần thiết cho việc lựa chọn mô hình bảo tồn và phát huy di sản.

Thứ nhất, với tổng thể di tích đền Trần ở xã Tiến Đức, Hưng Hà hiện nay, chúng ta mong muốn bảo tồn kế thừa các phần (mộ) như phần Bụt (Sỏi), Đa, Trung đã được tu bổ, tôn tạo đảm bảo tính bền vững của di tích.

Thứ hai, cơ bản hoàn thành việc xây dựng, tôn tạo các hạng mục công trình khu di tích nhà Trần ở xã Tiến Đức đã được UBND tỉnh Thái Bình, Bộ VHTTDL phê duyệt, cấp phép (4). 

Thứ ba, với di sản phi vật thể quốc gia - lễ hội đền Trần: trước hết là cần khôi phục được phần lớn các trò chơi, trò diễn dân gian ở di tích. Tôn trọng giá trị độc đáo của lễ hội, lấy giá trị độc đáo làm tương lai lâu dài cho di sản. Tiếp theo, chúng ta vừa phục dựng, kế thừa vừa phát huy di sản, tránh coi lễ hội là nguồn lợi để phát triển kinh tế, phải coi việc bảo tồn giá trị di sản là quan trọng hơn khả năng sinh lợi trước mắt.

Theo quan điểm thực tiễn đặt ra ở trên, việc thống nhất lựa chọn mô hình quản lý di sản theo hướng bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển với từng giai đoạn, từng nội dung của di sản là định hướng phù hợp. Do vậy, việc phân chia theo ba hạng mục là khu lăng mộ, khu Đền thờ các vị vua triều Trần và văn hóa bản địa (trong đó có lễ hội đền Trần) cho phép chúng ta chủ động hơn trong việc lựa chọn mô hình cho từng hạng mục di sản.

Hiện nay, hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy di sản ở đền Trần, Thái Bình chưa thực sự phát huy được vai trò tham gia tích cực của nhân dân địa phương. Thực tế, công tác quản lý hành chính, mệnh lệnh từ các cấp đã và đang làm cho vai trò của cộng đồng bị mờ nhạt, dần dần trở nên yếu thế, không có khả năng tự chủ về mọi mặt. Khi đó, cộng đồng ít có khả năng đáp ứng tốt với yêu cầu bảo tồn, phát huy di sản bởi bộ máy quản lý nhà nước trở lên độc lập, hành chính hóa. Thiết nghĩ, lựa chọn mô hình quản lý nào chăng nữa, thì vai trò của chủ thể di sản phải được đặt lên hàng đầu. Theo nghĩa đó, “Nhà nước không mất vai trò lãnh đạo xã hội của mình mà tham gia một cách sâu sắc hơn vào các tiến trình phát triển xã hội theo những nguyên tắc coi tham gia cộng đồng là một hình thức dân chủ cơ sở”(5). Hơn nữa, bất cứ một di sản nào cũng gắn kết với một cộng đồng nhất định và đang được cộng đồng đó thực hành.

2. Mục tiêu và nguyên tắc lựa chọn mô hình quản lý

Bảo tồn kế thừa các hạng mục của di tích đền Trần, Thái Bình, phát huy tối đa các giá trị văn hóa của khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần, để góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị di sản, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đặc biệt việc khai thác nguồn du lịch cộng đồng sẽ giải quyết công ăn việc làm cho đại đa số người dân bản địa và góp phần nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, mục tiêu tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng như: lập các tour du lịch, sản phẩm từ ẩm thực, cỗ cá tiến vua hay các sản phẩm  souvenir dựa trên cốt lõi là di sản thời nhà Trần, cũng là mục tiêu quan trọng quá trình xây dựng mô hình hoạt động đối với di sản.

Một nguyên tắc căn bản trong việc lựa chọn mô hình quản lý nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở đền Trần, Thái Bình đó là vận hành theo cơ chế quản lý của nhà nước. Cần đề cao sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cộng đồng. Tập trung vào hạng mục khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần, thực hiện nguyên tắc bảo tồn kế thừa các giá trị của di sản văn hóa đền Trần, Thái Bình.

3. Nội dung hoạt động quản lý, bảo tồn giá trị di sản

Hoạt động quản lý, bảo tồn kế thừa giá trị hiện tại của di sản đền Trần, Thái Bình bao gồm việc xây dựng các kế hoạch cụ thể cho một lộ trình để vận hành quản lý di sản trong điều kiện thực tế. Củng cố các công cụ quản lý cần thiết từ hệ thống văn bản, quy tắc cho đến các thiết chế liên quan như cơ sở hạ tầng, giao thông… để thực hiện hiệu quả các nội dung bảo tồn.

 Bảo tồn kế thừa các hạng mục của di sản

 Với khu lăng mộ, bảo tồn kế thừa 3 ngôi mộ: Đa, Trung và Bụt; theo nhân dân địa phương: Chiêu Lăng của vua Trần Thái Tông, Dụ Lăng của vua Trần Thánh Tông, Đức Lăng của vua Trần Nhân Tông; bảo tồn kế thừa các di vật, di tích tại các vị trí đã khai quật trong khu vực Thái Đường; bảo tồn kế thừa các mộ phần khác trong khu vực làng Tam Đường có liên quan đến triều Trần.

