LỄ HỘI TIÊN LỤC - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN

Làng Tiên Lục, xưa thuộc vùng địa danh gọi nôm là Luộc, thuộc tổng Đào Quán, phủ Lạng Thương. Tiên Lục có tín ngưỡng dân gian, nghi lễ thờ đạo Phật. Thời Pháp thuộc, người dân còn theo đạo Thiên chúa thuộc dòng Đa Minh, xuất hiện vào năm 1870 đến năm 1926. Thời kỳ này, nhà thờ được làm theo kiểu nhà ở của dân (tiền kẻ hậu bẩy, lợp ngói mũi). Năm 1928, nhà thờ được xây dựng theo kiểu kiến trúc Tây Âu. Sau Cách mạng tháng Tám, tổ chức họ đạo đã củng cố các hội nghĩa binh, kèn đồng, trống... Bà con giáo dân theo đạo Phật và đạo Thiên chúa ở đây luôn tích cực hoạt động, chung sống hòa thuận, đoàn kết, cùng nhau xây dựng truyền thống lịch sử văn hóa của làng cổ Tiên Lục.

1. Không gian văn hóa lễ hội Tiên Lục

Các di tích ở Tiên Lục được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1989, thuộc nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật, gồm 5 di tích chính: chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, đền Thánh Cả và cây dã hương... Ngoài ra, ở xã Tiên Lục còn có trên dưới 30 di tích khác, gồm các nghè, am, đền, miếu… Tuy nhiên, lễ hội ở Tiên Lục chỉ liên quan đến cụm di tích đã nêu.

Chùa Phúc Quang cùng với đền Thánh Cả (hay gọi là đền Tiên Lục) tọa lạc trên đỉnh đồi thông, nằm ở trung tâm xã Tiên Lục. Hiện nay, chùa có khoảng 90 pho tượng, trong đó nhiều pho thuộc loại cổ, quý hiếm. Hệ thống tượng phật trong chùa hoàn chỉnh, được xếp thứ tự từ thượng điện đến hai dãy hành lang, bên dưới gác chuông. Giá trị kiến trúc nổi bật của ngôi chùa cùng với hệ thống tượng phật đã tạo cho chùa Phúc Quang thêm vẻ đẹp văn hóa cổ kính, linh thiêng. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chùa Phúc Quang vẫn bình an vô sự, vẹn nguyên.

Trong khi đó, đền Thánh Cả là nơi thờ hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh, có sắc phong do vua Lê Cảnh Hưng ban tặng. So với các di tích khác thì đền Thánh Cả quy mô, nhưng xây dựng khiêm tốn. Đền được kết cấu theo lối kiến trúc hình chữ đinh, tòa tiền tế gồm ba gian, hậu cung gồm hai gian. Hiện nay, đền Thánh Cả còn lưu giữ được các di vật như: kiệu rước, hương án, cây đèn đồng, nồi hương, quán tảy…

Hai ngôi đình làng Viễn Sơn và Thuận Hòa giống như bao ngôi đình làng Việt khác, gắn liền với cây đa, giếng nước, mang đậm nét văn hóa làng Việt cổ. Hai ngôi đình đã chứng kiến những sinh hoạt văn hóa lễ hội, sự thay đổi từng ngày của làng xã. Ngôi đình trang trọng và thiêng liêng như đại diện biểu trưng văn hóa quyền lực trong làng xã, là nơi tụ họp của dân làng nương tựa, giúp đỡ nhau trong đời sống cư dân xã hội nông nghiệp.

Còn cây dã hương nằm cách thành phố Bắc Giang 21km, thuộc dòng long não, hoa nhỏ, màu vàng nhạt, nở vào cuối xuân, nhựa cây vị ngọt, chứa tinh dầu thơm đặc biệt, rễ cây chứa chất satrol có giá trị chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Thân cây to, tán rộng che phủ cả hai sào đất, tới nay đã ngót 1000 năm, nhiều cành khô trên cao như những tác phẩm tạo hình độc đáo. Vào TK XVIII thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), nhà vua đi kinh lý qua vùng đất Tiên Lục, thấy cây dã hương tán phủ rộng một góc trời, đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc dã đại vương”. Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đa dạng sinh học đã có đề tài khoa học nghiên cứu về cây dã hương.

Chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, đền Thánh Cả và cây dã hương gắn liền với không gian văn hóa lễ hội Tiên Lục, nơi người dân tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, nhân dân, làng xã, một nét sinh hoạt văn hóa dân tộc cần bảo tồn, phát huy trong đời sống xã hội đương đại.

2. Lễ hội Tiên Lục

Lễ hội làng Tiên Lục có ý nghĩa suy tôn những vị thần linh, những anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người giàu lòng nhân ái, những người có công dạy truyền nghề, giúp dân chống thiên tai… Lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Lễ hội làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao của tổ tiên, để họ thêm tự hào về truyền thống quê hương đất nước.

