Khu vườn xanh miền ký ức

 

Những lần về với ngoại, trong ngôi nhà ấm cúng đượm mùi thời gian, tôi thường ngồi thật lâu bên ô cửa sổ hướng ra khu vườn. Chỉ cần mở cánh cửa gỗ bện dày dấu vết nắng mưa, một màu xanh êm ả sẽ ngập đầy ánh mắt, ngay ngoài kia là thiên đường của quãng đời ấu thơ. Cây mận già ra quả trĩu cành, qua một đêm nghe gió khua trên mái nhà sẽ thấy những quả mận rơi đầy quanh gốc. Hàng ổi ven khe nước vươn nhánh phủ lòa xòa, ủ đầy túi gió mùi quả chín ngát nồng ngọt lịm. Rặng trúc đào trổ hoa rợp hồng mảnh trời trong trẻo, khẽ xao động bởi những con ong hút mật nắng phết vàng đôi cánh… 

Ngày xưa, ngoại cũng hay ngồi sau ô cửa này, âu yếm và hiền từ nhìn đám trẻ chúng tôi len lỏi dưới những tán cây. Chúng tôi tựa một bầy chim mới ra ràng, bao giờ cũng háo hức, reo vui suốt những trò chơi ấu thơ ngỡ không hồi kết. Ngoại hay rót một cốc nước ấm từ chiếc bình thủy cũ càng thân thuộc, đặt trên bệ cửa để vừa uống vừa lặng lẽ trông theo những đứa cháu bé bỏng của mình.

Ngoại sợ chúng tôi mải chơi rồi không may trượt ngã, thỉnh thoảng lại ân cần nhắc chúng tôi chớ nên nghịch ngợm leo cành cây cao, hay phải biết nhường nhịn, sẻ chia cùng nhau, không được hơn thua, giận dỗi. Những quà bánh ngoại để dành cho chúng tôi luôn mang một vị riêng khác, đó là vị của tình thương âm thầm và giản dị. Từ quả ổi, quả xoài đến những tờ tiền lẻ, lúc nào ngoại cũng chắt chiu nghĩ về đàn cháu ngây thơ. Dường như luôn có một ngọn lửa ấm được nhóm lên từ tất cả những gì thuộc về ngoại - ánh nhìn, giọng nói, cử chỉ, mùi hương, khiến đàn cháu bao giờ cũng cảm thấy an lòng trong khoảng trời của ngoại. Nhẫn nại và ôn hòa, ngoại luôn lắng nghe từng tiếng lòng non nớt thơ trẻ, lặng thầm thắp lên giữa tâm hồn chúng tôi những vì sao biết hát, bằng một trái tim từng trải, vững vàng.

Trong khu vườn của ngoại, chúng tôi cùng thấp thỏm đợi từng mùa quả chín, nhặt hoa rụng kết thành vòng đeo cổ, vạch lá tìm trái dâu tằm mọng tím ở hàng giậu, làm đám ma cho chú sẻ nhỏ tội nghiệp nơi góc vườn… Cũng từ bao buổi trưa chúng tôi trốn ngủ mà những chùm ổi chằng chịt dấu móng tay, những cánh diều vút bay từ tập vở học trò, những vạt áo loang lổ vết nhựa cây bám chặt. Dẫu lớn lên giữa thiếu hụt khốn khó nhưng tôi luôn mang ơn khu vườn tuổi nhỏ, đã nuôi dưỡng và lấp đầy tâm hồn thơ bé bằng vô vàn yêu thương thuần khiết, trong veo, cùng bao vẻ đẹp nguyên sơ không thể nào thay thế.

Giống như ngoại tôi, những người ông, người bà ở quê thường hết lòng vun vén, giữ màu xanh êm ả cho khu vườn của mình, kiên nhẫn đợi con cháu trở về sau dặm dài xuôi ngược mưu sinh. Cần mẫn trồng những gốc cây quanh nhà, ông bà mong con cháu trở về có bóng mát an lành để náu nương, có quả ngọt để nhấm nháp vị quê kiểng chân phương mà đằm sâu tình nghĩa. Dẫu đời sống vốn đầy biến động, ông bà vẫn tận tụy giữ lại mảnh vườn rợp bóng tháng năm, trĩu trịt quả chín và ngát thơm hoa cỏ, cũng chính là nơi ông bà thầm gửi nỗi nhớ mong con cháu đêm ngày. Từng thế hệ lớn lên sẽ được khu vườn cất giữ mảnh trời ấu thơ hồn nhiên, gần gũi với đất trời, dưới những tán cây thâm trầm ngả bóng vào ký ức.

Dù thành bại, được mất, dù thong dong hay lận đận giữa chợ đời đầy toan tính thì vẫn còn một nơi chốn bao dung để cháu con quay về, buông hết gánh âu sầu trĩu nặng, hòa vào những chuyến đi thật sâu vào mênh mông tâm tưởng. Để dù có thế nào ta cũng phải giữ mình sống tử tế và thiện lương giữa đời này. Có lẽ ông bà không mong cầu ở cháu con của mình điều gì nhiều hơn thế.

Ngoại tôi bây giờ nhớ quên nhòa lẫn, đôi mắt đã không còn nhìn thấy cháu con. Ấy thế mà ngoại vẫn nhận ra giọng tôi, bàn tay ấm áp nắm chặt bàn tay tôi, người hiền lành nói khẽ: “Con về thăm ngoại đấy à!”. Ngay lúc đó, tôi như nghe thấy những tiếng gọi tha thiết của nguồn cội, cũng là lúc thảng thốt nhận ra bao hữu hạn đời người. Tôi cúi xuống hôn lên hai bờ má của ngoại, cay mắt nhìn ra mảnh sân trước, nơi đó khu vườn như đang gối đầu lên bảng lảng bóng thời gian…

 

TRẦN VĂN THIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;