Kịch (1945-1985) về đề tài lịch sử trong tiến trình chung của văn học kịch Việt Nam

Với sự tác động của nhiều yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa giai đoạn đầu TK XX, văn học Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại và đổi mới theo hình thức văn học phương Tây, có thể hội nhập với nền văn học hiện đại thế giới. Hiện đại hóa văn học đặc biệt được thể hiện ở sự ra đời của thể loại kịch nói. Trong quá trình hình thành và phát triển, văn học kịch đã tái hiện được nhiều đề tài khác nhau trong các tác phẩm của mình, trong đó không thể không kể đến đề tài lịch sử. Những tác phẩm viết về đề tài lịch sử cũng để lại nhiều dấu ấn với cách thể hiện vô cùng phong phú, ấn tượng của các nhà viết kịch. Mỗi tác giả khi tiếp cận đề tài lịch sử đều cố gắng làm mới chất liệu để thể hiện được cái nhìn cá nhân và thời đại đối với quá khứ, nhưng không đơn thuần là một bức tranh minh họa mà đằng sau đó, luôn ẩn chứa dụng ý sâu xa về những vấn đề đương đại. Cũng chính vì thế, sự thay đổi hình thái xã hội, ý thức hệ của thời đại dẫn đến sự khác nhau về đặc trưng của văn học nói chung và kịch nói riêng.

Những quan niệm về lịch sửkịch lịch sử

Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về lịch sử. Trong bài viết Lịch sử và đề tài lịch sử, Tạ Ngọc Liễn đã dẫn ra những định nghĩa tương đối đầy đủ về khái niệm này trong các từ điển nước ngoài. Cuốn từ điển Từ Hải (1989) của Trung Quốc giải thích rằng lịch sử theo nghĩa rộng là chỉ chung quá trình phát triển của sự vật, bao quát lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Bách khoa toàn thư Anh (1880) định nghĩa lịch sử theo hai nghĩa: “thứ nhất, chỉ sự cấu thành các hành động và sự kiện đã qua của nhân loại. Thứ hai, chỉ việc ghi chép những việc đã qua ấy và tiêu chuẩn hình thức nghiên cứu nó” (1). Đại bách khoa toàn thư Liên Xô cũng định nghĩa lịch sử với nội hàm tương tự. Ở Việt Nam, cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê và Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý cũng có cách định nghĩa tương tự với hai lớp nghĩa: “Thứ nhất, lịch sử là quá trình phát triển đã qua hay cho đến tiêu vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó; thứ hai, đó là khoa học nghiên cứu về quá trình phát triển của xã hội của loài người nói chung hay của một quốc gia, một dân tộc nói riêng” (2). Như vậy, với các nhận định trên, chúng tôi cho rằng khái niệm lịch sử nói chung, đó là một câu chuyện từ quá khứ, là nguồn gốc, là những gì đã xảy ra liên quan đến xã hội loài người, lịch sử giúp chúng ta tìm hiểu nguồn gốc của mình. Các định nghĩa trên cũng phân loại hai khái niệm, đó là lịch sử khách quan và lịch sử chủ quan. Lịch sử khách quan có thể hiểu là sự thật lịch sử, là thứ luôn tồn tại độc lập với ý thức của con người, không ai có thể làm thay đổi sự thật của lịch sử. Đó là cả quá trình từ khi hình thành, phát triển đến khi kết thúc một hình thái xã hội trong tiến trình phát triển của nhân loại, điều này thuộc về thế giới khách quan, bất biến. Còn lịch sử chủ quan chính là cái nhìn về lịch sử, cách hiểu và ghi chép, nghiên cứu về lịch sử. Với mỗi thời đại, mỗi mục đích khác nhau, con người có những nhận định khác nhau về lịch sử. Trong những ghi chép của các triều đại và của mỗi quốc gia, những ý kiến về lịch sử đã qua được nghiên cứu, thẩm định và được công nhận bởi nhiều thế hệ được coi là chính sử. Bên cạnh đó, những câu chuyện có thể là hư cấu, cũng có thể là có thật được kể lại thông qua hình thức truyền khẩu, sau đó được ghi chép lại trong những cuốn sách dã sử và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong dân gian. Cả chính sử và dã sử đều có vai trò riêng, cùng tồn tại và bổ sung cho nhau để có thể trở thành cơ sở cho thế hệ sau nhìn vào đó để soi chiếu và hiểu thêm về những chặng đường mà dân tộc, nhân loại đã trải qua như thế nào. Dù không thể là tuyệt đối nhưng những ghi chép trong chính sử được coi là tư liệu chính thống để các nhà nghiên cứu sau này có thể dựa vào đó đánh giá cũng như xây dựng nên hình tượng các nhân vật có thật trong lịch sử. Những câu chuyện trong dã sử được dùng như sự bổ sung, hoàn thiện các chân dung lịch sử ấy. Trong bài viết này, chúng tôi cũng sử dụng những tư liệu chính sử để đối sánh khái niệm lịch sử với những yếu tố chứa đựng trong đó (sự kiện, nhân vật, bối cảnh) được thể hiện trong tác phẩm kịch.

