Khai thác nghệ thuật dân gian Việt Nam trong thiết kế bao bì

Họa tiết tranh Hàng Trống Canh nông vi bản, ứng dụng trên bao bì sản phẩm quà Tết của The Bloom - Nguồn: thebloom.vn

Nghệ thuật dân gian Việt Nam có lịch sử từ lâu đời và gắn với đời sống của người dân, được thể hiện qua những hình ảnh quen thuộc, bởi các hình hoa văn đơn giản, dân dã truyền thống như: những hoạt cảnh trong tranh dân gian, kiến trúc cổ, các lễ hội truyền thống… Đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian là sự giản dị, mộc mạc, gần gũi từ trí tưởng tượng phong phú và gửi gắm những tâm tư tình cảm, ước vọng cuộc sống hạnh phúc, no đủ của mỗi người dân. Trong quá trình phát triển lâu dài, một số nghệ thuật dân gian truyền thống dần bị mai một và không còn được nhiều người biết đến; do đó, việc sử dụng những hình ảnh hoạt cảnh dân dã này - là một trong các cách bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt nhất và vô cùng cần thiết đối với đời sống hiện đại. Nghệ thuật dân gian đưa vào thiết kế sẽ tạo nên một tinh thần mới mẻ nhưng không làm mất đi phong cách truyền thống. Đây được xem là một xu hướng tôn vinh nét đẹp văn hóa bản địa, kế thừa nghệ thuật dân gian truyền thống, để từ đó, văn hóa dân tộc Việt Nam luôn phát triển trong thời đại công nghệ số.

1. Nghệ thuật dân gian Việt Nam - nguồn cảm hứng cho thiết kế bao bì

Nghệ thuật dân gian là một phần của văn hóa truyền thống Việt Nam, được phát triển qua bao thăng trầm lịch sử. Cội nguồn của nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam bắt nguồn từ thời tiền sử, cách đây hàng chục ngàn năm, đã có những nét vẽ của người xưa trên đồ vật dụng. Nghệ thuật dân gian được tạo nên bởi một cộng đồng chứ không phải là những cá nhân riêng lẻ, qua đó, nhằm truyền tải bản sắc văn hóa của cộng đồng và nơi chốn mà họ sinh sống.

Nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam là một phần không thể tách rời của văn hóa dân gian. Trong cuốn Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đánh giá: “Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Vì vậy, khi nhận thức, lý giải các hiện tượng văn hóa dân gian phải gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của nó, tức là, các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, trong đó, cộng đồng gia tộc, cộng đồng làng xã giữ vai trò quan trọng” (1). Ông phân chia nghiên cứu văn hóa dân gian theo các lĩnh vực: ngữ văn dân gian; nghệ thuật dân gian; tri thức dân gian; tín ngưỡng, phong tục và lễ hội. Có nghĩa, nghệ thuật dân gian truyền thống là hoạt động mang ý nghĩa vật chất và tinh thần của người dân.

Nghệ thuật dân gian là những gì gần gũi trong đời sống hằng ngày của người dân, đó là những bức tranh dân gian Đông Hồ như: Đại cát, Lợn đàn, Chăn trâu thổi sáo, Chăn trâu học bài, Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen... mà người dân thường treo mỗi dịp Tết; các hoa văn trang trí ở đình, chùa như: tùng, trúc, cúc, mai, sen, điểu…; các công trình kiến trúc cổ (đình, chùa) người xưa để lại; các lễ hội truyền thống: đua thuyền, chọi trâu, cướp cờ… Nghệ thuật dân gian là nghệ thuật của quần chúng lao động, mang tính bản địa cao, thể hiện bản sắc văn hóa thông qua việc truyền tải các giá trị thẩm mỹ và các giá trị mà người dân tin tưởng.