 Với khu đền thờ, bảo lưu, gìn giữ có kế thừa tổng thể di tích đền thờ vua Trần; kế thừa các hoạt động trông coi di tích, không thay đổi kết cấu đồ thờ tự và cấu trúc của di tích.

Phát huy các giá trị của di tích

Với khu lăng mộ, tôn tạo lại mộ phần Cựu tại vị trí cũ đã khai quật trong khu vực Thái Đường; trình lên cấp trên phê duyệt, cấp phép cho việc xây dựng, lát đá một lối đi vòng quanh các mộ phần để nhân dân và du khách đi lễ hội, thực hiện lễ tế mộ diễn ra được dễ dàng hơn; có lộ trình khôi phục lại các phần mộ nằm trong khu dân cư làng Tam Đường đã bị phá hủy như phần Lợn, phần Ổi, phần Quang, phần Mao.

 Với khu đền thờ, tiến hành xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phục dựng các công trình trong khu di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể của khu di tích; hoàn thiện xây dựng các hạng mục của đền thờ các vua Trần, các hạng mục công trình còn dang dở ở đền Thánh, đền Mẫu ở khu phía tây bắc, tạo thành quần thể các hạng mục kiến trúc uy nghi hoành tráng, có nhiều đồ tế khí, tượng pháp nguy nga, lộng lẫy; tôn tạo, tu sửa các di tích của hoàng thân quốc thích nhà Trần ở xung quanh đền Trần và khu vực lân cận, như đền thờ Khâm Từ Hoàng Thái Hậu, đền thờ Tướng quốc Trần Nhật Hiệu....

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa ở đền Trần, Thái Bình

Giữ gìn các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống trong khuôn khổ của lễ hội đền Trần, Thái Bình như lễ khai mạc, bái yết, dâng hương, tế mộ và các hoạt động tế lễ khác… Bảo lưu những nghi lễ, tục lệ truyền thống như tục giao chạ giữa hai làng Vân Đài, xã Chí Hòa và làng Tam Đường, xã Tiến Đức; các trò diễn truyền thống của nhà Trần như lễ thi cỗ cá, hội thi thổi lửa nấu cơm cần, thi gói bánh chưng…

Phục dựng lại lễ mừng chiến thắng của quân dân nhà Trần, từng bước xây dựng và hoàn thiện 18 sự lệ cũ của  đền Trần xưa kia, hoàn thiện các nghi thức tế lễ trong cung đình, nghi thức hành lễ và việc đón rước khi vua đi theo đường thủy từ bến ngự về cung vào tôn miếu để bái yết tổ tiên.

Phục dựng các trò chơi, trò diễn đã mai một, hoàn thiện các trò chơi, trò diễn đang được tổ chức trong lễ hội.

Xây dựng sản phẩm du lịch

Di sản đền Trần, Thái Bình có hệ giá trị đặc biệt được tạo nên bởi các yếu tố là khu lăng mộ, đền thờ các vua Trần và văn hóa bản địa. Các yếu tố đó có mối liên hệ bền chặt lâu đời, tạo nên một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh. Trải qua hàng trăm năm, di sản đền Trần vẫn giữ nguyên giá trị vĩnh hằng, đã và đang được nhân dân và chính quyền xã Tiến Đức khôi phục, bảo vệ và phát huy.

Trong tương lai, cần xây dựng ba nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng tương ứng với ba loại hình có liên hệ mật thiết: khu lăng mộ, đền thờ và cộng đồng. Các nhóm sản phẩm du lịch nằm trong tổng thể, trong đó lấy khu lăng mộ và đền thờ là đối tượng đặc trưng cho chuỗi tham quan, vãn cảnh, nghiên cứu của du khách. Theo đó, các sản phẩm du lịch gồm có:

Sản phẩm từ khu lăng mộ: tổ chức cho du khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về lý lịch chủ nhân của các ngôi mộ thời Trần; dựng bia ghi tóm tắt nội dung ngôi mộ; xây dựng và trưng bày các hiện vật thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ học theo chủ đề: mộ táng, mô hình nhà, mô hình tháp thời Trần…; thiết kế sản phẩm lưu niệm liên quan đến hoàng tộc nhà Trần.

 Sản phẩm từ đền thờ các vua Trần: tổ chức cho du khách tham quan, dâng hương; kết nối các tour du lịch trải nghiệm qua đền Trần, Thái Bình; liên kết với làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm; thưởng thức ẩm thực tại đền Trần, xã Tiến Đức: các đặc sản, sản vật của địa phương như bánh cáy, kẹo lạc, xôi trắng...; tổ chức in, phát cho du khách những tờ gấp giới thiệu thông tin của đền Trần, “giấy thiêng” trong đó có chữ Trần triều đế miếu, vạn sự hanh thông... làm quà lưu niệm.