Vậy những tác phẩm nào được coi là kịch lịch sử? Cuốn Từ điển Thuật ngữ văn học của Oxford định nghĩa kịch lịch sử: một vở kịch viết về các sự kiện được rút ra từ toàn bộ hoặc một phần từ lịch sử được ghi lại. (thuật ngữ này thường được nhắc đến khi nói đến những tác phẩm biên niên sử) (3). Đây là một định nghĩa tương đối rộng, gần như không giới hạn ở mặt thời đại. Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi đặt ra các tiêu chí tác phẩm viết về đề tài lịch sử gồm: thời gian và độ lùi lịch sử, đối tượng lịch sử, tầm khái quát của vấn đề lịch sử được đề cập trong tác phẩm. Ở tiêu chí thứ nhất, có nhiều nhà nghiên cứu trước đây cho rằng, một tác phẩm viết về lịch sử cần độ lùi thời gian khoảng một thế hệ, nghĩa là dấu mốc thời gian được phản ánh cách thời đại mà họ đang sống ít nhất khoảng 30 năm. Trong bài viết Tản mạn sáng tác văn xuôi về đề tài lịch sử, Từ Khôi cho rằng, dấu mốc để coi một tác phẩm viết về lịch sử là những sáng tác về nhân vật lịch sử có trước hiện tại từ 50-100 năm. Bên cạnh đó, có nhiều nhà nghiên cứu khi đề cập đến các tác phẩm về đề tài lịch sử thường chỉ nhắc đến các tác phẩm viết về thời lịch sử phong kiến. Trái lại, tác giả Hà Minh Đức trong bài viết Lịch sử - sự tiếp cận của văn nghệ đã nêu nhận định: “thiên hướng chung là các tác phẩm văn nghệ về lịch sử ít khai thác sự kiện trong thời kỳ hiện đại” (4). Nhưng chúng tôi không đặt tiêu chí độ lùi thời gian để xác định một tác phẩm có được xếp vào đề tài lịch sử hay không mà quan điểm của người viết đồng thuận với một số ý kiến của các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng “đề tài lịch sử” được hiểu rộng hơn, đó là viết về quá khứ, có thể đó là quá khứ vừa qua, rất gần với niên đại mà tác giả đang sống. Trong bài viết Khám phá quá khứ và gặp gỡ với hiện tại, tác giả Đinh Xuân Dũng cho rằng đề tài lịch sử, đó là viết về quá khứ: “Có quá khứ gần và quá khứ xa. Có quá khứ chỉ còn nhận biết gián tiếp qua các tư liệu, hiện vật, di vật… và quá khứ mới qua đi, vẫn còn sống trong trí nhớ, sự nhận biết, sự từng trải của con người đang sống…” (5). Nhận định này được hiểu là việc quy định về thời gian thực tế, khoảng cách thời gian giữa người viết và thời gian sự kiện không phải là yếu tố quyết định khi xác định một tác phẩm về đề tài lịch sử. Tất nhiên, không phải tất cả những tác phẩm viết về quá khứ đều có thể được coi là viết về lịch sử mà chúng cần phải khai thác và tái tạo lại những sự kiện, những vấn đề có ý nghĩa với cộng đồng, dân tộc, đất nước. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cho rằng: không có một giới hạn gò bó nào về không gian và thời gian trong việc tiếp cận lịch sử của người sáng tác văn nghệ. Ông cũng đưa ra những dẫn chứng cho sự không giới hạn đó, chẳng hạn như Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng vẫn có thể xem là tiểu thuyết lịch sử dù thời gian trong tác phẩm chỉ diễn ra chớp nhoáng vài ngày. Bên cạnh đó, trong các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu cũng nhắc đến khái niệm lịch sử cận đại, hiện đại và thậm chí là lịch sử đương đại như là đối tượng phản ánh trong các tác phẩm nghệ thuật viết về đề tài lịch sử. Tạ Ngọc Liễn cho rằng lịch sử đương đại là lịch sử chân thật nhất và các tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Nga Xô viết như: Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận một con người đều được M.A.Sholokhov viết về lịch sử đương thời mà ông đang sống. Trong bài viết Sông Đông êm đềm và vấn đề tiểu thuyết lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Lịch cũng cho rằng: “Có điểm đáng chú ý là bộ sử thi hoành tráng này đã được khởi thảo rất sớm (1925-1940) khi lịch sử đang còn bốc khói mùi thuốc súng của cuộc nội chiến và khi nhà văn mới bước vào độ tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, chứ không chờ đợi phải có độ lùi dài dài của thời gian tuổi tác tích lũy trải nghiệm như quan niệm của một số nhà văn nước ta từng nêu lên” (6). Bên cạnh những quan điểm về nghệ thuật nói chung, Từ điển thuật ngữ văn học cũng có định nghĩa riêng về kịch lịch sử, đó là “các tác phẩm viết về đề tài lịch sử có chứa đựng các nhân vật và các chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm văn học lịch sử thường mượn chuyện xưa nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học của quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, song không vì thế mà hiện đại hóa người xưa, phá vỡ tính chân thật lịch sử của thể loại này. Đặc điểm này của thể loại tiểu thuyết lịch sử và kịch lịch sử đòi hỏi nhà văn phải vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà nghiên cứu, có vốn sống và hiểu biết phong phú, có quan điểm lịch sử đúng đắn và tiến bộ” (7). Các nhà nghiên cứu trên đều có chung nhận định: khi nói về đề tài lịch sử là lấy cuộc đời, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử hoặc các sự kiện lịch sử tiêu biểu được ghi chép trong sử sách hoặc các nguồn sử liệu khác làm chất liệu thành tác phẩm. Hà Minh Đức cũng đưa ra quan điểm các nhân vật lịch sử có thể là hoàng tộc, quan lại hay những con người bình thường có mặt ở một thời điểm lịch sử đặc biệt, nghĩa là tất cả các nhân vật đã sống trong quá khứ, có sự tham gia, tác động vào những biến cố mang tính cộng đồng cũng có thể trở thành nhân vật lịch sử. Tác giả người Úc, John Simmons cũng nhận định những vấn đề xung quanh kịch lịch sử nói chung trong bài giới thiệu về thể loại này, ông cho rằng, những vở kịch lịch sử không chỉ là những vở kịch vì mục đích biểu diễn trong các lễ hội mà tái hiện lại những yếu tố như trang phục, cách nói giống như trong quá khứ một cách chân thật nhất mà ông quan tâm hơn đến những vở kịch lấy quá khứ như một phương tiện để nói đến các vấn đề hiện tại (8).