Nghệ thuật dân gian không chỉ là những hình tượng nghệ thuật, mà còn là những tâm tư tình cảm của người dân ở trong đó. Vì vậy, cần nhận thức rõ vai trò của nghệ thuật dân gian với tư cách là cội nguồn, bản sắc và những giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Thiết nghĩ, việc ứng dụng thiết kế trang trí trên các sản phẩm mang phong cách nghệ thuật dân gian sẽ dễ dàng chạm đến tình cảm của người tiêu dùng, đồng thời, đó là sự kết nối sản phẩm với người tiêu dùng, tạo sự thiện cảm và gần gũi. Phong cách độc đáo của nghệ thuật dân gian đã trở thành cảm hứng cho các nhà thiết kế sáng tạo, đặc biệt, trong lĩnh vực thiết kế bao bì sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nói đến nghệ thuật dân gian, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến những gì xưa cũ, lỗi thời, còn nói đến thiết kế hiện đại thì sẽ mang tính năng động, mới lạ. Đây cũng là thách thức đối với các nhà thiết kế bao bì trong việc tích hợp giữa văn hóa dân gian vào thiết kế hiện đại, làm nổi bật các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh về đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.

2. Thiết kế bao bì theo phong cách ứng dụng nghệ thuật dân gian

Thiết kế bao bì theo phong cách nghệ thuật dân gian bằng cách đưa những hình ảnh hoa văn dân gian truyền thống như tranh dân gian, kiến trúc cổ và lễ hội truyền thống đã tạo nên một phong cách mới lạ, độc đáo trong cách tạo hình về màu sắc, đường nét, bố cục, hình ảnh; qua đó, cũng truyền tải, lan tỏa được những giá trị nghệ thuật dân gian, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên nền nghệ thuật hiện đại, đồng thời, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong đời sống xã hội hiện nay.

Hoa văn dân gian truyền thống thiết kế trang trí trên bao bì sản phẩm

Nghiên cứu về “hoa văn Việt Nam”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đã viết trong cuốn Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt: “…cũng là tìm về một mạch nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam, phản ánh được tính chất xuyên suốt, đa dạng trong thống nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam” (2). Quả đúng vậy, là mạch nguồn bản sắc dân tộc, có tính xuyên suốt, đa dạng thống nhất trong lịch sử văn hóa và các hình hoa văn dân gian truyền thống đó chính là sự kết tinh những tinh hoa từ bàn tay khối óc của tổ tiên, được hình thành từ tư duy nông nghiệp và phản ánh ước nguyện no đủ, hạnh phúc, cầu mong cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Hoa văn truyền thống đó có tính trang trí cao, có sự hài hòa, cân xứng trong các hình thức thiết kế trang trí, tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi với người dân. Hoa văn dân gian truyền thống nổi bật có thể kể đến như hoa văn trên đồ gốm, hoa văn trên trống đồng, hoa văn trên đình, chùa, hoa văn trang trí mỹ thuật cung đình Huế. Đặc biệt, hoa văn trang trí mỹ thuật cung đình Huế là hình ảnh trạm trổ trên đồ đồng, đồ gỗ, các bức hoành phi câu đối, bình phong ở các cung điện, đã thể hiện nghệ thuật điêu khắc trang trí cổ truyền Việt Nam. Các họa tiết trang trí phong phú được phân chia thành các chủ đề khác nhau như: linh vật (rồng, phượng, lân, rùa, hổ phù, voi, trâu, hươu…); bát bửu (sách, quạt, đàn, cam lộ, bánh xe, binh khí…) trong Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo ở đình, chùa, miếu; con người và thiên nhiên (vân xoắn, hoa sen, hoa mẫu đơn, cây tùng, cây cúc, cây trúc, cây mai) là những biểu tượng của may mắn, hạnh phúc, an nhiên đối với cuộc sống con người.

Trong các hình tượng hoa văn trang trí, hoa văn vân xoắn hay còn gọi là mây cổ, là một hoa văn tiêu biểu đã được sử dụng nhiều trong trang trí nghệ thuật dân gian và thường được trang trí trên các công trình kiến trúc cổ như ở đình, chùa, mà tiêu biểu rõ nét là ở cung đình Huế. Ngày nay, hoa văn vân xoắn được thương hiệu Socola Marou đưa vào trong thiết kế bao bì và đã đạt giải đồng trong cuộc thi bao bì thế giới Pentawards năm 2012. Bao bì Socola Marou là sự kết hợp của bốn hoa văn: trái cacao, hoa cacao, vân xoắn và đường kẻ. Hình thức của hoa văn vân xoắn đơn giản, bố cục riêng lẻ tạo nên mảng trang trí và chúng chứa đầy ý nghĩa vũ trụ linh thiêng. Hoa văn này xuất phát từ mong ước của người dân nông nghiệp là có sấm chớp và mây mưa, để mùa màng sinh sôi nảy nở, đời sống của người dân sẽ no đủ. Cách thức đưa hoa văn dân gian truyền thống vào trong thiết kế bao bì hiện đại của thương hiệu Socola Marou là một cách làm sống lại văn hóa dân gian của người Việt, là một sự kết hợp khéo léo hình ảnh sản phẩm (trái cacao) với hoa văn dân gian (vân xoắn), tạo nên một thiết kế độc đáo và nguyên bản.

