Luật tục trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn La hiện nay

Luật tục là những định chế về quá trình con người ứng xử với tự nhiên và xã hội trong từng cộng đồng người cụ thể. Nó chi phối đến mọi mặt đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam trong suốt quá trình phát triển. Tuy nhiên, một yêu cầu tất yếu đặt ra trong quá trình phát triển của cộng đồng các DTTS, đó là làm sao vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị tích cực, vừa khắc phục được những hạn chế của luật tục. Bài viết tập trung nghiên cứu luật tục của một số đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La, xác định những luật tục có giá trị tích cực cần tiếp tục phát huy và những luật tục có tác động tiêu cực cần khắc phục (1).

1. Biểu hiện của luật tục trong đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Sơn La

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm tới 83,6% (Thái chiếm 53,8%, Mông gần 15,9%, Mường 6,9%, các dân tộc khác còn lại chiếm khoảng 7%). Mỗi DTTS có phương thức canh tác và nét văn hóa mang đặc trưng riêng, điều này được  thể hiện rõ trong luật tục, hương ước truyền thống của mỗi cộng đồng và chi phối đến mọi mặt đời sống của cộng đồng đó, không chỉ trong quá khứ mà ngay cả hiện tại. Tuy rất đa dạng, phong phú, nhưng về cơ bản, luật tục của đồng bào các DTTS Sơn La biểu hiện tập trung trên một số lĩnh vực sau:

Trong quản lý cộng đồng của buôn làng

Đối với đồng bào các DTTS Sơn La, luật tục là sự kết hợp hài hòa giữa quản lý và tự quản, giữa áp đặt và tự nguyện, giữa giáo dục và trừng phạt. Đây là cách thức quản lý cộng đồng hiệu quả không chỉ trong xã hội truyền thống mà ngay cả trong quản lý buôn làng hiện nay.

Trong Bộ luật mường của người Thái có chỉ ra 47 loại người, đó là: ăn trộm, ăn cướp, ăn hiếp, người hay kiện tụng, người hám của, người dại khờ, người lười biếng, người xỏ xiên, người khoác lác, người hớt lẻo, người nhẹ dạ…, tất cả chia thành hai loại là người tốt, kẻ xấu và thái độ của cộng đồng đối với từng loại người. Bộ luật mường cũng quy định 17  hình thức phạm tội và hình phạt, thông qua các điều luật trên các lĩnh vực như: luật tranh chấp ruộng và nguồn nước, luật dựng vợ gả chồng, luật để tang chồng, luật bỏ vợ bỏ chồng hay vợ chồng bỏ nhau, luật về người chết, luật đánh nhau chết, luật dân đi ở làng khác, luật ăn cắp, luật đánh người, luật trộm yêu… Trong đó, tội ăn cắp, ăn trộm và trộm yêu được quy định chi tiết nhất. Ví dụ, với tội ăn cắp, ăn trộm, Bộ luật mường của người Thái có tới 169 điều quy định với từng trường hợp và hình phạt tương ứng, như: “Ai ăn cắp mạ đã ngâm phải phạt 3 lạng bạc kèm theo rượu, lợn, phải cúng vía cho chủ mạ 5 đồng cân bạc và trả lại số mạ đã lấy; Ai ăn cắp cá chua, phải phạt 5 lạng bạc, kèm theo rượu, trâu, phải cúng vía cho chủ cá 1 lạng bạc và trả lại số cá đã lấy…” (2). Về tội trộm yêu (yêu đương bất chính - lặc mặc), có 108 điều quy định, như: “Trộm yêu với bác ruột còn con gái, nếu bắt được, phạt trai 25 lạng bạc, kèm theo rượu, lợn để cúng vía cho cả họ…; Trộm yêu chị vợ còn con gái, nếu bắt được, phạt trai 25 lạng bạc, gái 25 lạng bạc, trai cúng vía cho lung ta (bên nhà vợ)” (3). Trong luật tục của người Mông, quy định về tội ăn cắp và tội hủ hóa: “Nếu ăn cắp lợn bị bắt phạt 50 nén bạc… Đối với tội hủ hóa, trai gái ăn nằm với nhau nếu người con gái có thai mà người con trai không lấy, người con trai phải phạt 3 nén bạc trắng, một con lợn cúng ma và đãi làng… Ngoại tình với vợ người ta, ngoài việc bị chồng đánh, anh ta còn bị phạt 4 nén bạc trắng, một con lợn đãi làng” (4). Không những bị xử phạt bằng vật chất, người vi phạm các điều trong luật tục còn bị “xã hội cười chê, thậm chí khinh bỉ đến mức không ai muốn tiếp xúc, gặp gỡ với những người đó” (5). Đôi khi, hình phạt là sự tự giác ngộ với những sai lầm của mình, dù không ai chê cười nhưng người vi phạm tự xấu hổ và không dám tái phạm.