Do đó, chúng tôi xét các tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử nói chung và đặc biệt là kịch viết về đề tài lịch sử nói riêng trên cơ sở có chứa đựng bối cảnh, thời gian, sự kiện, nhân vật có thật hoặc hư cấu trong quá khứ nhưng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, dân tộc, đặc biệt trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý, trong dòng văn học kịch Việt Nam, kịch không được phân chia rõ theo cấp độ loại hình thành bi kịch, chính kịch hay hài kịch, mà thay vào đó, kịch được phân chia theo các chủ đề phản ánh của kịch như: kịch lịch sử, kịch tâm lý xã hội, kịch chống Pháp, kịch chống Mỹ; hoặc có thể gọi tên theo kết cấu kịch: kịch một màn, kịch năm màn, kịch ba màn…; hay còn có cách đặt tên dựa vào tính chất của vở kịch: kịch tâm lý, kịch phi lý… Cũng bởi sự phân chia chưa thực sự có tính thống nhất và chưa có tài liệu nào khẳng định được tính thống nhất trong cách phân loại kịch Việt Nam nên người viết trong quá trình nghiên cứu sẽ dựa vào định nghĩa và tính chất của kịch lịch sử đã được những nhà nghiên cứu đi trước định danh để xác định các tác phẩm được coi là “kịch viết về đề tài lịch sử”.