 Sản phẩm từ cộng đồng: dịch vụ trông giữ, cho thuê xe; dịch vụ xung quanh đền (đồ lễ, giải khát…); tìm hiểu văn hóa làng Tam Đường...

Phương án tổ chức thực hiện  

Hoạt động quản lý, bảo tồn kế thừa giá trị của di sản đền Trần, Thái Bình phải dựa trên cơ sở đồng thuận, thống nhất của các bên liên quan bao gồm: Ban Quản lý di tích (BQLDT) huyện Hưng Hà, BQLDT đền Trần, chính quyền sở tại, những người sở hữu trực tiếp di sản này (thủ nhang ở đền Trần và cộng đồng người dân thôn Tam Đường, xã Tiến Đức). Đặc biệt, vai trò của cộng đồng, đại diện là thủ nhang của đền phải được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, bộ máy quản lý khu di tích đền Trần đã được xây dựng và kiện toàn, tạo ra sự chuyển biến trong việc quản lý di tích. Trước hết là hoàn thiện sự phân cấp, phân quyền giữa các ban, ngành và duy trì ổn định hoạt động của BQLDT đền Trần, Thái Bình. Phòng VHTT huyện Hưng Hà có 2 Ban Quản lý trực thuộc là BQLDT huyện Hưng Hà và BQLDT Quốc gia đặc biệt đền Trần, Thái Bình. Sau khi thực hiện kiện toàn bộ máy theo quyết định số 8800/QĐ - UBND, ngày 14-12-2016, BQLDT quốc gia đặc biệt đền Trần, Thái Bình gồm 15 thành viên.

Sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ di tích, bảo tồn di sản gồm tổ vệ sinh môi trường và tổ bảo vệ. BQLDT Quốc gia đặc biệt đền Trần, Thái Bình thực hiện ký hợp đồng lao động và trả thù lao theo quy định cho những thành viên này. Nhiệm vụ do Ban quản lý phân công. Thủ nhang đền Trần do 1 người chịu trách nhiệm chính, ngoài ra còn có một số người tham gia trợ giúp việc lễ sự thường ngày hay khi có lễ trọng.

Sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức, phân định thẩm quyền của các bên rõ ràng, BQLDT Quốc gia đặc biệt đền Trần, Thái Bình thực hiện theo các nhiệm vụ đã được phê duyệt. Nguồn kinh phí thu được từ các nguồn công đức, tài trợ, nguồn dịch vụ… hàng năm đều được BQLDT công khai, minh bạch và phân vùng thu, chi cụ thể. “Những khoản chi lớn đều được UBND huyện phê duyệt, những hạng mục chi nhỏ cho duy trì bộ máy quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm do Trưởng BQLDT chịu trách nhiệm”(6). Do đó, BQLDT đền Trần, Thái Bình có cơ sở pháp lý để hoạt động. Tuy nhiên, BQLDT đền Trần cần thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động, thực hiện “giám sát và đánh giá trên các lĩnh vực: Tác động môi trường về kinh tế, văn hóa, xã hội”(7) để từ đó có điều chỉnh và kiện toàn.

Bộ máy quản lý di tích đền Trần, Thái Bình hiện nay được phân cấp, phân quyền nhưng chưa tinh giản, gọn nhẹ và hiệu quả. Cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các thành viên trong ban quản lý, tổ vệ sinh, tổ bảo vệ. Đồng thời, tăng cường, nâng cao hơn nữa vai trò của thủ nhang nhà đền cũng như tăng cường vai trò của cộng đồng nhân dân tham gia vào công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của địa phương mình.

Như vậy, việc tham vấn các bên liên quan gồm: chính quyền địa phương, thủ từ nhà đền, cộng đồng địa phương, khu di tích đền Trần hiện nay đã xây dựng và kiện toàn một hệ thống quản lý thống nhất. Bên cạnh đó, việc gợi mở mô hình quản lý di sản theo hướng bảo tồn kế thừa, phát huy di sản đền Trần, Thái Bình là một lựa chọn khoa học được sự đồng thuận của các bên liên quan sẽ góp phần bảo tồn di sản đền Trần Thái Bình trong đời sống đương đại.

_____________

1. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Paris, 17-10-2003. ich.unesco.org.

2. Nguyễn Chí Bền, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long - Hà Nội, 2010., Nxb Hà Nội

3. Lương Hồng Quang, Mô hình quản lý di sản gắn với phát triển du lịch, Bắc Giang, 2016., trong tài liệu Hội thảo khoa học quốc gia: Giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững

4. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, Phát triển cộng đồng: lý thuyết và vận dụng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.

5. Bùi Hoài Sơn, Thuật ngữ di sản (quản lý), trong 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, 2008.

6. UBND huyện Hưng Hà, Quyết định số 8800/QĐ, ngày 14-12-2016 về việc kiện toàn BQLDT Quốc gia đặc biệt đền Trần, Thái Bình.

7. Cao Trung Vinh, Lựa chọn mô hình bảo tồn di sản, trường hợp chùa Bổ Đà, số 390, tháng 12- 2016., Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ HẠNH

;