Trong quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên

Do môi trường sống và phương thức canh tác của đồng bào các DTTS Sơn La chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng, sông, suối… nên ngay từ rất sớm, các cộng đồng đã có ý thức trong khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Về vấn đề khai thác và bảo vệ rừng, luật tục của đồng bào Mông quy định: Ở những khu rừng cấm, “tuyệt đối cấm không cho bất cứ ai chặt phá làm nương, khai thác gỗ. Ai cần khai thác để làm công trình chung như cầu, kè mương, đều phải được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo giao lên đến xã, huyện. Nếu ai tự ý chặt cây mà bị phát hiện, sẽ bị làng phạt một con lợn 30kg, 20 lít rượu… Tất cả mọi người nếu không tôn trọng, không thực hiện quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt, giống như hình thức phạt gia súc phá hoại mùa màng” (6).

Bên cạnh đó, đồng bào Mông còn đặc biệt coi trọng nguồn nước: “Cấm tắm, giặt giũ, mổ lợn đầu nguồn nước và chỗ khơi nguồn nước ăn. Ai vi phạm bị phạt. Người nào làm độc hại, gây đục bẩn nguồn nước, bị phạt theo 2 mức: Nếu thả thuốc độc để chết cá, mà nguồn nước đó dùng chung cho cả bản phạt 7 lạng 2 bạc trắng. Nếu vì mâu thuẫn mà dùng thuốc độc thả vào nguồn nước nhằm hại người khác bị phạt 12 lạng bạc” (7).

Trong săn bắn cũng vậy, luật tục của đa số đồng bào DTTS Sơn La đều cấm săn bắn trong mùa sinh sản của muông thú, đặc biệt là đối với những loài thú lớn như hươu, nai, thậm chí cả hổ, báo… Đối với mùa khác, họ thường cấm săn bắn tập thể, nếu cá nhân đi săn một mình thì chỉ được bắn các loại chim, thú nhỏ như chồn, cáo, gà rừng… Hoạt động hái lượm cũng chịu sự quy định theo mùa vụ. Ví dụ: mùa xuân thường đi hái măng vầu, măng sặt; mùa hè hái măng tre, măng giang… Điều đáng chú ý ở đây là trong khi thu hái, phải tránh chặt phá bừa bãi những cây xung quanh. Khi đi hái rau, hái thuốc Nam cũng vậy, trong lúc hái không được lấy hết sạch, cấm chặt nhổ cả cây, cả rễ; luôn phải tuân theo nguyên tắc vừa hái vừa để dành; hay khi lấy tổ ong, đối với ong mật, bao giờ cũng phải để lại một miếng sáp đầu mật cho ong mẹ làm nơi tụ đàn.

Trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi và bảo vệ hoa màu

Người Thái chủ yếu canh tác lúa nước nên đặc biệt coi trọng vai trò của thủy lợi. Luật tục bản mường ghi rõ: Việc làm nương, phai, lái, hệ thống máng nước… là một trong những khoản chung, là “việc mường”; việc xây dựng và bảo vệ hệ thống thủy lợi do cấp mường tổ chức cho dân làm, luật mường sẽ phạt nặng đối với những hành vi phá hoại sản xuất như: tự ý tháo nước, dỡ ống nước, ăn trộm trâu bò, ăn cắp mạ hay các loại nông sản… Luật tục mường Muội quy định cụ thể: “Ăn cắp hoa màu phạt 1, 2 nén bạc, nếu là con nhà chức dịch thì bị tăng gấp 2; Ăn cắp thóc lúa: đền gấp 2, phạt 1, 2 nén bạc; Ăn cắp trâu bắt làm tôi đòi (nô lệ) cho Phìa Tạo, nếu không phải phạt gấp 3 lần (3 trâu)” (8). Đồng bào truyền miệng nhau câu tục ngữ “muốn làm tôi đòi thì trộm trâu”, điều này cho thấy người Thái rất coi trọng con trâu trong sản xuất và chăn nuôi, vì thế, tội trộm trâu bị xử phạt rất nặng “suốt đời phải làm tôi tớ cho nhà phìa, tạo hay chủ mường” (9). Đối với đồng bào Mông, luật tục quy định rõ: Chỗ chăn thả trâu bò riêng, trâu bò của nhà nào vượt rào phá hoa màu thì “chủ nhà có quyền bắn chết trâu, mời trưởng bản đến để xác định giá trị hoa màu đã bị thiệt hại. Nếu chỗ hoa màu đó không bằng giá trị con vật, thì hai bên mổ thịt chia đều mỗi bên một nửa. Nếu hoa màu lớn hơn giá trị con trâu, thì chủ trâu đền tiền, và được mang con trâu về nhà mình” (10).