Kịch (1945-1985) viết về đề tài lịch sử trong tiến trình chung của văn học kịch Việt Nam

Văn học giai đoạn 1945-1985 nói chung và văn học kịch nói riêng tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm, điều kiện giao lưu văn hóa với nước ngoài còn hạn chế, sự tiếp xúc với văn hóa, văn học thế giới chủ yếu thông qua ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc. Dưới tác động của hoàn cảnh lịch sử, văn học kịch Việt Nam từ 1945-1985 chủ yếu là kịch cách mạng, gắn bó mật thiết với vận mệnh chung của dân tộc. Trong hoàn cảnh này, văn học mới phải đáp ứng nhu cầu lịch sử của đất nước và thể loại kịch cũng cần làm tròn nhiệm vụ chính là phục vụ cách mạng và cổ động chiến đấu. Khí thế cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần công dân của các nhà văn. Kịch nói trở thành vũ khí chiến đấu hiệu quả và trực diện nhất. Đặc điểm này đã được thể hiện một cách liền mạch trong suốt 30 năm kháng chiến và còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học trong suốt 10 năm tiếp theo. Văn học phục vụ cho cách mạng nên quá trình vận động và phát triển có sự phối hợp chặt chẽ theo từng bước đi của cách mạng, bám sát mọi nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Bởi những lý do trên, trước năm 1945, kịch Việt Nam chủ yếu tập trung hai nội dung: chống lại lễ giáo phong kiến, phản ánh hiện thực, những nội dung này được thể hiện trong các khuynh hướng kịch lãng mạn, kịch lịch sử và kịch cách mạng mới nhen nhóm trong các vở kịch được dàn dựng và diễn trong các nhà tù. Bước sang giai đoạn sau 1945, kịch mang trong mình đặc điểm của nền văn học theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nội dung chính trong các vở kịch được phản ánh là tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những vở kịch viết về chiến tranh cách mạng và các vở kịch viết về lịch sử phong kiến nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh của dân tộc. Về đặc điểm chung của kịch Việt Nam 1945-1985, có thể nhận thấy tính thống nhất và cảm hứng sử thi, lãng mạn cách mạng là những đặc điểm cần chú ý hơn cả. Dù đó là đề tài về chiến tranh cách mạng hay đề tài về lịch sử các triều đại phong kiến thì tựu trung lại, chỉ riêng giai đoạn 1945-1985, đã có rất nhiều vở kịch để lại dấu ấn đậm nét cho đến ngày nay, được đánh giá cao và được tái hiện nhiều lần trên sân khấu đương đại. Mặc dù tính thống nhất được coi là yếu tố chủ đạo trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của văn học kịch 1945-1985 nhưng vẫn thấy được sự vận động trong quan điểm sáng tác của các nhà văn khi tiếp cận lịch sử ở mỗi giai đoạn khác nhau.

Trở lại với đề tài lịch sử trong văn học kịch Việt Nam, thời kỳ sơ khai của kịch nói, theo khảo sát của chúng tôi, thiếu vắng hoàn toàn những kịch bản về đề tài lịch sử, thay vào đó là những vở kịch tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ kịch nói Pháp, phản ánh những thói hư tật xấu của xã hội thực dân - nửa phong kiến. Giai đoạn đầu của kịch nói (1921-1930), những sáng tác kịch của Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc được chú ý nhiều hơn cả, kịch nói giai đoạn này cũng dịch, mô phỏng, phỏng tác các vở kịch lừng danh của phương Tây, đặc biệt là Pháp.