Hoa văn tranh dân gian sử dụng thiết kế trang trí trên bao bì sản phẩm

Tranh dân gian là một thể loại sản phẩm nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam đậm chất sáng tạo, đề tài là những hình ảnh rất đời thường và gần gũi với thiên nhiên, cảnh vật xung quanh. Nhận định về tranh dân gian, Ragudin đã định nghĩa: “Tranh dân gian là tranh, là tác phẩm đồ họa nói chung (chủ yếu được in ra) có đặc điểm dễ hiểu và đến được với đại chúng đông đảo. Tranh dân gian có đặc điểm kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm thủ pháp thể hiện, thiên về hướng trang trí, đường nét thô thiển, màu sắc rực rỡ, thiên về kể chuyện, nhiều khi có thêm lời phụ đề” (3).

Có thể nói, đây là một định nghĩa chính xác khi bàn về các dòng tranh dân gian như: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), tranh làng Sình (Huế). Trong đó, hai dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống vẫn nổi trội hơn hẳn ở kỹ thuật và phong cách biểu đạt ngôn ngữ dân gian. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, tranh dân gian Đông Hồ và tranh dân gian Hàng Trống vẫn được đánh giá là những dòng tranh có giá trị nghệ thuật bởi sự tươi sáng của màu sắc, sự sinh động của hình ảnh và nội dung, sự ẩn ý trong các chủ đề và câu thơ.

Tranh dân gian Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ. Đây là dòng tranh gắn bó và gần gũi với người dân, được đi vào thơ ca Việt Nam. Ở tranh Đông Hồ, có thể nhận thấy điều đó khi nhìn vào những hình vẽ ngộ nghĩnh của một cậu bé hay cô bé ôm gà trống hay gà mái trong tay hoặc hình ảnh đàn gà, đàn lợn, rồi đến hình ảnh một người phụ nữ đang nâng tà váy lên hứng dừa rơi… Hầu hết, các bức tranh này đều được in trên bề mặt một loại giấy xốp, mềm, dai, bề mặt giấy được xử lý chất liệu đặc biệt của vỏ trai khiến màu sắc thêm óng ánh, những hình vẽ ngộ nghĩnh và đầy đặn, những mảng phẳng, màu sắc rực rỡ, nét to, khỏe... Nhà nghiên cứu Trần Thị Loan nhận định về tranh dân gian: “Nội dung các bức tranh Đông Hồ đều thể hiện những ước mơ, khát vọng đầy tính nhân bản của người nông dân, mong muốn hướng tới một cuộc sống bình yên, tốt lành, no đủ và hạnh phúc” (4). Tranh Đông Hồ thể hiện sinh động một xã hội nông nghiệp cổ truyền của Việt Nam với hình ảnh cuộc sống lao động bình dị, chất phác của những người dân lao động, thể hiện các phong tục tập quán và sinh hoạt của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng là một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ kinh đô Thăng Long, mang trong mình bản sắc và thẩm mỹ riêng của người thành thị. Tranh Hàng Trống là kết quả của sự giao thoa giữa các hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa; giữa Phật giáo và Nho giáo, cùng với những nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt hằng ngày. Tranh được vẽ trên bề mặt giấy dó hoặc giấy xuyến chỉ với ưu điểm nổi bật là độ bền theo thời gian. Đường nét trong tranh Hàng Trống uyển chuyển và tinh xảo, mềm mượt cùng với cách tạo các màu ẩn hiện để miêu tả rõ từng chi tiết nhỏ nhất của bức tranh. Đó là hình ảnh của Bà Chúa Thượng Ngàn uy nghi mà nhân hậu, hình ảnh các tố nữ đang chơi đàn mê mượt trong không gian biểu diễn ước lệ, bộ tranh Tứ bình và tứ quý với vẻ đẹp bốn mùa thanh bình... Khi nghiên cứu về tranh Hàng Trống, Phan Ngọc Khuê nhận xét: “nghệ thuật bố cục tranh Hàng Trống có vẻ đẹp phóng khoáng, đa dạng, bay bướm, linh hoạt và thoải mái trong tạo hình chi tiết. Đến khi phóng bút tô màu, cản màu, tranh lại càng thêm sinh động, sôi nổi và hoạt bát” (5).