Cũng giống như đồng bào Thái, Mông, đồng bào Mường coi trọng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động trồng lúa nước. Chính vì vậy, với họ, nguồn đất, nguồn nước và các tư liệu sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, mạ… là những tài sản quý giá, ai làm hư hại đến những tài sản đó thì chết cũng không thành ma: “Tội ăn cắp mạ giữa ruộng. Tội ăn cắp bừa tháng sáu” (Sối ăn lốm má khừa trưa. Sối ăn lốm pứa khàng khầu). Đó là những tội danh khi mắc phải, dù trần gian chưa kịp xử tội thì thế giới bên kia đã có một chế tài xử tội đích đáng (11).

Trong đời sống văn hóa, tâm linh

Tục lệ cưới hỏi của đồng bào các DTTS Sơn La là một việc hệ trọng của đời người, trước hết là để có con nối dõi tông đường, đồng thời nâng cao uy tín, thế lực dòng họ và tăng thêm nhân lực cho gia đình. Chính vì vậy, lễ cưới hỏi thường được quy định với những nghi thức và tập tục nghiêm ngặt. Với người Mông, “bắt vợ” là một trong những tập tục, nghi thức, nét văn hóa độc đáo. Nam, nữ thanh niên Mông được tự do tìm hiểu, yêu đương để lựa chọn bạn đời. Điểm hẹn hò, gặp gỡ của nam nữ thanh niên Mông là các phiên chợ tình, dịp lễ, Tết… thông qua hình thức sinh hoạt văn hóa như ném pao, hát đối đáp… trai gái làm quen, thổ lộ tình cảm. Trong những lần gặp gỡ ấy, người con trai thường trao kỷ vật cho người con gái để làm tin, nếu trong 3 ngày kỷ vật ấy không bị trả lại là cô gái đã ưng thuận. Vật kỷ niệm ấy là bằng chứng để chàng trai có thể “bắt” cô gái về làm vợ trước khi có lễ cưới. Thông thường, sính lễ nhà trai chuẩn bị gồm có: thịt lợn 30-100kg; 10-30 lít rượu, 0,5-1kg thuốc lào; 0,5-1kg thuốc phiện (lễ vật này hiện nay không còn trong tập quán); 20-100 đồng bạc trắng; 1 đôi gà; 1kg đậu phụ; 1kg sắt vụn (để rèn đúc công cụ sản xuất) (12).

Lễ cưới của người Thái, theo tục lệ, toàn bộ đám cưới đều do nhà trai đứng ra lo liệu, tổ chức. Lễ vật bắt buộc trong đám cưới là cá chua và cá sấy khô. Căn cứ vào số anh em, họ hàng, cô dì, chú bác bên nhà gái mà nhà trai phải lo chia đủ. Nhà trai sẽ tặng mỗi người thân bên nhà gái một ống cá ướp chua, một cặp cá sấy. Những người được biếu tặng cá cũng sẽ tặng cô dâu đôi gối, thậm chí cả bộ chăn đệm, nồi niêu… Số chăn đệm này có thể nhiều hơn quy định của phong tục là 4 đôi, chỉ có bố mẹ và ông bà chồng là được tặng bộ chăn đệm, còn cô dì, chú bác chỉ được tặng đôi gối, ghế đệm hay khăn piêu. Đối với các cô dâu Thái, dù nhà nghèo đến mấy cũng phải lo bằng được số chăn đệm mà phong tục quy định (13).

Về tục lệ tang ma, bản tục lệ tang ma của người Thái đen trình bày các nghi thức tang lễ theo thứ tự từng ngày, từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ 6 - kết thúc tang lễ. Trong đó, ngày đầu tiên được gọi là Ngày thức ma dậy - ngày quàn; ngày thứ hai với nghi thức Ngày đón rể và con trai đọc bài khóc tiễn đưa hồn; ngày thứ ba, được gọi là Ngày đặt - tức đưa thi thể người chết ra khỏi nhà, vào rừng thiêu; ngày thứ tư - Ngày đưa, nhặt hài cốt và đưa hài cốt vào rừng chôn; ngày thứ năm và ngày thứ sáu, diễn ra hàng loạt nghi lễ như nghi lễ thăm mồ, nghi lễ cúng linh hồn phù hộ người sống, nghi lễ hú gọi hồn cha mẹ (14)… Đặc biệt, trong truyền thống, người Mông còn được để người chết trong nhà khoảng 5-7 ngày (tùy từng gia đình, dòng họ lớn hay nhỏ).