Ở Tiên Lục, lễ hội tổ chức nhiều nhất vào ba tháng mùa xuân và mùa thu. Mùa xuân tiết trời ấm áp, mùa thu mát mẻ và cũng là lúc nông nhàn, thuận lợi cho tổ chức lễ hội.

 
 
 
Lễ hội Tiên Lục. Ảnh An Khang 
 
 

Lễ hội Tiên Lục thường chia thành ba giai đoạn:

Giai đoạn một, chuẩn bị cho mùa lễ hội. Khi ngày hội đến gần, mọi khâu chuẩn bị phân công, cắt cử công việc để đón ngày hội sắp diễn ra, kiểm tra lại đồ tế lễ, trang phục, quét dọn, mở cửa di tích, rước nước làm lễ tắm tượng (mộc dục) cùng các đồ tế tự, thay trang phục mũ áo cho tượng thần...

Giai đoạn hai, vào hội. Gồm hai phần: phần lễ với các hoạt động rước kiệu thần, tế lễ, dâng hương, kéo chữ; phần hội gồm các trò vui như kéo co, đấu cầu, cờ tướng, bóng đá nam, biểu diễn văn nghệ và một số trò chơi dân gian trong lễ hội.

Giai đoạn ba, kết thúc hội (xuất tịch, giã đám, giã hội). Ban tổ chức làm lễ tạ, đóng cửa di tích.

Lễ hội Tiên Lục diễn ra trong ba ngày 18, 19 và 20-3 âm lịch. Trong đó, ngày 18-3 người dân làm công tác tổ chức, trang trí ở chùa Phúc Quang và hai đình Thảo Xá, đền Thánh Cả rước nước, thi đấu bóng đá, văn nghệ. Ngày 19-3 làm công tác chuẩn bị ở hai đình và rước nước. Hai đình rước kiệu về Thảo Xá. Khai mạc lễ hội, tế thần, kéo chữ, giao đấu cầu, tổ chức thi đấu thể thao; bóng đá, cờ tướng, các trò chơi trong lễ hội. Ngày 20-3, hoạt động tiếp các môn thể thao, các trò chơi dân gian trong lễ hội. Tiếp theo, tổ chức các trò chơi dân gian: đấu vật, đập niêu, chọi gà, thi nấu cơm, đánh cờ người, chơi đu… lễ tế hoàn cung (rước kiệu về hai đình), sau màn chung kết các môn thể thao như cờ tướng, bóng đá, trao giải thưởng và bế mạc lễ hội.

Từ năm 1945 đến nay, các nghi thức lễ hội ở Tiên Lục lưu giữ một số nghi thức tế lễ, còn các tục khác như lập gia đàn ngoại, hát nhà tơ (hát ca trù), trống thét thì không còn duy trì nữa. Theo các cụ truyền lại, lịch sử hội làng Tiên Lục một năm có hai tiết hội chính vào ngày 9 tháng giêng và 20-8 âm lịch. Mỗi tiết hội có những ý nghĩa khác nhau.

Theo lịch sử lễ hội, ngày 20-3 hàng năm, nhân sự kiện khánh thành chùa Phúc Quang được tu bổ, mở rộng như ngày nay, làng đã lấy ngày 20-3 âm lịch mở lại tiết hội ngày 9 tháng giêng, nên lịch sử lễ hội có từ năm 1707 (trong văn tế lễ hội còn ghi, 20-3 tái hành hội lễ).

3.Về nghi thức của lễ hội

Hội làng là dịp hội tụ những nét tinh hoa của nền văn minh xóm làng, thì đám rước, tế lễ là hình ảnh tập trung nhất của hội làng, là biểu trưng của sức mạnh cộng đồng đang diễn ra trước mắt tất cả mọi người một cách tráng lệ và thân quen. Bởi ai cũng biết rằng, để được khoác bộ lễ phục của hội làng đi trong đám rước, dù là chân kiệu hay chủ tế, dù là thiếu niên hay bô lão, chức sắc hay bạch đinh… cũng đều phải thông qua việc chọn lựa nghiêm túc của lệ làng. Đó là việc làm tỏ lòng tôn kính đối với vị thần thánh được dân làng tôn vinh. Đám rước nhân danh cộng đồng làng, với tinh thần quên đi cái tôi riêng của cá nhân mà hòa nhập vào cái ta chung linh thiêng cao quý.

Lễ hội ở Tiên Lục được diễn ra vào mùa xuân với tiếng trống hội thúc giục lòng người. Khi nghe tiếng trống hội, lòng mọi người vui phơi phới nhất là những người được cử vào chân tế.