Giai đoạn thứ hai (1930-1945) được xem như giai đoạn trưởng thành của kịch nói Việt Nam. Sân khấu giai đoạn 1940-1945 có sự nở rộ những vở kịch viết về đề tài lịch sử. Theo công trình Sân khấu Việt Nam 1945-1985: Những vấn đề lý luận từ thực tiễn phát triển, “Trong khuynh hướng văn nghệ phục cổ, việc sáng tác kịch lịch sử đã trở thành một phong trào sôi nổi, cuốn hút hầu hết các cây bút viết kịch bản. Từ những cây bút đã có ít nhiều tiếng tăm đến những cây bút mới đều đã đóng góp cho sân khấu lịch sử. Từ những người chuyên tay sáng tác đến những người nhất thời viết đôi ba vở, phần đông đều theo nhau quay về dĩ vãng để tìm kiếm đề tài” (9). Chính vì vậy, sân khấu giai đoạn này xuất hiện rất nhiều vở kịch lịch sử, đặc biệt là kịch lịch sử phong kiến. Đặc biệt, giai đoạn này cũng chứng kiến sự nở rộ của thể loại kịch thơ với sự ra đời của hai tác phẩm về đề tài lịch sử: Trần CanLý Chiêu Hoàng của Phan Khắc Khoan. Tiếp nối sự thành công đó, những vở kịch thơ lịch sử của Vũ Hoàng Chương với Vân Muội, Trương Chi, Hồng Điệp, Trần Tử Anh với Thế chiến quốc, Nguyễn Bính và Yến Lan với Bóng giai nhân lần lượt được trình làng, trong đó có những vở đáng chú ý như: Lữ Gia, Người Hoa Lư của Lưu Quang Thuận. Ở mảng kịch nói, tuy đề tài về kịch lịch sử không thực sự sôi động như ở kịch thơ, nhưng cũng phải kể đến công lao to lớn của Vi Huyền Đắc với hai vở kịch đặc sắc (Kinh Kha, Lệ Chi Viên)... Tiếp theo là vở Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng. Đêm Lam Sơn (Hoàng Mai), Trại Lam Sơn (Phạm Xuân Thiện)… cũng được dàn dựng và biểu diễn ở nhiều nơi. Có thể thấy, giai đoạn 1930-1945, kịch nói chung và kịch nói về đề tài lịch sử nói riêng, đã có công lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc thông qua những nhân vật, sự kiện lịch sử.

Giai đoạn sau năm 1945, kịch nói đề tài lịch sử gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn thời kỳ trước. Đặc biệt, bên cạnh kịch nói, mảng kịch thơ và kịch hát giai đoạn này vẫn tương đối phát triển và có nhiều thành tựu. Những sáng tác kịch thơ và kịch hát thường lấy bối cảnh lịch sử các triều đại phong kiến. Trong đó, bối cảnh dưới thời Lê Lợi và Quang Trung được nhắc đến khá nhiều. Chẳng hạn, trên sân khấu có hơn mười vở kịch lịch sử viết về Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung - Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa.

Riêng mảng kịch nói, đề tài lịch sử phong kiến ít được tái hiện hơn. Các vở kịch được nhắc đến như: Quán Thăng Long của Lưu Quang Thuận, Tiếng trống Hà Hồi của Hoàng Như Mai, Thành Cát Tư Hãn của Vi Huyền Đắc, Năm một nghìn bốn trăm của Đặng Hồng Nam, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi là những tác phẩm nổi bật nhất trong số ít các vở kịch nói viết về mảng lịch sử phong kiến giai đoạn này.

Khác với con số khiêm tốn từ mảng kịch nói về lịch sử phong kiến, từ sau Cách mạng tháng Tám, kịch nói thường tập trung viết về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng. Hàng trăm vở kịch đã ra đời trong hoàn cảnh đất nước chìm trong bão đạn nhằm cổ vũ tinh thần và củng cố lòng tin cũng như ý chí của tất cả các chiến sĩ và đồng bào. Giai đoạn đầu với sự xuất hiện của các vở kịch: Cụ đạo sư ông của Thế Lữ, Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, 19 tháng 8 của Thâm Tâm. Bước vào những năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, các vở kịch Chiến đấu trong lòng địchDu kích thôn đồi của Lộng Chương, Ngày mai, Chị Hòa của Học Phi, Khăn tang kháng chiến của Đình Quang, Trên nớ của Bửu Tiến, Lửa cháy lên rồi của Phan Vũ đã phản ánh một cách đầy đủ, kịp thời hiện thực đời sống kháng chiến của toàn dân trước âm mưu của kẻ thù.

Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều vở kịch ngắn và hoạt cảnh về đề tài chiến tranh cách mạng đã được dàn dựng và biểu diễn trong các chiến khu và đơn vị bộ đội để kịp thời phản ánh bức tranh chiến đấu và tính chất cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các vở kịch ngắn như: Bà mẹ và những đứa con của Xuân Trình, Trang sổ tay chiến sĩ của Đào Hồng Cẩm, Trận địa của Xuân Đức, Đâu có giặc là ta cứ đi của Nguyễn Vũ… tuy không trau chuốt về tình tiết nhưng cũng đủ mang lại hiệu ứng tốt cho người xem, tạo được sức mạnh tinh thần trong lòng các chiến sĩ đang chịu gian khổ nơi tiền tuyến. Sau thành công của các vở kịch ngắn, các tác giả đã chú trọng hơn vào những vở kịch dài, có sự đầu tư về tuyến nhân vật, ngôn ngữ và xung đột kịch. Các tác giả giai đoạn trước vẫn có nhiều đóng góp với những vở kịch thể hiện tinh thần chiến đấu của toàn dân tộc. Hầu hết các tác phẩm đã đi sâu vào cuộc sống sản xuất và chiến đấu ở trên khắp cả nước như: Đôi mắt của Vũ Dũng Minh, Tiền tuyến gọi của Trần Quán Anh, Từ Trường Sơn của Tất Đạt, đặc biệt là vở kịch Nổi gió, Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm. Các vở kịch này đều hướng tới đề tài miền Nam và đề tài quân đội, tiêu biểu cho sân khấu kịch chống Mỹ.

Đối chiếu với tính chất trên, có thể thấy kịch viết về đề tài lịch sử trong giai đoạn 1945-1985 chủ yếu là những tác phẩm lấy bối cảnh, sự kiện và nhân vật trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những sự kiện lịch sử về chiến tranh, về cách mạng trở thành tư liệu phong phú cho các vở kịch. Những sự kiện trong lịch sử phong kiến cũng được tái hiện, nhưng so với đề tài về chiến tranh cách mạng thì chưa thực sự nổi bật. Trong những tác phẩm viết về lịch sử giai đoạn này, hình tượng nhân vật được xây dựng dựa trên những nhân vật có thật trong lịch sử như: Hồ Chí Minh, Phan Đình Giót, Nguyễn Trãi, Trần Thủ Độ… hoặc dựa trên nguyên mẫu ngoài đời thực, có thể thay đổi tên tuổi, quê quán nhưng vẫn giữ lại những sự kiện, hành động và biến cố quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Với vai trò là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những câu chuyện cũ trong lịch sử được tái hiện trên sân khấu như lời đối thoại với hiện tại và mục đích quan trọng nhất trong các vở kịch thời kỳ này chính là sự đối thoại về lý tưởng chiến đấu, hy sinh, sự lựa chọn con đường cách mạng hay sự lựa chọn an phận cho bản thân. Có những tác phẩm có khoảng cách không nhiều giữa thời gian sáng tác và thời gian diễn ra sự kiện nhưng vẫn được xếp vào kịch viết về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng bởi ở đó, những nhân vật nguyên mẫu ngoài đời trong các tác phẩm này đã góp phần làm nổi bật những mốc son lịch sử và tinh thần đấu tranh của dân tộc. Sự sáng tạo này vẫn dựa trên đặc trưng của thể loại để tái hiện những sự kiện, những nhân vật, bối cảnh lịch sử thông qua ngôn ngữ, hành động và xung đột.