Ngoài luật tục về cưới hỏi, ma chay thì đời sống văn hóa của các DTTS ở Sơn La còn được thể hiện trong quy định về nhà ở, trang phục, ẩm thực… Điều này góp phần bảo tồn nét đặc trưng trong văn hóa của các DTTS ở nơi đây.

Với đồng bào các DTTS Sơn La, đời sống tâm linh trở thành nền tảng vững chắc trong mối quan hệ cộng đồng làng bản, và bản thân luật tục ra đời chủ yếu để giải quyết hai mối quan hệ chính, đó là quan hệ giữa con người với con người trong cộng đồng và mối quan hệ giữa con người với thế giới tâm linh. Đời sống tâm linh thể hiện trong luật tục khá đậm nét, tiêu biểu trên một số mặt sau:

Thứ nhất là thờ cúng tổ tiên. Đối với đồng bào DTTS, tổ tiên trở thành một lực lượng siêu linh, là chỗ dựa tinh thần của gia đình, dòng họ (15). Người Thái thường dành một gian đầu hồi phía trong ngôi nhà làm gian thờ cúng tổ tiên (khlọ hoỏng). Đây là nơi linh thiêng, nơi ở của các vị thần, có nhiệm vụ trông coi và hộ mệnh cho cả gia đình; phụ nữ, nhất là các nàng dâu không được đến trước bàn thờ tổ tiên. Với người Mông, khi trong gia đình, họ hàng có người mất thì con cháu dù ở xa đến mấy cũng phải về tiễn đưa. Mỗi người con thực hiện tục làm hiếu cho cha (hoặc mẹ) một con trâu (giết trâu để cúng cha mẹ), đây là tập tục đến nay vẫn còn duy trì ở nhiều gia đình.

Thứ hai là tục thờ cúng thần linh. Lực lượng thần linh trong đồng bào DTTS Thái, Mông, Mường hay nhiều DTTS khác trên địa bàn tỉnh Sơn La thường là các lực lượng thiên thần (gắn với các hiện tượng tự nhiên), bởi, hầu hết các hoạt động liên quan đến đời sống của họ đều chịu sự tác động và lệ thuộc vào tự nhiên. Trong quan niệm của người Thái, đất, nước, rừng đều có thần linh cai quản. Hằng năm, vào dịp tháng Giêng, tháng Hai, người Thái có tục thờ thần nước ở các vực nước (văng nặm) và thờ thần rừng, thần thổ địa tại các khu rừng cấm (đông sựa) của bản hay của cả mường; một số nơi còn có tục thờ thần cây gạo (co nghịu) hay cây đa (cọ bạ), tục thờ hồn lúa (khoăn khạu), hồn ruộng (khoăng ná)…

Thứ ba là kiêng kỵ và các hình thức tín ngưỡng khác. Với đồng bào các DTTS Sơn La, việc tuân thủ những điều kiêng kỵ nghiêm ngặt mà luật tục đề ra giúp con người có niềm tin và lạc quan hơn trong cuộc sống. Kiêng kỵ thường liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất của người xưa. Người Thái quan niệm: “Kiêng được không sợ quá, không sợ vô ích” (Căm đạy bâu lo cai).

2. Một số kết luận

Luật tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của đồng bào các DTTS Sơn La

Luật tục của đồng bào các DTTS Sơn La ra đời từ rất sớm, gắn liền với yêu cầu quản lý cộng đồng, duy trì sự ổn định và phát triển cơ cấu xã hội mang tính tự quản của các tộc người. Mặc dù hiện nay, việc quản lý mọi hoạt động của cộng đồng các DTTS đã có luật pháp và các cấp chính quyền, nhưng luật tục vẫn tồn tại với tư cách là một thiết chế xã hội truyền thống, tác động đến mọi mặt đời sống của đồng bào, như: hoạt động quản lý xã hội, duy trì sự ổn định của cộng đồng; bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; những quy định trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ hoa màu; đến những quy định trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng… Cho đến nay, những luật tục này vẫn ảnh hưởng tương đối đậm nét đến tư tưởng và hành động, trở thành thói quen, nếp sống của đồng bào.