Theo lịch sử của xã Tiên Lục, trước đây, khi vào tế chính thức của lễ hội thì làng đánh ba hồi trống thét để báo hiệu cho các trai đinh trong làng đã được phân công nhiệm vụ trong lễ hội. Các trai làng dù ở xa hay ở gần thì phải về nơi tập kết để chuẩn bị làm nhiệm vụ. Ba hồi trống thét đánh dài thời gian hàng vài tiếng đồng hồ trống đánh luôn đổ hồi. Trong ngày hội, ở đình Viễn Sơn và đình Thuận Hòa chia làm 4 giáp. Đình Viễn Sơn có 4 giáp là: Đông, Đình, Mo, Nghè. Đình Thuận Hòa có 4 giáp là: Đông, Nam, Tả, Hữu. Mỗi giáp cử một ông lềnh tuổi dưới 50 (49 hoặc 48 tuổi). Trong bốn ông lềnh, ông nào nhiều tuổi, nếu bằng tuổi thì ông nào sinh trước được cử làm lềnh trưởng. Ông lềnh trưởng có toàn quyền chỉ đạo trong mọi tiết hội và chỉ dưới quyền ông quan hội, trong 4 ông lềnh gọi là n lềnh. Bàn lềnh cùng với ông lềnh trưởng chỉ đạo các tiết hội trong năm.

Dưới bàn lềnh là bàn nhì, bàn giai và bàn rừng.

Bàn nhì do mỗi giáp cử một ông trên 40 tuổi đại diện (nhưng không cử ông trưởng). Nhiệm vụ của bàn nhì là thu tiền và quản lý tiền trong các tiết hội trong năm.

Bàn giai là mỗi giáp cử một ông trên 30 tuổi đại diện làm nhiệm vụ chuẩn bị thực phẩm và cỗ bàn trong các tiết hội trong năm.

Bàn rừng là mỗi giáp cử ra một ông tuổi dưới 30 tuổi đại diện, làm nhiệm vụ lấy củi để phục vụ lễ hội.

Những trai đinh trong làng dưới 50 tuổi không được cử vào các chức sắc nói trên gọi là đại hạ. Còn từ 50 tuổi trở lên là các cụ. Những người đứng vào hàng các cụ không phải làm bất cứ việc gì trong lễ hội ngoài việc làng cử vào chân tế.

Bên cạnh đó, lễ hội Tiên Lục còn có vai trò của quan hội. Quan hội là người được mỗi đình bầu chọn, không phân biệt sang hèn, hội tụ tiêu chuẩn ba kiêng: thứ nhất là song tuyền, đủ vợ đủ chồng; thứ hai là không trộm cắp, không dính tệ nạn xã hội; thứ ba là không có bụi, không có tang (bố mẹ, anh chị em ruột, vợ (chồng) hoặc cô bác ruột). Những ông này là bộ mặt, thể diện của làng trong ngày hội. Nhiệm vụ của ông Quan hội là điều hành tất cả mọi việc trong các tiết hội, đồng thời còn làm tế chủ trong khi cử hành tế thần, vác cầu trong khi rước kiệu.

Trong hội, ông tế chủ mặc quần áo tế màu đỏ, mũ đỏ đi hia (có hình rồng phượng ở quần áo và mũ); ông tế phụ mặc quần áo màu xanh, đi hia xanh và đen (cũng có hình rồng phượng ở áo và mũ). Ồng tế chủ ngồi trên sập gụ có đặt hai mâm cỗ: một cỗ chay, một cỗ mặn.

Quan hội được làm ruộng của làng trong một năm, nếu không làm hết thì cho các bàn dưới cùng làm. Nghĩa vụ của ông quan hội ở đình Viễn Sơn là phải nộp một con lợn vổ và một cỗ xôi. Hình thức cân đo là đo quanh cổ lợn (khoanh bí bằng một thước, tức là 40 cm gọi là đo vổ). Nếu thiếu thì phải bù, thừa thì làng trả lại. Nghĩa vụ của ông quan hội ở đình Thuận Hòa là phải nộp một cỗ xôi và một con gà tộ (gà khoảng 4kg). Trong làng đã có chuyện vì phải lo việc quan hội, nhưng vào năm đó mùa màng thất bát không nuôi được lợn nên phải vay nặng lãi để lo việc làng nên đã có người phải cắm nhà đất.