Kịch viết về đề tài lịch sử được sáng tác trong giai đoạn 1945-1985 chịu tác động lớn của hoàn cảnh lịch sử - xã hội đất nước, do vậy tính thống nhất trong cách tiếp cận, tư duy về đối tượng phản ánh được thể hiện rất rõ nét. Tuy nhiên, ở mỗi chặng đường cụ thể của văn học, các yếu tố này vẫn có sự vận động, thay đổi. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh như: khi tiếp cận cùng một sự kiện, cùng một nhân vật lịch sử nhưng ở mỗi thời điểm, mỗi tác giả đều có lựa chọn khác nhau để khai thác. Chính điều này đã phản ánh được tư duy và đặc trưng riêng của kịch trong giai đoạn 1945-1985. Đặc điểm thứ nhất là về sự lựa chọn bối cảnh lịch sử, nếu trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, xu hướng phục cổ còn ảnh hưởng khá nhiều đến thế giới quan của các nhà văn nên các tác phẩm viết về triều đại phong kiến xuất hiện tương đối nhiều. Từ sau khoảng năm 1950, chủ đề này gần như vắng bóng và chỉ bắt đầu xuất hiện trở lại từ những năm 1975. Đặc điểm thứ hai là cách tiếp cận lịch sử (bao gồm cả sự kiện, nhân vật) cũng có sự biến động tuy không rõ rệt nhưng cũng thể hiện được sự thay đổi trong tư duy của nhà viết kịch về lịch sử. Với những vở viết trong giai đoạn đầu kháng chiến, sự do dự của các nhân vật phản ảnh đúng tâm trạng của nhiều người (đặc biệt là những người trí thức) trong buổi đầu kháng chiến chưa thực sự giác ngộ cách mạng, đến giai đoạn sau (khoảng từ năm 1954-1975), hầu như các nhân vật đều được xây dựng với tính cách nhất quán, sẵn sàng sống, chiến đấu cho lý tưởng cách mạng, tất nhiên vẫn đâu đó có những nhân vật còn băn khoăn, chưa dứt khoát nhưng không phải là những nhân vật tuyến chính trong các tác phẩm giai đoạn này. Đến sau năm 1975, khuynh hướng nhận thức lại lịch sử bắt đầu trở lại, các tác phẩm viết sau đó tuy chưa thực sự thể hiện rõ ràng cảm hứng giải thiêng nhưng đã có cách tiếp cận lịch sử khá đa chiều, các nhân vật cũng được tái hiện với quãng thời gian do dự, tìm đường chứ không hoàn toàn nhất quán như trong giai đoạn trước.

Để tường minh vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến mảng kịch sáng tác về Nguyễn Trãi. Như đã nêu ở trên, nhân vật Nguyễn Trãi được nhiều nhà viết kịch quan tâm và khai thác trong tác phẩm của mình nhưng chúng ta có thể thấy được sự thay đổi trong cách tiếp cận cuộc đời, con người của Nguyễn Trãi qua từng thời gian lịch sử khác nhau. Những tác phẩm viết về Nguyễn Trãi trong những năm 1950-1970 như: Lam Sơn tụ nghĩa (kịch thơ của Trần Xuân Trâm sau này được Tống Phước Phổ chuyển thể) và Sao Khuê trời Việt (Tống Phước Phổ), Nghĩa quân Lam Sơn (Hà Khang) đều tập trung nhiều vào giai đoạn Nguyễn Trãi gặp gỡ Lê Lợi và quyết định tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Các tác phẩm này viết về Nguyễn Trãi với hình tượng là nhân vật anh hùng, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc cùng với tài năng của ông đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bước sang giai đoạn 1975-1985, các tác phẩm viết về Nguyễn Trãi như: Nguyễn Trãi ở Đông Quan (Nguyễn Đình Thi), Năm một nghìn bốn trăm (Đặng Hồng Nam) lại chọn giai đoạn Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở thành Đông Quan và giai đoạn ông chuẩn bị lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Nhân vật Nguyễn Trãi giai đoạn này được các tác giả kịch khai thác từ góc nhìn của nội tâm, của sự do dự trước việc lựa chọn con đường đi, thậm chí là sự bất lực của bậc nho sĩ trước thời cuộc. Trong văn học đương đại (kể từ sau năm 1986 đến nay), hình tượng Nguyễn Trãi trong kịch ngày càng được khai thác sâu hơn ở khía cạnh đời tư, các tác giả tập trung nhiều vào vụ án oan của ông để tái hiện lại bi kịch lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Có rất nhiều vở kịch đã thành công khi dàn dựng trên sân khấu như: Bí mật vườn Lệ Chi (Hoàng Hữu Đản), Đêm Ức Trai (Lưu Quang Hà), Yêu là thoát tội (Lê Chí Trung), Vua thánh triều Lê (Lê Duy Hạnh). Qua nhận định trên, chúng ta có thể thấy được sự vận động trong sáng tác của các nhà viết kịch (1945-1985) ở mỗi thời điểm khác nhau đều chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử - chính trị - xã hội. Chính yếu tố này chi phối tư duy nghệ thuật và đặc điểm của kịch như: hướng tiếp cận lịch sử, hướng xây dựng nhân vật lịch sử, tính hư cấu, và ngôn ngữ, hành động, xung đột kịch.