Luật tục tác động đến đời sống của đồng bào các DTTS Sơn La theo cả hướng tích cực và tiêu cực

Luật tục của các DTTS Sơn La có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, điều chỉnh và điều hòa các lĩnh vực, các mối quan hệ trong cộng đồng; góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người; củng cố tính cộng đồng của cư dân, làng bản; tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội, ngăn ngừa và hạn chế tội phạm trong cộng đồng; bảo đảm sự an toàn cho hoạt động kinh tế của người dân…

Tuy nhiên, luật tục của đồng bào cũng có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của cộng đồng như: tính khép kín, tự cung tự cấp, không quan hệ với bên ngoài, đây là lực cản làm hạn chế cơ hội phát triển cộng đồng trong giai đoạn kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay; tính bảo thủ, trì trệ của một số luật tục trong sản xuất (thủ công, du canh du cư) trong cưới xin (tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thách cưới), trong ma chay (để người chết trong nhà dài ngày, nhiều nghi lễ tốn kém tiền của); có những luật tục không phù hợp với luật pháp của Nhà nước… điều này cản trở đến sự phát triển, tiến bộ, văn minh của con người và xã hội.

Một số luật tục cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế văn minh của thời đại

Hiện nay, nhiều luật tục của đồng bào các DTTS còn mang tính bảo thủ, lạc hậu. Mặc dù, trong thời gian qua đã có điều chỉnh và thay đổi, như tập tục để người chết trong nhà dài ngày của các DTTS Sơn La đã được hạn chế (hiện nay, đám tang thường chỉ tổ chức trong 2-3 ngày). Đặc biệt với người Mông, năm 2007, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Hội nghị Bí thư chi bộ, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín dân tộc Mông, thông qua và ký cam kết thực hiện nội dung “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông (16). Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, hủ tục, phản cảm trong luật tục vẫn còn hiện hành trong đời sống của đồng bào, cản trở đến việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy phạm pháp luật, cản trở xu hướng phát triển tiến bộ, văn minh của con người và xã hội. Thời gian tới cần có sự điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ những hạn chế đó, đây không chỉ là trách nhiệm của bản thân đồng bào các DTTS Sơn La, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (đặc biệt của những cơ quan chức năng làm công tác dân tộc) và của toàn xã hội.

Luật tục của đồng bào các DTTS Sơn La có giá trị trên nhiều mặt, là tư liệu quý để nghiên cứu xã hội và văn hóa các tộc người, là kho tàng tri thức dân gian phong phú, không những đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của cộng đồng DTTS trong quá khứ mà còn có vai trò trong sự ổn định, phát triển xã hội hiện tại và tương lai, nhất là trong lĩnh vực quản lý trật tự cộng đồng; bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; kinh nghiệm tổ chức và bảo vệ hoạt động sản xuất; giữ gìn các giá trị văn hóa, tâm linh. Bên cạnh đó, luật tục với tư cách là sản phẩm lịch sử xã hội truyền thống của một cộng đồng người nên không tránh khỏi những hạn chế, tiêu cực. Thực tế đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu để phát huy những luật tục có tác động tích cực, đồng thời, khắc phục được những luật tục có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội của đồng bào các DTTS, theo chủ trương mà Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc… Từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu” (17).

________________

1. Bài viết là kết quả nghiên của đề tài cấp cơ sở Luật tục với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La.

2, 3, 14. Ngô Đức Thịnh, Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.232, 232, 236-242.

4, 7, 9, 10. Bùi Xuân Trường, Tác dụng của Luật tục đối với việc quản lý xã hội các dân tộc Thái, Mông Tây Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999, tr.51, 50, 27, 50.

5, 13, 15. Hoàng Lương, Luật tục với việc bảo đảm và phát huy di sản văn hóa truyền thống một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004, tr.42, 113, 132.

6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Phân viện Hà Nội, Văn hóa bản làng truyền thống các dân tộc Thái, Mông vùng Tây Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.126-127.

8. Sơn La ký sự bài 39 - Luật tục Thái, sonla.gov.vn.

11. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Luật tục Mường, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2008, tr.60.

12. Chu Thái Sơn (chủ biên), Văn hóa tộc người H’Mông, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr.116.

16. “Năm có” gồm: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, làm ra nhiều hàng hóa để dùng và bán; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông; có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự; có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt. “Năm không” gồm: Không du canh du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu; không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy; không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, sinh nhiều con.

17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.263

Tác giả: TS Trần Thị Thúy Chinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

;