Mở đầu lễ hội có nghi lễ tế thần. Xưa kia, những người tế thần là thanh niên trong làng khi trưởng thành phải mua nhiêu (gọi là nhiêu tế) mới được đứng trong hàng ngũ tế. Nếu chưa mua nhiêu tế, coi như chưa trưởng thành (người vợ được coi là hoàn thành nghĩa vụ khi đã mua nhiêu cho chồng). Khi vào tế thì những người có nhiêu tế đứng thành hai hàng: đứng ở bên phía tây là đình Viễn Sơn, đứng ở bên phía đông là đình Thuận Hòa. Khi nghe lệnh của ông quan hội đồng thời cũng là ông tế chủ, ai nhanh chân bước lên trước thì được tế. Việc tế ở đình diễn ra theo một trình tự của hội làng, các quan tế ở đình thực hiện nghiêm túc. Văn tế hiện nay vẫn còn lưu giữ ở làng, nội dung của bài tế rất đa dạng như tế nội tán, tế ngoại tán, tế nhập tịch, tế hoàn cung…

Quan hội đọc xong thì ông lềnh bưng quả cầu lên cho quan hội. Quả cầu làm bằng gỗ mít, có đường kính chừng 50cm, ngoài sơn đỏ. Quan hội nhận cầu tung quả cầu ra cho 2 người cướp. Làm như thế hai hiệp. Khi quả cầu được hai người vào tranh cầu là lúc người hai bên xông vào cướp quả cầu. Khi quả cầu lăn tới vạch, hay quá vạch đối phương là thắng cuộc. Theo quan niệm, nếu cướp cầu bên nào thắng, bên đó được may mắn.

Ngoài cưp cầu, còn có lệnh kéo chữ. Hàng người kéo chữ thiên hạ thái bình tham gia vào hội ở đây tượng trưng cho hai con rồng, còn quả cầu là hai con mắt, hai hòn ngọc của con rồng. Biểu tượng đó được người dân Tiên Lục hướng tới con rồng linh thiêng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trời đất yên vui, con người luôn luôn hưởng sự an bình.

Kết thúc cướp cầu, kéo chữ, các trai làng được tự do chơi hội: đánh đu, kéo co, chọi gà, xem thi cỗ, dự cỗ hương ẩm... Ngày nay, các trò chơi dân gian như đấu vật, đập niêu, thi cỗ, nấu cơm… ít được diễn ra một cách thường xuyên trong các năm tổ chức lễ hội. Đây là một thiếu sót, cần phục hồi thường xuyên nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội Tiên Lục.

Lễ hội kết thúc, lòng người dân vui phơi phới, phấn khởi sau những ngày lao động vất vả.

4. Về hình thức bảo tồn lễ hội

Để bảo tồn lưu giữ giá trị truyền thống của lễ hội Tiên Lục, cần kết hợp sức mạnh của nhiều bên tham gia, sự hỗ trợ sức mạnh của Nhà nước, người dân địa phương, cùng toàn dân tham gia lễ hội... Mặc dù Nhà nước không làm thay việc mở hội cho nhân dân, nhưng các cấp chính quyền cần khôi phục các tục lệ, trò chơi, nghệ thuật dân gian trong lễ hội theo định lệ, định kỳ và phát huy nội lực bảo tồn di sản văn hóa lễ hội dưới ba hình thức:

Một là, bảo tồn tĩnh, thể hiện qua việc giới thiệu hệ thống văn bản tư liệu lịch sử lễ hội, lịch sử hiện vật từ ngôi chùa, đền, đình, miếu thờ, cây dã hương... với khách thăm quan du lịch Tiên Lục. Đây là cách thu tiền chính đáng, nếu biết tổ chức khai thác văn hóa du lịch thường xuyên.

Thứ hai, bảo tồn động - là bảo tồn phát triển sống động trong lễ hội các trò chơi dân gian như đấu vật, rồng rắn, chơi ô ăn quan, thi nấu cơm... cùng với diễn xướng dân gian như hát ca trù, hát ví, hát xuống đồng (hát đi cấy)..., phục vụ du lịch, tạo doanh thu.

Thứ ba, bảo tồn phát triển - là sự kết hợp giữa truyền thống với đương đại. Địa phương tổ chức các trò chơi mới, thi hát văn nghệ quần chúng, bóng đá, bóng chuyền các giải giao hữu, biểu diễn ca nhạc trong lễ hội... tạo nguồn thu cho lễ hội.

Trong kinh tế thị trường, Nhà nước không có nhiều kinh phí để tài trợ, do đó Tiên Lục cần tổ chức huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi đầu tư của các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đầu tư lễ hội, xây dựng quê hương, phát huy nội lực sẵn có để phát triển.

Tóm lại, Tiên Lục là vùng đất tiên với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng. Bảo tồn, kế thừa, phát huy, phát triển những giá trị tích cực của văn hóa lễ hội Tiên Lục là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

_____________

Tài liệu tham khảo:

1. BCH Đảng bộ xã Tiên Lục, Lịch sử Đảng bộ xã Tiên Lục, Bắc Giang, 2006.

2. Vũ Ngọc Khánh - Thảo Minh, Kho tàng diễn xướng dân gian, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.

3. Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Công ty PHS xb, Hà Nội, 2000.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009.

5. Lê Sỹ Giáo, Dân tộc học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : ĐẶNG KIM THOA

;