Thể loại tranh dân gian đơn giản, gần gũi đời thường và đậm nét trang trí từ đường nét, màu sắc đến hình ảnh, bố cục, chất liệu; khi vận dụng vào thiết kế bao bì hiện đại, nó còn là một cách để thể hiện tính gắn kết cộng đồng, dân tộc, giúp phát huy những giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam. Thương hiệu The Bloom chắt lọc những họa tiết trong bức tranh dân gian Hàng Trống Canh nông vi bản, để ứng dụng vào bao bì sản phẩm quà Tết. Những hình ảnh của người nông dân trong bức tranh là những hình ảnh quen thuộc khi làm nông như gieo mạ, tát nước, gặt lúa, gánh lúa, đập lúa... được bóc tách khéo léo từng họa tiết trên tranh để đưa vào hình ảnh của từng sản phẩm bao bì bánh, mứt cho phù hợp. Bao bì được đóng gói đẹp đẽ, trang trọng, màu sắc tươi vui phù hợp với dịp lễ Tết; đặc biệt, đề cao văn hóa bản địa của dân tộc và mang tính độc đáo cao.

Hình ảnh kiến trúc cổ sử dụng thiết kế trang trí trên bao bì sản phẩm

Kiến trúc cổ là những công trình kiến trúc được xây dựng trong thời kỳ phong kiến - trước TK XIX, các công trình kiến trúc cổ thường sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương và phong cách kiến trúc bản địa, thường là các công trình kiến trúc thành quách; kiến trúc cung điện - dinh thự; kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng; kiến trúc dân gian; kiến trúc vườn cảnh.

Các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng ở Việt Nam như kiến trúc cung đình Huế, Văn Miếu, chùa Cầu, chùa Bút Tháp, cầu Thê Húc… Các công trình kiến trúc cổ là nhân chứng sống chứng kiến bao sự thay đổi của một dân tộc về kinh tế, văn hóa, chính trị. Việc đưa các kiến trúc cổ vào trong thiết kế là một cách dung hòa yếu tố truyền thống và hiện đại, tạo nên nét độc đáo cho bao bì sản phẩm.

Lấy cảm hứng từ 36 phố phường Hà Nội, Bia thủ công 36 Streets mang đặc trưng cho lịch sử và văn hóa đất Hà Thành. Thương hiệu Bia thủ công 36 Streets đã sử dụng hình ảnh các công trình kiến trúc cổ của Hà Nội để làm hình ảnh trên bao bì, với những đặc trưng riêng: Bia Wooden Bridge - sự hòa trộn tân cổ độc đáo, Bia Drum Street APA - dấu ấn truyền thống đậm đà, Bia West Lake - làn gió mát lạnh hồ Tây, Bia Opera House - bản giao hưởng nghệ thuật kinh điển. Hình ảnh mỗi công trình kiến trúc cổ được thể hiện lại như những bức tranh nghệ thuật, mỗi loại bia mang tên của một địa danh, cùng với hương vị đặc trưng riêng, làm cho người xem - thưởng thức nhớ về một Hà Nội xưa đậm đà bản sắc dân tộc.

Hình ảnh lễ hội truyền thống sử dụng thiết kế trang trí trên bao bì sản phẩm

Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc, một hình thức sinh hoạt tập thể của người dân và là dịp để mọi người cùng hướng đến những sự kiện trọng đại của dân tộc, hoặc những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, vui chơi của địa phương. Việt Nam có rất nhiều lễ hội truyền thống trong suốt một năm, mỗi địa phương lại có những lễ hội truyền thống riêng biệt, có những lễ hội mà cả dân tộc cùng tổ chức và tham gia như: Tết Nguyên đán và Tết Trung thu...

Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm mới của Việt Nam. Vào dịp này, gia đình đoàn tụ và sum họp bên nhau, cùng trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị những đồ ăn đặc biệt, thăm hỏi người thân, dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau, mừng tuổi năm mới và dâng mâm ngũ quả lên tổ tiên. Tết Trung thu là dịp lễ ngày 15-8 (âm lịch), đây là dịp lễ được trẻ em đặc biệt yêu thích, vì vào ngày lễ này, trẻ em sẽ được ăn bánh trung thu, chơi đèn lồng, xem múa lân và được ngắm trăng phá cỗ. Câu chuyện Trung thu trẻ em thường được nghe kể về sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa có chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc và cây đa.

Bằng cách khai thác văn hóa truyền thống của dân tộc từ các lễ hội, thương hiệu The Bloom tái hiện lại một mùa Tết Trung thu mang âm hưởng văn hóa dân gian. Hình ảnh gia đình quây quần bên nhau để phá cỗ trông trăng, đàn em nhỏ rộn ràng múa lân rước đèn ông sao, chú cuội ngồi gốc cây đa… miêu tả những nét văn hóa dân gian đặc trưng của mùa lễ hội ở Việt Nam. Bao bì được thiết kế bằng cách sử dụng vật liệu tự nhiên là giỏ mây đan lát - vừa thân thiện môi trường, vừa sử dụng vật liệu tự nhiên truyền thống của địa phương, giúp bao bì không chỉ là một món quà đẹp đẽ, dân dã, gần gũi, mà còn gửi gắm qua đó tinh thần văn hóa dân tộc trên sản phẩm.

Ngoài ra, việc sử dụng màu sắc và các vật liệu tự nhiên cũng góp phần đưa nghệ thuật dân gian vào thiết kế trang trí, sử dụng bao bì đương đại.

Về màu sắc, người Việt Nam thường ưa thích những màu sắc sáng sủa, thanh nhã, hài hòa; đặc biệt, ưa thích các màu sắc của thiên nhiên, bắt nguồn từ thiên nhiên. Văn hóa phương Đông thường yêu thích sử dụng màu đỏ - màu sắc tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, nhiều tài lộc, được nhiều quốc gia châu Á ưa chuộng sử dụng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam, những tông màu ấm nóng như màu đỏ, cam và vàng thường dùng cho các dịp lễ hội như Trung thu, Tết.

Về vật liệu, việc sử dụng vật liệu tự nhiên như mây, tre, gốm, gỗ... khơi gợi cho người tiêu dùng cảm giác quay trở về với tự nhiên, đơn giản, bảo vệ môi trường, sức khoẻ và sự tin tưởng. Đồng thời, các vật liệu khác nhau cũng phản ánh nghệ thuật dân gian của các vùng miền khác nhau.

Như vậy, bao bì ứng dụng nghệ thuật dân gian là một hướng thiết kế cần được khai thác và đi sâu vào tìm hiểu, để ứng dụng những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật dân gian vào trong thiết kế bao bì hiện đại, tạo nên những giá trị nghệ thuật đương đại mới, mang đậm chất truyền thống Việt Nam.

3. Kết luận

Nghệ thuật dân gian là cội nguồn của văn hóa dân tộc, với những giá trị thẩm mỹ, văn hóa và nghệ thuật đã xứng đáng đóng vai trò quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Việc theo đuổi tinh thần nghệ thuật dân gian truyền thống trong thiết kế bao bì hiện nay không chỉ đơn thuần là hình thức bên ngoài, mà còn là ở cả khía cạnh tinh thần dân tộc, giúp sản phẩm mang giá trị kinh tế cao và đời sống tinh thần của con người cũng trở nên có giá trị. Đây là một cách kết nối giữa truyền thống và hiện đại, kết nối cảm xúc của những con người thế hệ trước với thế hệ sau. Thiết kế trên các sản phẩm ứng dụng mang phong cách nghệ thuật dân gian là cách bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian trong đời sống hiện đại ở Việt Nam.

______________

1. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa dân tộc, Tạp chí Di sản Văn hóa, Hà Nội, 2005, tr.51-57.

2. Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr.5.

3. Trường Đại học dân lập Văn Lang, Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về Bản Sắc Việt, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2014, tr.527.

4. Trần Thị Loan, Di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2016, tr.115.

5. Phan Ngọc Khuê, Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr.12.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Hồng Ngọc, Thiết kế đồ họa Việt Nam trong mối liên hệ với nghệ thuật truyền thống, Luận án tiến sĩ nghệ thuật, Hà Nội, 2016.

Ths NGUYỄN THỊ THU HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;