Kết luận

Lịch sử trong tác phẩm kịch là lịch sử được tạo ra và hình thành bởi cảm quan của nghệ sĩ và nó phản ánh nhận thức của họ về lịch sử. Sáng tạo nên những vở kịch viết về đề tài lịch sử, người viết kịch bằng giác quan nhạy bén của mình có thể khám phá những vấn đề mang tính dân tộc, tính thời đại và cả tính nhân văn ẩn sau những sự kiện và nhân vật lịch sử, đồng thời gợi lại chủ đề lịch sử thông qua nhận thức, quan điểm và suy luận của riêng bản thân mình. Trong tiến trình chung của văn học kịch Việt Nam, kịch viết về đề tài lịch sử đóng một vai trò vô cùng đặc biệt với nhiều tác phẩm mang dấu ấn đậm nét trong hệ thống kịch nói Việt Nam. Ở giai đoạn sơ khai, đề tài lịch sử thường được biết đến với những vở kịch lấy cốt truyện từ văn học và lịch sử Trung Quốc. Tiếp đến những năm 30 của thế kỷ trước, đề tài lịch sử Việt Nam bắt đầu được chú ý với nhiều vở kịch viết về quá khứ, mượn bối cảnh lịch sử xa xưa để đặt mình trong các nhân vật mang nặng tâm tư, nỗi lòng riêng, đặc biệt là nỗi lòng của kẻ sĩ trước hoàn cảnh thực tại. Bước sang giai đoạn mới, đề tài lịch sử phong kiến trong kịch nói giai đoạn 1945-1985 có phần khiêm tốn hơn so với các thể loại kịch khác (kịch thơ, kịch hát), mà thay vào đó là sự tập trung và nở rộ của các vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng. Song, với những thành tựu riêng, với những đặc trưng thẩm mỹ của loại hình kịch thoại cùng với sự xâm nhập, ảnh hưởng của kịch hát và kịch thơ (giai đoạn đầu của quá trình phát triển), kịch nói về đề tài lịch sử đã hình thành những đặc trưng thi pháp riêng trong việc phản ánh đề tài lịch sử (10).

____________________

1. Tạ Ngọc Liễn, Lịch sử và đề tài lịch sử, Kỷ yếu Hội thảo Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.116.

2. Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr.556.

3. Chris Baldick, The Oxford Dictionary of Literary Terms (Từ điển thuật ngữ văn học Oxford), oxfordreference.com, 2008.

4. Hà Minh Đức, Lịch sử - sự tiếp cận của văn nghệ, Kỷ yếu Hội thảo Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.48.

5. Đinh Xuân Dũng, Khám phá quá khứ và gặp gỡ với hiện tại, Kỷ yếu Hội thảo Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.68-79.

6. Nguyễn Trường Lịch, Sông Đông êm đềm và vấn đề tiểu thuyết lịch sử, vanhien.vn, 17-4-2016.

7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009, tr.170.

8. Xem thêm, John Summons, Historical drama (Kịch lịch sử), writingfortheatre.wordpress.com.

9. Nhiều tác giả, Sân khấu Việt Nam 1945-1985: Những vấn đề lý luận từ thực tiễn phát triển, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1987, tr.69.

10. Bài viết được trích từ kết quả thực hiện đề tài cơ sở mã số CS. 2021.21 (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội).

Tác giả: Ths Trần Thị Thư

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

;